RSF phản hồi chỉ trích của báo VN về Giải thưởng Netizen 2013

Netizen2013Bản dịch của Nguyễn Thành (Defend the Defenders)

rsf2Ngày 22/3/2013 – Trong một bài báo được đăng tải trên mạng ngày 14-3, nhật báo tiếng Việt, tờ Nhân Dân, đã chỉ trích giải thưởng Công dân mạng (Netizen) năm 2013 của tổ chức Phóng viên không biên giới trao cho nhà báo công dân và blogger người Việt Nam: Huỳnh Ngọc Chênh.

Cũng như những đồng bào của ông như cô Tạ Phong Tần và Nguyễn Hoàng Vi, ông Chênh đã được chọn vì nỗ lực của ông trong việc bảo vệ tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam và vì sự can đảm mà ông đã thể hiện khi sử dụng website của mình cho tự do phát biểu ý kiến đa chiều mang tính xây dựng về chính trị – xã hội tại đất nước của ông.

Đây là hồi đáp của tổ chức Phóng viên không biên giới đối với những chỉ trích và quan điểm khác nhau được đăng trong một bài của báo Nhân Dân:

Chúng tôi ngạc nhiên bởi lập trường mâu thuẫn của bài báo về chủ trương của các tổ chức quốc tế trao giải thưởng. Nó nói về “niềm tự hào dân tộc” trong mối liên hệ với vài giải thưởng quốc tế nào đó nhưng lại miêu tả những giải thưởng không đúng ý họ thành ra như là “sự can thiệp chính trị”.

Quan điểm này phản ánh mối quan ngại hàng đầu của báo Nhân Dân. Theo bài báo, “hình ảnh quốc gia” quan trọng hơn tầm ảnh hưởng tích cực của những blogger đạt giải thưởng quốc tế, những thông tin mà họ cung cấp cho người dân Việt Nam, lập trường chính trị của họ khác với lập trường Đảng cộng sản, và những cuộc tranh luận trực tuyến công khai về dân chủ sẽ không thể tồn tại được vì mọi không gian ngôn luận và thông tin sẽ chỉ để dành cho một đảng chính trị được phép duy nhất của đất nước.

Khi viết về những vấn đề chính trị và xã hội của Việt nam (mà báo Nhân Dân đã không cố phủ nhận), ông Chênh, cô Tần và Hoàng Vi không bôi nhọ hình ảnh Việt Nam. Ngược lại, họ còn cải thiện nó, và trên hết, họ gieo lên hy vọng về một xã hội dân chủ, được thông tin và giải thoát khỏi sự kiểm duyệt độc đoán và kiểm soát tư tưởng, mà một ngày nào đó niềm hy vọng này có thể thành hiện thực tại Việt Nam.

Không cần thiết phải hồi đáp với những lý thuyết không tưởng về một liên minh quốc tế gồm các tổ chức báo chí, tổ chức phi chính phủ và các chính phủ đang bằng mọi giá tìm cách “phá hoại chính quyền Việt Nam”, mà chúng tôi muốn nhắc lại chủ trương của chúng tôi về tự do ngôn luận và tự do thông tin, hai quyền tự do cơ bản được ghi nhận tại Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế.

Hai quyền tự do này bao gồm quyền phê phán bất kỳ chủ thể chính trị nào, quyền cung cấp thông tin và bình luận về bất kỳ sự kiện hay tình huống nào, và quyền đưa tin về các vấn đề nhạy cảm như khai thác bauxite, tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, và các động thái của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề này.
Ở những quốc gia mà quyền tự do báo chí ít nhiều được tôn trọng, họ liên tục chỉ trích chính quyền, chế giễu họ hoặc biến họ thành trò cười mà không bị buộc tội hoạt động nhằm gây bất ổn đất nước hoặc lật đổ chính quyền, thậm chí ngay cả trong trường hợp họ đăng các thông tin sai lệch về các quan chức cấp cao.
Những ai nỗ lực sử dụng các quyền chính đáng này tại Việt Nam đều có nguy cơ bị bỏ tù trong nhiều năm. Chúng tôi lên án hình sự hóa các hoạt động này của họ, và đặc biệt là việc sử dụng điều 88 Bộ luật hình sự một cách có hệ thống nhằm chống lại những người cố gắng cung cấp các thông tin và tin tức độc lập cho đồng bào của họ.
Bằng cách trao giải Công dân mạng năm 2013 cho ông Chênh, chúng tôi cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với sự can đảm của 31 blogger và các công dân làm báo hiện đang bị cầm tù và chúng tôi xin gửi đi một thông điệp rằng tự do thông tin quan trọng hơn nhiều bất kỳ hình ảnh nắn tạo nào về VN mà chính quyền đang cố gắng quảng bá.

Về lâu dài, chính việc bảo đảm quyền tự do thông tin này sẽ góp phần lớn nhất trong việc nâng cao sự tôn trọng mà quốc tế dành cho Việt Nam.

Trong khi chờ đợi, có thể hy vọng báo Nhân Dân sẽ cho đăng bài phản hồi này không?

*Source RSF

***

Defend the Defenders xin đăng lại bài “Vinh danh” hay tiếp tay cho cái xấu?  trên báo Nhân Dân Điện tử của tác giả Lam Sơn và bài phản bác Thế thì chắc chắn là vinh danh rồi “Nhân Dân” ạ của blogger JB Nguyễn Hữu Vinh để rộng đường dư luận:

“Vinh danh” hay tiếp tay cho cái xấu?

Nhân Dân điện tử – Thứ sáu, 15/03/2013 – 01:57 AM (GMT+7)

Trong những ngày qua,  không hiểu vô tình hay cố ý mà cùng một thời điểm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và một số tổ chức như “Phóng viên không biên giới”, “Tự do ngôn luận quốc tế” liên tiếp tổ chức “vinh danh” một số người

Việt đang sử dụng internet  để xuyên tạc, bôi nhọ và chống phá Việt Nam. Việc “vinh danh” của họ nhằm mục đích gì?

Nhiều năm qua, việc người Việt Nam được trao một giải thưởng quốc tế nào đó không còn là chuyện hiếm. Bằng tài năng, trí tuệ của mình, nhiều người Việt Nam đã mang lại vinh dự cho Tổ quốc qua các giải thưởng có uy tín trên thế giới. Mặc dù còn một số hạn chế nhất định, nhưng điều đó vẫn chứng tỏ tài năng, trí tuệ Việt Nam, với những bước phát triển rất đáng tự hào. Từ nghệ sĩ Ðặng Thái Sơn, nhà toán học Ngô Bảo Châu, kỳ thủ Lê Quang Liêm,… đến hàng trăm học sinh đạt giải cao trong các kỳ Olympic khoa học quốc tế thật sự là niềm tự hào, trở thành tấm gương để thế hệ trẻ noi theo, tiếp tục làm rạng danh Tổ quốc. Ngược lại, một số “giải thưởng quốc tế”, do một số tổ chức nước ngoài trao cho một số người có hành vi vi phạm pháp luật, không những không đem lại vinh dự cho Tổ quốc mà còn làm xấu đi hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, đó là trường hợp của những người như Tạ Phong Tần, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Hoàng Vi.

Huỳnh Ngọc Chênh được tổ chức “Phóng viên không biên giới” (RSF) – một tổ chức phi chính phủ thành lập tại Pháp vào năm 1985 với nhiệm vụ cổ súy cho tự do báo chí và tự do ngôn luận kiểu phương Tây, trao giải “Công dân mạng 2013” nhân Ngày Thế giới chống kiểm duyệt Internet (12-3). Nguyễn Hoàng Vi được tổ chức “Tự do ngôn luận quốc tế” (IFEX), có trụ sở chính tại Canada, “vinh danh” là một trong bảy phụ nữ tiêu biểu về bảo vệ quyền tự do ngôn luận; riêng Tạ Phong Tần là một trong chín phụ nữ được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải “Phụ nữ can đảm nhất thế giới 2013”. Trên thực tế, đây là các giải thưởng mà nếu không có sự tâng bốc của mấy tổ chức phản động như Việt Tân, đảng Dân chủ Việt Nam,… cùng mấy cơ quan truyền thông VOA, BBC, RFA, RFI,… và một số blog của các đối tượng có thái độ chống đối, thì hầu như không ai biết tới. Thật ra, đây không phải là lần đầu các đối tượng có “thâm niên” trong việc chống đối Nhà nước Việt Nam được trao tặng các “giải thưởng nhân quyền”. Tính sơ sơ cũng đã có gần chục loại “giải thưởng nhân quyền” được trao cho các đối tượng chống đối ở Việt Nam, nhưng để gây tiếng vang, người ta còn đề cử vài ba người để xét nhận giải thưởng Nobel hòa bình, Nobel văn chương!

Ðể trao giải cho Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Hoàng Vi và Tạ Phong Tần,  RSF,  IFEX và Bộ Ngoại giao Mỹ đã bỏ qua, thậm chí đi ngược lại tôn chỉ, mục đích và ý nghĩa ban đầu của các giải thưởng mà họ đã khởi xướng là “khuyến khích và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do internet”. Và họ cũng không e dè khi nói rõ điều này, như khi trả lời phỏng vấn đài VOA, Giám đốc phụ trách truyền thông của RSF – Lucie Morillon cho rằng: “Trao giải thưởng cho blogger Chênh là cách chúng tôi ghi nhận sự đóng góp của những nhà báo tự do tại Việt Nam cổ súy cho quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin và tự do internet bất chấp sự đàn áp và kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền Hà Nội”. Còn đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, trong phát biểu tại buổi trao giải “Phụ nữ can đảm nhất thế giới 2013” lại “ca ngợi” Tạ Phong Tần là “một trong những blogger đầu tiên tại Việt Nam bình luận về các tin tức, sự kiện chính trị bị nhà cầm quyền hạn chế; giúp thức tỉnh các blogger và nhà báo tại Việt Nam dám dũng cảm chuyển tải thông tin, chính kiến tới người dân Việt Nam”. Hai ý kiến trên cho thấy đối với RSF, IFEX và Bộ Ngoại giao Mỹ, vấn đề không phải là “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet”, mà là “tự do  chống đối” Nhà nước Việt Nam. Bởi vậy, biện bạch thế nào thì họ cũng không thể lẩn tránh một sự thật là, bằng việc trao giải thưởng, họ đã tiếp tay cho cái xấu, cổ vũ cho người đã có hành vi vi phạm pháp luật. Như trường hợp Tạ Phong Tần, ngày 9-3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định: “Ðây là việc làm sai trái, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước”.

Trước hết cần khẳng định Tạ Phong Tần, Huỳnh Ngọc Chênh và Nguyễn Hoàng Vi không phải là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Có thể tìm hiểu điều này qua các  bài viết, ý kiến mà các đối tượng này đã đăng tải trên blog cá nhân hay trả lời phỏng vấn của một số báo, đài nước ngoài. Trong đó, họ xuyên tạc tình hình kinh tế – xã hội trong nước, vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên để kích động chống phá, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Trong ba đối tượng này, nổi bật hơn cả là Tạ Phong Tần. Báo chí trong nước đã công bố cụ thể nhiều thông tin mà lẽ ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cần tham khảo trước khi “vinh danh” người này. Chính Tạ Phong Tần từng thừa nhận đã nhiều lần viết bài, trả lời phỏng vấn của báo, đài nước ngoài để nói xấu ngành Công an, nói xấu Nhà nước. Tính đến thời điểm trước khi bị bắt năm 2011, Tần đã viết, phát tán gần 900 bài viết có nội dung xuyên tạc, chống đối Nhà nước Việt Nam theo “kịch bản” của các cá nhân, tổ chức bên ngoài; viết và trả lời BBC, RFI, RFA hơn 100 bài. Với những hành vi cố tình và mang tính hệ thống đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25-9-2012, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Tạ Phong Tần 10 năm tù giam vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Ðiều 88 Bộ luật Hình sự. Ðây chính là cơ sở để khẳng định Tạ Phong Tần đi lạc vào ý nghĩa của giải thưởng “Phụ nữ can đảm thế giới 2013” như tôn chỉ, mục đích giải thưởng này của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Vậy ý đồ phía sau các giải thưởng nhân quyền nói trên là gì? Xét từ bản chất vấn đề thì Tạ Phong Tần, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Hoàng Vi hay một số đối tượng khác như Nguyễn Văn Hải (blog “Ðiếu cày”), Phan Thanh Hải (blog “Anh ba Sài Gòn”), Vũ Quốc Tú (blog Uyên Vũ), Ngô Thanh Tú (blog Thiên Sầu), Lê Hồ Ngọc Ðiệp (blog Trăng đêm), rồi Phạm Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy… chỉ là mấy “quân bài”, trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch cùng một số người đang rắp tâm triển khai ở Việt Nam. Họ cố gắng tô vẽ cho các đối tượng này qua các mỹ từ “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động dân chủ”, “tù nhân lương tâm”,… Nhưng họ không thể che đậy được một “kịch bản” đã và đang được triển khai để vừa làm ảnh hưởng tới uy tín của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, vừa lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do internet để tiến hành hoạt động chống đối nhằm gây bất ổn chính trị ở Việt Nam. Việc trao các loại “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng kể trên chính là một phần của kịch bản này. Và thật sự là hành động cổ súy, dung túng cho phần tử chống đối Nhà nước, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Sự việc càng nghiêm trọng hơn, sau khi được người ta “vinh danh”, bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, Tạ Phong Tần, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Hoàng Vi đã trả lời phỏng vấn, “phát biểu cảm tưởng” trên một số cơ quan truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam như VOA, RFA, RFI, BBC… Riêng với Huỳnh Ngọc Chênh, nhân vật này tỏ ra rất hí hửng và đắc thắng với “vinh dự” của mình, nên đã đi quá xa khi phát biểu tại lễ trao giải “Công dân mạng 2013”, đã lớn tiếng vu cáo Nhà nước Việt Nam cản trở  các blogger, hạn chế tự do báo chí, cho rằng ở Việt Nam không có báo chí tư nhân nên các thông tin đăng tải trên báo chí đều theo định hướng của Ðảng cầm quyền! Tuy nhiên, những lời lẽ đó lại chứa đựng một mâu thuẫn mà chắc chắn chính Huỳnh Ngọc Chênh không thể lý giải. Bởi, nếu thật sự Việt Nam cản trở  các blogger thì làm sao “lực lượng blogger” ở Việt Nam có thể ngày càng phát triển “lớn mạnh và rộng khắp” như chính Huỳnh Ngọc Chênh thừa nhận khi phát biểu tại buổi nhận giải? Làm sao hằng ngày Huỳnh Ngọc Chênh vẫn công bố bài  trên blog của ông ta mà không bị gây khó khăn?  Sao ông ta lại phủ nhận và nói xấu những điều mà chính ông ta đang được thụ hưởng? Tương tự như thế, khi trả lời phỏng vấn của BBC và RFA, Nguyễn Hoàng Vi và Tạ Minh Tú – em gái Tạ Phong Tần, đều bày tỏ niềm “vinh dự”, “tự hào” vì được trao “giải thưởng”; họ coi đây là nguồn “khích lệ” cho các “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” tại Việt Nam! Là người Việt Nam, họ nên thấy xấu hổ chứ không phải là vinh dự, vì hành vi của họ đã hoàn toàn đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, của dân tộc và vi phạm pháp luật của Việt Nam. “Giải thưởng” họ được trao chỉ làm cho họ ngày càng trở thành công cụ đắc lực trong tay những người đang tìm mọi cách chống phá, cản trở, với ý đồ làm thay đổi bản chất chính trị – xã hội ở Việt Nam mà thôi.

=======

Thế thì chắc chắn là vinh danh rồi “Nhân Dân” ạ

Ngày 18/3/2013 – JB Nguyễn Hữu Vinh.

Bài viết trên báo Nhân dân số ra ngày 14/03/2013 có bài viết với tựa đề là một câu hỏi“Vinh danh hay tiếp tay cho cái xấu?”.

Mở đầu bài viết nêu một loạt các tổ chức và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đồng loạt vinh danh một số người sử dụng innternet ở Việt Nam. Bài báo kết luận ngay rằng đó là để“xuyên tạc, bôi nhọ và chống phá Việt Nam”. Thế rồi lại đặt câu hỏi lại: Việc “vinh danh” của họ nhằm mục đích gì?

Cách đặt câu hỏi, xong kết luận ngay rồi lại hỏi lại cứ luẩn quẩn làm người đọc không hiểu báo Nhân Dân đang định hỏi điều gì. Có thể tác giả cũng chưa hẳn đã khẳng định được các giải thưởng đó đã “vinh danh” hay “tiếp tay cái xấu”.

Riêng cái vụ nước ngoài tự dưng đi vinh danh mấy người Việt Nam cũng phức tạp lắm thứ. Khi thì là Nghệ sĩ Dương cầm số 1, khi thì là nhà toán học giỏi hàng đầu thế giới, khi thì phụ nữ can đảm nhất năm 2013, khi thì là người đấu tranh cho tự do báo chí, nhân quyền v.v… Thế nhưng báo chí, nhà nước Việt Nam goi khi là vinh danh, khi à can thiệp nội bộ, khi thì không phải là vinh danh. Cứ loạn cả lên chẳng biết đường nào mà lần.

tudobaochi

Bản đồ về tự do báo chí trên thế giới. Việt Nam năm năm được “vinh danh” là kẻ thù của Internet

Vậy thử căn cứ thực tế Việt Nam, cùng tìm hiểu với Báo Nhân chắc sẽ là điều thú vị. Cứ gọi tờ báo Đảng này theo tên tự nhận là “Nhân Dân” (trong ngoặc kép) cho gọn và dễ gọi.

Này ông “Nhân Dân”.

Có lẽ cần giải thích cho rõ ràng cái “Rạng danh Tổ Quốc” mà “Nhân Dân” thường dùng là gì.

“Nhân Dân” liệt kê vài trường hợp được quốc tế vinh danh như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu, kỳ thủ Lê Quang Liêm… đã làm rạng danh Tổ Quốc. Hẳn là thế rồi, khi người Việt Nam được Quốc tế cảm phục và công nhận thì đất nước được rạng danh là hiển nhiên. Có điều cần nhắc “Nhân Dân” là sau khi đã đỗ đạt làm “rạng danh” đất nước, thì Đặng Thái Sơn trở thành công dân nước khác. Trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã làm rạng danh Tổ Quốc từ nước Pháp dù đất nước ta được xếp hạng có chỉ số hạnh phúc đứng thứ hai thế giới.

Nhưng còn có những người Việt Nam cũng đã được cả thế giới biết đến và cảm phục, vinh danh song đã và sẽ không được “Nhân Dân” tính là làm “rạng danh Tổ Quốc”. Đó là ông Lê Văn Hiếu, đã từng chạy trốn Cộng sản bằng chiếc thuyền rách nát năm 1977, để rồi làm Phó Toàn quyền Tiểu bang South Australia. Đó là ông Joseph Cao Quang Ánh, người Mỹ gốc Việt đầu tiên phục vụ trong Quốc Hội Mỹ. Ông cũng là người Việt tị nạn chạy trốn Cộng sản năm 1975. Đó là Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, người đã từng nếm mùi nhà tù cộng sản từ 1975-1988 rồi khi bị trục xuất sang Roma giữ chức Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Vatican. Hiện là Chân phước của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ. Thậm chí cả những người giữ những chức vụ cao như Philipp Roesler, từ cậu bé Việt Nam mồ côi sang Đức được bầu làm Phó Thủ Tướng. Còn nhiều những người khác mà sở dĩ họ không được coi là “làm rạng danh Tổ Quốc”, lại có những người còn được kết tội là chống phá đất nước, dân tộc, chỉ vì họ không thích Cộng sản. Mà ở đất nước ta thì đảng đã định nghĩa “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa xã hội”.

Như vậy, họ có được coi là làm “rạng danh Tổ Quốc” hay không thì tài năng và thành công chỉ là chuyện nhỏ. Nó không chỉ phụ thuộc vào việc họ có làm cho thế giới cảm phục con người và trí tuệ người Việt, mà là họ có được Đảng Cộng sản yêu mến hay không. Họ có thích Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản hay không, đó mới là yếu tố quyết định. Mà những người có đầu óc siêu việt này thì chắc chắn là không thích Cộng sản rồi, đúng không “Nhân Dân”?

Dù vậy, thì đó chỉ là vấn đề tính đến công trạng trong việc làm “Rạng danh Tổ Quốc”, nó phụ thuộc vào ý Đảng đánh giá theo cách của Đảng. Nhưng, nhận xét về đánh giá của người khác đối với ai đó, phải căn cứ họ đánh giá về mặt nào. Nó thuộc về việc làm, nhận thức và ý chí của họ thì không thể nhận xét bằng thái độ yêu hoặc ghét của mình, mà phải căn cứ thực tế.

Mới đây, có những người ở trong nước được cả thế giới ca ngợi, cảm phục và tặng thưởng thì “Nhân Dân” đã đưa ra một bản kết án. Cụ thể ba người là Huỳnh Ngọc Chênh, Tạ Phong Tần và Nguyễn Hoàng Vi được “Nhân Dân” ưu ái “vinh danh” cụ thể. Theo “Nhân Dân”, thì đó là “một số người có hành vi vi phạm pháp luật”. Hiển nhiên là pháp luật Việt Nam, còn có phù hợp với những điều luật Quốc tế mà Việt Nam đã long trọng ký kết hay không là chuyện khác. Đảng ta hiện đang cầm quyền nên có quyền giải thích từ ngữ phụ thuộc vào mỗi trường hợp, hoàn cảnh và ý muốn khác nhau, phải không “Nhân Dân”? Chẳng hạn điều luật “Công dân chỉ được xem là có tội khi có bản án có hiệu lực của Tòa án” đã không có giá trị gì khi “Nhân Dân” cần kết tội họ.

taphongtan

Tạ Phong Tần

Thử xem trường hợp Tạ Phong Tần. Cô ta là một phụ nữ đã từng phục vụ trong lực lượng công an một thời gian dài lên đến cấp bậc sĩ quan, lon Đại úy. Nếu cứ chấp nhận “còn đảng, còn mình” thì chắc giờ này cũng yên tâm là… to béo khỏe mạnh, nhà cửa đàng hoàng, giàu có, ăn nói bặm trợn, đánh dân chẳng sao. Thế nhưng, hoặc là cô này có máu liều, hoặc là lên cơn khó chịu, lại không chịu yên ấm mà tố cáo những cái sai, cái xấu, cái vô nhân tâm, suy đồi đạo đức… Thế mới nên chuyện.

Đằng đẵng bao năm trời, cô đơn, vất vả, không nhà cửa, không tài sản, chịu nhiều cơn nổi hứng khó chịu của cán bộ công quyền, của những người từng là đồng chí, đồng nghiệp. Thế nhưng cô vẫn kiên trì, vẫn gan dạ, vẫn dũng cảm nói lên điều mình nghĩ, phản ánh điều mình thấy. Bị bắt, bị giữ, bị cướp, bị khủng bố… Tất cả không làm cô nao núng. Thậm chí khi vào tù, bà mẹ đã tự thiêu uất nghẹn và oan ức bên ngoài kêu oan cho con mà không tác dụng. Cô vẫn không sờn lòng, không nản chí để cuối cùng bị án tù những 10 năm.

Mười năm trời cho một cô gái chưa có gia đình mắc tội dám nói sự thật, đó là sự dã man. Nhưng cô chấp nhận hậu quả khi nói lên sự thật bất chấp đe dọa và khủng bố. Đó là sự dũng cảm, không thể nói từ nào khác, phải không “Nhân Dân”?

Ở trên thế giới, hiếm có một đất nước nào có cách hành xử như vậy đối với một phụ nữ cất lên tiếng nói cho Sự thật và Công lý. Vì vậy đất nước chúng ta luôn được đặc biệt quan tâm. Ở đất nước chúng ta, những người phụ nữ bình thường chỉ hoặc lo giữ bếp lửa nhà mình, hoặc lo “theo đảng đến cùng” để kiếm ăn, hễ nghe nói đến chuyện công an, bắt bớ thì sợ toát mồ hôi. Vậy thì một người phụ nữ dám đương đầu với cái xấu, cái ác, vì sự nghiệp chung, thì đó là sự dũng cảm chứ còn có thể được gọi là gì.

Vì thế, khi các tổ chức nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Mỹ tặng thưởng cô ấy danh hiệu “Người phụ nữ cam đảm nhất năm 2013” thì đấy chắc chắn là Vinh danh rồi, “Nhân Dân” ạ.

huynhngocchenh-RSF

Huỳnh Ngọc Chênh

Trường hợp Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà báo trong hệ thống báo chí của Đảng. Đã từng phục vụ nhà nước đến khi nghỉ hưu với những bài viết mang đủ ba tính: “Tính đảng, tính Chiến đấu và Tính văn học”. Lẽ ra ông chỉ nên noi gương các bậc đàn anh là tăng cường kiếm phong bao, quà cáp bằng cách bẻ ngòi bút theo lệnh trên, để kiếm thật nhiều phong bao, quà cáp, để được thăng quan tiến chức nhằm kiếm phong bao, quà cáp nhiều hơn. Rồi khi nghỉ hưu chỉ cần ngồi hưởng thụ thành quả kiếm được, từ những ngón nghề mà nghề báo CHXN cho phép. Thế là yên chuyện.

Thế nhưng, Huỳnh Ngọc Chênh đã không làm vậy. Đóng lại những bài viết mang ba tính, ông mở ra những bài viết mang đủ nhiều tính, mà sâu đậm nhất là tính Nhân văn và nhân tâm để phục vụ nhân dân. Để rồi không thể có phong bì, mà chỉ có thể nhận Giấy Triệu tập. Đó mới là sự không bình thường. Với một người từng làm báo nhà nước, ông không thể không nhận thức được những hiểm nguy, cam go sẽ phải đối mặt. Vậy mà ông vẫn làm vì sự thôi thúc của trái tim, chấp nhận mọi điều không hay xảy đến cho cá nhân mình.

Thế thì không thể nói gì hơn, đó là sự dũng cảm đáng khâm phục. Và với những giải thưởng tặng cho người dũng cảm đáng khâm phục đó, thì chắc chắn là sự vinh danh rồi, “Nhân Dân” ạ.

nguyenhoangvi-500x500

Nguyễn Hoàng Vi

Còn Nguyễn Hoàng Vi, một phụ nữ tuổi chưa nhiều, như hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam khác. Cô cũng sợ bị ảnh hưởng thanh danh, cũng muốn êm ấm cửa nhà. Chắc hẳn cô cũng có nhu cầu được mọi người tôn trọng mà không thích bất cứ sự xúc phạm nào. Thế nhưng, để nói lên tiếng nói của mình không phụ thuộc vào cái lưỡi người khác, cô đã phải trả giá. Nhiều ngón đòn quen thuộc, đểu cáng cô đã từng nhận. Nhưng có lẽ cách cách mà cô đã chịu khi bị bắt về đồn, lột hết quần áo và xúc phạm thân thể để quay phim, thì ít có đất nước nào nghĩ ra được. Đó là sự man rợ và đểu cáng đến tận cùng. Có lẽ đó là nỗi sợ hãi không chỉ dành cho phụ nữ mà ngay cả giới mày râu.

hv

Nguyễn Hoàng Vi cho biết: Cô đã bị lột truồng, xâm phạm thân thể và quay phim khi bị bắt vào đồn.

Thế nhưng cô đã không hề run sợ, không hề chùn bước. Cô vẫn tiếp tục nói lên tiếng nói của mình, thật sự là của mình. Vậy thì đó là sự gan dạ chứ không thể nói cách nào khác, phải không “Nhân Dân”?

Và khi tổ chức IFEX tặng cô giải thưởng là 1 trong 7 phụ nữ tiêu biểu vì tự do ngôn luận trên thế giới, thì đó là Vinh danh hẳn hoi đấy, “Nhân Dân” ạ.

Đọc đoạn này trên “Nhân Dân” (rất may là ít người đọc tờ này, nếu không thì chắc hẳn không thiếu người bị tai nạn vì mải cười ngả nghiêng mà té xỉu): “Riêng với Huỳnh Ngọc Chênh, nhân vật này tỏ ra rất hí hửng và đắc thắng với “vinh dự” của mình, nên đã đi quá xa khi phát biểu tại lễ trao giải “Công dân mạng 2013″, đã lớn tiếng vu cáo Nhà nước Việt Nam cản trở  các blogger, hạn chế tự do báo chí, cho rằng ở Việt Nam không có báo chí tư nhân nên các thông tin đăng tải trên báo chí đều theo định hướng của Ðảng cầm quyền”.

Một người được vinh danh hẳn hoi, được cộng đồng quốc tế công nhận như Huỳnh Ngọc Chênh, mà không coi là vinh dự, thì coi là sự sỉ nhục chăng? Giải thưởng này đâu phải như đồng chí Kim Jong Un được “vinh danh” là “Người đàn ông quyến rũ nhất năm 2012 của The Onion

Còn vu cáo nhà nước ư? Làm sao một Huỳnh Ngọc Chênh có thể nói lại với khoảng 800 tờ báo nhà nước, hàng trăm “dư luận viên”? Tại sao với hàng vạn tiếng nói của báo chí Nhà nước, vẫn không át được tiếng nói nhỏ nhoi của Huỳnh Ngọc Chênh nếu Huỳnh Ngọc Chênh không có một vũ khí là Sự thật?

Huỳnh Ngọc Chênh vu cáo nhà nước cản trở các blogger là không đúng ư? Lạ nhỉ. Nếu ông Chênh muốn chứng minh việc này, chắc cũng khó như học sinh lớp năm phải chứng minh 2+2=4, thưa “Nhân Dân”.

Thử xem nhé “Nhân Dân”:

Theo tôi thì cứ thực tế mà nói nhé. Một luật sư đã từng gửi đơn khiếu nại việc một ông tướng ngành công an thản nhiên khoe thành tích “Đánh sập 300 trang mạng và Blog trong một thời gian ngắn”. Chắc đó không phải là các vụ đánh phá báo chí nhà nước chứ? Vậy thì đó là gì? Còn các Blogger? Xin mời “Nhân Dân” xem chỉ cần hai tờ giấy Triệu tập ở đây của tôi đủ hiểu vì cái gì.

nguyenhuuvinh2

vinhgiaytrieutap27-03

giaytrieutap

Những tờ giấy mời và Triệu tập này là gì?

Ông Chênh còn “cho rằng ở Việt Nam không có báo chí tư nhân nên các thông tin đăng tải trên báo chí đều theo định hướng của Ðảng cầm quyền” là sai ư? Cái sự lãnh đạo “tuyệt đối” của Đảng là ở chỗ nào nếu không định hướng báo chí? Cái gọi là Ban Tuyên huấn, hay Ban Văn hóa – tư tưởng Trung ương để làm gì nếu không phải để định hướng? Chẳng lẽ Đảng không định hướng mà hàng loạt tờ báo, trong đó có “Nhân Dân” đã im phăng phắc trong các sự kiện như Kỷ niệm  chống Trung Cộng xâm lược? Đã đồng loạt gọi tàu kẻ thù xâm lược là “tàu lạ”. Đã đồng loạt im lặng về Biển Đảo đất nước bị xâm lăng trong một thời gian dài, đã đồng loạt  im phăng phắc trước những cuộc biểu tình yêu nước của người dân rồi sau đó đồng loạt kết tội người yêu nước là phá rối, là thế lực thù địch?

Trước thực tế đó, nếu không có sự định hướng, thì cần phải gọi nền báo chí Việt Nam là nền báo chí tâm thần.

Kể ra thì nhiều, nói ra cũng lắm. Nhưng chỉ cần biết rằng tờ báo Cơ quan của Trung ương Đảng CSVN lại mang tên “Nhân Dân” thì đủ hiểu rằng, cái sự ngược trong quan niệm, lời nói và biện luận là chuyện không khó hiểu. Chính vì vậy mà đừng thắc mắc vì sao các cơ quan Quốc tế và Bộ Ngoại giao Mỹ đã không thèm tham khảo báo chí trong nước khi vinh danh những người đó.

Và như thế, thì những việc đã nói trên của họ, chính là sự Vinh danh, thưa “Nhân Dân”.

Hà Nội, ngày 17/3/2013

J.B Nguyễn Hữu Vinh

[subscribe2]