Trình tự Xét xử công minh (3) – Phần 1: Quyền con người trước phiên tòa – Chương 2: Quyền được tiếp cận thông tin của người bị giam giữ

Bản dịch của [rollinglinks]Vũ Quốc Ngữ[/rollinglinks]

(Defend the Defenders)

Nguồn: Amnesty International

trinh tu-xet-xu-cong-minh

Khi một người bị bắt hoặc giam giữ, người này cần được thông báo về nguyên nhân bị bắt hoặc giam giữ, và quyền lợi của họ, kể cả quyền được hỗ trợ pháp lý. Họ cần phải được thông báo ngay lập tức những cáo buộc chống lại mình. Thông tin này là cơ sở, cho phép người bị bắt có thể thách thức tính hợp pháp của việc bắt giữ hay giam giữ, nếu họ bị cáo buộc, và chuẩn bị cho việc tự bảo vệ của họ.

2.1 Quyền được thông báo về nguyên nhân bị bắt hoặc bị giam giữ

2.1.1 Khi nào thì được cung cấp lý do bị bắt giữ?

2.2 Thông báo về quyền

2.2.1 Thông báo về quyền được trợ giúp pháp lý

2.2.2 Thông báo về quyền được im lặng

2.3 Quyền được thông báo ngay lập tức về những cáo buộc

2.4 Thông báo bằng một ngôn ngữ mà người bị bắt/bị giam giữ hiểu

2.5 Thông báo những quyền khác đối với người ngoại quốc

__________

2.1 Quyền được thông báo về nguyên nhân bị bắt hoặc bị giam giữ

Khi bị bắt hoặc bị giam giữ, mọi người có quyền được thông báo về lý do tại sao họ bị tước quyền tự do. Quyền này được áp dụng trong mọi hoàn cảnh (Xem Chương 31 trong trường hợp khẩn cấp).

Mục đích chính của yêu cầu này là cho phép một cá nhân phản đối lại việc giam giữ nếu người này thấy việc bắt giữ/giam giữ là bất hợp pháp hoặc thiếu cơ sở. (Xem Chương 6- Quyền đòi hỏi tính hợp pháp của việc bắt giữ). Do đó, nguyên nhân của việc bắt giữ/giam giữ cần phải được cụ thể, có sự giải thích rõ ràng về cơ sở pháp lý của việc bắt giữ và những cơ sở thực tế về việc bắt giữ/giam giữ.

Ví dụ, Ủy ban Quyền con người kết luận rằng sẽ là không đầy đủ nếu chỉ thông báo cho người bị bắt về vụ bắt giữ với lý do an ninh mà không có bất kỳ dấu hiệu cho thấy bản chất của hành vi phạm tội bị cáo buộc.

ICCPR- Điều 9

“Người bị bắt cần được thông báo trong thời điểm bị bắt về lý do bị bắt và được thông báo ngay lập tức những cáo buộc”

Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và chống khủng bố lưu ý rằng những lệnh quân sự bắt và giam giữ người Palestine không yêu cẩu nhà chức trách Israel thông báo nguyên nhân bị bắt trong thời điểm bị bắt.

Nguyên nhân của việc bắt giữ phải được đọc bởi một ngôn ngữ mà người bị bắt hiểu. Điều này có nghĩa là phải có phiên dịch cho những người bị bắt nếu họ không sử dụng ngôn ngữ của nhà chức trách. Như Tòa án Châu Âu giải thích, người bị bắt cần được thông báo bằng một ngôn ngữ thông dụng mà người này hiểu, về các quy phạm pháp luật và căn cứ thực tế của việc bắt giữ. Tuy nhiên, điều này không quy định người đứng đầu vụ bắt giữ miêu tả toàn bộ những cáo buộc trong thời điểm bắt giữ. Nếu một cá nhân bị nghi ngờ phạm nhiều tội, thì nhà chức trách cần phải cung cấp ít nhất những thông tin tối thiểu về mỗi một cáo buộc mà nó có thể là cơ sở cho việc bắt giữ. (Xem Chương 27 phần 6 về trẻ em).

Khi xem xét một trường hợp trong đó thông tin đã được giữ lại từ các tù nhân và luật sư của mình, với mục đích là để ngăn chặn sự nghi ngờ từ giả mạo chứng cứ, Tòa án châu Âu quy định rõ những thông tin cần thiết để có thể đánh giá tính hợp pháp của việc giam giữ cần được cung cấp cho luật sư của người bị bắt.

Nếu nguyên nhân của việc bắt giữ được thông báo bằng miệng, thì thông tin cần được thông báo bằng văn bản viết sau đó.

2.1.1 Khi nào thì cần cung cấp nguyên nhân của việc bắt giữ?

Người bị bắt giữ cần được thông báo về lý do bị bắt giữ tại thời điểm bắt giữ.

Điều 5 của Công ước Châu Âu và nguyên tắc V của Nguyên tắc về việc tước đoạt tự do ở châu Mỹ yêu cầu thông báo ngay lý do bị bắt giữ.

Việc thông báo về lý do có thể thay đổi đối với những trường hợp cụ thể. Một số chậm trễ có thể được chấp nhận, ví dụ như để tìm một phiên dịch viên, và không được thẩm vấn trước khi lý do bị bắt giữ được đưa ra.

Ủy ban Nhân quyền không  cho là có sự chậm trễ khi hai bị cáo, những người không nói được ngôn ngữ được sử dụng bởi cảnh sát, đã được thông báo những lý do bắt giữ bảy và tám giờ sau khi bị bắt. Họ đã được thông báo khi người phiên dịch đến và mọi thủ tục của cảnh sát đã bị hoãn cho đến khi đó.

Trong trường hợp ở Bắc Ireland, nơi người bị bắt được thông báo ngay trong quá trình bắt giữ rằng họ đã bị bắt giữ theo một luật cụ thể nghi vấn về hành vi khủng bố và bốn giờ sau đó họ đã được tra hỏi về một tội phạm cụ thể, Tòa án châu Âu nói rằng khoảng thời gian một vài giờ “không thể được coi là nằm ngoài những hạn chế thời gian áp đặt bởi quy định tại Điều 5 (2) “.

Tuy nhiên, Ủy ban Nhân quyền cho rằng sẽ là một sự vi phạm với Điều 9 của ICCPR nếu một luật sư bị tạm giữ 50 giờ mà không được thông báo về lý do bắt giữ.

Khi một người không được thông báo lý do bị bắt giữ tại thời điểm bắt giữ và không được thông báo về những cáo buộc trong hai tháng tiếp sau đó, Ủy ban Châu Phi kết luận rằng quyền được xét xử công bằng đã bị vi phạm.

2.2 Thông báo về quyền của người bị bắt giữ

Để một người thực hiện được quyền của mình, thì họ phải biết rằng những quyền đó tồn tại. Tiêu chuẩn quốc tế quy định một người bị bắt hay bị giam giữ cần được biết về những quyền đó và được giải thích để họ có thể sử dụng những quyền của họ.

Tiêu chuẩn quy định yêu cầu phải thông báo các quyền sau:

– Quyền được thông báo cho người thứ ba,

– Quyền được trợ giúp pháp lý,

-Quyền được trợ giúp y tế,

– Quyền được thách thức tính hợp pháp của việc bắt giữ,

– Quyền không buộc tội chính mình, bao gồm cả quyền giữ im lặng,

– Quyền khiếu nại và truy đòi đối với khiếu nại ngược đãi.

Thêm nữa, tiêu chuẩn quốc tế quy định người nước ngoài cần được thông báo về quyền liên lạc với đại diện ngoại giao của nước họ, hoặc tổ chức quốc tế có uy tín.

Tòa án Liên châu Mỹ quy định rằng một người bị bắt giữ cần được thông báo các quyền, kể cả quyền trợ giúp pháp lý, trước khi người này phát biểu trước nhà chức trách. (Xem Chương 9 về quyền trong quá trình thẩm vấn).

Ủy ban Nhân quyền và Tiểu ban chống tra tấn tuyên bố rằng quyền được thông báo về các quyền nên được quy định bằng luật.

Một số quốc gia đã cung cấp cho người bị bắt hoặc bị giam giữ các tài liệu in về quyền của họ.

Thông tin bằng văn bản như vậy không thể thay thế cho thông báo bằng miệng. Văn bản viết đó

phải được thực hiện ở tất cả các nơi mà mọi người đang bị tước đoạt quyền tự do của họ, trong tất cả các ngôn ngữ được nói bởi những người bị giam giữ. Người bị bắt giữ cần được cung cấp thông dịch viên nếu họ không hiểu hoặc đọc các ngôn ngữ được sử dụng bởi các nhà chức trách. Các thông tin cũng cần được cung cấp, đáp ứng nhu cầu của những người không đọc, người khuyết tật, và trẻ em. Hơn nữa, pháp luật bảo đảm quyền thông báo, cũng như các thông tin cung cấp cho tù nhân bằng miệng và bằng văn bản, bao gồm phạm vi của quyền được bảo đảm trong các tiêu chuẩn quốc tế.

Tiểu ban chống tra tấn và Ủy ban châu Âu về phòng chống tra tấn khuyến cáo người bị bắt nên được cung cấp một bản viết về các quyền của họ. Và người bị bắt khi đó được yêu cầu ký vào văn bản nói rằng người này đã được thông báo về quyền của họ.

Nguyên tắc 13:

“Bất cứ ai, trong thời điểm bị bắt hoặc bị giam giữ hoặc cầm tù, hoặc ngay sau đó, cần được nhà chức trách thực hiện việc bắt giữ, giam giữ, và cầm tù, cung cấp thông tin và giải thích về quyền của người bị bắt”.

2.2.1 Thông báo về quyền được trợ giúp pháp lý

Bất cứ ai bị bắt hoặc bị giam giữ đều được thông báo về quyền trợ giúp pháp lý: hoặc luật sư theo yêu cầu hoặc một luật sư chỉ định.

Việc thông báo về quyền nhận trợ giúp pháp lý nên được tiến hành ngay khi bị bắt giữ hoặc giam giữ, trước khi thẩm vấn và khi người đó bị cáo buộc. Nguyên tắc 17 yêu cầu rằng thông tin này phải được cung cấp ngay sau khi bị bắt.

Tòa án Châu Âu cho rằng việc không thông báo cho một người 17 tuổi bị bắt về cáo buộc giết người hoặc bố cậu ta về quyền gặp luật sư của người con trước khi bị thẩm vấn (không có mặt của luật sư hoặc người bố) là sự vi phạm về quyền tự vệ của người bị bắt.

Việc thông báo về quyền nhận trợ giúp pháp lý nên được nhắc lại trước khi thẩm vấn một người bị cáo buộc hình sự, nếu hiện tại họ không có sự trợ giúp. (Xem Chương 3 về quyền trợ giúp pháp lý trước phiên toàn, Chương 9 về quyền của người bị cáo buộc trong quá trình thẩm vẫn, và Chương 20 về quyền tự vệ).

2.2.2 Thông báo về quyền được giữ im lặng

Một người bị nghi ngờ phạm tội nên được thông báo về quyền không tự tố cáo mình, quyền không thú tội, kể cả quyền được giữ im lặng trong quá trình thẩm vấn bởi cảnh sát hay nhà chức trách. Thông tin này cần được thông báo trong quá trình bắt giữ và trước khi bị tra hỏi.

(Xem Chương 9 mục 4 và Chương 16 mục 2 về quyền được giữ im lặng trước phiên tòa và trong phiên tòa)

2.3 Quyền được thông báo luôn về mọi cáo buộc

Người bị bắt hoặc bị giam giữ có quyền được thông báo kịp thời về bất kỳ cáo buộc chống lại họ.

Yêu cầu cung cấp cho bất cứ ai bị bắt hoặc bị giam giữ thông tin kịp thời về cáo buộc hình sự là rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả các quyền để thách thức tính hợp pháp của bị giam giữ. Có được thông tin này, mọi cá nhân có thể ngay lập tức thách thức và tìm kiếm sự phủ định các cáo buộc ngay ở giai đoạn đầu.

Các thông tin về cáo buộc khi bị bắt không phải là cụ thể như thông tin cần được cung cấp một khi đã có các cáo buộc chính thức. Các tiêu chuẩn áp dụng cho giai đoạn sau này, được trình bày ở Chương 8, yêu cầu người bị cáo buộc phải được cung cấp thông tin chi tiết về những cáo buộc, giúp cho họ chuẩn bị tự vệ (Xem Chương 8 phần 4- Quyền được thông tin về cáo buộc)

Nguyên tắc cơ bản về vai trò của các luật sư, Nguyên tắc 5.

“Các chính phủ phải đảm bảo rằng tất cả mọi người được thông tin bởi nhà chức trách về quyền của họ được nhận trợ giúp pháp lý của luật sư theo yêu cầu ngay khi bị bắt hoặc giam giữ, hoặc bị cáo buộc với các tội danh hình sự”.

2.4 Thông báo bằng ngôn ngữ mà người bị bắt, giam giữ hiểu được

Thông tin về lý do bắt giữ, những cáo buộc và quyền của người bị bắt giữ, giam giữ cần được truyền tải bằng ngôn ngữ mà người đó hiểu được.

Một số tiêu chuẩn quốc tế yêu cầu việc thông báo về lý do bắt giữ và những cáo buộc phải được thực hiện bằng thứ ngôn ngữ mà người bị bắt giữ hiểu được. (Xem Chương 9 phần 5 và 23- về quyền được phiên dịch).

Biên bản viết cần phải có:

– lý do bắt giữ,

– thời gian và ngày tháng vụ bắt giữ và chuyển đến địa điểm giam giữ,

– ngày tháng và thời gian mà người bị đưa đến tòa hoặc cơ quan có thẩm quyền khác,

– ai thực hiện bắt giữ, giam giữ,

– Nơi giam giữ.

Những biên bản này cần phải được thông báo cho người bị bắt giữ và luật sư và người thân của người bị bắt giữ có thể tiếp cận được.

(Xem Chương 9 phần 6- Biên bản thẩm vấn, và Chương 10 mục 2.1: Biên bản giam giữ).

2.5 Quyền được thông tin thêm của người ngoại quốc

Người nước ngoài, khi bị bắt giữ hay giam giữ, không phụ thuộc vào quốc tịch, đều được thông báo về quyền được liên lạc với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của nước họ. Nếu người bị bắt là người tị nạn hoặc không có tổ quốc, hoặc được bảo trợ bởi một tổ chức quốc tế, họ cần được thông báo về quyền được liên lạc với tổ chức quốc tế thích hợp hoặc với đại diện của quốc gia mà họ cư trú.

Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự, Công ước về người lao động nhập cư, Những nguyên tắc về trợ giúp pháp lý, Những nguyên tắc về tước đoạt quyền tự do của châu Mỹ, và Các Quy định về nhà tù của Châu Âu yêu cầu người bị bắt, bị giam giữ hay bị cầm tù cần được thông báo về quyền này ngay lập tức.

Tòa án Liên châu Mỹ quy định rằng việc thông báo về quyền được liên lạc với đại diện ngoại giao cần được thực hiện ngay trong quá trình bắt giữ, và trong mọi trường hợp, trước khi người bị bắt nói trước cơ quan có thẩm quyền. .

Tòa án quốc tế yêu cầu phía tiến hành bắt giữ có nghĩa vụ thông báo quyền này cho người bị bắt ngay khi biết được rằng người bị bắt là người ngoại quốc, hoặc có các chứng cứ chứng minh rằng người đó là người nước ngoài.

Quyền này có thể được áp dụng đối với người mang hai quốc tịch, một của nước tiến hành bắt giữ, và một của nước khác.

Nếu người nước ngoài bị bắt, bị giam giữ yêu cầu nhà chức trách liên lạc với đại diện ngoại giao, thì nhà chức trách phải thực hiện ngay lập tức. Tuy nhiên, nhà chức trách có thể không làm trừ phi người bị bắt yêu cầu.

Nếu một người mang hai quốc tịch mà bị bắt ở một nước thứ 3, người đó có quyền liên lạc và nhận thăm viếng từ đại diện ngoại giao của cả hai nước, theo tổ chức Ân xá Quốc tế. (Xem Chương 4 phần 6 và Chương 25 phần 8)
(hết Chương 2)