Việt Nam: Thả nhà hoạt động vì quyền công nhân là điều tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều người bị tù đày

Amnesty International | 1 July, 2014
Người dịch: Nguyễn Thanh Thủy

amnestyinternational

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết việc thả Đỗ Thị Minh Hạnh, một nhà tranh đấu cho quyền lao động đồng thời là một tù nhân lương tâm, là bước đi tích cực nhưng chính quyền cần phải tiếp tục trả tự do cho những nhà tranh đấu ôn hòa khác vẫn đang bị cầm tù.

Chính quyền Việt Nam đã trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh vào ngày 26 tháng 6 và cô đã về đến nhà vào ngày hôm qua. Cô đã kết án tù 7 năm vào năm 2010 vì tội “tuyên truyền chống phá chế độ”, sau khi cô phát tán khẩu hiệu ủng hộ công nhân đòi tăng lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn.

“Dĩ nhiên chúng tôi vui mừng vì Đỗ Thị Minh Hạnh đã được thả, nhưng đáng lẽ ra cô ấy không phải bị tù đày. Kết án một người đến 7 năm tù vì phát tán tài liệu thì thật là nực cười, và đó là bản án đáng tiếc thể hiện việc nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp những người bất đồng từ lâu nay”, ông Rupert Abbott, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết.

“Chính quyền Việt Nam phải tiếp tục trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức những người bị tù đày vì thực hành quyền làm người một cách ôn hòa”, ông nói.

Hạnh đã trải qua những điều kiện khắc nghiệt trong nhà tù và thường xuyên bị đánh bởi tù nhân cùng buồng giam, công an hiển nhiên đã chẳng làm gì để ngăn cản điều đó. Cô đã không được điều trị y tế đầy đủ và luôn trong điều kiện sức khỏe yếu.

Trong vài tháng qua, chính quyền Việt Nam đã phóng thích một số tù nhân lương tâm, bao gồm luật sư Cù Huy Hà Vũ, blogger và nhà họa động dân chủ Nguyễn Tiến Trung, nhà văn Vi Đức Hồi và thầy giáo Đinh Đăng Định- người đã mất ngay sau khi được thả.

Chính quyền Việt Nam tiếp tục sử dụng luật pháp và nghị định để hình sự hóa quyền tự do ngôn luận, và đã trấn áp những người bất đồng chính kiến một cách dã màn trong những năm gần đây. Trong bản báo cáo năm 2013, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã nói rõ rằng nhiều tù nhân lương tâm vẫn đang bị giam cầm tại đất nước này.

Ngoài Hạnh ra, có ít nhất bốn phụ nữ khác vẫn đang bị cầm tù vì tội “tuyên truyền chống phá chế độ”, một điều luật mơ hồ mà chính quyền dùng để trừng phạt những nhà hoạt động ôn hòa.

Trong số đó có Hồ Thị Bích Khương, một nhà hoạt động ôn hòa đã bị kết án 5 năm vào tháng 12 năm 2011, và Tạ Phong Tần, thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do Việt Nam bị kết án tù 10 năm vào tháng 9 năm 2012. Gia đình của cô Khương cho biết cô đã bị đánh trong trại bởi những tù nhân khác và đã không được điều trị y tế. Mẹ của cô Tần đã mất sau khi bà tự thiêu vào tháng 6 năm 2012 vì quá đỗi tuyệt vọng với cách nhà cầm quyền đối xử với con bà.

Ít nhất hai phụ nữ khác vẫn đang thi hành án tù lâu dài sau khi bị kết tội lật đổ chính quyền- nhà hoạt động xã hội Công giáo Nguyễn Đặng Minh Mẫn và nữ tu sỹ Hòa Hảo và là nhà hoạt động vì quyền đất đai Trần Thị Thủy. Cả hai bị kết tội liên quan đến Việt Tân, một tổ chức có trụ sở ở nước ngoài nhưng đấu tranh cho dân chủ cho Việt Nam.

“Chính quyền Việt Nam phải hủy bỏ luật pháp hà khắc mà chính họ vẫn dùng để trừng phạt các nhà bất đồng bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa”, ông Rupert Abbott nói.

“Chỉ khi nào họ làm điều này và thả tất cả những người bị tù đày vì dám lên tiếng thì họ mới hết bị tai tiếng là một trong những nước vi phạm quyền tự do ngôn luận tệ hại nhất ở Đông Nam Á”