Trình tự Xét xử công minh (18)- Phần 2: Quyền con người trong phiên tòa- Chương 17: Loại trừ các bằng chứng thu được từ việc vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế

Bản dịch của [rollinglinks]Vũ Quốc Ngữ[/rollinglinks]

(Defend the Defenders)

Nguồn: Amnesty International 

trinh tu-xet-xu-cong-minh

Khai nhận và những bằng chứng khác thu thập được từ việc tra tấn, ngược đãi hoặc các hình thức cưỡng chế khác cần phải được loại bỏ trong tất cả quá trình tố tụng. Ngoại lệ duy nhất là làm bằng chứng trong trường hợp chống lại một nghi phạm thực hiện hành vi tra tấn hoặc ngược đãi khác. Tôn trọng quyền được xét xử công bằng cũng có thể yêu cầu loại trừ các bằng chứng thu được từ những cách thức vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

17.1 Loại trừ các khai nhận thu được bởi tra tấn, ngược đãi và cưỡng bức

17.1.1 Phản đối việc chấp nhận các khai nhận

17.2 Loại trừ các chứng cứ khác thu được từ tra tấn hoặc ngược đãi

17.2.1 Quyết định của Tòa án châu Âu

17.3 Loại trừ các bằng chứng thu được từ sự vi phạm các tiêu chuẩn khác

________________________

17.1 Loại trừ các khai nhận thu được bởi tra tấn, ngược đãi và cưỡng bức

Các khai nhận thu được từ sự tra tấn, ngược đãi hoặc các hình thức cưỡng chế phải được loại trừ như bằng chứng trong tố tụng hình sự, ngoại trừ để chống lại những người bị nghi ngờ thực hiện các hành vi như thế. Quy định loại trừ này có trong quy định cấm tra tấn và ngược đãi khác cũng như quyền của người bị tố cáo không bị ép buộc phải làm chứng chống lại chính mình hoặc nhận tội và quyền giữ im lặng. Việc tôn trọng các quyền này yêu cầu bên công tố chứng minh rằng các chứng cứ thu thập được không dựa trên sự tra tấn, ngược đãi, ép buộc hoặc cưỡng bức. (Xem Chương 10 và Chương 16)

Các quy định yêu cầu loại trừ lời khai nhận thu được từ tra tấn hoặc ngược đãi khác không chỉ áp dụng đối với các khai nhận của bị cáo, mà còn áp dụng với những khai nhận của bất kỳ người nào, có hoặc không được kêu gọi đến tòa để làm chứng như là một nhân chứng. Nó cũng được áp dụng không phân biệt nơi diễn ra tra tấn hoặc ngược đãi khác (kể cả bên ngoài quốc gia) và cho dù thủ phạm của việc tra tấn là nhân viên của một quốc gia khác. Quy tắc loại trừ áp dụng bất kể mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà bị cáo đang bị cáo buộc thực hiện. Nó được áp dụng ở tất cả hoàn cảnh, kể cả trong trường hợp khẩn cấp, vì việc cấm tra tấn và ngược đãi khác là phù hợp với quyền con người và là chuẩn mực của luật pháp quốc tế. (Xem Chương 31- Quyền được xét xử công bằng trong tình trạng khẩn cấp)

Công ước chống tra tấn và Công ước Liên Mỹ chống tra tấn có quy định rõ ràng đòi hỏi phải loại trừ lời khai nhận thu được bởi tra tấn (ngoại trừ trong thủ tục tố tụng chống lại người thực hiện hành vi tra tấn).

Tuy nhiên, phạm vi của quy tắc loại trừ vượt xa những quy định cụ thể. Cả tra tấn và đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc sỉ nhục là hoàn toàn bị cấm trong mọi hoàn cảnh của một loạt các tiêu chuẩn hiệp ước và không hiệp ước, và luật pháp quốc tế. ủy ban Nhân quyền, ủy ban chống tra tấn, các chuyên gia của Liên Hợp quốc và các tòa án và các cơ quan nhân quyền khu vực đều cho rằng các quy tắc loại trừ phát sinh từ việc cấm và do đó cũng áp dụng cho các hành vi đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm nhục.

Mặc dù không được quy định trong Công ước châu Âu, Tòa án châu Âu đã phán quyết rằng những khai nhận thu được từ việc tra tấn hay ngược đãi khác phải được loại trừ khỏi bằng chứng tố tụng hình sự, ngoại trừ để sử dụng chống lại những người đã thực hiện những hành vi đó. Tòa phán quyết rằng các quyền được xét xử công bằng đã bị vi phạm khi khai nhận thu được từ tra tấn hay ngược đãi khác đã được thừa nhận như là bằng chứng, ngay cả trong trường hợp khi những khai nhận này không có tính quyết định và tòa án dựa trên các bằng chứng khác.

Thú nhận của các bị cáo thu được từ sự ép buộc cũng phải được loại trừ khỏi bằng chứng.

Ví dụ, Tòa án Liên Mỹ đã làm rõ rằng Công ước châu Mỹ đòi hỏi phải loại trừ các lời thú tội thu được từ bức cung, cho dù hình thức ép buộc này chưa đến mức tra tấn hay ngược đãi (xem Chương 16). Tòa án liên Mỹ làm rõ rằng các quy tắc loại trừ cũng áp dụng đối với khai nhận thu được từ sự ép buộc đối với bên thứ ba, chẳng hạn như các nhân chứng, và bằng chứng từ các thông tin thu được bằng cách cưỡng ép.

Các nguyên tắc về xét xử công bằng của châu Phi cấm một cách rõ ràng việc sử dụng những lời thú tội hoặc chứng cứ khác thu được bằng bất kỳ hình thức ép buộc hoặc bạo lực. Bất kỳ lời khai nhận thu được trong quá trình biệt giam sẽ được coi là đã được thu được bằng cách ép buộc.

Quy tắc loại trừ do đó phải được áp dụng cho việc khai nhận của bất kỳ người nào, đặc biệt là của bị cáo, thu được từ sự tra tấn hoặc ngược đãi khác, cả về thể chất và tâm lý. Điều này bao gồm, ví dụ, kéo dài biệt giam tù (kể cả trong bối cảnh mất tích) và giam giữ bí mật. (Xem Chương 4 phần 3, Chương 9 phần 3 và Chương 16)

Công ước chống tra tấn, Điều 15

“Mỗi quốc gia phải đảm bảo rằng bất kỳ khai nhận thu được từ tra tấn không được viện làm bằng chứng trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào, ngoại trừ đối với việc xét xử một người bị buộc tội thực hiện hành vi tra tấn đó”.

Tuyên bố chống tra tấn, Điều 12

“Bất kỳ khai nhận thu được từ tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc sỉ nhục hoặc trừng phạt không được viện dẫn như bằng chứng chống lại người có liên quan hoặc chống lại bất kỳ người nào khác trong bất kỳ thủ tục tố tụng.”

Việc sử dụng những khai nhận của bị cáo từ việc bức cung  ở nhiều quốc gia trong thủ tục tố tụng đối với những người bị nghi ngờ tham gia vào chủ nghĩa khủng bố, là sự vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế.

Ủy ban chống tra tấn đã bày tỏ quan ngại về các báo cáo rằng phụ nữ ở Chile, những người cần chăm sóc y tế sau nạo phá thai bất hợp pháp, chỉ được điều trị khi họ cung cấp thông tin về những hoạt động phá thai như vậy, và những khai nhận thu được thông qua ép buộc đã được sử dụng trong tố tụng hình sự tiếp theo.

Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn đã khuyến cáo rằng lời thú tội được thực hiện bởi những người bị giam giữ chỉ nên được chấp nhận làm bằng chứng nếu họ được ghi lại, được thực hiện trong sự hiện diện và xác nhận của luật sư độc lập trước một thẩm phán. Lời thú nhận không bao giờ được sử dụng là cơ sở duy nhất cho một cáo buộc. Ngay cả khi biện pháp bảo vệ như vậy được đưa ra, các quy tắc loại trừ phải được áp dụng cho các lời khai thu được từ tra tấn, ngược đãi hoặc các hình thức ép buộc khác.

17.1.1 Phản đối việc chấp nhận các lời khai thu được từ việc bức cung

Về nguyên tắc, khai nhận của các bị cáo trong tố tụng hình sự không nên được thừa nhận là bằng chứng trừ khi những lời khai này được chứng minh là được đưa ra một cách tự nguyện. Nguyên tắc này là biện pháp nhằm loại trừ những khai nhận thu được từ sự cưỡng chế. (Xem Chương 16)

Tổng quát hơn, khi có cáo buộc rằng lời khai, cho dù là của bị cáo hay của người khác, thu được từ những hành vi vi phạm quyền con người, hoặc có một lý do nào đó về việc bức cung, thì các cơ quan công quyền phải cung cấp cho bị cáo và tòa án những thông tin về hoàn cảnh lấy những lời khai đó. Sau đó, tòa án phải đánh giá vấn đề trong một buổi điều trần riêng biệt trước khi các bằng chứng đó được thừa nhận trong các phiên xét xử. Phù hợp với các giả định vô tội, công tố phải chịu trách nhiệm chứng minh rằng các bằng chứng được thu thập theo một cách hợp pháp.

Ủy ban Nhân quyền kết luận rằng một điều của một đạo luật chống khủng bố ở Sri Lanka, đã buộc bị cáo chứng minh rằng lời thú nhận của ông đã bị cưỡng ép nếu muốn lời khai được loại trừ như là bằng chứng, là vi phạm các giả định vô tội và cấm bức cung.

Tòa án liên Mỹ đã phán quyết rằng vì nghĩa vụ chứng minh là thuộc về nhà nước, bị cáo không cần chứng minh về các cáo buộc rằng các bằng chứng thu được là kết quả của tra tấn hoặc ngược đãi khác.

Tòa án châu Âu và Tòa án liên Mỹ đã phán quyết rằng nếu một người công nhận lời khai nhận trong quá trình bị tra tấn hoặc ngược đãi khác, hoặc nhắc lại lời khai đó trước nhiều cơ quan khác nhau (bao gồm cả tòa án), điều này không nên tự động dẫn đến kết luận rằng lời khai nhận là tự nguyện và được thừa nhận. Tòa án vẫn cần phải đánh giá về sự tự nguyện khai nhận của người này.

Trong trường hợp chứng cứ được thu thập ở một nước khác, Tòa án châu Âu và các Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn đã tuyên bố rằng, nếu có một nguy cơ thực sự về việc bức cung, việc chấp nhận những bằng chứng này có thể vi phạm quyền được xét xử công bằng. Ngoại lệ duy nhất là nếu, sau khi xem xét các cáo buộc ngược lại, tòa án đã bị thuyết phục rằng các bằng chứng không là kết quả của những đối xử tồi tệ, trên cơ sở bằng chứng khách quan và cụ thể khác.

Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và chống khủng bố đã tuyên bố rằng nếu có nghi ngờ về sự tự nguyện khai nhận của các bị cáo và người làm chứng, ví dụ như khi không có thông tin về các trường hợp hoặc nếu người đó bị giam giữ tùy tiện và giam giữ bí mật, lời khai nhận này nên được loại trừ, ngay cả trong trường hợp không có bằng chứng trực tiếp về sự lạm dụng thể chất.

17.2 Loại trừ các bằng chứng khác thu được từ tra tấn và ngược đãi

Tôn trọng quyền được xét xử công bằng và các quy định cấm tra tấn đòi hỏi phải loại trừ không chỉ những khai nhận thu được từ tra tấn, mà còn  loại trừ các dạng chứng cứ khác thu được từ sự tra tấn. Điều này bao gồm bằng chứng, chẳng hạn như vật chứng của vụ án, có được từ những thông tin lấy được từ tra tấn. Quy tắc loại trừ này cũng được áp dụng ở tất cả hoàn cảnh, bao gồm cả trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, Các nguyên tắc về xét xử công bằng của châu Phi và luật học của Tòa án Liên Mỹ rõ ràng yêu cầu loại trừ tất cả các bằng chứng thu được từ sự tra tấn, ngược đãi hoặc các hình thức cưỡng chế khác.

Ủy ban Nhân quyền và ICCPR  đều đòi hỏi phải loại trừ không chỉ khai nhận và lời thú tội nhưng cũng có thể, về nguyên tắc, tất cả các chứng cứ khác thu được từ sự tra tấn hoặc ngược đãi khác, ở tất cả các hoàn cảnh.

17.2.1 Quy định của Tòa án Châu Âu

Tòa án châu Âu đã giải thích rằng việc sử dụng các “bằng chứng xác thực” (ví dụ, bằng chứng vật lý) thu được là kết quả trực tiếp của sự tra tấn không bao giờ được sử dụng như là bằng chứng về cáo buộc chống lại một người. Tòa án đã tuyên bố: Bằng chứng thu được từ tra tấn phải bị loại trừ để bảo vệ sự công minh của phiên tòa”.

Tòa án châu Âu cũng cho rằng sự ra đời của “chứng thực” thu được từ ngược đãi nhưng chưa đến mức tra tấn, cũng có thể làm cho phiên tòa trở thành bất công. Tuy nhiên, cho đến tận tháng 6 năm 2013, Tòa vẫn chưa phán quyết rằng quyền được xét xử công minh yêu cầu loại bỏ tất cả các bằng chứng thu được từ đối xử vô nhân đạo trong mọi tình huống.

Trong trường hợp của Jalloh ở Đức, Tòa án thấy rằng việc trưng ra các bằng chứng thu được từ việc đối xử vô nhân đạo đã vi phạm quyền được xét xử công bằng. Trong trường hợp này, một cá nhân bị nghi ngờ bán ma túy nuốt một túi khi ông ta bị bắt. Trong bệnh viện, ông này bị bốn cảnh sát vật xuống sàn nhà để nhân viên y tế cưỡng ép người bị bắt nôn túi chứa thuốc gây nghiện. (Tòa án cho rằng việc đối xử này là vô nhân đạo và làm nhục). Túi thuốc thu là bằng chứng quyết định chống lại ông.

Trong trường hợp tiếp theo của Gafgen ở Đức, Tòa án phán quyết rằng việc đưa ra các bằng chứng thu thập được là kết quả của sự khai nhận của một nghi phạm sau khi bị đe dọa tra tấn (hành vu mà tòa án cho là vô nhân đạo) không làm mất đi sự công bằng của tòa án. Nó cho rằng sự thất bại trong việc loại trừ bằng chứng này đã không ảnh hưởng đến việc cáo buộc bắt cóc và giết chết một đứa trẻ, và rằng các quyền của bị cáo để tự biện hộ và không buộc tội mình đã được tôn trọng. Trong việc đạt được kết luận này phần lớn của Tòa án tìm thấy các sự kiện sau đây quyết định:

• Tòa án xét xử đã phán quyết rằng các khai nhận được thực hiện sau khi bị đối xử ngược đãi không thể được dùng làm bằng chứng;

• Bị cáo có thể và đã thách thức việc chấp nhận các bằng chứng thu thập được từ ngược đãi;

• Tòa án xét xử đã có những quyết định để loại trừ bằng chứng này;

• Lời cáo buộc không dựa trên bằng chứng này, mà dựa trên hai lời thú tội của bị cáo được thực hiện trong phiên tòa, sau khi tòa án đã nhắc nhở bị cáo về quyền được giữ im lặng;

• Bị cáo nói rằng lời thú tội của mình tại phiên tòa đã được thực hiện một cách tự nguyện;

• Bằng chứng là không cần thiết để chứng minh Gafgen có tội hay xác định bản án của anh ta.

17.3 Loại trừ bằng chứng thu thập được từ sự vi phạm các tiêu chuẩn khác

Tôn trọng quyền được xét xử công bằng cũng có thể yêu cầu, trong một số trường hợp, loại trừ bằng chứng thu được từ sự vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế khác về quyền con người.

Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và chống khủng bố đã tuyên bố rằng ngoài việc ngăn cấm việc sử dụng các bằng chứng thu được bằng cách tra tấn hoặc ngược đãi khác, việc sử dụng các bằng chứng thu được từ sự vi phạm nhân quyền hoặc pháp luật trong nước thường làm cho một phiên tòa trở nên không công bằng.

Ủy ban liên Mỹ nói rằng các quy tắc loại trừ được áp dụng cho bất kỳ bằng chứng nào thu được từ những thủ tục bất thường hoặc vi phạm các thủ tục.

Một số tiêu chuẩn không hiệp ước yêu cầu loại trừ các bằng chứng (kể cả lời khai nhận) thu được bằng những biện pháp vi phạm nghiêm trọng quyền con người.

Những hướng dẫn về vai trò của công tố viên nói rằng khi các công tố viên có những bằng chứng mà họ có lý do để tin được rằng những bằng chứng này được thu thập thông qua các phương pháp trái pháp luật và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, họ phải từ chối sử dụng những bằng chứng như vậy ngoại trừ trong trường hợp chống lại người thực hiện các hành vi đó.

Thông tin liên lạc bí mật giữa các bị cáo và luật sư của họ phải được loại trừ như là bằng chứng, trừ khi những liên lạc này liên quan đến một tội phạm đang diễn ra hoặc sắp diễn ra. (Xem Chương 20 phần 4)

Các nguyên tắc trong danh sách trợ giúp pháp lý loại trừ các bằng chứng là một trong những biện pháp có thể được yêu cầu nếu một cá nhân đã không được thông báo đầy đủ quyền trợ giúp pháp lý.

Trong những năm gần đây, một số tòa án nhân quyền, các cơ quan và các cơ chế đã kiểm tra xem sự thất bại trong việc loại trừ bằng chứng thu được từ những hành vi vi phạm khác về quyền con người  có làm cho thủ tục tố tụng hình sự không công bằng. Các trường hợp có liên quan đến, ví dụ: bằng chứng thu được trong khi một người bị giam giữ biệt lập hoặc giam giữ tùy tiện; khai nhận thu được mà không có sự có mặt luật sư bào chữa; bằng chứng thu được từ sư vi phạm các quyền giữ im lặng; và bằng chứng thu được từ việc bẫy bị cáo. (Xem thêm Chương 16 phần 2 mục 1)

Nguyên tắc về công bằng thử nghiệm ở châu Phi, mục N

“Bằng chứng thu được từ những phương tiện vi phạm nghiêm trọng quyền con người không được sử dụng làm bằng chứng chống lại bị cáo hoặc chống lại bất kỳ người nào khác, ngoại trừ trong việc truy tố các thủ phạm của các hành vi vi phạm đó”.

Hết Chương 17.

Đón đọc Chương 18- Cấm áp dụng hồi tố các luật hình sự và nguy cơ kép