Tuần tin người bảo vệ nhân quyền 11/8 – 17/8/2014: Nhân quyền, vũ khí sát thương và TPP

Defenders-weekly 18Defend the Defenders | 18/8/2014

Defenders’ Weekly

Trong tuần qua, thượng nghị sĩ John McCain đã nhắc Việt Nam về vấn đề dân chủ trong một cuộc phát biểu trước báo giới tại Hà Nội. Ông cũng đề cập đến khả năng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam nhưng kèm theo đó là các điều kiện tiên quyết về nhân quyền. Cũng nhân chuyến thăm của TNS McCain và đồng nhiệm Sheldon Whitehouse, một nhóm các tổ chức xã hội dân sự đã gửi thỉnh nguyện thư đến hai ông đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương nhưng bắt buộc chính phủ Việt Nam phải thả tự do 25 tù nhân lương tâm trong danh sách thư đính kèm và có những tiến bộ bắt buộc về nhân quyền.

Nối tiếp các chuyến thăm qua lại liên tục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mới đây Tướng Dempsey đã có chuyến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này ông đã tuyên bố Mỹ có thể giúp Việt Nam xây dựng hải quân nếu như lệnh cấm vũ khí sát thương được gỡ bỏ.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân quyền Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng trong bài viết mới đây đã thông báo hiện có 255 dân biểu Hạ viện Mỹ đã chính thức chống lại Việt Nam tham gia hiệp định TPP. Nhưng ông cũng nói thêm điều kiện tiên quyết cải thiện nhân quyền mà không có những bước thụt lùi sẽ là nhân tố quan trọng nhất để các vị dân biểu này chấp nhận cho VN tham gia TPP.

Trong các cuộc đàm phán về thương mại giữa EU và VN gần đây, EU đã không đặt vấn đề nhân quyền là yêu tố quan trọng cho các hiệp định thương mại giữa hai bên. Vì vậy hai tổ chức IFHR và VCHR đã khiếu kiện Người trung gian hoà giải của Liên Âu. Hai tổ chức này đã yêu cầu EU đặt lại vấn đề nhân quyền làm trọng tâm trong các cuộc đàm phán và yêu cầu Người trung gian hoà giải của Liên Âu xem xét vụ kiện một cách nghiêm túc.

Cũng trong tuần qua con trai của bà Bùi Hằng là anh Trần Bùi Trung đã gặp tổ chức Freedom House và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để vận động thả bà Bùi Hằng. Tổ chức Freedom House đã hứa sẽ cùng nhiều tổ chức nhân quyền khác nêu vấn đề giam cầm bà Bùi Hằng trong một thông cáo tới đây của tổ chức. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng hứa sẽ theo dõi sát sao vụ bắt giam và yêu cầu Chính quyền VN thả bà Bùi Hằng.

Ngoài ra còn rất nhiều tin tức đáng chú ý khác.

**********11/8/2014**********

Thả tù nhân chính trị để có vũ khí sát thương và vào TPP

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức BPSOS cho biết qua sự vận động ráo riết của Liên Minh Cho Một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ (CFDV), cho đến nay đã có 255 dân biểu lên tiếng chính thức phản đối cho Việt Nam vào TPP. Đa số nêu lý do chính là Việt Nam vi phạm quyền lao động. Một nhóm gồm 36 dân biểu không chấp nhận Việt Nam tham gia vào thương ước này vì Việt Nam cạnh tranh bất công trong ngành dệt may. Ngoài ra còn có 39 dân biểu khác không lên tiếng chính thức và không nêu đích danh Việt Nam nhưng chống TPP. Con số 255 dân biểu chính thức chống TPP đã vượt xa một nửa con số 435 thành viên của Hạ Viện. Do đó Việt Nam không thể vào được TPP dù Tổng Thống Obama đồng ý.

Việt Nam đã từng thương thuyết với Hoa Kỳ cho Việt Nam một thời gian 5 năm để sửa đổi luật Lao Động cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhất là về quyền hội họp, quyền lập hội, và quyền thành lập công đoàn độc lập. Việt Nam cũng từng đề nghị cho các công đoàn ở cấp địa phương được tự trị, nhưng vẫn trực thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN), một tổ chức của Đảng CSVN. Nhưng hai đề nghị này không có giá trị.

Vào năm 2008, Việt Nam cũng đã từng đưa ra những ý kiến tương tự, nhưng đã bị Hoa Kỳ bác bỏ, khi họ muốn xin Hoa Kỳ cho hưởng Quy Chế Ưu Đãi Phổ Quát (Generalized System of Preferences) về thuế quan, để có thể xuất khẩu khoảng 5.000 sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ miễn thuế. Từ 2008 đến nay đã 6 năm, Luật Lao Động Việt Nam vẫn không thay đổi. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vẫn chứng tỏ là một tổ chức của Đảng CSVN, không đem lại một lợi ích thiết thực cho công nhân.

Vấn đề cải thiện tình trạng nhân quyền một cách cụ thể cũng là một điều kiện tiên quyết để Hoa Kỳ xóa bỏ cấm vận võ khí đối với Việt Nam. Tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Ted Osius chủ trương bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tuy nhiên, ông đã nhắc nhở rằng lệnh cấm vận này sẽ không được dỡ bỏ nếu Việt Nam không có những tiến triển đáng kể về nhân quyền.

Mạch sống: Không trả tự do cho Tù Nhân Lương Tâm, không có TPP và võ khí sát thương

===============

THƯ CHUNG CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ ĐỘC LẬP VIỆT NAM 

Vào ngày 10/8/2014 một nhóm các tổ chức xã hội dân sự đã gửi thư đến Thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ đặt lộ trình nhân quyền rõ ràng đối với Việt Nam nếu Việt Nam muốn được dỡ bỏ luật cấm vũ khí sát thương.

Trong bức thư kiến nghị các tổ chức xã hội dân sự đã nói rằng dù cho Việt Nam đã được vào hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và ký kết Công ước chống tra tấn nhưng chính quyền Việt Nam vẫn sử dụng các bộ luật mơ hồ để bắt bớ giam cầm các blogger và các nhà tranh đấu. Các bộ luật này bao gồm Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự.

Bức thư trên cũng nói mặc dù trong 12 tháng qua Việt Nam đã thả nhiều nhà bất đồng nhưng vẫn còn e ngại chính quyền sẽ “đảo ngược” khi vấn đề nhân quyền không được Việt Nam quan tâm đúng mực.

Nhóm xã hội dân sự nêu rõ yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ đặt một lộ trình rõ ràng và có tính đo lường được đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Cụ thể như bãi bỏ các bộ luật nhằm đàn áp bất đồng và thả ngay lập tức 25 nhà bất đồng hiện đang còn bị giam cầm.

Nhóm xã hội dân sự bao gồm: Diễn đàn Xã hội Dân sự, Hội đoàn kết công nông Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân. No-U FC Hà Nội, No-U FC Sài Gòn, nhóm các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo miền Tây, Phong trào Con đường Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại (VOICE)

Blog DanQuyen: THƯ CHUNG CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ ĐỘC LẬP VIỆT NAM 

Blog DanQuyen: JOINT LETTER BY VIETNAM’S INDEPENDENT CIVIL SOCIETY ORGANIZATIONS

Defend the Defenders: Vietnam Unlicensed Civil Societies Urge U.S. to Press Hanoi on Human Rights

**********12/8/2014**********

McCain nhắc nhở VN về dân chủ

Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã nhắc nhở Việt Nam về dân chủ trong bài phát biểu trước báo giới tại Hà Nội hôm thứ Sáu ngày 8/8 nhân chuyến thăm Việt Nam của ông và người đồng nhiệm Sheldon Whitehouse.

Trong bài phát biểu này, vị thượng nghị sỹ hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã đề cập đến khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhưng nhấn mạnh rằng việc này tùy thuộc rất lớn vào thành tích nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.

Ông McCain nói: “Chúng tôi mong là Việt Nam sẽ đưa những lời nói ấn tượng này thành hành động táo bạo chẳng hạn như thả tù nhân lương tâm, tạo không gian cho xã hội dân sự và cuối cùng là ghi rõ vào luật và chính sách rằng quyền lực nhà nước là giới hạn và những quyền con người phổ quát – quyền tự do phát biểu, hội họp, tín ngưỡng, xuất bản và tiếp cận thông tin – cần phải được đảm bảo cho mọi công dân.”

Ông cũng phát biểu rằng: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán xong hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), làm việc với Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường,”

“Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự và tăng các chuyến viếng thăm của tàu chuyến đến mức mà Việt Nam cho phép – không phải bằng cách thiết lập căn cứ, điều mà chúng tôi không có ý định – mà bằng các thỏa thuận giữa hai nước,” ông nói thêm.

“Chúng tôi cũng sẵn sàng tăng hỗ trợ an ninh để giúp Việt Nam cải thiện khả năng nhận thức về lãnh hải và xây dựng năng lực bảo vệ quyền chủ quyền.”

BBC: McCain nhắc nhở VN về dân chủ

The Saigon Times Daily: Vietnam wants stronger multi-faceted ties with U.S 

RFA: Vì sao Mỹ cần kế hoạch dỡ bỏ cấm bán vũ khí sát thương cho VN?

================

Kiện Người trung gian hoà giải của Liên Âu về việc Uỷ hội Châu Âu từ chối đặt vấn đề Nhân quyền trong các cuộc thương thảo với Việt Nam

Ngày 7.8.2014, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (IFHR)và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đã nộp đơn khiếu kiện Người trung gian hoà giải của Liên Âu về việc Uỷ hội Châu Âu từ chối đặt vấn đề Nhân quyền trong các cuộc thương thảo về Mậu dịch và Đầu tư với Việt Nam.

Trong bản thông cáo IFHR và VCHR cho biết các cuộc thương thảo Liên Âu – Việt Nam về Hiệp ước Tự do Mậu dịch (Free Trade Agrement) đã diễn ra trong khi những cuộc đàn áp gia tăng tại Việt Nam. Trong cuộc đàn áp khốc liệt nhắm vào tự do ngôn luận, Việt Nam truy tố và cầm tù ít nhất 65 bloggers và các nhà hoạt động trong năm 2013, và ít nhất 14 người khác bị bắt trong 6 tháng đầu năm 2014. Rất nhiều nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự bị hành hung khi tổ chức các cuộc biểu tình ôn hoà hay tổ chức các cuộc hội thảo nhân quyền. Hàng trăm dân oan mất đất bị đánh trọng thương.

Bản thông cáo nêu rõ Hiệp ước Mậu dịch và Đầu tư nếu không quan tâm tới nhân quyền sẽ có khả năng làm cho những vi phạm nhân quyền trở nên trầm trọng trong bối cảnh các quyền lao động, chiếm đoạt đất đai và tài nguyên thiên nhiên hay khi những cơ cấu viện trợ được chỉ định bảo đảm cho người đầu tư mà không quan tâm tới ảnh hưởng cộng đồng.

Từ đó hai tổ chức này đề nghị Người trung gian hoà giải của Liên Âu xem xét vụ khiếu kiện này, và yêu sách Uỷ hội Châu Âu duyệt xét lại việc đã từ chối đặt vấn đề Nhân quyền vào trọng tâm các cuộc đàm phán với Việt Nam.

Quê mẹ: Thông cáo chung của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam khiếu kiện việc Liên Âu từ chối đặt vấn đề Nhân quyền khi thương thảo với Hà Nội

VOVworld: EU hopes to support Vietnam’s development 

VOA: EU hy vọng sớm chung quyết đàm phán tự do mậu dịch với Việt Nam

VOA: Rights Group Files Complaint Over EU-Vietnam Trade Talks

RFA: Đại diện LĐQT Nhân quyền trả lời RFA về vụ kiện Ủy hội Châu Âu 

**********13/8/2014**********

Freedom House sẽ lên tiếng về vụ án Bùi Thị Minh Hằng

Chiều 12/8 Trần Bùi Trung, con trai của bà Bùi Thị Minh Hằng, đã có cuộc gặp gỡ với tổ chức Freedom House ở Washington DC.

Đây là một phần trong chuyến đi của Bo Trung để vận động giới chức Mỹ lưu tâm đến tình hình tù nhân lương tâm ở Việt Nam, trong đó có trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng.

Phía Freedom House, ông William Ford và bà Bee Shan hỏi rõ về vụ án Bùi Thị Minh Hằng, hoàn cảnh và lý do khiến bà Hằng bị bắt, cũng như về phiên tòa sắp tới. Hai đại ngạc nhiên khi biết bà Hằng bị bắt giam vì tội gây rối trật tự công cộng, không được gặp người nhà, cũng không được nhận đồ mà Trung gửi vào. Họ bày tỏ lo ngại về tình trạng sức khỏe của bà Hằng, đặc biệt sau nhiều lần tuyệt thực.

Freedom House cho biết, họ sẽ cùng một số tổ chức nhân quyền quốc tế ra một tuyên bố chung về vụ án Bùi Thị Minh Hằng, yêu cầu chính quyền Việt Nam tuân thủ các chuẩn mực nhân quyền quốc tế cũng như những công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, bảo đảm các thủ tục của quy trình tố tụng diễn ra đúng luật, phiên tòa diễn ra công khai, minh bạch.

Con đường Việt Nam: Freedom House sẽ lên tiếng về vụ án Bùi Thị Minh Hằng

Con duong Viet Nam: Seeking Justice for My Mother! 

RFA: Con trai bà Bùi Hằng sang Mỹ vận động cho Mẹ

=================

Buổi Phát Quà cho Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa và Người Nghèo nhân mùa Vu Lan 2014 tại chùa Liên Trì 

Ngày 7-8-2014 tại chùa Liên Trì, quận 2 Thủ Thiêm Sài Gòn, có buổi phát quà cho một số Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa và những người nghèo nhân mùa Vu Lan báo hiếu. Có hơn 30 thương phế binh VNCH đến dự, ngoài ra còn có hơn 300 hộ nghèo khác.

Phần quà gồm có 5kg gạo, mì gói, nước tương và dầu ăn. Phần quà còn bao gồm 100.000 đồng cho các thương phế binh VNCH và 10.000 đồng cho các hộ nghèo. Tất cả quà và tiền do phật tử đóng góp.

Buổi phát quà đã kết thúc sau hơn 2 giờ. Lúc ra về mọi người đã hướng về tượng Phật để cảm ơn tấm lòng của phật tử và những tấm lòng từ thiện đồng bào hải ngoại.

Defend the Defenders: Buổi Phát Quà cho Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa và Người Nghèo nhân mùa Vu Lan 2014 tại chùa Liên Trì

=============

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lo vỡ quĩ BHXH nếu Quốc hội thông qua dự thảo luật BHXH 

Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội nói rằng quĩ BHXH sẽ vỡ nếu Quốc hội cứ “cho qua” dự thảo luật BHXH.

Dự thảo luật BHXH sửa đổi nói rằng ngoài việc mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ và cho ngân sách nhà nước vay, Quỹ BHXH còn được đầu tư dưới hình thức gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia; ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư; và các hình thức đầu tư khác do Chính phủ quy định.

Ông Hùng nói rằng “Việc Bộ Tài chính đồng ý với các hình thức đầu tư này và đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tôi thấy là các đồng chí thiếu trách nhiệm”.

Ông cho rằng BHXH không phải là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như các định chế tài chính khác, nên nếu cho phép thực hiện ủy thác đầu tư thì vô cùng nguy hiểm.

Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong tháng 5 cũng đã công bố có đến 24.000 tỷ đồng nằm trong diện “thất thoát” do việc đóng quỹ bảo hiểm chỉ căn cứ vào tiền lương tối thiểu của nhà nước mà không căn cứ theo thu nhập thực. Con số này bằng tới 40% quỹ lương hưu và trợ cấp xã hội trên và đủ để chi trả cho hơn 620.000 người già về hưu trong 1 năm.

Trong bài viết “Quỹ lương hưu trước nguy biến tràn vỡ” tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng việc vỡ quỹ bảo hiểm là việc sẽ sớm muộn xảy ra. Với việc thu quỹ BHXH chỉ được 25% trong tổng số lao động, việc thu không đủ bù chi và nhóm lợi ích trong ngành bảo hiểm sẽ là nguyên nhân chính gây vỡ quỹ.

Một thế giới: Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lo vỡ quĩ BHXH nếu Quốc hội thông qua dự thảo luật BHXH 

VOA: Quỹ lương hưu trước nguy biến tràn vỡ

**********14/8/2014***********

Bộ ngoại giao Mỹ sẽ theo sõi sát sao vụ án Bùi Thị Minh Hằng

Ngày 13/8 anh Trần Bùi Trung, con trai nhà hoạt động nhân quyền Bùi Thị Minh Hằng cùng với luật sư Vi K Trần đã gặp gỡ hai quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington DC.

Hai quan chức đề nghị ẩn danh cho biết, Chính phủ Mỹ đã đưa vấn đề trả tự do cho tù nhân lương tâm ra Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt hồi tháng 5 vừa qua. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh các trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, và Bùi Thị Minh Hằng. Không chỉ trong Đối thoại Nhân quyền, Hoa Kỳ cũng nêu tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tại tất cả các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa giới chức hai nước.

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Hoa Kỳ coi cải thiện nhân quyền như là điều kiện mấu chốt để Việt Nam có thể đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mua vũ khí sát thương từ Mỹ.

Hai quan chức cho biết họ đã, đang và sẽ tiếp tục theo dõi sát sao vụ án Bùi Thị Minh Hằng.

Về phần mình, Trung và luật sư Vi K. Trần đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ có tiếng nói yêu cầu chính quyền Việt Nam phải tôn trọng luật pháp của chính Việt Nam, thực thi nhà nước pháp quyền, bảo đảm tư pháp độc lập thì mới có thể cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước. Trung bày tỏ ý muốn Bộ Ngoại giao Mỹ tìm biện pháp đối thoại với chính quyền Việt Nam để chấm dứt trấn áp không chỉ riêng trường hợp của bà Bùi Thị Minh Hằng mà tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam nói chung.

FB ConDuongVietNam: BỘ NGOẠI GIAO MỸ: “SẼ THEO DÕI SÁT SAO VỤ ÁN BÙI THỊ MINH HẰNG”

================

Tín hữu Cao Đài bị sách nhiễu, ném “bom bẩn” khi cúng lễ 

Nhóm hơn 100 tín hữu Cao Đài chơn truyền không theo phái do Nhà Nước ủng hộ, ngày 13 tháng 8 dương lịch đã bị chính quyền địa phương cùng các thành phần bất hảo sách nhiễu, ném mắm tôm và phân người vào khi họ đang tiến hành cúng theo truyền thống của đạo.

Phí trị sự Nguyễn Xuân Mai nói rằng: “Nhân sự là anh Hai Đàm ở xã Hảo Đước đang thượng tượng cúng đàn ở xã đây thì bên Hội đồng Chưởng Quản phối hợp với côn đồ, công an xã đến gây rối quăng phân người và mắm ruốc vào đồng đạo, đang cúng mà người đầy phân người và mắm ruốc.”

Ông Nguyễn Xuân Mai cũng cho biết trước đó vào ngày 10 tháng 8 công an xã khi biết sẽ có hoạt động tôn giáo tại tư gia ông Phạm Văn Đàm trong ngày 13 tháng 8 đã gây áp lực với chủ nhân cảnh báo không được phép tập trung lại để cúng theo nghi thức đạo Cao Đài.

Đây là lần đầu tiên mà tín đồ Cao Đài khi đang cúng bị ném mắm tôm và phân người như vừa nêu. Tuy nhiên lâu nay, hình thức này thường được sử dụng để sách nhiễu những thành phần bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh tại Việt Nam như nhà bà Bùi thị Minh Hằng ở Vũng Tàu, nhà của bà Trần Khải Thanh Thủy ở Hà Nội.

RFA: Tín hữu Cao Đài bị sách nhiễu, ném “bom bẩn” khi cúng lễ 

RFA: Cao Dai Group Targeted With Feces by Vietnamese Authorities

===============

Hàng trăm người quây nhà công an vì cho rằng đánh dân vô cớ 

Báo Nông thôn ngày nay cho biết hàng trăm người dân thôn Vân Cù, xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) đã bao vây nhà riêng của công an viên xã Hưng Toàn khi biết có người dân bị viên công an này tra tấn tại đồn.

Tối 12.8, gia đình ông Lê Văn Chư ở thôn Vân Cù cùng hàng trăm người dân thôn này kéo đến nhà ông Nguyễn Xuân Đạo – công an viên xã Hương Toàn – yêu cầu làm rõ việc công an vô cớ bắt và đánh người. Anh Lê Văn Cương (25 tuổi, con trai ông Chư) – nạn nhân của vụ việc – cũng được người dân dìu đến nhà ông Đạo để gây sức ép. Phải đến khuya ngày 12.8, sau khi lãnh đạo xã Hương Toàn có mặt và hứa làm rõ vụ việc, gia đình ông Chư và người dân mới đồng ý đưa anh Cương đến Bệnh viện T.Ư Huế điều trị.

Anh Cương còn cho biết hai công an viên xã Hương Toàn đã tra khảo anh về việc ăn trộm. Họ yêu cầu anh viết lời khai trong khi vẫn tra tấn anh.

Cuối cùng, những người này còng tay anh Cương lên cửa sổ và dùng gậy đánh. “Em càng kêu oan thì họ càng đánh mạnh hơn. Đến khoảng 18 giờ 30 họ mới thả em về và dặn em nếu gia đình có hỏi thì không được kể”- anh Cương cho biết.

Cũng theo báo NTNN, khi phóng viên báo này phỏng vấn ông Hoàng Thịnh- Phó Trưởng công an xã Hương Toàn thì một nhóm người thuộc Công an và Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Hương Trà đã gây cản trở và yêu cầu phóng viên không được tường trình vụ việc.

Dân việt: Hàng trăm người quây nhà công an vì cho rằng đánh dân vô cớ 

Tin ngắn: Hàng trăm người vây nhà công an viên ‘hỏi tội’

PLO: Nghi trộm, một người bị công an đánh 

********15/8/2014********

Đại tướng Mỹ Martin Dempsey thăm VN 

Ban biên tập DTD – Sau thời kỳ tái lập bang giao Việt – Mỹ từ năm 1995, đây là lần đầu tiên một quan chức quốc phòng cấp đại tướng viến thăm Việt Nam. Chuyến đi này chỉ diễn ra ít ngày sau chuyến thăm đột ngột của Thượng nghĩ sĩ John McCain. Như vậy, hàng loạt biểu hiện ngoại giao con thoi giữa hai quốc gia cựu thù đã khởi động vào tháng 8/2014. Điều đó còn cho thấy có khả năng một chuyến công du dự kiến khác – Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel – đến Việt Nam vào tháng 9/2014 là có khả năng xảy ra.

Mọi chuyện bắt đầu tư tháng 4/2013 với đợt “giao lưu hải quân” giữa 3 tàu chiến Hoa Kỳ và hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng. Tuy nhiên vào thời điểm đó, cuộc đối thoại song phương nhân quyền Việt – Mỹ mới chỉ tái khởi động và chưa đem lại kết quả đáng kể nào. Chỉ mới đây, sau vụ việc giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam, hội ngộ giao lưu hải quân lại diễn ra và còn nồng ấm hơn cả năm 2013. Thậm chí, bộ đội hải quân Mỹ còn giao lưu với cả sinh viên Đà Nẵng và làm công tác từ thiện tại thành phố này.

Với chuyến công du của Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, khả năng gần như chắc chắn là người Mỹ đang đạt được thỏa thuận ban đầu với chính quyền Việt Nam về một vị trí quân sự của Hoa Kỳ ở dải đất hình chữ S trong tương lai gần.

BBC: Đại tướng Mỹ Martin Dempsey thăm VN

VOA: P/v nhà báo Phạm Chí Dũng về chuyến đi thăm VN của Đại Tướng Mỹ

==============

Công an Sông Đốc đánh 2 thiếu niên 

Báo Zing online đưa tin ngày 13/8 hai thiếu niên tỉnh Cà Mau là Khang và Tài đi xe máy quanh thị trấn cửa biển Sông Đốc. Khi qua UBND thị trấn Sông Đốc, họ thấy công an nên rồ ga bỏ chạy và bị đuổi theo. Chạy được khoảng 2 km, xe bị quặt đầu khiến cả 2 ngã xuống đường.

“Lúc đó công an thị trấn xông vào còng tay, đánh tới tấp vào người rồi đưa về trụ sở. Tại đây 2 đứa bị giữ đến 23 h, gia đình đến yêu cầu thả người thì công an thị trấn mới cho Khang, Tài về”, người thân hai em kể.

Theo ông Từ Văn Hiền Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, Khang và Tài sau đó được gia đình đưa vào bệnh viện khám rồi tố cáo bị công an đánh. Ông đã chỉ đạo công an thị trấn báo cáo gửi UBND huyện Trần Văn Thời và yêu cầu công an huyện vào cuộc làm rõ vào chiều 14/8.

Theo Công an huyện Trần Văn Thời, vụ việc đang được xác minh.

Zing: Công an thị trấn Sông Đốc bị tố đánh 2 thiếu niên

*********16/8/2014*********

Hoạt động xã hội dân sự: Những bước khởi đầu 

Trong bài viết mới đây tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã góp ý những tính chất và điều kiện của các tổ chức hoạt động xã hội dân sự. Ông cho biết mục tiêu cao cả của các hoạt động xã hội dân sự phải là phục vụ con người. Từ đó các tổ chức dân sự sẽ tuyển chọn được nhân sự dựa vào phẩm chất đạo đức và xây dựng các nền móng cơ bản.

Ông cho biết: “Các tổ chức trong khu vực xã hội dân sự, kể cả NGO và CSO, đều có mục đích nhân bản là phục vụ con người. Khi đã nói đến phục vụ thì phải có đối tượng phục vụ nhất định và cụ thể. Do đó việc phải làm đầu tiên là ấn định đối tượng phục vụ cho tổ chức. Ví dụ, đối tượng hẹp có thể là các trẻ em tiểu học thuộc diện nghèo trong một quận nào đó, hoặc rộng thì có thể là tất cả các cộng đồng tôn giáo ở khắp nước.”

Ông cho biết thêm “chủ trương của tổ chức cũng cần nói lên cách nào để tiến đến mục đích ấy” và lấy ví dụ để giúp trẻ em nghèo là cấp dưỡng cho ăn học; cách thứ hai là giúp cho cha mẹ tạo được thu nhập để lo cho con cái lâu dài; cách thứ ba là vận động chính sách cấp học bổng cho các em thuộc gia đình nghèo.

Ông cho rằng đạo đức là tiên quyết trong vấn đề lựa chọn nhân sự. Nhóm tiên khởi không cần đông. Cần tìm và chọn người đúng người. Đúng người là yếu tố quyết định vận mạng của tổ chức: phát triển lành mạnh, hay biến chất và tan rã.

Theo tiến sĩ bước sơ khởi nhất là “tuyên ngôn sứ mạng” (mission statement) cho tổ chức. Tuyên ngôn tóm gọn đối tượng, mục đích, chủ trương của hội. Tuyên ngôn này là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tổ chức.

Ông cũng nêu ra lời khuyên “đối với tổ chức đã thành lập thì các thành viên nên rà soát xem những bước nào bị khập khiễng để chỉnh sửa, và nếu cần thì lùi vài bước để đi lại cho ngay ngắn.”

Mạch sống: Hoạt động xã hội dân sự: Những bước khởi đầu

====================

Viếng thăm người H’ mông Tuyên Quang ngay tại Sài Gòn

Tối ngày 13 tháng 8 năm 2014, chị em Hội PNNQVN đã đến viếng thăm ông Dương Văn Mình.

Ông Mình là người sắc tộc H’ mông từng bị nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù 5 năm từ 1990 đến 1995 vì tội “mê tín dị đoan”, trong khi ông chỉ dẫn dắt đồng bào mình tiếp cận đời sống văn minh theo cách của người H’ mông chứ không theo sự khống chế của chính quyền. Sau những ngày tháng ăn cơm tù trộn với sạn và uống nước bẩn, hiện nay sức khỏe ông rất kém và hai quả thận của ông dần dần bị hỏng.
Ông được gia đình đưa đi chạy thận để kéo dài cuộc sống. Nhưng chính quyền các tỉnh phía Bắc đã liên tục gây khó khăn cho quá trình chữa trị, buộc gia đình họ phải chuyển ông Mình vào Sài Gòn để chữa trị.

Ngay từ ngày đầu ở trọ, đầu hẻm luôn hiện diện một tốp an ninh canh gác gia đình ông. Một tháng trở lại đây, bà chủ trọ đã thay an ninh làm nhiệm vụ theo dõi.
Khi hội PNNQ vào ngồi chơi khoảng 20 phút, bà chủ trọ tự động đẩy cửa vào phòng hỏi tra hỏi. Bà còn dẫn một người đàn ông lạ mặt vào nhìn mặt từng người.
Hội PNNQ đã tặng ông túi quà cùng 2 triệu đồng để trả tiền trọ cho tháng nay trước khi gia đình ông chuyển đến chỗ trọ khác, gần bệnh viện Chợ Rẫy hơn, để ghép thận.
vnwhr: Viếng thăm người H’ mông Tuyên Quang ngay tại Sài Gòn

**********17/8/2014**********

Tướng Trần Đại Quang: Quyết không để hình thành tổ chức chính trị đối lập 

Trong buổi kỷ niệm 69 năm Ngày Truyền thống Công an Nhân dân, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ca ngợi những thành tích trong 69 năm của lực lượng Công an Việt Nam. Ông Dũng đã lưu ý lực lượng công an về tầm quan trọng của nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự. Ông cũng mong muốn lực lượng Công an Nhân dân giữ vững an ninh chính trị của đất nước; đấu tranh ngăn chặn việc nhen nhóm hình thành tổ chức chính trị đối lập.

Ông đề nghị Bộ Công an xây dựng lực lượng Công an thực hiện tốt trọng trách mà đảng Cộng sản giao phó; đồng thời làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, quan hệ mật thiết với nhân dân.

Trong nhiều năm qua lực lượng an ninh Việt Nam đã bị phê phán mạnh mẽ bởi các vụ bắt bớ tù nhân lương tâm. Không những vậy các vụ tra tấn và đánh chết người dân tại trụ sở đã dấy lên mối lo ngại về tình trạng lạm dụng quyền lực của lực lượng này.

Pháp luật: Đại tướng Trần Đại Quang: Không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa 

Quân đội nhân dân: Gặp mặt nhân kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân

Quân đội nhân dân: Không ai được nhân danh tự do để thực hiện mưu đồ xấu

===========

Tướng Dempsey tuyên bố Mỹ có thể giúp Việt Nam xây dựng hải quân

Tuyên bố với các phóng viên tại Sài Gòn hôm nay, tướng Martin Dempsey cho biết là “trong ngắn hạn” sẽ có một cuộc thảo luận ở Hoa Kỳ về việc có nên bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không, cho dù vẫn còn những quan ngại về nhân quyền tại nước này.

Trong chuyến đi kéo dài bốn ngày, bắt đầu từ ngày 14/08/2014, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã gặp các lãnh đạo quân sự Việt Nam để bàn về việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước. Hiện nay quan hệ hợp tác này còn hạn chế do Hoa Kỳ vẫn duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Tuyên bố tại Sài Gòn hôm nay, tướng Dempsey nói rằng ông “không yêu cầu Việt Nam phải chọn giữa làm bạn của Hoa Kỳ với làm bạn của Trung Quốc”. Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhắc lại là Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong các tranh chấp biển đảo, nhưng rất quan tâm đến việc giải quyết những tranh chấp này. Tướng Dempsey lấy làm tiếc là Trung Quốc đã không chấp nhận đề nghị ngưng các hành động khiêu khích trên những vùng biển đang có tranh chấp.

RFI: Tướng Dempsey tuyên bố Mỹ có thể giúp Việt Nam xây dựng hải quân

NY Times: In China’s Shadow, U.S. Courts Old Foe Vietnam

BBC: Đại tướng Mỹ Martin Dempsey thăm VN 

===================

TNLT Đặng Xuân Diệu Tiếp Tục Bị Đe Dọa

Trong chuyến thăm nuôi ngày 12/8, gia đình TNLT Đặng Xuân Diệu cho biết gia đình vẫn không được gặp anh Đặng Xuân Diệu. Anh Diệu viết thư ra bên ngoài và thông báo: “142 ngày anh Diệu không được nhận cơm trưa”, và hiện nay anh Diệu thiếu nước uống, trong khi nước uống được cung cấp rất dơ bẩn.

Ông Đặng Xuân Hà, anh trai của TNLT Đặng Xuân Diệu cho hay: Diệu không ra gặp nhưng Diệu có viết ra Diệu bảo là 10 ngày bị kỷ luật, bị còng chân vào bể đá, (dịp gần TẾT), 142 lần không được ăn cơm kể cả lúc tuyệt thực và không tuyệt thực, và thiếu nước uống, nước uống mất vệ sinh, bẩn thỉu.

Anh Hà tiếp tục nói: anh đã gửi thư vào cho Diệu với nội dung, “gia đình mong muốn được gặp Diệu vì rất quan ngại cho tính mạng và sức khỏe của Diệu, do đó Diệu phải bằng mọi cách tìm gặp gia đình trong mỗi lần gia đình đi thăm nuôi”. Giống như những lần trước, lý do TNLT Đặng Xuân Diệu tiếp tục từ chối không gặp mặt gia đình để phản đối các cán bộ trại giam không giải quyết các đơn thư khiếu nại, những yêu cầu của anh Diệu.

Ông Hà cho biết thêm, trong chuyến viếng thăm của của ông đặc phái viên Tôn giáo của Liên hiệp Quốc ông Heiner Bielefeldt đến Việt Nam từ ngày 21 đến ngày 31 tháng 7 vừa qua. Gia đình ông Hà đã gặp và trao cho ông Heiner Bielefeldt thư Kêu Cứu của Đặng Xuân Diệu với mong muốn họ quan tâm đến trình trạng của TNLT Đặng Xuân Diệu nhiều hơn.

TNLT  Đặng Xuân Diệu bị bắt vào ngày 30/7/2011, anh bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc” hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS trong phiên tòa sơ thẩm tại TAND tỉnh Nghệ An vào ngày 8-9/1/2013.

Thanh niên công giáo: TNLT Đặng Xuân Diệu Tiếp Tục Bị Đe Dọa

Bản tổng hợp: Nguyễn Thanh Thủy