Hiệu quả hay không – Thông tư mới của ngành công an? (phần 2)

RFA | 28/8/2014

Tuần trước chúng tôi đang có cuộc trò chuyện cùng với 4 bạn, Thúy Nga, Trịnh Kim Tiến, Anna Huyền Trang và Nguyễn Ngọc Lụa về việc mới đây, bộ công an vừa ban hành thông tư nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào trong quá trinh điều tra sự việc. Thông tư này quy định điều tra viên không được sách nhiễu đối với người bị tạm giữ, không có bất kỳ kiên hệ nào với thân nhân hay cơ quan tổ chức có liên quan đến bị can. Tuần này mời quý vị cùng Chân Như đến với phần 2, cũng là phần cuối cho đề tài này.
Công an đang ngăn cản người dân ủng hộ luật sư Lê Quốc Quân trong ngày diễn ra phiên xử ông hôm 18/2/2014.

Công an đang ngăn cản người dân ủng hộ luật sư Lê Quốc Quân trong ngày diễn ra phiên xử ông hôm 18/2/2014.

Chân Như: Xin chào các bạn, tuần trước các bạn đã chia sẻ nhiều về việc thông tư ban hành này sẽ tạo thêm nhiều điều kiện cho ngành công an có cớ để tra tấn người dân, cũng như nhận xét của các bạn về việc công an có quá nhiều quyền hành. Có vẻ như người dân nghĩ họ “thấp cổ bé miệng” hay họ chỉ muốn được “yên thân” nên đa số họ câm nín trước mọi sách nhiễu của công an. Tuy nhiên, nếu chúng ta không chung tay đồng lòng lên án bạo quyền thì ai sẽ cứu chúng ta khi chính chúng ta là nạn nhân của công an. Theo các bạn chúng ta phải làm gì?

Nguyễn Ngọc Lụa: Cũng như anh và mọi người biết, hầu như tất cả người dân họ bất mãn về cách thức làm việc của chế độ này và ngành công an. Thế nhưng đa số chưa biết cách để phản kháng vì sợ bị gây khó khăn. Theo em, chúng ta hãy mời gọi mọi người để chống lại bất công bằng cách lên tiếng phản đối để loan truyền những sai trái của công an. Đó là những việc làm tuy nhỏ nhưng dù sao cũng giảm bớt được những tội ác mà họ đã gây ra. Để chúng (công an) thực thi công lý cho đúng luật của Việt Nam và đúng với quyền công nhân của một con người.

[pullquote]Khi mà quyền hạn nằm hết trong tay công an thì họ có nói gì làm gì muốn đi đến đâu cũng rất khó khăn, trừ khi phải là người thật hiểu biết phải nắm vững luật pháp và phải kiên trì đến cùng thì mới có thể theo đuổi tìm được công lý.  
– Trịnh Kim Tiến[/pullquote]

Thúy Nga: Ngành công an ở Việt Nam, cánh tay của họ quá dài. Thực sự cái tội của ngành công an không những độc ác mà họ còn bao che cho tội ác nữa. Kể cả những người dân xung quanh nhà tôi cũng thế. Họ biết rõ tôi là người thường xuyên bị công an đàn áp đánh đập, nhưng khi tôi bị công an tùy tiện đánh đập thì những người dân họ bảo “công an đi đánh người thì giúp làm sao được”. Điều đó cho thấy rằng đến bây giờ người dân muốn thoát khỏi cái tội ác của ngành công an thì chính người dân phải hiểu được quyền của mình. Lúc đó sẽ giảm bớt được tội ác của ngành công an đối với người dân.

Trịnh Kim Tiến: Như anh Chân Như nói rất nhiều người sợ không dám đấu tranh. Song song với đó là người dân thấp cổ bé họng. Mình biết rất nhiều người rơi vào trường hợp bị công an đánh, đã đấu tranh, nhưng họ không biết phương hướng để đi và không tìm ra được con đường để đấu tranh.

Mọi thứ đều đã bị dập ngay khi họ vừa có ý định tại vì mọi quyền hạn đều nằm trong tay của công an. Người đánh người là công an. Người điều tra cũng là công an. Do vậy khi mọi sự việc xảy ra thì dù người dân có muốn đấu tranh cũng sẽ rất là mệt mỏi. Họ phải có một nghị lực phi thường thì mới có thể đấu tranh đi được đến cùng.

Mình biết nhiều gia đình hiện tại đến bây giờ vẫn đấu tranh. Bao nhiêu năm rồi gia đình người nhà bị đánh chết, thế nhưng không thu được kết quả nào hết. Họ đi khắp nơi, khiếu kiện từ nơi này qua nơi khác, từ ông này qua ông khác, nhưng không một cơ quan, không một đơn vị nào đứng ra giải quyết về oan khuất của họ khiến cho tâm lý người trong gia đình vừa mệt mỏi, tiền bạc tài sản cứ hao hụt dần và làm cho người đi tìm công lý muốn từ bỏ.

Một nguyên nhân khiến họ mệt mỏi nữa là do việc báo chí và truyền thông của nhà nước. Trên thực tế báo chí là của nhân dân nhưng những vụ án oan sai, báo chí không đề cập đến và chính vì như vậy không có truyền thông thì ít người biết đến và những vụ án oan khuất đó dần dần chìm xuồng.

Khi mà quyền hạn nằm hết trong tay công an thì họ có nói gì làm gì muốn đi đến đâu cũng rất khó khăn, trừ khi phải là người thật hiểu biết phải nắm vững luật pháp và phải kiên trì đến cùng thì mới có thể theo đuổi tìm được công lý.  Thậm chí đến mức ra tòa rồi công lý cũng không được thực thi một cách đầy đủ thì như vậy gây cho lòng dân người ta có suy nghĩ rằng “con kiến mà kiện củ khoai”.

Có làm thì cũng vậy thôi, nên nhiều người vị oan sai và cứ đành chấp nhận. Đấy là một điều đáng buồn và cũng để khẳng định một điều là sự bất công đang tràn lan và quyền lực của ngành công an hiện tại quá lớn.  Muốn đấu tranh người dân cần phải có truyền thông, cần phải có báo chí đứng bên cạnh.  Mình nghĩ để giảm tải được tình trạng này thì quan trọng phải để cho người dân hiểu được luật, hiểu được những điều họ có thể được có quyền, có quyền yêu cầu và đòi hỏi phía công an phải thực thi. Đó là điều phải truyền tải đến dân, và mình mong là mọi người cần phải hết sức tỉnh táo khi đối diện với công an.  Rất nhiều trường hợp công an đã tuyên bố “luật là tao, tao là luật.” Chính vì vậy khi mà có bản án thật sự công tâm rồi thì nó là một liều thuốc răn đe rất lớn đối với ngành công an. Và đó cũng là động lực thúc đẩy người dân theo đuổi đi tìm công lý.

[pullquote]Thông thường công an đứng ra một bên cho đến khi sự việc xảy ra xong công an mới vào cuộc. Điều đó cho thấy ngành công an rất hèn, rất ác. 
– Thúy Nga[/pullquote]

Anna Huyền Trang: Tôi xin đồng ý với ý kiến của chị Lụa, chị Thúy Nga, cũng như chị Kim Tiến. Đó là tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất giúp người dân nhận ra họ có quyền cơ bản làm người như thế nào. Thứ hai giúp họ nhận ra chính bản thân họ là những người thay đổi vận mệnh đất nước này. Thứ ba các tổ chức xã hội dân sự tiếp sức cho các nhóm, hoặc người dân có cơ hội, có khả năng truyền thông về những sự việc của họ, cũng như cung cấp các kiến thức về quyền con người. Đồng thời giúp họ có những buổi giao lưu, gặp gỡ để trao đổi các vấn đề đã xảy ra hoặc những sự việc đang xảy ra trong xã hội. Tôi nghĩ đó là những gì chúng ta nên làm.

Thang điểm cho ngành công an

Công an VN điều khiển ách tắc giao thông trên đường phố Saigon. AFP photo

Công an VN điều khiển ách tắc giao thông trên đường phố Saigon. AFP photo

Chân Như: Và sau cùng mời các bạn đánh giá ngành công an theo thang điểm từ 1 đến 10. Và hãy cho biết vì sao bạn chọn số điểm đó?

Nguyễn Ngọc Lụa: Theo thang điểm của em từ 1-10 thì không có chỗ để cho công an của Việt Nam.  Em cho họ một số rất tròn đó là zero, tại vì họ không đủ tư cách và nhân phẩm để được cho điểm. Một con người cho dù họ có làm sai việc gì đó nhưng người ta còn có thể châm chế được. Tuy nhiên, đối với công an thì chẳng có nhân tính và tư cách gì để cho họ đứng trong một thang điểm để mọi người cho họ hết. Em nghĩ cho họ zero là đúng nhất.

Thúy Nga: Tôi cũng đồng ý với Ngọc Lụa đó là cho họ điểm zero mà còn là zero trừ nữa.  Trong buổi  đi phát tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cũng như công ước chống tra tấn mà Việt Nam đã ký kết, chính đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động cả tới những công an an ninh, đoàn thanh niên đến cựu chiến binh và hội phụ nữ; Trăm người vây vào đánh một người phụ nữ. Điều đó cho thấy ngành công an không xứng đáng để đến điểm zero.

Anna Huyền Trang: Còn tôi, tôi đánh giá ngành công an theo thang điểm là 2 bởi vì theo cá nhân tôi lực lượng ngành công an đã đánh mất bản chất bảo vệ nhân dân thay vào đó là phản ứng tự vệ lo sợ của người dân mỗi khi gặp công an. Tuy vậy, trong khi đó không phải ai cũng ác thì tôi thiết nghĩ trong xã hội này cũng có một hy vọng nho nhỏ nào đó trong lực lượng công an cũng có những người có thể thực sự họ giúp dân, tôi nghĩ là thế.

[pullquote]Tôi đánh giá ngành công an theo thang điểm là 2 bởi vì theo cá nhân tôi lực lượng ngành công an đã đánh mất bản chất bảo vệ nhân dân thay vào đó là phản ứng tự vệ lo sợ của người dân mỗi khi gặp công an.
– Anna Huyền Trang[/pullquote]

Thúy Nga: Đúng, như Huyền Trang nói trong ngành lực lượng công an  cũng có những người tốt thực sự. Điều đó là có. Tuy nhiên, những người tôi gặp thường đã về hưu. Còn những người đang trong ngành công an thì tôi chưa gặp một người nào tốt cả. Đặc biệt,  có những người bản chất của họ là tốt nhưng vì nhận lệnh từ cấp trên đưa xuống phải làm việc ác và họ đã sẵn sàng làm việc đó. Điều đó cho thấy họ không xứng đáng để cho họ điểm 0 nữa bởi vì không dám bảo vệ điều tốt mà mình cho là đúng mà mình phải làm điều sai mà bị cấp trên chỉ đạo.

Nguyễn Ngọc Lụa: Giống như chị Nga nói, những người công an tốt là những người đã ra ngành công an hoặc một số vì quyền lợi, họ tiếp xúc với người dân để khai thác thông tin để về trình báo lại để được cấp trên ban thưởng thôi chứ chẳng có công an nào tốt để giúp đỡ dân. Với chính bản thân em cũng vậy, họ chỉ tới để khai thác thông tin, chẳng hạn, hôm nay làm gì, gặp những người nào.

Anna Huyền Trang: Những chia sẻ của chị Thúy Nga và Lụa rất đúng. Trong tình cảnh của tụi mình vì bị gọi là phản động nên họ luôn luôn bằng mọi cách đàn áp và khai thác thông tin của mình càng nhiều càng tốt. Nhưng nếu như trong ở trong trường hợp của mình, thì thiết nghĩ ở đâu đó cũng có một vài người công an họ thực sự là người tốt, nên mình cho thang điểm 2 là như vậy. Bởi vì sao? Đất nước này cũng đang cần lực lượng công an cộng tác với người dân để chống giặc nội xâm và ngoại xâm, mình không thể loại trừ họ ra được.

Thúy Nga: Huyền Trang nói ý kiến đó rất đúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đặt lại vấn đề là khi đất nước này muốn thay đổi, muốn bảo vệ được đất nước và quyền con người được thực thi thì cần phải có một ban ngành nào đó để giám sát việc làm sai trái của ngành công an. Bất kể xã hội nào cũng cần có công an để bảo vệ an ninh trật tự. Thế nhưng chúng ta cần phải xem xét là ngành công an của Việt Nam hiện nay  đã làm được những gì khi có những vụ việc người dân đánh nhau, chém giết nhau.

Thông thường công an đứng ra một bên cho đến khi sự việc xảy ra xong công an mới vào cuộc. Điều đó cho thấy ngành công an rất hèn, rất ác. Bắt buộc xã hội Việt Nam rất cần đến công an, nhưng trước hết người dân Việt Nam cần yêu cầu chính phủ phải  ban hành giám sát và xử lý những việc làm sai trái của ngành công an. Lúc đó hy vọng trong ngành công an mới có người tốt.

Nguyễn Ngọc Lụa: Huyền Trang nói cũng đúng một phần. Do tụi em chưa may mắn gặp được những công an tốt thành ra trong mắt tụi em lúc nào công an cũng là những người bạo hành bạo quyền hết. Huyền Trang nói cũng cần công an để bảo vệ người dân cũng đúng vì xã hội Việt Nam rất nhiều tệ nạn. Nhưng thật sự giống như chị Nga nói công an cứ để cho tụi giang hồ tự xử nhau trước.

[pullquote]Theo thang điểm của em từ 1-10 thì không có chỗ để cho công an của Việt Nam. Em cho họ một số rất tròn đó là zero, tại vì họ không đủ tư cách và nhân phẩm để được cho điểm. 
– Nguyễn Ngọc Lụa[/pullquote]

Khi xong việc hết công an mới nhúng tay vào, chứ chưa có lần nào vụ việc vừa xảy ra mà công an vừa đến. Đối với em, công an ở Việt Nam họ chẳng có gì để tụi em cho điểm hay là để gây thiện cảm với họ.  Khi gặp công an thì tụi em tốt nhất là né tránh họ trước để thứ nhất không gặp phiền phức cho mình, thứ hai là họ không cản trở việc mình làm. Một khi họ gặp mình, họ gây phiền phức cho mình. Không gây phiền phức thì họ cũng làm nhiều cách nào đó để công việc của tụi em bị trễ, nên em chẳng có lý do gì để mong  muốn  tụi công an tồn tại.

Trịnh Kim Tiến: Nhiều người nghĩ em sẽ cho ngành công an 0 điểm, nhưng em nghĩ rằng trong những người gây ra tội ác thì cũng có những người lương thiện. Đó chỉ là ngành nghề của người ta thôi. Cũng có rất nhiều người muốn thay đổi ngành của họ. Bản thân em, em sẽ cho ngành công an 3 điểm với hy vọng 3% trong số họ sẽ làm thay đổi ngành công an. Tuy nhiên điều ấy cũng là hy vọng thôi. Em nghĩ cũng rất khó tại vì nằm trong một cơ chế chung, người ta bảo “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.”

Nằm trong một cơ chế mà ngày càng lạm quyền thì những người tốt em sợ rằng với thành phần em đang chấm điểm  họ cũng sẽ tha hóa dần. Với em, em nghĩ rằng ngành công an cần phải chấn chỉnh từ trên xuống dưới tại vì người làm sai là dưới nhưng cái sai cơ bản nằm ở những người lãnh đạo. Nói là mình chấm nghe oai chứ thật ra họ đâu coi trọng người dân chấm cho họ bao nhiêu điểm đâu. Trên thực tế thì người dân hiện tại quá ghét công an rồi.

Một lần nữa xin cám ơn 4 bạn Thúy Nga, Anna Huyền Trang, Nguyễn Ngọc Lụa và Trịnh Kim Tiến đã bỏ thời gian đến với chương trình hôm nay. Mong được các bạn trở lại vào những dịp tới cho các chủ đề khác.