TRẦN TRUNG ĐẠO TẠM BIỆT CHÂU ÂU VÀ THĂM BA TRẰN THỊ NGỌC MINH

Một điều vừa phát xuất từ ước muốn riêng tư và cũng vừa do một nhóm thân hữu ở DC và Boston giao phó cho lần đi Vienna này là ghé thăm hỏi sức khỏe chị Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh. Bà xã mua một tấm card “Get Well Soon” và tôi ghi tên những người gởi lời chúc lành chị vào. Tôi vẫn tưởng chị còn nằm bịnh viện nhưng đến Vienna mới biết chị đã được xuất viện vài ngày trước.

chauau

Defend The Defenders | 6/9/2014

1/Trần Trung Đạo: Tạm biệt Châu Âu

Về lại Boston tối hôm qua sau 12 ngày qua nhiều thành phố lớn của bốn nước Đức, Tiêp, Áo, Hung. Chụp trên một ngàn bức ảnh. Trong số đó có khá nhiều ảnh đẹp với các kiến trúc Đông Âu và dòng sông Danube chảy qua thủ đô Budapest.
Tuy nhiên, những tấm ảnh đẹp nhất của chuyến đi không chỉ được giữ lại trong máy mà còn rất lâu trong ký ức, trong kỷ niệm, trong tâm hồn, đó là tình đồng hương Việt Nam ở Đức.
Phần lớn những anh chị lo lắng cho chúng tôi trong những ngày ở Đức là những người tôi chưa hề gặp trước nhưng khi gặp cảm thấy dường như đã quen thân nhau từ lâu lắm.
Tôi ngạc nhiên khi biết một số khá đông đồng hương và thân hữu đến từ những nơi rất xa bằng xe hơi, bằng xe lửa, bằng máy bay. Một nhóm đồng hương ngồi lửa suốt 6 giờ xe từ Munich đến Berlin chỉ vì một chương trình ba tiếng đồng hồ.
Tôi sẽ không quên một người em, lái xe ba tiếng từ một thành phố phía bên Đông chỉ để thăm nhau chừng ba mươi phút rồi lái xe về. Em có chuyện nhà nên không thể ở lại lâu hơn.
Một chị đến từ Frankfurt tham dự xong lại phải chờ chuyến xe lửa 1 giờ sáng để đi về. Tôi hỏi sao chị không nghỉ lại đêm để mai về cho khỏe hơn. Chị đáp: “Phải về để đi làm. Ngày mai là thứ hai rồi. Xe lửa đến ga Frankfurt tôi sẽ đi thẳng vào chỗ làm luôn, không về nhà”. Nghe chị nói tôi cảm thấy nhói trong lòng nhưng không biết dùng lời nào để làm vơi bớt nỗi nhọc nhằn của chị.
Tôi không nghĩ các đồng hương đến chỉ vì vài bài viết, dăm bài thơ, đôi ba câu chuyện nhưng đến vì niềm hy vọng chung cho tương lai đất nước trong đó mỗi người sẽ đóng góp một phần.
Hai hôm trước đó ở chùa Viên Giác, Hannover cũng là một đêm kỷ niệm. Sau khi dùng cơm tối cùng với các thầy và đạo hữu, hòa thượng mời mọi người về phòng nghỉ. Thầy cũng dặn các chú lo chỗ nghỉ riêng cho Phụng và con gái. Trong căn phòng nhỏ chỉ còn hai thầy trò ngồi ôn lại chuyện những ngày thầy còn là “Chú” và tôi còn là đứa bé mồ cô mới vào chùa tá túc. Hòa thường không muốn mọi người nghe chẳng phải có gì bí mật nhưng chỉ vì những chuyện chúng tôi nói với nhau không nhiều người hiểu và những người chúng tôi nhắc đến đều ở rất xa hay đã qua đời.
Thời gian trôi trên sông đời bất tận. Bao nhiêu điều đã đến và đi trong ý thức nhưng thời gian trú ngụ ở chùa Viên Giác Hội An sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn chúng tôi. Nơi đó, mái ngói cong, tiếng chuông chùa nhẹ đưa, tiếng lá đa xào xạc, tiếng kinh khuya vọng về đã trở thành một kho tàng sinh động cất giữ những suy tư sâu thẳm của tuổi học trò.
Ngày đó, chúng tôi sống thật khắc khổ nhưng không một tiếng than van. Những đêm nóng nực hai chú cháu chúng tôi rủ nhau vác chiếu ra ngoài hiên chùa nằm ngủ. Nửa đêm thức dậy, tôi ngẫn ngơ nhìn ánh trăng soi sáng sân chùa rộng. Ánh trăng vàng và tiếng lá đa xào xạc tạo nên một khung cảnh vô cùng thiêng liêng và huyền bí trong tâm hồn tôi từ đó đến giờ. Chú Điển ngày nay là Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác nhưng trong tâm hồn tôi hình ảnh bao dung, hiền hậu và rất dễ dàng tha thứ vẫn còn nguyên vẹn.
Ngày đó, ngoài các thầy và các chú điệu, chung quanh tôi không một bóng người quen. Tất cả những người thân đều lần lượt qua đời. Nhưng bây giờ tôi đến đâu cũng được nhiều người đồng hương thương mến. Âu đó cũng là đền bù của kiếp người này. Tôi bình thản đón nhận mọi đổi thay trong ý thức về duyên và nghiệp.
Không nhớ hết mình đã nói gì ở Berlin, chỉ nhớ câu kết luận: “Dù bây giờ tôi có nhiều bà con thương yêu, cuộc sống riêng tư cũng có nhiều thay đổi, nhưng trong tâm hồn, tôi vẫn là đứa bé 14 tuổi cô đơn và nghèo khó. Tôi luôn sống bằng tâm hồn nghèo khó như những ngày còn bé”. Sau đó tôi còn nói vui với bà con “Tôi không có tuổi già, chi có tuổi thơ, tuổi trẻ và rồi ra đi khỏi cuộc đời này”.
Tạm biệt đồng hương Việt Nam ở Cộng Hòa Liên Bang Đức mến thương và mong có ngày trở lại.

Trần Trung Đạo

chingocminh-ttdao

2/Thăm chị Trần Thị Ngọc Minh

Một điều vừa phát xuất từ ước muốn riêng tư và cũng vừa do một nhóm thân hữu ở DC và Boston giao phó cho lần đi Vienna này là ghé thăm hỏi sức khỏe chị Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh. Bà xã mua một tấm card “Get Well Soon” và tôi ghi tên những người gởi lời chúc lành chị vào. Tôi vẫn tưởng chị còn nằm bịnh viện nhưng đến Vienna mới biết chị đã được xuất viện vài ngày trước.
Thật xúc động khi nhìn những vết mổ còn in đậm dấu trên mặt chị. Sau ba lần mổ khuôn mặt và miệng chị đã không giống một chị Ngọc Minh mà đồng hương đã từng gặp trong vài tháng trước. Chị Ngọc Minh hôm nay xanh xao và tiều tụy rất nhiều. Chị nói rất khó khăn vì một lổ nhỏ thông ra từ thanh quản.
Chị nhắc đến bài thơ tôi viết cho Minh Hạnh trong ngày cô bé bị kết án và khóc khi nói về người con đang xa cách. Tôi an ủi chị. Trong khổ đau mà chị đang chịu đựng có sự san sẻ của nhiều người, dù biết chị và không biết chị, gặp chị và chưa gặp chị. Nói về bài thơ. Tôi chỉ làm bổn phận một người Việt Nam giống như hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước. Khác chăng tôi có một chút khả năng đưa cảm xúc thành vần điệu. Bao nhiêu người thương yêu Minh Hạnh nhiều hơn tôi nữa. Thế thôi.
Trong thời điểm khó khăn đó, các em Minh Hạnh, Quốc Hùng, Huy Chương đã tạo nên một phong trào lao động mà ít người trước đó và cả hôm nay làm được. Đất nước nằm yên quá lâu, nhờ các em, như chợt trở mình thức dậy.
Không có sức mạnh của người dân lao động, cách mạng chỉ nằm trên đầu môi chót lưỡi hay trong văn chương chữ nghĩa. Trong lịch sử nhân loại, chưa có một chế độ độc tài nào sụp đổ chỉ vì dăm lá thỉnh nguyện thư. Một tên độc tài cũng không đừng nói chi là cả một cơ chế độc tài toàn trị như CS.
Tôi muốn hai gia đình chụp một tấm hình kỷ niệm. Xuân Trầm không biết ý mẹ ra sao vì khuôn mặt chị Minh có nhiều vết cắt bầm và máu chưa tan hết. Nhưng chị Ngọc Minh chỉ vào trái tim mình và nói nguyên văn “nét đẹp của một người phát xuất ở trái tim chứ không phải từ ngoại hình, vóc dáng”. Khi đứng chung nhau chị Ngọc Minh còn dặn mọi người phải cười. Tôi và chị chụp một tấm hình riêng. Tôi cười và chị cũng cười, dĩ nhiên một nụ cười không trọn vẹn khi cả tinh thần và thể xác đều đau.
Hôm đó chúng tôi, hai gia đình và thân hữu đến từ Tiệp ngồi quanh chiếc bàn nhỏ cùng ăn chung một bữa cơm chiều đạm bạc. Chị lại nhắc đến Minh Hạnh và hy vọng cô bé sẽ qua thăm chị trong vài ngày tới. Trong vết thương da thịt còn đang đau nhức có một tia hy vọng vừa được lóe lên. Minh Hạnh sẽ đến thăm chị vào ngày 4 tháng 9. Chị Ngọc Minh nói với tôi nhưng cũng để tự nhắc cho mình biết chỉ còn vài hôm nữa hai mẹ con sẽ ôm chầm lấy nhau sau bao nhiêu tháng năm xa cách, tù đày. Giọt sữa ngày nào đã biến thành giọt máu và sẽ cùng chảy về một trái tim. Trái tim và tình thương của mẹ.
Xuân Trầm nhắc mẹ ngày mai 8 giờ đi bịnh viện thông tim, người thông dịch vừa gọi. Chúng tôi chia tay chị và hứa có thể trở lại thăm chị lần nữa trước khi về Mỹ. Nhưng chúng tôi đi Budapest về quá trễ nên không kịp trở lại thăm.
Hôm nay, cây diêm hy vọng nhỏ trong lòng chị đã tắt. Minh Hạnh lại bị bắt và sẽ không có dịp gặp mẹ trước ngày chị đi thông tim, theo hẹn vào sáng ngày 25 tháng 8 nhưng bác sĩ báo sẽ dời lại vào 2 tháng nữa. Tạm biệt chị Trần Thị Ngọc Minh.
Trần Trung Đạo