Phát biểu của Quan chức đặc trách về Chính sách nhân quyền và Trợ giúp nhân đạo của Chính phủ Liên bang Christoph Strässer nhân chuyến thăm trại giam Heidering tại Berlin của phái đoàn Việt Nam

(© spdfraktion.de (Susie Knoll/Florian Jänicke))

(© spdfraktion.de (Susie Knoll/Florian Jänicke))

Hanoi | 20/1/2015

Ngày 20 tháng 1 vừa qua, Quan chức đặc trách về Chính sách nhân quyền và Trợ giúp nhân đạo của Chính phủ Liên bang Christoph Strässer đã phát biểu nhân chuyến thăm trại giam Heidering tại Berlin của phái đoàn Việt Nam:

“Tôi rất vui mừng vì trong khuôn khổ cuộc Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam chúng tôi đã có dip giới thiệu cho các đối tác Việt Nam một ví dụ điển hình về một trại giam cực kỳ hiện đại. Ở Việt Nam, tình hình nhân quyền vẫn còn đáng lo ngại. Cải cách kinh tế đã mang lại sự tăng trưởng rất đáng ngưỡng mộ, tuy nhiên nó lại không song hành với cải cách về quyền dân sự và chính trị. Trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tin cậy với Việt Nam, chúng tôi cũng đang đối thoại về những chủ đề nan giải này. Chuyến thăm trại giam ngày hôm nay đã tạo nên một chiếc cầu nối trong đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt. Kể từ năm 2008 cuộc đối thoại này đã hỗ trợ Việt Nam trong việc hiện đại hóa hệ thống pháp luật cũng như đề cập đến các vấn đề về nhân quyền.”

Bối cảnh:

Nhân dịp Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam, ngày 20 tháng 1, đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thăm trại giam Heidering ở Berlin. Tại đây, họ đã có cái nhìn tổng thể về hệ thống trại giam hiện đại của Đức. Nói đến trại giam Heidering là nói đến những thiết bị hiện đại nhất trong hệ thống trại giam của nước Đức, nhằm mục tiêu đặc biệt là tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân. Chuyến thăm trại giam Heidering đã được tổ chức với sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang cũng như Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng bang Berlin. Ngày hôm qua, tại Brussels phái đoàn Việt Nam đã tham dự cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam lần thứ 4. Trong khuôn khổ cuộc đối thoại nhân quyền, các vấn đề được đưa ra thảo luận bao gồm  cải cách pháp luật, hình phạt tử hình, tự do dân sự cũng như việc hợp tác trong các cơ quan của Liên hợp quốc.