Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền 18-24/4/2016: Bác sỹ Nguyễn Đan Quế nhận giải thưởng Uỷ ban Nhân Quyền Gwangju năm 2016 của Nam Hàn

Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 24-04-2016

tuần tin

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế được Uỷ ban Nhân Quyền Gwangju của Nam Hàn trao giải thưởng Gwangju năm 2016 vì những đóng góp của ông trong việc đấu tranh nhân quyền và dân chủ trong hơn bốn chục năm qua. Cùng với ông, Tổ chức Bersih 2.0 tức Liên minh Vận động Bầu cử Công bằng của Malaysia cũng được vinh danh.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế là một trong những nhà đấu tranh, vận động dân chủ nhân quyền lâu đời nhất, kể từ ngày CSVN thống trị toàn cõi Việt Nam. Hiện nay, ông vẫn đang sinh sống tại Sài Gòn cùng với vợ là nữ ca sĩ Tâm Vấn.

Ngày 24/4, Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ 5 nhà hoạt động chính trị khi họ đang ăn trưa cùng với những người khác tại một nhà hàng ở Hoàng Cầu. Trước đó, công an Hà Nội cũng phá đám, không cho các nhà hoạt động này tổ chức sinh nhật lần thứ 3 của Hội Anh em Dân chủ ở một nhà hàng ở đường Giải Phóng.

Mãi đến chiều tối cùng ngày, công an Hà Nội mới trả tự do cho những người hoạt động của Hội Anh em Dân chủ và khách mời.

Việt Nam tiếp tục nằm trong các nước chót bảng về Tự do Báo chí 2016 do Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vừa công bố hôm 20/4. Vị trí của Việt Nam năm nay vẫn duy trì ở hạng 175 như năm ngoái trên tổng số 180 quốc gia được khảo sát, nhưng về điểm số đánh giá, Việt Nam bị sụt mất 1.64 điểm so với năm rồi.

“Dù Việt Nam vẫn duy trì mức hạng như năm ngoái nhưng tình hình tự do báo chí năm nay tại Việt Nam tệ đi rất nhiều thể hiện rõ qua điểm số bị sụt bởi chiến dịch đàn áp không nương tay của nhà cầm quyền đối với các blogger, các ký giả độc lập không có cùng quan điểm với nhà nước. RSF tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam cải thiện quyền tự do báo chí. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động quốc tế lưu tâm hơn nữa về tình hình tự do báo chí của Việt Nam nói riêng và tình hình nhân quyền Việt Nam nói chung,” ông Benjamin Ismail, trưởng phụ trách khu vực Châu Á của RSF cho biết.

Và nhiều tin quan trọng khác.

 

============ 18-04-2016============

HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN NAM)

BAN ĐẠI DIỆN TIN LÀNH TỈNH BÌNH ĐỊNH –

ĐƠN TRÌNH BÁO

Kính gửi:

– ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN TÂY SƠN

– CÔNG AN HUYỆN TÂY SƠN

Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Bình Định thay cho giáo dân Hội Thánh Tin Lành Tỉnh Bình Định và Hội Thánh Tin Lành Phú Phong kính báo cáo đến quý Cấp chính quyền sự việc gây bức xúc lớn của chúng tôi như sau:

Vào lúc 10h00’, ngày 13/4/2016, sau khi Hội Thánh chúng tôi cầu nguyện và bày tỏ bức xúc một cách ôn hòa bên trong khung viên Nhà thờ, thì ông Khanh – Trưởng Khối IV, TT. Phú Phong, ông Hòa – Bí thư Khối IV, ông Hậu – Trưởng Dân quân Tự vệ Khối IV và ông Lâm – Công an Đội điều tra huyện Tây Sơn đã dẫn hơn 100 người đạp cổng nhà thờ vào bên trong nhà thờ chúng tôi làm náo loạn, chửi bới, xô xát, hăm dọa đánh tín hữu, giựt xé biểu ngữ, đập điện thoại của Truyền đạo và đập phá bàn ghế nhà thờ.

Khoảng 15h30’ cùng ngày, một cuộc điện gọi đến máy bàn nhà thờ với lời hăm dọa “mấy ông bà quậy lắm phải không? ở được thì ở không thì dọn đi, chứ không tao giết vì tao là thằng đi tù chung thân, không sợ ai hết!”.

Vào khoảng 16h00’ cùng ngày, một thanh niên là tín hữu của Hội Thánh Phú Phong vừa xuống xe buýt đi bộ đến trước Ngân hàng Agribank Tây Sơn, thì bị hai thanh niên áp sát đấm đá vào đầu và bụng (có sự chứng kiến của bảo vệ ngân hàng) và họ hăm dọa “mày không được lãng vãng xuống nhà thờ nữa, đón xe buýt đi về nếu không tao giết”.

Kính thưa quý Cấp chính quyền, việc làm trên vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng của Nhà nước về quyền tự do Tôn giáo – Tín ngưỡng vì đã xâm phạm đến nơi thờ tự, nhân quyền và nhân thân của con người.

Kính trình lên quý Cấp chính quyền về những sự việc trên. Chúng tôi đề nghị quý Cấp chính quyền điều tra, xử lý theo đúng pháp luật của Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và xin quý Cấp chính quyền phải có phương án để bảo vệ nơi thờ tự cùng sự an toàn của giáo dân Hội Thánh chúng tôi.

Chân thành cảm ơn và kính chào Quý vị!

Phú Phong, ngày 13 tháng 4 năm 2016

BAN ĐẠI DIỆN

TRƯỞNG BAN

Mục sư Nguyễn Văn Thể

Nơi nhận:

– Thường trực Tổng Liên hội HTTLVN (MN)

– Ủy ban MTTQVN Tỉnh Bình Định

– Công an Tỉnh Bình Định

– Sở Nội vụ – Ban Tôn giáo Tỉnh Bình Định

– Ủy ban MTTQVN Huyện Tây Sơn

– Phòng Nội vụ Huyện Tây Sơn.

——————————–

Dân biểu Đức Patzelt muốn vào thăm blogger Anh Ba Sàm trong tù

SBTN, ngày 17/4: Ông Martin Patzelt, vị dân biểu Đức từng phải đứng bên ngoài tòa án xét xử blogger Anh Ba Sàm và cộng sự viên Nguyễn Thị Minh Thúy, vừa có bản tường trình cho cử tri và dân chúng Đức sau chuyến đi Việt Nam.

Dân biểu Patzelt cho biết ông sẽ trở lại Việt Nam để thăm Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh trong nhà tù. Như truyền thông quốc tế đã đưa tin rộng rãi, vị dân biểu Đức vượt quãng đường hàng ngàn dặm đến trước tòa án Hà Nội đã chỉ được đứng bên ngoài. Lực lượng công an và an ninh canh gác dày đặc xung quanh tòa án đã không cho người dân và các nhà hoạt động dân chủ vào bên trong để xem xử án, mặc dù trên danh nghĩa, đây là một vụ xử công khai. Theo Dân biểu Patzelt, việc ông không được vào phòng xử đã có một tác dụng tích cực. Đứng trước tòa án mà ông đã có thể nói chuyện và bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình ủng hộ blogger Anh Ba Sàm. Ông cho rằng chính nhờ sự việc này, mà phiên toà đã thu hút được sự quan tâm của công chúng lớn hơn nhiều so với trường hợp ông được vào bên trong.

Ông Patzelt hoạt động trong chương trình “Dân Biểu Bảo Vệ Dân Biểu” của Quốc Hội Đức. Chương trình này cũng nhắm tới việc bảo vệ những người tranh đấu cho nhân quyền. Ông cam kết sẽ tiếp tục hoạt động trong chương trình này, và sẽ có một chuyến đi Việt Nam nữa, để vào thăm ông Nguyễn Hữu Vinh trong tù.

============= 19-04-2016================

Dân biểu Mỹ đề nghị Tổng thống Obama nêu vấn đề nhân quyền tại Việt Nam

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ: 13 Dân biểu Quốc hội Liên bang hôm 19/4 gởi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, yêu cầu Tổng thống trong chuyến công du Việt Nam sắp tới, nêu ra vấn đề Hà Nội không ngừng vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng.

Các vị dân biểu Liên bang trong đó có những tên tuổi quen thuộc như Christopher Smith, Zoe Lofgren, Loretta Sanchez và một số vị khác đã nhấn mạnh tới việc Việt Nam đang tìm mọi cách để gia tăng trao đổi thương mại và các quan hệ khác với Hoa Kỳ.

Tuy vậy Chính quyền Việt Nam trong thời gian vừa qua đã gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến và các cộng đồng tôn giáo độc lập. Điển hình như việc bắt giam trở lại Luật sư nhân quyền, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài; kết án tù 5 năm đối với blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, cũng như tra tấn tới chết hai vợ chồng nhà lãnh đạo tin lành thuộc sắc tộc thiểu số.

Ngoài ra chính quyền Việt Nam còn ép buộc các tín đồ một số tôn giáo phải bỏ đạo, trong đó có Phật giáo, Tin lành, Phật giáo Khmer Krom, Cao Đài, cũng như cộng đồng người Hmong và các sắc tộc thiểu số khác.

Trong bối cảnh Chính phủ Hoa Kỳ chuẩn bị bước vào quan hệ cận kề hơn với chính phủ Việt Nam, các vị dân biểu đề nghị chính quyền Obama kêu gọi Hà Nội phóng thích vô điều kiện hàng trăm tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đang bị giam cầm. Điển hình như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Mục sư Nguyễn Công Chính, ông Bùi Văn Trung, ông Nguyễn Văn Minh, bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Đoàn Huy Chương, ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, ông Nguyễn Hữu Vinh và ông Nguyễn Văn Đài.

———————

Hội NBĐLVN phản đối Công an Hà Nội ngăn chặn tọa đàm khoa học của Hội Nhà báo độc lập VN

Ngay trước Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ hàng năm tại Washington và chuyến công du Việt Nam của Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Anthony Blinken để chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, Công an Hà Nội rất có thể đã làm lệch vẹo “chủ trương đối ngoại của Bộ chính trị” bằng hành vi tổ chức ngăn chặn vừa tinh vi vừa trắng trợn cuộc tọa đàm khoa học “Obama đến Việt Nam – The change we need” của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (IJAVN), dự định tổ chức vào ngày 17/4/2016 tại Hà Nội.

Toàn bộ ban lãnh đạo và nhiều thành viên trong nước của IJAVN cùng một số khách mời của IJAVN đã bị công an chặn tại nhà và bị câu lưu: nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà báo Vũ Quốc Ngữ, nhà báo Bùi Minh Quốc, nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Đoan Trang…

Có nhiều dấu hiệu cho thấy lực lượng an ninh của Công an Hà Nội vừa trực tiếp vừa gián tiếp can dự vào hành vi cản trở cuộc tọa đàm trên. Cũng có dấu hiệu công an “đạo diễn” để côn đồ đe dọa hành hung các nhà báo. Kết hợp với những biểu hiện gần đây từ phía chính quyền, có những chỉ dấu cho thấy công an tăng cường dùng “luật rừng”.

Vài dấu hiệu khác còn cho thấy có thể đã diễn ra một sự chỉ đạo kín đáo từ Bộ Công an đối với hành động ngăn chặn cuộc tọa đàm “Obama đến Việt Nam – The change we need”. Chẳng hạn một công an phường, trong lúc tiến hành câu lưu đối với nhà báo độc lập, đã “vô tình” phát ngôn: “Không biết các anh trên Bộ còn yêu cầu gì khác?”.

Sự hiện diện, dù có vẻ kín đáo của cơ quan công an cấp bộ, đang làm dấy lên nỗi lo ngại về việc chính cơ quan mang thuộc tính công an trị này có thể tác động mạnh mẽ hoặc mang tính quyết định về “chủ trương đối ngoại của Bộ chính trị”.

Sau chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015, “chủ trương đối ngoại” đã thay đổi theo hướng dần chấp nhận Công đoàn độc lập và Xã hội dân sự.

IJAVN lại là một tổ chức dân sự độc lập hướng đến quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận. Cuộc tọa đàm “Obama đến Việt Nam – The change we need” không đơn thuần là một sinh hoạt khoa học để nâng cao hàm lượng phân tích, nhận định và truyền thông, mà cách nào đó còn có thể cung cấp cho đảng cầm quyền ở Việt Nam những thông tin khoa học, cần thiết và xác đáng, làm cơ sở cho lộ trình không còn cách nào khác phải “xoay trục về phương Tây” của Việt Nam, trong bối cảnh áp lực từ Trung Quốc gia tăng và sẽ có thể bùng nổ xung đột dẫn tới chiến tranh ở Biển Đông.

IJAVN còn bày tỏ thiện chí, quan điểm đa chiều và tính minh bạch trong sinh hoạt khoa học bằng việc mời một quan chức cao cấp của đảng cầm quyền đến dự tọa đàm. Nhưng rất tiếc, nhân vật này đã không trả lời thư mời.

Với vụ việc cuộc tọa đàm trên bị ngăn chặn rất tiêu cực, không thể hiểu khác hơn là ít nhất một cơ quan là Công an Hà Nội đã cản trở trắng trợn và thô bạo quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, quyền tự do đi lại của các nhà báo, hoàn toàn trái với Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1982.

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tuyên bố phẫn nộ phản đối hành vi ngăn chặn trên và thông báo câu chuyện quá đáng xấu hổ này đến Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu…, cùng các tổ chức quốc tế về nhân quyền và giới truyền thông trong và ngoài Việt Nam.

Ngày 19 tháng 4 năm 2016

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

———————-

Tập huấn Việt Nam- Hà Lan về Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn

Từ ngày 19 đến 20-4, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Bộ ngoại giao (Sứ quán Hà Lan tại Việt Nam), trong khuôn khổ hợp tác nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn), Bộ Công an tổ chức Lớp tập huấn Việt Nam- Hà Lan về Công ước chống tra tấn.

Lớp tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân trong thực thi Công ước chống tra tấn. Tham gia Lớp tập huấn gồm 20 đại biểu, là đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp của Việt Nam và Đại diện sứ quán Hà Lan tại Việt Nam.

Tại Lớp tập huấn, các đại biểu đã được nghe Trung tướng, G.S, T.S Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, trình bày về những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực thi Công ước chống tra tấn, cũng như những kết quả đã thu được từ khóa tập huấn được tổ chức tháng 12-2015, tại Học viện Clingendael, La Hay, Hà Lan; nghe ông Bart Hogeveen và ông Adriaan Zondag là hai chuyên gia đến từ Học viện Clingendael, trình bày các nội dung liên quan đến Công ước chống tra tấn, kinh nghiệm của Hà Lan trong triển khai thực thi Công ước và dự kiến chương trình cho khóa tập huấn tiếp theo.

Hà Lan là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới, phê chuẩn Công ước chống tra tấn (21-12-1988) và có nhiều kinh nghiệm phong phú trong triển khai thực thi Công ước. Vì vậy, Lớp tập huấn này có ý nghĩa quan trọng, mang lại những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, cho cán bộ của Việt Nam trong triển khai thực thi Công ước chống tra tấn.

Tiếp theo Lớp tập huấn đã được tổ chức từ ngày 6-12 đến ngày 12-12-2015, tại Học viện Clingedael, Khóa tập huấn lần này là một biểu hiện sinh động về mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ ngoại giao Hà Lan.

Tại Lớp tập huấn, Trung tướng, G.S, T.S Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ Ngoại giao Hà Lan, Sứ quán Hà Lan tại Việt Nam vì những hỗ trợ này; đồng thời hy vọng việc hợp tác này sẽ lâu bền và Hà Lan sẽ dành thêm nhiều hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam.

http://cand.com.vn

============== 20-04-2016===============

Việt Nam tiếp tục nằm gần cuối bảng Tự do Báo chí Thế giới 2016

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ: Việt Nam tiếp tục nằm trong các nước chót bảng về Tự do Báo chí 2016 do Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vừa công bố hôm nay.

Vị trí của Việt Nam năm nay vẫn duy trì ở hạng 175 như năm ngoái trên tổng số 180 quốc gia được khảo sát, nhưng về điểm số đánh giá, Việt Nam bị sụt mất 1.64 điểm so với năm rồi.

Trưởng phụ trách khu vực Châu Á trong RSF, ông Benjamin Ismail, cho VOA Việt ngữ biết:

“Dù Việt Nam vẫn duy trì mức hạng như năm ngoái nhưng tình hình tự do báo chí năm nay tại Việt Nam tệ đi rất nhiều thể hiện rõ qua điểm số bị sụt bởi chiến dịch đàn áp không nương tay của nhà cầm quyền đối với các blogger, các ký giả độc lập không có cùng quan điểm với nhà nước. RSF tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam cải thiện quyền tự do báo chí. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động quốc tế lưu tâm hơn nữa về tình hình tự do báo chí của Việt Nam nói riêng và tình hình nhân quyền Việt Nam nói chung.”

Tổ chức bảo vệ ký giả và bênh vực cho quyền tự do báo chí thế giới có trụ sở tại Pháp nhận xét thông tin độc lập duy nhất ở Việt Nam là từ các blogger và các ký giả công dân nhưng họ đã bị biến thành mục tiêu của các hình thức tấn công vô cùng khắc nghiệt trong chiến dịch đàn áp của nhà cầm quyền kể cả việc sử dụng bạo lực công an.

Dù Việt Nam vẫn duy trì mức hạng như năm ngoái nhưng tình hình tự do báo chí năm nay tại Việt Nam tệ đi rất nhiều thể hiện rõ qua điểm số bị sụt bởi chiến dịch đàn áp không nương tay của nhà cầm quyền đối với các blogger, các ký giả độc lập không có cùng quan điểm với nhà nước.

Trưởng phụ trách khu vực Châu Á của RSF, ông Benjamin Ismail, nói.

Một số dẫn dụ cụ thể được RSF đưa ra để minh chứng cho tình trạng thiếu tự do báo chí tại Việt Nam bao gồm tất cả truyền thông nội địa đều được đặt dưới sự kiểm soát và chỉ thị của đảng cộng sản; quyền tự do sử dụng Internet bị hạn chế bởi Nghị định 72 trong khi quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận bị ngăn trở bởi các điều khoản bao quát, mơ hồ trong Bộ luật Hình sự như Điều 258 ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.’

RSF nói các điều luật này cho phép nhà cầm quyền bóp nghẹt mọi hình thức bất đồng chính kiến tại Việt Nam, nơi toàn bộ báo chí-truyền thông đều thuộc quốc doanh.

Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn bị liệt kê vào nhóm tồi tệ nhất ở cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới thường niên do RSF thực hiện. Giới phân tích nói điều này thể hiện chính sách không lay chuyển của Hà Nội trong việc đàn áp quyền tự do báo chí, không hề có sự cải thiện hay thay đổi đáng kể nào.

Ngoài tên của quốc gia Việt Nam, tên của các nhân vật lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam cũng bị RSF liệt kê vào danh sách ‘Kẻ thù của Internet’ liên tục trong những năm vừa qua.

Như các phúc trình khác trên thế giới về nhân quyền Việt Nam, các báo cáo của Phóng viên Không biên giới luôn bị Hà Nội xem là ‘xuyên tạc’, ‘thiếu khách quan’, ‘không phản ánh đúng tình hình.’

Chính phủ Việt Nam khẳng định quyền tự do báo chí được tôn trọng với hàng trăm ấn phẩm báo chí-truyền thông đa dạng được phép xuất bản.

Tuy nhiên, những người chỉ trích nói hàng trăm báo đài tại Việt Nam làm theo lệnh của một tổng biên tập là đảng cộng sản để phản ánh tiếng nói một chiều của nhà cầm quyền, phục vụ cho bộ máy tuyên truyền của nhà nước, và ca ngợi chế độ.

Kể từ năm 2002, Phóng viên Không Biên giới khảo sát và công bố xếp hạng Tự do Báo chí Thế giới để đo lường mức độ tự do báo chí tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu dựa trên các tiêu chí như tính đa nguyên, phương tiện truyền thông độc lập, môi trường truyền thông và tự kiểm duyệt, môi trường pháp lý, tính minh bạch, cơ sở hạ tầng, và tình trạng vi phạm.

Được xem là thước đo về tự do báo chí toàn cầu, Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm nay cho thấy Châu Âu dẫn đầu về khu vực có tự do báo chí tốt nhất trên thế giới. Lần đầu tiên khu vực Châu Phi chiếm vị trí thứ nhì, dẫn trước Châu Mỹ. Tiếp theo sau là Châu Á và Đông Âu/Trung Á. Bắc Phi và Trung Đông là khu vực có ký giả bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.

3 nước EU đứng đầu bảng xếp hạng tự do báo chí năm nay bao gồm Phần Lan, Hà Lan, và Nauy.

Các quốc gia cuối bảng là Việt Nam, Trung Quốc, Syria, Tukmenistan, Bắc Triều Tiên, và Eritrea.

——————————

Tù nhân chính trị Nguyễn Văn Phương được tự do sau 17 năm tù

Ngày 20/4, tù nhân chính trị Nguyễn Văn Phương được trả tự do sau 17 năm trong nhà tù cộng sản.

Ông Phương, 53, bị bắt năm 1999 và bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước và khủng bố.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Hội Anh em Dân chủ, ông Phương cho biết ông không hoạt động khủng bố và chính quyền cộng sản đã gán cho ông tội danh này.

Ông cho biết mình đã bị đối xử tàn ác trong suốt thời gian tù đày. Mặc dù mắt kém, nhưng ông vẫn bị nhà tù bắt bóc hạt điều với định mức 20 kg/ngày.

Ông bị biệt giam trong phòng kín trong thời gian 6 tháng, và một lần bị cùm chân 14 ngày.

Ông cho biết sức khỏe rất kém, và trong 17 năm qua, ông không được khám sức khỏe và điều trị y tế một cách thích hợp.

Quý vị có thể xem cuộc phỏng vấn ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=xHdqniAPA7M

=============== 21-04-2016=============

Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế được trao giải Nhân Quyền Gwangju 2016 Nam Hàn

SBTN: Tin vui cho những nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam: Giải thưởng Uỷ ban Nhân Quyền Gwangju năm 2016 của Nam Hàn đã được trao cho Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, và Tổ chức Bersih 2.0 của Malaysia.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế là một trong những nhà đấu tranh, vận động dân chủ nhân quyền lâu đời nhất, kể từ ngày CSVN thống trị toàn cõi Việt Nam 30/04/1975. Hiện nay, ông vẫn đang sinh sống tại Sài Gòn cùng với vợ là nữ ca sĩ Tâm Vấn. Còn Tổ Chức Bersih 2.0 là Liên minh Vận động Bầu cử Công bằng của Malaysia.

Trên trang facebook Diễn Đàn Xã Hội Cấp Tiến đã có ghi tiểu sử của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế: Ông sinh năm 1942 tại Hà Nội, ông theo gia đình di cư vào Nam vào năm 1954. Theo học Đại học Y khoa Sài Gòn, tốt nghiệp bác sĩ năm 1966. Làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời là Giảng sư tại Đại học Y khoa Sài Gòn. Ông được học bổng của Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) đi tu nghiệp về ngành Y khoa Nội tiết (Endocrinology) tại Bỉ năm 1968, tại Pháp năm 1969 và tại Anh Quốc năm 1972. Hoàn tất chương trình tu nghiệp năm 1974, Bác sĩ Quế đã từ chối đề nghị làm việc cho Tổ chức Y tế Quốc tế, để trở về nước tiếp tục phục vụ tại bệnh viện Chợ Rẫy, và giảng dạy tại trường Đại học Y khoa Sài Gòn.

Vào đầu năm 1978, ông và 47 thành viên trong Mặt trận Dân tộc Tiến bộ bị nhà nước Việt Nam bắt và giam cầm không xét xử. Năm 1988, ông được phóng thích.

Vào năm 1990, ông thành lập tổ chức Cao trào nhân bản và công bố “Lời Kêu Gọi của Cao Trào Nhân Bản”, tiếp tục đòi hỏi nhà nước tôn trọng nhân quyền, đa nguyên chính trị và tuyển cử tự do. Ông bị bắt lại ngay sau đó, và bị tuyên án 20 năm khổ sai, cộng thêm 5 năm quản thúc tại gia, vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Vào đầu tháng 9 năm 1998, trước áp lực của quốc tế, nhà cầm quyền trả tự do cho ông. Nhưng ông đã từ chối rời khỏi Việt Nam, lựa chọn việc ở lại Việt Nam để tiếp tục đấu tranh.

Vào ngày 11 tháng 5 năm 1999, ông ra một thông cáo kêu gọi nhà nước dân chủ hóa đất nước. Vào tháng 3 năm 2003, ông lại bị bắt giữ vì ông đã gửi văn kiện chỉ trích nhà nước Việt Nam đến Hoa Kỳ. Ngày 29 tháng 7 năm 2004, tòa án lần nữa kết án ông 30 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”. Vào trước Tết năm 2005, ông được đặc xá.

Vào năm 2013, ông đã thành lập Mạng lưới các Blogger Việt và Hiệp hội Nhân quyền Phụ nữ Việt Nam năm 2013. Đầu năm 2014, bác sĩ Quế kêu gọi các cựu tù nhân lương tâm đoàn kết lại, và đã thành lập Hiệp Hội Các Cựu Tù Nhân Lương Tâm

Ông đã được trao Giải Nhân quyền Raoul Wallenberg năm 1994, Giải Nhân quyền Robert F. Kennedy năm 1995, Giải Hellman/Hammett năm 2002, Giải Nhân quyền Heinz R. Pagels năm 2004. Nhiều lần ông được đề cử cho Giải Nobel Hòa Bình

Ban tổ chức trao giải thưởng Gwangju cho rằng, bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã gánh chịu sự trừng phạt trên đường đi tìm tự do cho dân tộc. Ý chí quả cảm của ông đã truyền cảm hứng cho loài người khắp thế giới. Buổi lễ trao giải sẽ được tổ chức tại thành phố Gwangju của Nam Hàn vào ngày 18 tháng Năm tới, người đoạt giải nhận được số tiền mặt 50 ngàn Mỹ kim. Bà Aung San Suu Kyi của Myanmar đã thắng giải thưởng này vào năm 2004, nhưng đến năm 2013 mới đến được thành phố Gwangju để nhận giải.

======= 22-04-2016==============

Việt-Mỹ sắp đối thoại nhân quyền 2016

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ: Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 20 giữa Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 25/4, đầu tuần tới.

Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, Lao động, ông Tom Malinowski, dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ và phái đoàn Việt Nam do ông Vũ Quang Anh, Tổng giám đốc Văn phòng Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại Giao làm trưởng đoàn.

Thông cáo nói cuộc đối thoại nhân quyền lần này sẽ bàn về nhiều vấn đề, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ trong các lĩnh vực như cải cách luật pháp, nhà nước pháp quyền, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, người tàn tật, người đồng tính hay chuyển giới.

Ngoài ra, đôi bên Việt-Mỹ cũng sẽ thảo luận về hợp tác đa phương cũng như trường hợp của các cá nhân đang được công luận quan tâm liên quan đến nhân quyền Việt Nam.

Thông cáo từ văn phòng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nhân quyền vẫn là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ và là lĩnh vực chủ chốt của quá trình đối thoại tiếp diễn trong khuôn khổ mối Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ.

Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần này diễn ra không bao lâu sau một loạt án tù Hà Nội vừa tuyên phạt các nhà hoạt động nhân quyền, chống tham nhũng và phản đối tình trạng cướp đất. Chỉ trong tuần cuối tháng 3 vừa qua, có 7 người bị lãnh các mức án từ 3 tới 5 năm tù vì các tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ và ‘tuyên truyền chống nhà nước’ lần lượt theo điều 258 và điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, những điều khoản bị cho là có nội dung mơ hồ nhằm trấn áp những người bất đồng quan điểm hoặc chỉ trích nhà nước.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói ‘Sử dụng các điều khoản hình sự để ngăn chặn quan điểm bất đồng rất đáng lo ngại và không phù hợp với quyền tự do biểu đạt được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và các cam kết quốc tế khác của Việt Nam’.

Lên tiếng từ Mỹ trong chuyến quốc tế vận kêu gọi các nước gia tăng áp lực buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền, bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư nhân quyền đang bị giam cầm Nguyễn Văn Đài, chia sẻ:

“Nước Mỹ luôn đi đầu thế giới về vấn đề quyền con người. Nước Mỹ có được sự văn minh, tốt đẹp như bây giờ đó là vì họ xây dựng trên nền tảng quyền của con người. Việc nhắm tới các lợi ích của con người sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội, chứ không phải là vấn đề kinh tế điều khiển hay quyền lực điều khiển. Tôi mong muốn nước Mỹ khi đầu tư kinh tế hay các mặt nào khác vào một quốc gia thì buộc đất nước đó phải có nhân quyền để đảm bảo rằng quyền lợi đó đến được với tất cả mọi người dân”.

Nhà nước Việt Nam nên xem xét lại bản thân mình. Hãy lắng nghe tiếng nói chung của cộng đồng thế giới. Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn quá lạc hậu, quá yếu kém. Tôi mong chính quyền Việt Nam hãy nhìn nhận lại mình, học tập theo các nước khác để người dân Việt Nam được hưởng những gì tốt đẹp hơn.

Hoa Kỳ, các nước Tây phương và các tổ chức nhân quyền quốc tế liên tục kêu gọi Hà Nội ngưng đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa, tuân thủ cam kết bảo vệ nhân quyền và đây cũng là lý do và là nội dung chính của các cuộc đối thoại nhân quyền giữa các nước như Mỹ, Australia, hay Liên hiệp châu Âu với Việt Nam hằng năm.

Thân nhân nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài bày tỏ nguyện vọng:

“Nhà nước Việt Nam nên xem xét lại bản thân mình. Hãy lắng nghe tiếng nói chung của cộng đồng thế giới. Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn quá lạc hậu, quá yếu kém. Tôi mong chính quyền Việt Nam hãy nhìn nhận lại mình, học tập theo các nước khác để người dân Việt Nam được hưởng những gì tốt đẹp hơn”.

Hà Nội không thừa nhận vi phạm nhân quyền, chỉ công nhận còn những vấn đề cần khắc phục và cho rằng có cách biệt trong quan điểm nhân quyền giữa các nước cần được thu hẹp.

Đáp lại, cộng đồng quốc tế nói nhân quyền là giá trị phổ quát trên toàn cầu, không thể có cách biệt trong cách diễn giải và áp dụng giữa nước này với nước khác.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đầu tháng này tố cáo qua việc siết chặt kiểm soát các nhà hoạt động, các blogger và các nhà bình luận xã hội độc lập, Việt Nam đang thách thức phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Human Rights Watch đề nghị: ‘Các hành động đó phải được đáp trả bằng sự lên án mạnh mẽ để chính quyền Hà Nội thấy rõ là để được các nước đối tác thương mại tôn trọng thì bản thân phải tôn trọng nhân quyền’.

=========== 24-04-2016============

Tuyên bố nhân cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5-2016 của các tổ chức xã hội dân sự độc lập.(24-04-2016)

Xét rằng:

1- Từ hơn 60 năm nay, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam có toàn quyền trong việc sử dụng các nguồn lực quốc gia và đưa ra những quyết sách phát triển mà hầu như không gặp một rào cản nào. Nhưng hiệu quả phát triển chẳng những đã không đạt được mà đất nước ngày càng thụt lùi về mọi phương diện. Đó chính là vì đảng và nhà cầm quyền Cộng sản có quá nhiều quyền lực, lại không bị kiểm soát, không bị chế ước. Quyền vô hạn ấy đã dẫn đến những yếu kém, sai lầm trong các quyết sách. Quyết sách làm ra không chịu áp lực giải trình, không có động lực phải đưa ra những tính toán hợp lý khoa học. Rồi những sai lầm đó không bao giờ bị xử lý cả. Vì vậy tình trạng ngày càng thê thảm và tồi tệ hơn.

2- Xuất phát từ ý muốn giải gỡ tình trạng bế tắc, vô lý, tồi tệ đó của nền chính trị đất nước và sự phát triển quốc gia, nhân cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp tới, nhiều công dân tâm huyết, có tinh thần dân chủ, đã ra ứng cử trong tư cách độc lập, với ước mong đóng góp tiếng nói phản biện và bày tỏ khát vọng đích thực của quần chúng tại cơ quan (được coi là) quyền lực cao nhất của nhân dân này.

3- Thế nhưng đảng và nhà cầm quyền Cộng sản đã bày đặt một cơ chế hết sức vi hiến là hội nghị cử tri và hội nghị hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc là cơ quan ngoại vi của đảng tổ chức, trong sự phối hợp với nhà cầm quyền lẫn công an địa phương để loại bỏ họ, bằng nhiều phương cách vô luật pháp, nếu không muốn nói là gian manh, thô bạo và đê hèn.

4- Tại vòng hội nghị lấy phiếu tín nhiệm của cử tri (kết thúc ngày 12/04/2016), công luận thấy có những đặc điểm như sau:

a – Thành phần tham dự do ban tổ chức mời từ trước, ứng viên không được biết danh sách, dẫu có khi yêu cầu (như ứng viên [ƯV] Nguyễn Thúy Hạnh). Cá biệt có trường hợp chính ƯV cũng chẳng được mời dự (như các ƯV Ngô Anh Tuấn, Phan Vân Bách…). Thành phần tham dự này đa phần là đảng viên, thành viên các đoàn thể MTTQ hay những kẻ sẵn sàng làm công cụ. Hầu hết đều đã được “tập luyện phát biểu lên án” và “quán triệt bỏ phiếu bất tín nhiệm”. Ngoài ra, nhiều quan chức cấp trên còn được mời trái quy định nhằm uy hiếp cử tri.

b- Cử tri ở tổ dân phố khác được gọi đến, trong khi nhiều cử tri ở chính tổ dân phố của ứng viên không được tham dự (như ƯV Lê Khánh Luận). Đôi trường hợp lại tổ chức hội nghị ở một địa phương xa nơi ứng viên ở (như ƯV Nguyễn Kim Môn). Việc huy động cử tri từ chỗ khác cũng xảy ra nơi ứng viên công tác làm việc, và với con số áp đảo (như ƯV Đỗ Anh Tuấn). Đó là chưa kể việc hăm dọa, ngăn chặn hay giới hạn số cử tri được dự đoán sẽ ủng hộ ƯV (ƯV Nguyễn Quang A).

c- Biến hội nghị tiếp xúc thành nơi chỉ trích, lên án, đấu tố ƯV một cách thô bạo với những lý do vu vơ hay vặt vãnh: như không sinh hoạt tổ dân phố đều đặn, không thường xuyên thăm hàng xóm, chẳng tham gia đóng góp tiền trong các đợt vận động, nói xấu đảng và nhà nước trên mạng, đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, hay đi biểu tình chống Trung Quốc, còn trẻ tuổi (ƯV Lê Văn Luân), bằng cấp thấp, chưa cống hiến gì, tự ứng cử không xin phép đoàn thể… Có khi còn bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn về ứng viên.

d- Ứng viên không được tạo điều kiện để trao đổi lại với cử tri mà phải “chịu trận” dài giờ cuộc đấu tố của họ. Nếu có phản biện thì cũng được cho vài ba phút hay bị ngắt lời cách thô bạo (ƯV Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Tường Thụy). Ngoài ra, nhận xét xấu, đa phần bịa đặt, về ứng cử viên thì được khuyến khích, còn nhận xét tốt thì bị chẹn họng không cho nói, bảo là lạc đề. Điều đó khiến nhiều ứng viên buộc phải tẩy chay hội nghị và bỏ ra về (các ƯV Nguyễn Tường Thụy, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Thúy Hạnh).

e- Ứng viên bị ngăn cản phát tài liệu công bố tiểu sử và chương trình hành động của mình cho cử tri, không được ghi hình chụp ảnh (các ƯV Đỗ Việt Khoa, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thụy), không được trả lời các đơn thư tố cáo hay kiến nghị về những bước trước đó. Thậm chí có ứng viên còn bị đưa đơn tố cáo đọc trong hội nghị với nội dung hết sức hồ đồ như gây rối trật tự công cộng (biểu tình chống Trung quốc), đòi tự do cho các tù nhân lương tâm, biểu thị lòng căm ghét độc tài (các ƯV Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Xuân Diện)

f- Việc kiểm phiếu không được tiến hành công khai, minh bạch và chẳng có sự giám sát của những cá nhân/tổ chức độc lập. Ban điều hành hội nghị tự kiểm phiếu với nhau trong phòng kín, ở miếu hoang hay công bố kết quả mà không đưa bằng chứng cụ thể (các ƯV Nguyễn Trang Nhung, Võ An Đôn, Ngô Xuân Phúc).

g- Kết quả bỏ phiếu đều có số phiếu tín nhiệm thấp một cách đáng ngờ đối với các ứng viên độc lập. Xin nêu vài ví dụ: Ông Hoàng Dũng (Sài Gòn): 7%. Ca sĩ Lâm Ngân Mai (Sài Gòn): 3/82. Luật sư Võ An Đôn (Phú Yên): 29/86. Ông Đỗ Anh Tuấn (Vĩnh Phúc): 1/71. Thạc sĩ Nguyễn Trang Nhung (Sài Gòn):  1/63. Ông Ngô Xuân Phúc (Nghệ An): 10/106. Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội): 6/75. Ông Nguyễn Kim Môn (Hà Nội): 3/81.

Nói tóm lại, hầu hết hội nghị cử tri ở khắp nơi đều có những vi phạm pháp luật cố ý và nặng nề.

Trước các hiện tượng bất thường và các chiêu trò ma mãnh nói trên, các tổ chức xã hội dân sự tuyên bố:

1- Việc lấy ý kiến cử tri do Mặt trận Tổ quốc phối hợp với nhà cầm quyền và công an địa phương tổ chức, bằng kiểu chỉ định sắp xếp mời cử tri, di chuyển đến địa bàn xa lạ, chỉ đạo đấu tố ứng viên cách vô liêm sỉ, ngăn chận họ trình bày và phản biện, kiểm phiếu tín nhiệm trong âm thầm bí mật, thậm chí chẳng thèm mời ứng viên tham dự, khiến cuối cùng tất cả những ứng viên có tinh thần dân chủ, từng đấu tranh nhân quyền đều bị loại… Đó đúng là một trò lừa bịp quốc dân lẫn quốc tế, một sự khinh bỉ tột cùng đối với định chế đáng kính hàng đầu (trên nguyên tắc) của quốc gia, một thái độ coi luật pháp chỉ là trò đùa bỡn.

2- Việc các hội nghị cử tri diễn ra với trò đấu tố thô bỉ -kèm thêm chiến dịch phỉ báng vu khống trên mạng- nhắm những công dân ứng cử ngoài ý muốn và sắp xếp của đảng CS chính là sự tái hiện những cuộc đấu tố rùng rợn thời Cải cách ruộng đất mà nay đảng vẫn còn muốn sử dụng như một thứ vũ khí để giành uy lực tuyệt đối và kiểm soát toàn bộ xã hội… Đó đúng là dấu chỉ chứng tỏ khả năng siêu hạng và tàn độc xưa rày của cộng sản: tàn phá văn hoá của dân tộc và đạo đức của con người.

3- Việc một thiểu số “quần chúng” đã có quyền thay thế hàng ngàn cử tri nơi ứng viên ở hoặc trăm ngàn cử tri của mỗi khu vực bầu cử để quyết định “tư cách ứng cử đại biểu Quốc hội” của những công dân đầy tâm huyết, bất chấp việc họ có được sự ủng hộ của quảng đại quần chúng… đúng là một cơ chế bầu cử phi pháp và khốn nạn, vì nó gạt bỏ những vị có tâm, có tài, có óc phản biện chính quyền, có trái tim đứng về phía nhân dân; và qua đó, nhà cầm quyền đã khiến cho đám quần chúng mù quáng và bị giật dây tiêu diệt được sinh mệnh chính trị của những con người thiện chí, y như đám bần dân vô sản bị xúi giục thời cải cách ruộng đất đã tiêu diệt được sinh mệnh xác hồn của giới địa chủ.

4- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân, kẻ từng đứng đầu cái ngành có sứ mạng giáo dục giới trẻ về sự đàng hoàng, chính trực, liêm sỉ, lương thiện, có lẽ đang hể hả cùng với đám tay chân của họ. Thế nhưng, tất cả những màn diễn vụng về, đểu cáng, thô bạo, gây căng thẳng và chia rẽ trong mọi tầng lớp dân chúng suốt mấy tuần nay chỉ là những cái tát giáng vào những kẻ luôn mồm ra rả “dân chủ đến thế là cùng”, là bản cáo trạng dành cho đảng trong tòa án lịch sử muôn niên và là những nét khắc trên bia miệng ngàn đời của Dân tộc.

          Do đó, các tổ chức xã hội dân sự đề nghị:

1- Toàn thể đồng bào Việt Nam tại quốc nội hãy quyết tâm đập tan mưu đồ “đảng hóa” Quốc hội bằng cách tẩy chay mạnh mẽ trò “đảng cử dân bầu” tháng 5 tới. Bằng một trong 3 phương cách:

a- Bất hợp tác dân sự:  không đến phòng phiếu, không nhờ bầu hộ;

b- Bất hợp lệ hóa: gạch bỏ hết tên những người ứng cử.

c- Bất tuân ý đảng: không bầu quan chức của đảng, không bầu người do đảng đề cử, bầu cho những ứng viên độc lập, ngoài đảng hay ứng viên thuộc đảng song bị “quán triệt loại bỏ”.

2- Quý ứng viên độc lập và có tinh thần dân chủ –vốn đã tạo được một thành công lớn lao là vạch trần bộ mặt gian manh thô bỉ của đảng cộng sản và đang được phiếu tín nhiệm từ trong trái tim của đồng bào- xin hãy cùng kết hợp với nhau để làm thành một Quốc hội của nhân dân, Quốc hội trên không gian mạng, hoạt động song hành và bàn thảo song song những vấn đề mà quốc hội của đảng rồi đây sẽ bàn thảo, để nhân dân thấy thực chất vấn đề và giải pháp đích thật. Hay ít nhất Quý vị hãy cùng nhau làm thành một tổ chức xã hội dân sự với cũng tinh thần và mục tiêu như trên.

          Làm tại Việt Nam ngày 24 tháng 04 năm 2016

          Các tổ chức xã hội dân sự độc lập đồng ký tên:

01- Bach Dang Giang Foundation. Đại diện: Ths Phạm Bá Hải.

02- Giáo hội Liên hữu Lutheran Viet Nam- Hoa Kỳ. Đại diện: Ms Nguyễn Hoàng Hoa

03- Hội Bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Đại diện: Cô Hà Vân.

04- Hội Bầu bí Tương thân. Đại diện: Ông Nguyễn Lê Hùng

05- Hội Cựu tù nhân Lương tâm. Đại diện: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, linh mục Phan Văn Lợi.

06- Hội Dân oan Đòi quyền sống. Đại diện: Bà Hồ Thị Bích Khương.

07- Hội Anh em Dân chủ. Đại diện: Kỹ sư Phạm Văn Trội.

08- Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Đại Diện:  Bà Huỳnh Thị Xuân Mai

09- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Kỹ sư Đỗ Nam Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.

10- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Nguyễn Hữu Giải.

11- Nhóm Người Bảo vệ Nhân quyền. Đại diện: Ông Vũ Quốc Ngữ

12- Tổ chức Bảo vệ Tôn giáo và Sắc tộc. Đại diện: Ông Hỳnh Trọng Hiếu

============

Nhiều thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị công an bắt giữ khi tham dự sinh nhật hội

SBTN: Vào sáng ngày 24 tháng 4 năm 2016, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã huy động lực lượng công an ngăn cản, bắt giữ một số thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ khi chuẩn mừng sinh nhật lần thứ ba của hội này.

Một số thành viên Hội Anh Em Dân Chủ mừng sinh nhật 3 tuổi của hội.

Được biết, một số thành viên đã bị bắt gồm có: Lý Quang Sơn, Phạm Minh Vũ, Đỗ Gia Long, Tuấn Đỗ, và Trương Dũng.

Anh Nguyễn Văn Đề, một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ cho biết: “Hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 3 của Hội Anh Em Dân Chủ. Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ tổ chức ở Trường Chinh, Hà Nội. Nhưng công an đã can thiệp với chủ quán không cho chúng tôi thuê địa điểm. Vì vậy, mọi người đã di chuyển sang quán Hải Xồm, ở đường Lê Trọng Tấn nhưng cũng bị an ninh gây khó dễ, hạch sách. Cuối cùng, chúng tôi đến nhà hàng 68 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội để tổ chức.”

Theo anh Đề, tại đây, đến khoảng 12 giờ trưa, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã điều động khoảng 30 công an, an ninh mặc thường phục và cảnh sát đến bố ráp. Một số hội viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã bị công an bắt giữ và đưa đi.

Tối ngày 24, Công an Hà Nội đã trả tự do cho cả năm người. Không ai bị đánh đập, riêng Lý Quang Sơn bị vỡ Ipad khi bị an ninh kéo đi.

Cũng theo nhiều thành viên, lý do khiến nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ các thành viên của hội Anh Em Dân Chủ vì hôm nay chính là ngày sinh nhật Hội tròn 3 tuổi, và nhà cầm quyền đang muốn ra sức để trấn áp tinh thần của các thành viên trong hội.

Được biết trước đó, nhiều thành viên khác của hội ở những tỉnh thành khác nhau đều bị công an theo dõi gắt gao và ngăn chặn không cho đi lại.

Hội Anh Em Dân Chủ có tên tiếng Anh là Brotherhood For Democracy. Hội được thành lập vào ngày 24 tháng 4 năm 2013 với mục đích tập hợp những người đang hoạt động nhân quyền và dân chủ ở trong và ngoài nước, cùng nhau chia sẻ và giúp đỡ nhau trưởng thành trong cuộc sống, cũng như trong các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, vận động xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.

Nhiều thành viên của hội là những cựu tù nhân lương tâm. Đặc biệt, một trong những thành viên sáng lập Hội và cũng là thành viên trụ cột là Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng một thành viên khác của hội là cô Lê Thu Hạ hiện đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ.