Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền tuần 02-08/5: Chính quyền Việt Nam đàn áp biểu tình ôn hòa về môi trường, nhiều người bị bắt giữ, đánh đập

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 08-05-2016

tuần tin

Chính quyền cộng sản đã thẳng tay đàn áp biểu tình ôn hòa vì môi trường ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác, bắt giữ và đánh đập hàng trăm người hoạt động xã hội, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Công an Hà Nội bắt giữ hơn 100 người, đưa vào đồn công an để thẩm vấn trước khi trả tự do cho họ trong buổi chiều. Ở Sài Gòn, công an đàn áp mạnh tay hơn, dùng bình xịt hơi cay và đánh đập người biểu tình. Hơn 300 người đã bị bắt giữ.

Anh Trương Minh Tam, người bị bắt ở Hà Tĩnh khi đang đi thu thập thông tin về thảm họa môi trường, đã được trả tự do hôm 04/5. Anh tố cáo đã bị an ninh làm nhục và đánh đập trong quá trình giam giữ bất hợp pháp, vì anh nói bên bắt giữ không đưa ra lệnh bắt của Viện Kiểm sát hay của chính bên công an.

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đưa Việt Nam vào danh sách đen vì “hành vi vi phạm đang diễn ra một cách có hệ thống và nghiêm trọng” về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, và đề nghị chính quyền Mỹ đưa nước này vào danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt (CPC).

15 tổ chức xã hội dân sự độc lập, bao gồm Người Bảo vệ Nhân quyền, đã thành lập Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội dân sự độc lập với mục đích đấu tranh để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Và nhiều tin quan trọng khác.

 

==============02-05===========

Việt Nam bị đưa vào danh sách đen vì vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam- VCHR: Trong năm thứ mười sáu liên tiếp, kể từ năm 2001, Việt Nam bị Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đưa vào danh sách đen vì “hành vi vi phạm đang diễn ra một cách có hệ thống và nghiêm trọng” về tự do tôn giáo và tín ngưỡng. USCIRF đề nghị chính quyền Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt (CPC).

Trong Báo cáo thường niên 2016 về Tự do Tôn giáo Quốc tế công bố ngày hôm nay, USCIRF đề nghị đưa 17 quốc gia vào danh sách CPC của năm 2016. Mười nước hiện đang nằm trong danh sách của Bộ Ngoại giao Mỹ: Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả-rập Xê-út, Sudan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. USCIRF đề nghị nên duy trì mười nước này, và thêm bảy quốc gia khác, nơi tự do tôn giáo bị vi phạm nghiêm trọng: Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Iraq, Nigeria, Pakistan, Syria và Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách CPC vào năm 2004 và 2005, nhưng đưa ra khỏi danh sách năm 2006 trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Vào tháng 8 năm 2015, một phái đoàn USCIRF đã đến thăm Việt Nam để đánh giá tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại đây.

“Như báo cáo của USCIRF tiết lộ, tự do tôn giáo ở Việt Nam dưới sự kiểm soát chính trị: tôn giáo nhà nước bảo trợ có nhiều tự do hơn so với những nhóm độc lập, nhóm tôn giáo đã đăng ký ít phải đối mặt với quấy rối so với những nhóm không đăng ký,” ông Võ Văn Ái, Chủ tịch của VCHR nói. “Rõ ràng, chính phủ và Đảng Cộng sản không thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng, mà tăng cường kiểm soát nhà nước về tôn giáo ở Việt Nam.”

Theo phát hiện của USCIRF, có một số tiến bộ đáng kể đã đạt được đối với một số nhóm trong một số khu vực nhất định, “mặt khác, sự tiếp tục quản lý chặt chẽ của chính phủ đối với tôn giáo không chỉ dẫn đến hạn chế và phân biệt đối xử, mà còn dẫn đến việc sách nhiễu, bắt giữ và tấn công bạo lực với một số cá nhân”.

Trích dẫn các đàn áp chống lại nhiều cộng đồng tôn giáo bao gồm cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Phật giáo Khmer-Krom, Cao Đài, Công giáo, Nhóm Tin lành của người Hmong, người Thượng, Mennonite, Hòa Hảo, các học viên Pháp Luân Công và những người theo đạo Dương Văn Minh, USCIRF lưu ý rằng “các tổ chức tôn giáo không muốn sự công nhận của chính phủ phải đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu bởi các cơ quan chính phủ.”

Báo cáo nhận định rằng một số sách nhiễu được thực hiện bởi cán bộ chính quyền tỉnh và địa phương bởi vì họ không hiểu chính sách tôn giáo của chính phủ, nhưng “chính quyền trung ương cho phép thực hiện một cách không nhất quán và mâu thuẫn” ở cấp địa phương. Dựa trên các cuộc gặp gỡ của họ trong chuyến thăm tháng 8 năm 2015, USCIRF kết luận rằng có “một số mức độ đồng lõa hoặc làm ngơ của chính quyền trung ương với sách nhiễu của chính quyền cấp tỉnh”.

Theo báo cáo đó, đa số trong số 94 triệu dân theo Phật giáo thì những tổ chức hoạt động độc lập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà chính phủ kiểm soát, thường là mục tiêu của chính phủ. Những người bị sách nhiễu bao gồm ban lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như Hòa Thượng Thích Quảng Độ, người vẫn còn bị quản thúc, và lãnh đạo phong trào Thanh niên Phật tử Lê Công Cầu. Vào tháng 4 năm 2015, Lê Công Cầu đã bị bắt giữ và thẩm vấn trong ba ngày, và trong năm đó, ông đã bị ngăn cản nhiều lần không cho đi lại tự do để gặp các quan chức chính phủ của Hoa Kỳ và Đức.”

Được thành lập theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998, USCIRF là một cơ quan tư vấn chính phủ độc lập theo dõi tự do tôn giáo trên toàn thế giới và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho tổng thống Mỹ, bộ trưởng Ngoại giao và Quốc hội. Theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế, Hoa Kỳ có thể áp đặt một loạt các biện pháp, từ hạn chế đi lại để trừng phạt kinh tế các quốc gia bị liệt vào danh sách CPC.

————————–

Đỗ Đức Hợp: Bị đánh đập lẫn bị còng tay như tội phạm do đi tuần hành vì môi trường

Anh Đỗ Đức Hợp, một công dân sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh có mặt trong cuộc tuần hành vì môi trường vào ngày 1/5/2016. Anh cho biết mình còn chưa kịp hòa mình vào cuộc tuần hành thì đã bị lực lượng an ninh TP.Hồ Chí Minh ra tay đánh đập, bắt giữ và còng tay ở đồn công an nhiều giờ liền mà không có một lý do nào chứng minh anh phạm tội.

“Sáng sớm hôm đó tôi cùng với 5 anh, chị và em gồm chị Dương Thị Tân, anh Huỳnh Anh Tú cùng với vợ là chị Thanh Nghiên, Việt Quân, Nguyễn Hữu Tình đi đến nhà thờ Dòng chúa cứu thế số 38 Kỳ Đồng. Lúc từ nhà đi ra thì có toán an ninh của TP. Hồ Chí Minh đeo bám theo cho đến Nhà thờ khi đang còn ở cửa giữ xe đứng chờ thì họ (an ninh) lao xuống khống chế, đánh đập, đàn áp, trói tay tôi lại và tống lên taxi.”

Trong đồn công an, anh bị còng tay trong suốt mười mấy tiếng đồng hồ và không được cho ăn, chỉ cho uống nước. Công an đánh đập nhiều người và sử dụng ngôn từ bẩn thỉu để xúc phạm người biểu tình bị bắt.

Công an không hề đưa ra lệnh bắt hay một giấy tờ gì chứng minh vụ bắt bớ là hợp pháp, anh Hợp cho hay.

Lực lượng chức năng ở TP. Hồ Chí Minh bắt giữ hàng chục người biểu tình trong ngày 01/5.

Trước sự đàn áp và cách hành xử vi phạm pháp lý nghiêm trọng của các lực lượng chức năng ở Việt Nam đối với người dân tuần hành ô hòa vì môi trường, ngày 5 tháng 5 năm 2016, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc khu vực Đông Nam Á (OHCHR) ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về tác động của việc cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân dọc bờ biển miền Trung Việt Nam dựa trên việc thụ hưởng các Quyền Con người trong cả nước, đặc biệt là quyền về y tế và thực phẩm.

Ông Laurent Meillan, Đại diện Cao ủy Nhân quyền khu vực nói:

“Chính quyền Việt Nam cần áp dụng các khuôn khổ pháp lý và thể chế để bảo vệ chống lại các tác hại môi trường gây cản trở việc thụ hưởng các Quyền Con người, đảm bảo rằng tất cả những người đã chịu tác động tiêu cực, đặc biệt là các ngư dân được tiếp cận các biện pháp hiệu quả.”

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Việt Nam đã để các lực lượng chức năng đánh đập và bắt giữ hàng chục người dân khi tham gia cuộc tuần hành ôn hòa hôm 1/5/2016, văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng đầy đủ Quyền hội họp ôn hòa đã được đảm bảo trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên. “Chúng tôi thúc giục Chính phủ tiến hành một cuộc điều tra độc lập, toàn diện và khách quan trong các trường hợp được báo cáo là lạm dụng quyền lực của cơ quan thực thi pháp luật.”, ông Meillan nói.

Đỗ Đức Hợp: Bị đánh đập lẫn bị còng tay như tội phạm do đi tuần hành vì môi trường

============03-05============

Các nhà hoạt động: Báo chí Việt Nam vẫn bị kiểm soát chặt chẽ

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ: Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, 3/5, đài VOA đã phỏng vấn ông Huỳnh Ngọc Chênh và bà Phạm Đoan Trang, hai nhà hoạt động vì dân chủ nổi bật ở Việt Nam, về tình hình báo chí của đất nước. Cả hai nhà hoạt động đều khẳng định báo chí Việt Nam vẫn bị kiểm soát chặt chẽ và không có tự do.

Hồi cuối tháng 4/2016, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam ở vị trí 175 trên 180 về tự do báo chí, tức là gần cuối bảng. Cựu ký giả và blogger Huỳnh Ngọc Chênh không ngạc nhiên về thông tin này. Người từng đoạt Giải thưởng Quốc tế Công dân Mạng 2013 của RSF nói báo chí Việt Nam vẫn tiếp tục không có tự do, thậm chí nhà chức trách Việt Nam còn đang siết chặt thêm việc kiểm soát báo chí:

“Nói về tự do báo chí ở Việt Nam thì hoàn toàn không có tự do. Báo chí người ta vẫn hay nói đùa với nhau là báo chí Việt Nam chỉ có một tổng biên tập, đó là Ban Tuyên huấn Trung ương, trực thuộc đảng, định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo tất cả các tờ báo, các cơ quan truyền thông”.

Về phần mình, bà Phạm Đoan Trang, cũng từng là nhà báo rồi trở thành một blogger thúc đẩy tự do dân chủ, nói:

“Tôi nghĩ rằng tự do báo chí ở Việt Nam không có tiến bộ gì, còn lùi xuống thì cũng không hẳn.”

Chia sẻ nhận xét này của bà Trang, ông Chênh cũng nói tình hình báo chí Việt Nam “không có gì thay đổi” tuy đôi khi nhà chức trách tỏ ra nới lỏng như việc đưa tin về chống tham nhũng chẳng hạn.

Đưa ra góc nhìn của mình, bà Phạm Đoan Trang nói:

“Tôi nghĩ rằng những người cầm quyền Việt Nam họ không ý thức được rằng họ cần phải có phản biện, cần phải có thông tin gì từ người dân, từ xã hội. Họ không hiểu rằng việc phản biện chính sách là điều tất yếu, rất cần thiết, là điều phải có”.

Trong bối cảnh báo chí vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, hai nhà hoạt động cho rằng người dân nói chung, các nhà báo và các nhà hoạt động vẫn có những cách để tìm và đưa thông tin về đời sống mọi mặt của đất nước, đó là thông qua internet và mạng xã hội, dù vẫn có những hạn chế nhất định.

Các nhà hoạt động: Báo chí Việt Nam vẫn bị kiểm soát chặt chẽ

===========05-05===========

Bộ Giáo dục VN đính chính quy định các hành vi sinh viên không được làm

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ: Báo chí Việt Nam hôm 5/5 cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản đính chính bản quy chế đối với sinh viên học đại học chính quy do bộ ban hành cách đây một tháng chứa đựng quy định về các hành vi sinh viên không được làm.

Trong bản quy chế đối với sinh viên, còn gọi là Thông tư số 10/2016, ban hành ngày 5/4, có điều 6 cấm sinh viên làm những việc trong đó có: tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; sản xuất, vận chuyển, phát tán, tàng trữ, sử dụng hoặc lôi kéo người khác sử dụng các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động; thành lập, tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật; đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đảng và nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet.

Ngay sau khi thông tư ra đời, nhiều sinh viên và những người khác cũng như một số cơ quan báo chí đã chất vấn về tính hợp lý, hợp pháp của thông tư. Một trang Facebook của các sinh viên đã được lập ra trong tháng 4, mang tên “Sinh viên nói vì sinh viên”, tại đó hàng trăm người tham gia đã bày tỏ suy nghĩ cho rằng quy định của bộ không rõ ràng và không phù hợp với thời đại.

Sau khi sinh viên và dư luận phản ứng không tích cực, cuối tháng 4 Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ đính chính thông tư. Theo văn bản đính chính ban hành hôm 5/5, điều 6 trong thông tư 10/2016 đã bị xóa bỏ. Thay vào đó, quy chế mới đối với sinh viên ghi “Các hành vi sinh viên không được làm thực hiện theo quy định tại Điều 88 Luật Giáo dục, Điều 61 Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.

================06-05================

Việt Nam phản đối giải thưởng nhân quyền của Hàn Quốc

KOREA JOONGANG DAILY: Một giải thưởng nhân quyền có uy tín để kỷ niệm một trong những khoảnh khắc dân chủ của Hàn Quốc đã làm một chính phủ châu Á tức giận bởi giải thưởng này vinh danh một trong những người bất đồng chính kiến của nó.

Cuối tháng trước, Nguyễn Đan Quế, 74 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam, được trao giải nhân quyền Gwangju năm nay, cùng với Bersih, một liên minh các tổ chức phi chính phủ tại Malaysia đã đấu tranh đòi bầu cử công bằng.

Ủy ban chịu trách nhiệm lựa chọn người được nhận giải thưởng đã tuyên bố vào thứ Năm rằng chính phủ Việt Nam đã yêu cầu rút lại giải thưởng dành cho bác sỹ Quế và ép chính quyền Hàn Quốc “thực hiện tất cả các hành động cần thiết” để đảm bảo rằng giải thưởng sẽ bị thu hồi. Hà Nội đe dọa mối quan hệ ngoại giao sẽ tổn hại nếu Seoul không làm theo ý đó.

Một bức thư đề ngày 22/4 của Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul gửi Bộ Ngoại giao bày tỏ sự tức giận của Hà Nội khi Nguyễn Đan Quế được giải thưởng mà Quỹ Tưởng nhớ ngày 18/5 công bố vào hôm 21/4, Ngày 18/5/1980 là ngày mà chính phủ Chun Doo Hwan bắt đầu một chiến dịch đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Gwangju và đã giết chết hơn 100 người.

Sẽ là “không hợp lý” nếu Nguyễn Đan Quế được vinh danh vì ông “có lý lịch tội phạm và bị kết án vì vi phạm an ninh quốc gia” của Việt Nam, lá thư một trang của ĐSQ viết.

Nhấn mạnh việc chính phủ Việt Nam “mạnh mẽ” yêu cầu hủy bỏ giải thưởng, ĐSQ nói rằng việc không hủy bỏ việc trao giải thưởng cho Nguyễn Đan Quế có thể là một hành động “đi ngược lại lợi ích của quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước.

Ủy ban giải thưởng Quỹ Tưởng nhớ Ngày 18/5 nói cơ quan đã được thông báo về phản ứng của Việt Nam khi Bộ Ngoại giao chuyển lá thư của ĐSQ Việt Nam. Quỹ này nhấn mạnh rằng họ không thể tuân thủ yêu cầu của Việt Nam.

“Chúng tôi đã quyết định không phản ứng lại,” ông Kim Yang-rae, giám đốc điều hành của quỹ cho biết. “Trong thư, (Chính phủ Việt Nam) chỉ nói ông (Quế) đã vi phạm luật an ninh quốc gia và không nói thêm về vụ việc này.”

ĐSQ Việt Nam đã không trả lời các cuộc gọi vào ngày thứ Năm do là ngày nghỉ, và Bộ Ngoại giao của Hàn Quốc cũng thế.

Được thành lập vào năm 1994 để kỷ niệm Phong trào Dân chủ Gwangju 1980, quỹ này hàng năm trao giải thưởng cho một cá nhân hoặc một tổ chức để vinh danh sự “đóng góp vào việc cải thiện và tiến bộ về nhân quyền.”

Bị cầm tù lần thứ 4 kể từ năm 2011, ông Quế, một bác sĩ sống tại thành phố Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ. Ông đã bị giam giữ tổng cộng hơn 20 năm trong tù.

Nguồn: koreajoongangdaily

===================

Trương Minh Tam: Tôi bị đánh đập và tôi quá hiểu về họ

Trương Minh Tam, thành viên Con Đường Việt Nam và Chu Mạnh Sơn bị nhà cầm quyền bắt khi hai anh đi vào Kỳ Anh, Hà Tĩnh và Quảng Bình để tìm hiểu về thảm họa biển Miền Trung và hoàn cảnh những người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa này được Truyền hình nhà nước đưa lên như một vụ án lớn.

Anh Tam được trả tự do hôm 04/5 sau 7 ngày bị giam giữ. Trong một cuộc phỏng vấn, anh cho biết:

– Cho đến khi được thả ra, anh chưa hề nhìn thấy một văn bản bắt giữ, tạm giữ hoặc tạm tha nào của cơ quan pháp luật Việt Nam.

– Việc bắt giữ theo công an, là vì sự có mặt của anh tại vùng thảm họa môi trường miền Trung, và theo công an, thì đưa những thôn tin đó lên, nói lên cảm nghĩ của mình là “nói xấu đảng, nhà nước và lãnh đạo đảng nhà nước” trong thảm họa này.

– Công an luôn dùng sự áp đặt, bất chấp những điều quy định trong Hiến pháp và pháp luật để hành xử với anh.

– Công an không thể chứng minh được khi anh yêu cầu họ chứng minh việc họ kết luận rằng đưa sự thật lên Internet là kích động người dân, và hậu quả như thế nào?

– Những hoàn cảnh ngư dân, người dân nơi thảm họa xảy ra là hết sức khó khăn và nguy hiểm, anh đã đưa lên mạng sự thật đó, việc xử lý với thảm họa này của lãnh đạo Việt Nam là quá chậm trễ và anh nói rõ với Công an VN suy nghĩ của anh như vậy, không thay đổi.

– Công an đã dùng nhục hình, đánh đập nhằm khuất phục anh và thỏa mãn thú tính đê hèn. Họ đã buộc anh cởi truồng để nhục mạ và đánh đập anh.

– Việc Công an Hà Tĩnh bắt giữ anh, nhưng khi xử phạt lại là Công an Hà Nam, việc bắt giữ đồ đạc và khám xét cũng như buộc anh nhận các nội dung trong đó, đã bị anh phản ứng vì nó không phù hợp các quy định pháp luật. Việc xử phạt là áp đặt của công an.

Mời quý vị xem toàn bộ buổi phỏng vấn:

https://www.youtube.com/watch?v=6gypVusnXdQ

Phỏng vấn Trương Minh Tam sau khi được trả tự do: Tôi bị đánh đập và tôi quá hiểu về họ

============== 07-05===========

BẢN TUYÊN CÁO VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA MẠNG LƯỚI CÁC TỔ CHỨC XHDS ĐỘC LẬP VIỆT NAM

Nhận thức rằng:

Việt Nam là một thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ), và chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ các cam kết với tổ chức quốc tế này.

Sự hình thành và phát triển của các tổ chức phi chính phủ (non-governmental organizations – NGOs) là vấn đề quan trọng của thế giới hôm nay và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đó là một trong những cam kết với LHQ.

Điều 71 Chương 10 của Hiến chương LHQ đã đề cập đến vai trò tư vấn của các tổ chức không thuôc nhà nước. Là thành viên LHQ, Việt Nam mặc nhiên công nhận chức năng tư vấn của các tổ chức phi chính phủ.

Chương 27 trong Chương trình nghị sự 21 của LHQ: Qui định về sự Phát triển bền vững khẳng định sự hiện hữu của các tổ chức phi chính phủ là thành tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của nhân loại.

Ở các quốc gia phát triển, các tổ chức ấy đang giữ vai trò then chốt trong việc bảo vệ quyền con người, điều hướng và gìn giữ sự phát triển ổn định lẫn hòa bình và thậm chí có tác động lớn ở phạm vi toàn thế giới.

Ở khu vực Đông Nam Á, các tổ chức phi chính phủ cũng đang phát triển nhanh chóng theo trào lưu đó và đã tác động tích cực vào chính sách của các chính phủ để cải thiện các lĩnh vực kinh tế – xã hội – môi trường. Đặc biệt, các giá trị nhân quyền đã được hầu hết các tổ chức phi chính phủ (ngoại trừ các tổ chức quốc doanh ở một số nước, trong đó có Việt Nam) ra sức bảo vệ và họ đã thành công trong việc đòi lại các quyền tự do căn bản khỏi sự kiềm tỏa của quyền lực chính trị độc đoán.

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam vẫn liên tục có các chính sách đi ngược lại tinh thần của Hiến chương LHQ. Do đó, các vấn đề kinh tế – xã hội – môi trường ở Việt Nam đang thoái bộ nghiêm trọng. Đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền, quốc gia này thường xuyên bị liệt vào danh sách các nước vi phạm trầm trọng nhất.

Ở Việt Nam, Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) là danh xưng của một cơ quan ngoại vi trực thuộc Đảng Cộng sản, có mục đích kiểm soát mọi hoạt động xã hội và mọi tổ chức dân sự. Trong bối cảnh các tổ chức phi chính phủ độc lập bị nhà nước ngăn cấm và triệt phá như hiện nay, MTTQ là công cụ thay thế các tổ chức phi chính phủ.

Do đó nhu cầu thiết thực của Việt Nam ngày hôm nay là các tổ chức phi chính phủ độc lập phải giành lại được vai trò đại diện thực sự cho người dân. Đây là phương tiện mà người dân sử dụng để thực thi chức năng tư vấn và phản biện của mình, nhằm mục đích đảm bảo cho quốc gia đi theo chiều hướng phát triển bền vững.

Thế nhưng Nhà nước Việt Nam hiện nay vẫn đang bằng mọi cách áp đặt nhiều chính sách sai lầm lên các vấn đề kinh tế – xã hội – môi trường mà không cần tham vấn ý kiến của người dân. Để giải quyết vấn nạn này, cần có sự đồng tình của nhiều cá nhân, tổ chức nhằm tập hợp sức mạnh và tranh thủ sự chú ý của quốc tế để tạo ra các tác động tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ các chính sách của chính phủ.

Trước đòi hỏi cấp bách của tình hình hiện nay như vừa thấy

Chúng tôi, 15 tổ chức xã hội dân sự (XHDS) trong nước thành lập nên Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập Việt Nam (Vietnam Independent Civil Society Organizations Network- VICSON) với mục tiêu giành lại vai trò đại diện trong sinh hoạt với các tổ chức phi chính phủ trong khu vực và trên toàn thế giới; thực hiện đúng chức năng của tổ chức XHDS đích thực là bảo vệ các giá trị nhân quyền mà mọi con người đương nhiên được thụ hưởng.

Mục đích sự ra đời của VICSON là tạo dựng sự liên kết để các tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam có cơ hội và điều kiện tiếp xúc, học hỏi và làm việc chung. Các tổ chức thành viên có trách nhiệm giúp đỡ, cộng tác với nhau để cùng phát triển.

Trong bối cảnh nhà nước Việt Nam luôn tìm mọi cách đàn áp các tổ chức XHDS độc lập, việc gạt bỏ các dị biệt để đứng chung với nhau, tạo dựng sức mạnh tập thể trong tinh thần bình đằng và tôn trọng lẫn nhau là điều cần thiết.

Quan điểm của VICSON là tuân thủ quy tắc bất bạo động, hoạt động độc lập tự chủ và không để mình bị chi phối bởi bất kỳ tổ chức hay đảng phái chính trị nào.

Chúng tôi thiết tha kêu gọi các tổ chức XHDS độc lập khác tại Việt Nam cùng tham gia với chúng tôi trong nỗ lực thúc đẩy dân chủ và bảo vệ nhân quyền cho đồng bào.

 

Danh sách các tổ chức thành viên:

1/ Hội Cựu Tù Nhân Lương tâm Việt Nam

Former Vietnamese Prisoners of Conscience

2/ Hiệp hội Giáo dân Cồn Dầu

Association of Con Dau Parish

3/ Bạch Đằng Giang Foundation

Bach Dang Giang Foundation

4/ Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài

Popular Bloc of Cao Đai Religion

5/ Hội Anh Em Dân chủ:

Brotherhood for Democracy

6/ Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo

Vietnamese Political & Religious Prisoners Friendship Association

7/Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ

Montagnard Evangelical Church of Christ

Đại diện: mục sư A Đung

8/ Những người Bảo vệ Tôn giáo và Sắc tộc

Religious and Ethnic Minorities Defenders

Đại diện: Huỳnh Trọng Hiếu

9/ Hội Bầu Bí Tương Thân

Association of Bau Bi Tuong Than

Đại diện: Nguyễn Lê Hùng

10/ Hội Dân Oan đòi Quyền sống

Association of Dan oan Doi Quyen song

Đại diện: Hồ Thị Bích Khương

11/ Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam

Vietnamese Women for Human Rights

Đại diện: Huỳnh Thục Vy

12/ Nhóm Người Bảo vệ Nhân quyền

Defend the Defenders

Đại diện: Vũ Quốc Ngữ

13/ Hội Phát huy quyền tự do tôn giáo và niềm tin

Association for Promoting Freedom of Religion and Belief

Đại diện Trần Văn Thường

14/ Cao Đài

15/ The Montagnard.

———————————

Chính quyền Việt Nam đàn áp thẳng tay biểu tình vì môi trường, bắt giữ và đánh đập hàng trăm người

Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở hai thành phố lớn nhất Hà Nội và Hồ Chí Minh City và một số nơi khác hôm chủ nhật (08/5) nhằm yêu cầu chính phủ Việt Nam công khai minh bạch vụ cá chết hàng loạt ở Bắc Trung Bộ và có hướng xử lý bảo đảm an toàn cho người dân và môi trường.

Thay vì lắng nghe tiếng nói của nhân dân, lực lượng an ninh và dân phòng đã đàn áp dã man các cuộc biểu tình, bắt giữ và đánh đập hàng trăm người, kể cả phụ nữ và trẻ em.

Công an Hà Nội đã chặn các ngả đường tiến vào Nhà Hát lớn, nơi đây bắt đầu cuộc biểu tình vào chủ nhật tuần trước, bắt giữ nhiều nhà hoạt động “quen mặt”. Có một nhóm đi đến khu vực Hồ Gươm thì bị lực lượng chức năng chặn lại. Họ ngồi xuống tọa kháng và lần lượt bị lực lượng thường phục đeo băng đỏ bắt giữ và đưa lên xe buýt và đưa về đồn công an Long Biên và đồn Hà Đông,

Công an bắt hơn 100 người đưa về đồn để tra khảo trước khi thả lần lượt trong buổi chiều.

Công an đàn áp mạnh tay hơn ở Sài Gòn. Lực lượng chức năng đã đánh đập, kể cả phụ nữ và trẻ em, bắt giữ hơn 300 người rồi đưa đi giam ở một sân vận động địa phương cho đến chiều tối. Nhiều người tố cáo lực lượng chức năng đã sử dụng bình xịt hơi cay và đánh đập tàn nhẫn người biểu tình ôn hòa.

Nhiều nhà hoạt động đã bị an ninh mặc thường phục chặn ở nhà, không cho đi ra ngoài vào ngày chủ nhật.

Đây là những cuộc biểu tình ở hai chủ nhật liên tiếp. Tuần trước, hàng nghìn người đã tham gia biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn. An ninh Sài Gòn cũng đánh đập và bắt giữ nhiều người trong ngày 01/5.