Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền 01-07/8/2016: Hàng nghìn giáo dân Công giáo ở miền Trung đã biểu tình phản đối Formosa

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền |07-8-2016

dtd

Ngày Chủ nhật 07/8, đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp, hơn năm nghìn giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã xuống đường tham dự Ngày Môi trường và phản đối Formosa.

Giáo dân từ nhiều giáo xứ ở giáo phận Vinh đã tuần hành bằng xe và tham dự thánh lễ cầu nguyện nhân ngày môi trường của giáo phận và phản đối Formosa. Cuộc tuần hành bằng xe kéo dài đến cả cây số với đầy đủ băng rôn, biểu ngữ với ước nguyện công lý cho người dân.

Ở số giáo xứ, người dân đi bộ tuần hành trên những trục đường chính ở địa phương. Một số giáo dân địa phận Đông Yên đã kéo đến gần nhà máy Formosa để biểu tình. Tuy nhiên, đoàn đã bị chặn bởi rất đông lực lượng thực thi pháp luật.

Chính quyền Việt Nam đã huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động và quân đội nhằm đối phó với cuộc biểu tình của giáo dân miền Trung, tuy nhiên, không có xô xát giữa người biểu tình và cơ quan chức năng

Ba ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-Australia, ngày 01/8, tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu Việt Nam cần thể hiện nỗ lực cải cách bằng việc ngay lập tức phóng thích tất cả những người bị giam, giữ vì lý do chính trị, chấm dứt sách nhiễu và hành hung đối với các nhà hoạt động nhân quyền, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, kiểm soát nạn công an bạo hành và ngăn chặn mọi hành vi trả đũa nhằm vào những thuyền nhân bị hồi hương.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York này đề nghị phía Australia tập trung vào các vấn đề: những người bị giam, giữ vì lý do chính trị; sách nhiễu, hành hung và cản trở những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động; đàn áp tự do tôn giáo; công an bạo hành; và phạt hình sự những thuyền nhân bị trao trả, trái với cam kết của chính quyền Việt Nam.

Hai bên cần phải công bố công khai chương trình và kết quả của cuộc đối thoại diễn ra tại Hà Nội ngày mồng 4 tháng Tám năm 2016, tổ chức này nói.

Ngày 05/8, công an Hà Nội đã bắt cóc tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong số những người đứng đầu phong trào dân sự độc lập ở Việt Nam, để ngăn cản ông đi gặp gỡ một số quan chức ngoại giao nước ngoài. Chiều hôm đó ông cũng được mời dự cuộc gặp mặt với các nhà ngoại giao nước ngoài ở tư dinh của Đại sứ Australia.

Một ngày trước đó, lực lượng an ninh ở thủ đô cũng bắt giữ linh mục Công giáo Đặng Hữu Nam khi ông ra Hà Nội để khám sức khỏe. Sau bốn tiếng giam giữ, công an Hà Nội đã phải trả tự do cho vị linh mục, người thường xuyên phê phán chính sách của chính phủ. Ông chính là người đã bị khoảng 20 an ninh mặc thường phục tấn công vào cuối năm 2016.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===================================

===== 01/8/2016 =====

Việt Nam: Hãy thể hiện cam kết nghiêm túc về nhân quyền trong cuộc đối thoại với Australia

Human Rights Watch: Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Australia cần thúc ép Việt Nam thực hiện các bước cải thiện rõ rệt và cụ thể trong cuộc đối thoại lần thứ mười ba về nhân quyền giữa hai bên. Việt Nam cần thể hiện nỗ lực cải cách bằng việc ngay lập tức phóng thích tất cả những người bị giam, giữ vì lý do chính trị, chấm dứt sách nhiễu và hành hung đối với các nhà hoạt động nhân quyền, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, kiểm soát nạn công an bạo hành và ngăn chặn mọi hành vi trả đũa nhằm vào những thuyền nhân bị hồi hương. Hai bên cần phải công bố công khai chương trình và kết quả của cuộc đối thoại diễn ra tại Hà Nội ngày mồng 4 tháng Tám năm 2016.

“Năm 2016, chính quyền Việt Nam lại tiếp tục kết án thêm nhiều blogger và nhà hoạt động chính trị với các bản án tù giam, sử dụng bạo lực để giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa, và cản trở tự do tôn giáo,” bà Elaine Pearson, Giám đốc phụ trách Australia của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Australia cần vận dụng cơ hội này tuyên bố rõ với Việt Nam rằng những lời hứa suông về nhân quyền là không thể chấp nhận được.”

Trong bản khuyến nghị gửi chính phủ Australia trước đợt đối thoại, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị phía Australia tập trung vào các vấn đề: những người bị giam, giữ vì lý do chính trị; sách nhiễu, hành hung và cản trở những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động; đàn áp tự do tôn giáo; công an bạo hành; và phạt hình sự những thuyền nhân bị trao trả, trái với cam kết của chính quyền Việt Nam.

Ngay trong sáu tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã kết án ít nhất 12 người, trong đó có các có các blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Ba Sàm) và Nguyễn Đình Ngọc (bút danh Nguyễn Ngọc Già) với các mức án tù giam nặng nề chỉ vì họ đã thực thi các quyền cơ bản được đảm bảo trong Hiến pháp Việt Nam. Những người này đang phải thụ án tù sau song sắt cùng với hơn 100 người khác chỉ vì đã thực thi các quyền con người, trong số đó có Trần Huỳnh Duy Thức, Ngô Hào, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Công Chính, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương.

Việt Nam đã kết án nhiều người với các tội danh chính trị như “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 bộ luật hình sự); “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79); “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (điều 87); “phá rối an ninh” (điều 89) và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” (điều 258). Có ít nhất hơn một chục blogger và nhà hoạt động – trong số đó có Nguyễn Văn Đài, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng và Nguyễn Hữu Quốc Duy – bị bắt tạm giam từ năm 2015 để điều tra.

Ở Việt Nam, các blogger và các nhà hoạt động ôn hòa phải đối mặt với bạo lực. Riêng trong tháng Bảy này, ít nhất 11 nhà vận động nhân quyền trong đó có Lã Việt Dũng và Tô Oanh bị hành hung và đả thương dưới tay của những người mặc quần áo dân sự nhưng cung cách hành xử, theo các nhà hoạt động, có vẻ như đại diện cho chính quyền. Chính quyền cũng quản chế tại gia hay câu lưu các blogger và các nhà hoạt động để ngăn cản không cho họ tham gia một số sự kiện hay biểu tình. Hồi tháng Năm, công an câu lưu hai nhà hoạt động nổi tiếng Phạm Đoan Trang và Nguyễn Quang A khiến họ không tham dự được cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Obama trong chuyến thăm Việt Nam.

“Các blogger và các nhà hoạt động ở Việt Nam hàng ngày phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa, bạo lực và tù đày – ngay cả một hành vi thông thường là gặp gỡ một nhà ngoại giao cũng gây ra một mức độ rủi ro đối với họ,” bà Pearson nói. “Australia cần thẳng thắn thúc ép Việt Nam chấm dứt vi phạm nhân quyền.”

Chính quyền Việt Nam không chỉ trả đũa các nhà vận động nhân quyền, mà còn trả đũa ngay cả những người dân thường nữa. Trong tháng Bảy, tại phiên phúc thẩm, chính quyền giữ nguyên bản án tù giam đối với bốn người định tới Australia bằng thuyền hồi tháng Ba năm 2015 – Trần Thị Thanh Loan và chồng là Hồ Trung Lợi, Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Văn Hải. Họ bị xử tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo điều 275 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Bốn người khác đã bị xử hồi tháng Năm và kết án từ hai đến ba năm tù, cũng với tội danh nói trên.

Trong hai vụ đó, hải quân Úc đã chặn hai chiếc tàu trên biển và trao trả lại tất cả các hành khách cho phía Việt Nam. Trong cả hai vụ, Việt Nam đảm bảo với chính phủ Úc rằng sẽ không trừng phạt những người này về hành vi vượt biên trái phép, nhưng rồi lại truy tố họ về tội tổ chức chuyến đi. Trong tháng Sáu, hải quân Úc lại chặn một chiếc tàu khác có 21 người Việt và trả họ về Việt Nam.

Chính quyền Úc đã phát biểu rằng “mọi hoạt động điều tra và tố tụng về những tội liên quan đến buôn bán người là vấn đề của Chính phủ Việt Nam.” Nhưng những người nói trên không bị kết tội về hành vi đưa người ra nước ngoài trái phép với mục đích thủ đắc lợi nhuận tài chính hay vật chất – là định nghĩa về tội danh buôn người theo công pháp quốc tế. Họ bị trừng phạt về hành vi rời bỏ đất nước và giúp đỡ gia đình, họ hàng và bạn bè là những người tự nguyện đi theo họ.

Quyền rời bỏ một quốc gia là một quyền con người tối cơ bản theo công pháp quốc tế. Đưa những người di dân ra xét xử sau khi họ bị cưỡng bức hồi hương chỉ xác lập thêm lý do tị nạn cho những người di dân khác, đang sợ bị trừng phạt nếu hồi hương. Chính quyền Australia cần làm tốt việc thúc ép Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền yếu kém, là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng người dân rời bỏ đất nước.

“Những thường dân này dấn thân vào hoàn cảnh nguy hiểm có thể mất mạng vì họ quá tuyệt vọng,” bà Pearson nói. “Chính quyền Việt Nam cần thể hiện sự độ lượng thay vì trừng phạt họ, và phía Australia cần thúc ép Việt Nam giữ lời hứa về việc không trừng phạt những người di dân như đã cam kết với Australia.”

Việt Nam: Hãy thể hiện cam kết nghiêm túc về nhân quyền trong cuộc đối thoại với Australia

——————–

Mục sư Phạm Ngọc Thạch bị cấm xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu bất hợp pháp

VNTB: Mục sư Tin lành Phạm Ngọc Thạch, một nhà hoạt động xã hội và thường xuyên làm việc thiện nguyện ở Đắc Lắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, bị công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cấm xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu bất hợp pháp.

Ngày 30/7/2016, Mục sư Phạm Ngọc Thạch đến sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị đáp chuyến máy bay đi Singapore. Khi đến cửa an ninh cuối cùng thì bất ngờ một nhân viên an ninh cầm hộ chiếu soi và bảo Mục sư Thạch chờ một chút, đồng thời réo gọi inh ỏi những an ninh khác đến. Sau đó Mục sư Phạm Ngọc Thạch bị “mời” vào trong phòng rồi đóng cửa lại cho người canh gác cẩn thận.

Khoảng một giờ đồng hồ sau, một tốp 3 người ăn mặc như dân anh chị vào phòng bảo Mục sư Thạch “làm việc”. Mục sư Phạm Ngọc Thạch hỏi anh là ai? Một người trả lời: “Tôi là Hải an ninh…”. Mục sư Phạm Ngọc Thạch yêu cầu họ cần mặc sắc phục và cho biết thuộc bộ ngành nào, chức vụ và đủ quyền hạn thì Mục sư Thạch mới làm việc. Nhưng người này nói rằng không thể đáp ứng yêu cầu và yêu cầu Mục sư Thạch không được sử dụng điện thoại. Lúc này vợ và con gái 6 tuổi của Mục sư Phạm Ngọc Thạch điện đến. Mục sư Thạch vừa nghe máy thì bị công an Hải giật điện thoại.

Phía công an không trưng ra được lệnh cấm xuất cảnh của cơ quan thẩm quyền mà chỉ có lệnh miệng vì lý do “An ninh Quốc gia”. Công an thu giữ hộ chiếu của mục sư và yêu cầu sáng thứ Ba lên “làm việc”.

Sau cùng là yêu cầu đọc và kí Biên bản Thu giữ Hộ chiếu. Mục sư Phạm Ngọc Thạch ghi vào biên bản lời phản đối việc vi phạm quyền tự do đi lại, quyền tự do xuất nhập cảnh, quyền tự do tôn giáo của công dân.

Mục sư nói ông được mời tham gia hội nghị về tự do tôn giáo và xã hội dân sự ở Đông Timor trong thời gian tuần thứ 1 của tháng 8.

——————–

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Điển bị Công an Hà Nội bắt cóc, ép buộc về quê ở Yên Bái

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Điển (có nick facebook là Điển Ái Quốc) bị công an Hà Nội bắt cóc sáng ngày 31/7 ở giữa trung tâm Hà Nội trong khi đạp xe cùng một nhóm bạn, và sau đó bị đưa về quê nhà tại tỉnh Yên Bái trong đêm đó.

Buổi sáng hôm Chủ Nhật, anh Điển cùng một nhóm khoảng gần mười người đạp xe trên các tuyến phố trung tâm thành phố. Tất cả thành viên đều mặc áo phông với bản dồ Việt Nam và dòng chữ “Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam”. Trong khi di chuyển từ phố này sang phố khác, nhóm bị một đám mặc thường phục theo dõi rất sát sao.

Khoảng 9 g 45, khi đoàn đi đến Hàng Khay thì tự nhiên không thấy Điển đâu nữa. Những người trong nhóm tìm cách liên lạc với anh qua điện thoại nhưng không được.

Hôm sau, tại quê nhà ở Yên Bái, anh Điển cho biết anh bị bắt cóc bởi nhân viên an ninh mặc thường phục. Họ đưa anh về phường Hàng Bài để tra khảo về các hoạt động phản đối Formosa và việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như đánh đập ngư dân Việt Nam ở Biển Đông.

Sau đó, công an Hà Nội đã gọi điện cho công an Yên Bái bắt anh về và trả tự do cho anh lúc 1 h sáng ngày hôm 01/8.

Anh Điển, 26 tuổi, quê Yên Bái, là người thường xuyên tham gia vào các buổi biểu tình ôn hòa ở Hà Nội chống Trung Quốc xâm lược ở Biển Đông, và đòi tự do, nhân quyền.

——————–

Dân bị đánh đập vì phản đối doanh nghiệp xây dựng nhà máy khi chưa đền bù

RFA: Hôm 30/7, chính quyền tỉnh Nghệ An đã huy động hàng trăm cảnh sát có vũ trang đàn áp người dân thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc khi họ phản đối việc xây dựng nhà máy xi măng trên đất của dân địa phương mà tính đến việc sinh sống của cư dân và không đền bù thỏa đáng.

Dự án đang thực hiện ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An do công ty cổ phần xi măng Sông Lam thuộc Vissai Group là đơn vị thi công.

Trong khu vực nhà máy xi măng Sông Lam này có 1 nghĩa trang của người dân, và nghĩa trang này đã bị doanh nghiệp giải tỏa từ tháng 4 năm 2016, người dân cũng đã biểu tình phản đối nhưng họ đều bị chính quyền đàn áp.

Trên mạng xã hội Facebook, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ về video cảnh đụng độ giữa cảnh sát và cơ động với người dân.

Một người dân cho biết ngay từ sáng sớm, vào lúc 6h thì lực lượng cảnh sát cơ động để chặn con đường không cho người dân ra phản đối. Một người đàn ông đi khám chữa bệnh thì lực lượng cảnh sát không cho lại còn đánh đập người này.

Bức xúc, người dân ở đây đã cầm gạch đá ném vào cảnh sát và cảnh sát quay lại tấn công.

Nhiều gười dân bị thương trong đó có 5 người bị thương rất nặng và được cấp cứu tại bệnh viện huyện Nghi Lộc. Công an đã phong tỏa bệnh viện, chỉ cho thân nhân của những người bị thương vào chăm sóc. Một số sảnh sát cũng bị thương ở mức độ nhẹ hơn.

Theo một người dân ở địa phương cho biết thì tình hình hiện nay tại xã Nghi Thiết đang còn rất nóng, hiện nay cảnh sát cơ động đang còn đi lại trong dân, nhưng người dân quyết sẽ bảo vệ con đường ra biển, con đường đi làm ăn này.

Ba tháng trước đây, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trả lời trên báo Lao Độngrằng “Dự án đang triển khai ở xã Nghi Thiết là dự án trọng điểm của tỉnh để phát triển kinh tế cho toàn tỉnh, tuy nhiên hiện nay đang còn một số vướng mắc trong việc giải tỏa mặt bằng, ông cũng cho biết sẽ vận dụng chính sách để hỗ trợ cho người dân để đẩy nhanh tiến độ thi công.”

Người dân địa phương bức xúc rằng dân đóng thuế để nuôi chính quyền, nhưng chính quyền lại không bảo vệ dân mà lại còn bảo vệ cho doanh nghiệp để đánh đập người dân điều đó không thể chấp nhận được. Người dân cho biết nếu con đường mà bị lấp thì dân ở đây sẽ không có con đường để đi làm ăn nên người dân sẽ kiên quyết bảo vệ.

Dân bị đánh đập vì phản đối doanh nghiệp xây dựng nhà máy khi chưa đền bù

——————–

Hội Anh Em Dân Chủ phát động chiến dịch dán tờ rơi yêu cầu khởi tố Formosa

SBTN: Hội Anh Em Dân Chủ vừa phát động chiến dịch phát tán tờ rơi yêu cầu tố cáo, khởi tố những việc làm sai trái của lãnh đạo Formosa và những quan chức nhà nước có liên quan ra trước pháp luật.

Từ ngày 28/7/2016 đến 30/7/2016, hàng ngàn tờ rơi do Hội Anh Em Dân Chủ khởi xướng với nội dung: “Tôi và gia đình tôi không muốn 70 năm tới đây sống trong lo sợ. Hãy đóng cửa Formosa”, “No Formosa. Yêu cầu khởi tố Formosa và đồng bọn”, “Formosa hãy cút khỏi Việt Nam. Dân không muốn chết như cá”, “Yêu cầu Trần Hồng Hà từ chức”,… được dán những khu vực công cộng tại Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh ven biển miền Trung.

Trong bản thông báo kêu gọi, Hội Anh Em Dân Chủ đã bày tỏ: “Cho đến nay cũng chưa có động thái nào cho thấy những kẻ vi phạm pháp luật về môi trường nghiêm trọng được các cơ quan tố tụng làm rõ trách nhiệm. Trái lại, các cấp trung ương cộng sản Việt Nam còn kêu gọi người dân hãy “tha thứ” cho những kẻ thủ ác với mưu đồ giết người hàng loạt, huỷ diệt môi trường sống của dân tộc Việt Nam. Phải chăng sinh mạng của hàng chục triêu dân Việt Nam chỉ đáng giá có 500 triệu mỹ kim mà đảng CSVN đã mua bán với Formosa và Trung Cộng?”

Hội Anh Em Dân Chủ phát động chiến dịch dán tờ rơi yêu cầu khởi tố Formosa

===== 03/8/2016 =====

Kêu gọi cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

SBTN: Sáng ngày 03 tháng 08 năm 2016, ngài tổng lãnh sự Canada tại Sài Gòn đã có buổi gặp gỡ các chức sắc của hội đồng liên tôn Việt Nam. Các thành viên trong hội đồng liên tôn giáo đã lần lượt trình bày về những khó khăn trong việc thực hành đạo dưới sự kiểm soát của CSVN. Các thành viên cũng thể hiện mong muốn được tự do sinh hoạt tôn giáo, các tù nhân tôn giáo được trả tự do, đồng thời kêu gọi chính phủ Canada quan tâm hơn nữa đến vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam.

Kêu gọi cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

===== 04/08/2016 ====

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt cóc

SBTN: Trưa ngày 4/8/2016, Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, cha xứ Phú Yên thuộc giáo phận Vinh bị công an Hà Nội bắt cóc, tạm giữ khi đang ăn trưa ở quận Cầu Giấy.

Công an đã cưỡng chế vị linh mục lên xe taxi và đưa vào đồn công an để thẩm vấn. Ông bị tạm giữ 4 giờ trong đồn công an và được trả tự do lúc 5 g chiều.

“Tôi bị công an Hà Nội bắt cóc, tạm giữ với lý do là có thư nặc danh tố cáo tôi ra Hà Nội liên hệ với Việt Tân để nhận 50,000 Mỹ kim về phát cho người dân để kêu gọi biểu tình. Tuy nhiên, sau gần 4 giờ đồng hồ thẩm vấn, họ không có bằng chứng gì nên phải thả tự do cho tôi. Sau đó, họ đón taxi đưa tôi về khách sạn,” linh mục Nam nói.

Ông cho biết lần này ông ra Hà Nội để chữa bệnh.

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, người đứng đầu giáo xứ Phú Yên, là một người luôn lên tiếng mạnh mẽ cho công lý – hoà bình – sự thật. Ông có nhiều bài giảng nói về những bất công xã hội hiện nay cũng như tố cáo những hành vi sai trái của nhà cầm quyền.

Đặc biệt gần đây, cùng với một số linh mục khác thuộc giáo phận Vinh, Linh mục Nam đã đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành kêu gọi bảo vệ môi trường, yêu cầu khởi tố Formosa và yêu cầu nhà nước truy tố những lãnh đạo gây ra sai phạm. Các cuộc biểu tình này thường có sự tham gia của hàng ngàn giáo dân tại Nghệ An.

Vào đầu năm nay, trong một lần trên đường đi chữa bệnh về, Linh mục Nam đã bị khoảng 20 viên công an mặc thường phục xông tới hành hung và chửi bới rất tục tĩu. May mắn khi nghe tin ông bị hành hùng, nhiều giáo dân kéo đến để giải cứu.

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt cóc

===== 05/8/2016 =====

Nghị sĩ Đài Loan bị giữ tại phi trường Nội Bài

Lực lượng an ninh Việt Nam hôm 31/7 đã giữ nghị sỹ Đài Loan, bà Tô Trị Phần thuộc đảng cẩm quyền Dân Tiến, 9 giờ ở sân bay quốc tế Nội Bài, không cho bà đi máy bay vào Vinh để tìm hiểu thực tế về vụ ô nhiễm môi trường ở miền Trung gây ra bởi Formosa.

Chính quyền Việt Nam giữ bà với lý do bà đến Việt Nam sai mục đích vì bà sử dụng visa du lịch nhưng bà cho rằng mình không phạm luật khi thăm những địa điểm không ghi trong đơn xin visa.

Theo bà, khi xin visa đi Việt Nam, nhóm của bà không được yêu cầu nộp chương trình nên không có mâu thuẫn trong việc họ sẽ đi đâu ở Việt Nam.

Bà Tô cho biết nhóm của bà định thăm nhà máy Formosa để tìm hiểu thảm họa ô nhiễm môi trường, thăm một trại mồ côi của người Công giáo ở Vinh, và mua sách thiếu nhi Việt Nam cho người Việt sống ở huyện Vân Lâm, là nơi bà đại diện cử tri ở Đài Loan.

Sau khi Đại diện ngoại giao của Đài Loan ở Việt Nam thương thuyết với Việt Nam, nhóm của bà được cho biết không được phép thăm trại trẻ ở Vinh, nên họ đã đi Hà Tĩnh bằng xe buýt. Tuy nhiên, bà Tô Trị Phần cho biết nhóm của bà vẫn không biết gì hơn về vụ ô nhiễm sau khi đến thăm nhà máy Formosa, ngoài những tin tức đã có trên báo chí.

Báo Taipei Times dẫn lời bà Tô nói rằng, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cần phải công bố báo cáo điều tra của họ về thảm họa ô nhiêm môi trường.

Nghị sĩ Đài Loan trở về sau khi thăm Formosa

Nghị sĩ Đài Loan bị giữ tại phi trường Nội Bài vì muốn thăm trại mồ côi

——————–

Dân chặn quốc lộ 1A do bất mãn với chính quyền

RFA: Đông đảo người dân bức xúc vì tiền đền bù thu hồi đất không thỏa đáng đã chiếm lĩnh Quốc lộ 1A ngang qua xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi vào chiều 5/8, khiến giao thông bị gián đoạn, xe cộ kẹt cứng kéo dài hơn 10 km.

Báo điện tử Người Lao Động đưa tin này không ước lượng số người chặn QL1A, nhưng hình ảnh kèm theo cho thấy có thể lên tới hàng trăm người. Tờ báo cho biết đây là hành động của các hộ dân ở địa phương phản đối tiền đền bù mà họ cho là quá thấp, khi chính quyền lấy đất giao cho Công ty Thiên Tân xây dựng trạm thu phí trên QL1A, trạm thu phí này bắt đầu hoạt động từ hôm 1/8 vừa qua.

Việc chặn Quốc lộ 1A ở huyện Tư Nghĩa Quảng Ngãi kéo dài gần 5 giờ và lực lượng chức năng cuối cùng đã giải tán được đám đông vào lúc 18g 45 phút.

===== 05/8/2016 =====

Tiến sỹ Nguyễn Quang A bị câu lưu trước buổi gặp gỡ với nhiều nhà ngoại giao nước ngoài

Ngày 05/8, công an Hà Nội đã bắt cóc tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong số những người đứng đầu phong trào dân sự độc lập ở Việt Nam, để ngăn cản ông đi gặp gỡ một số quan chức ngoại giao nước ngoài. Chiều hôm đó ông cũng được mời dự cuộc gặp mặt với các nhà ngoại giao nước ngoài ở tư dinh của Đại sứ Australia.

Ông cho biết khi ông vừa ra khỏi nhà riêng ở Gia Lâm để đi gặp ông Lax Konrad, cán bộ chính trị của Đại sứ quán Đức và ông Tim Krap, bí thư thứ hai của Đại sứ quán Vương quóc Hà Lan và ngài Robbie Taylor, phó đại sứ Newzealand thì bị sáu an ninh mặc thường phục ép ông lên một chiếc xe. Họ đưa ông về công an huyện Quế Võ (Bắc Ninh).

Đến trưa, có hai người tự xưng là cán bộ của Bộ Công an mời ông đi ăn trưa và ép ông đi thăm đền Ba Vua bên Gia Bình mà ông không hề muốn. Họ giữ ông đến 6.30 thì trả tự do cho ông.

Tiến sỹ A đã kịch liệt lên án sự vi phạm pháp luật và vi phạm nhân quyền của các nhà chức trách Việt Nam. “Họ là người bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, sự vắng mặt của tôi trong các buổi gặp đó nói rất nhiều về tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng sau Đại hội 12 của Đảng CSVN, hơn hơn bất cứ lời nào tôi có thể nói với các vị khách này,” ông nói.

Đây là lần thứ 6 ông bị câu lưu kể từ cuối tháng 3. Ngày 24/5, ông được mời tới dự cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama với đại diện xã hội dân sự Việt Nam, tuy nhiên, ông, cũng như một số nhà hoạt động xã hội khác, đã bị công an Hà Nội câu lưu.

===== 07/8/2016 =====

Hàng nghìn giáo dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh biểu tình phản đối Formosa

Sáng ngày 07/8, đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp, hơn năm nghìn giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã xuống đường tham dự Ngày Môi trường.

Giáo dân từ nhiều giáo xứ ở giáo phận Vinh đã tuần hành bằng xe và tham dự thánh lễ cầu nguyện nhân ngày môi trường của giáo phận và phản đối Formosa. Cuộc tuần hành bằng xe kéo dài đến cả cây số với đầy đủ băng rôn, biểu ngữ với ước nguyện công lý cho người dân.

Ở số giáo xứ, người dân đi bộ tuần hành trên những trục đường chính ở địa phương.

Chính quyền Việt Nam đã huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động và quân đội nhằm đối phó với cuộc biểu tình của giáo dân miền Trung.

Một số giáo dân địa phận Đông Yên đã kéo đến gần nhà máy Formosa để biểu tình. Tuy nhiên, đoàn đã bị chặn bởi rất đông lực lượng thực thi pháp luật.

Không có xô xát giữa người biểu tình và cơ quan chức năng.