Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần số 41 từ ngày 03/10 đến ngày 09/10/2016: Công an Vũng Tàu bắt giữ, đánh đập nhiều người hoạt động dân sự

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 09/10/2016

dtd-7-250x250

Ngày 07/10, lực lượng an ninh thành phố Vũng Tàu đã bắt giữ hơn 20 người hoạt động xã hội khi họ đang tham dự một cuộc hội thảo về xã hội dân sự. Cảnh sát đã thẩm vấn họ từ gần trưa đến tận đêm mới trả tự do cho họ, đưa họ đến nơi hoang vắng và ép xuống xe. Trong quá trình “làm việc”, cảnh sát đã tịch thu hết điện thoại và máy quay phim, phá hủy một số bằng cách nhúng vào nước. Một số người đã bị đánh đập, bao gồm luật sư Lê Công Định và cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thúy Quỳnh.
Ngày 05/10, Tòa án Cấp cao ở thành phố Hồ Chí Minh đã giảm án tù từ bốn năm xuống còn ba năm cho blogger Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già), người đã bị tòa sơ thẩm ngày 30/3 kết án 4 năm tù giam và ba năm quản chế vì cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
Hơn 50 tổ chức dân sự quốc tế và trong nước đã cùng ký tên vào một thư ngỏ gửi tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị quốc hội sửa đổi dự thảo Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng vì cho rằng dự thảo gần đây sắp được đệ trình ra quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 sắp tới có nhiều điểu khoản ngăn cản tự do tôn giáo.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực trong trại giam số 6 ở Thanh Chương – Nghệ An để ủng hộ bà con miền Trung những người bị ảnh hưởng bởi việc xả thải của nhà máy thép Formosa.
Phóng viên Không Biên giới đã chỉ trích chính quyền Việt Nam vì đã ngăn cản những người hoạt động xã hội đi ra nước ngoài mà vụ gần nhất là cấm xuất cảnh với ông Vũ Quốc Ngữ, người đứng đầu tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền.
Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 03/10 =====
Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Già

Ngày 03/10, hai ngày trước phiên xử phúc thẩm của blogger Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già), Human Rights Watch (HRW) kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích ông và tất cả các nhà phê bình ôn hòa đang bị giam giữ vì đã lên tiếng phê phán chính phủ, Đảng Cộng sản Việt Nam đang nắm quyền, hay các chính sách của Đảng và chính phủ.
“Thể hiện quan điểm phê phán đối với chính quyền Việt Nam không nên bị coi là một tội hình sự,” ông Brad Adams Giám đốc Ban Á Châu của HRW nói. “Chính quyền Việt Nam cần học cách tiếp nhận những ý kiến khác biệt, chứ không phải chỉ toàn những lời khen ngợi đảng cầm quyền và chính phủ.”
Nguyễn Đình Ngọc, 50 tuổi, bút danh trên Internet là Nguyễn Ngọc Già, nguyên là nhân viên của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Ông viết về các vấn đề chính trị xã hội liên quan tới dân chủ và nhân quyền cho trang tiếng Việt của Đài Á châu Tự do, và các trang web độc lập về chính trị khác như Dân Luận, Dân Làm Báo và Đàn Chim Việt. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ với các nhà hoạt động và blogger khác đang bị giam giữ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình, ví dụ như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Đinh Nguyên Kha và Bùi Thị Minh Hằng. Đầu tháng Mười hai năm 2014, Nguyễn Đình Ngọc viết rằng có tin tặc đang cố chiếm tài khoản Facebook và Gmail của mình.
Ngày 30/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án ông bốn năm tù giam và ba năm quản chế.
Theo cáo trạng được dẫn lại trên báo chí nhà nước, ngày 25 tháng Mười Hai năm 2014, công an nhận được công văn từ Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn báo rằng Nguyễn Đình Ngọc đã sử dụng mạng Internet để “phát tán các bài viết nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam.” Hai ngày sau thì ông bị bắt và bị truy tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 bộ luật hình sự. Tháng Tám năm 2015, trong khi Nguyễn Đình Ngọc đang bị tạm giam chờ xét xử, người con trai mới 20 tuổi của ông, Nguyễn Đình Vĩnh Khang, qua đời trong một tai nạn giao thông, nhưng chính quyền không cho phép ông dự đám tang con trai mình.
Việt Nam: Hãy trả tự do cho blogger nổi tiếng
Vietnam: Free Prominent Blogger

===== 05/10 =====
Tòa án Cấp cao giảm án tù cho blogger Nguyễn Ngọc Già

Ngày 05/10, Tòa án Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã giám án tù cho blogger Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già) xuống còn ba năm tù giam và ba năm quản chế.
Ông Ngọc đã bị Tòa án Nhân dân thành phố HCM tuyên án bốn năm tù giam và ba năm quản chế vào phiên sơ thẩm ngày 30/3 vì cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Tòa phúc thẩm nói việc giảm án căn cứ vào thân nhân tốt của ông Ngọc. Theo thông tin chính thức, ông Ngọc có bố là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ là ‘cơ sở cách mạng’.
Ông Ngọc, bị bắt hồi tháng 12/2014. Ông bị cáo buộc viết các bài trên mạng “chống phá Đảng, Nhà nước”.
Cáo trạng nói từ tháng 2 đến tháng 12/2014, ông Ngọc đã gửi 26 bài tới các trang mạng khác nhau và được đăng 14 bài.
Giám định của công an nói có 22 bài “xuyên tạc, vu khống” lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đọc thêm: Giảm 1 năm tù cho blogger Nguyễn Ngọc Già

——————–
Hai dân biểu kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC

Hai vị dân Biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal và Ed Royce hôm 05/10 đã gửi thư kêu gọi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry sử dụng thẩm quyền của ông theo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998 để đưa Việt Nam trở vào lại danh sách Các Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt (Countries of Particular Concern- CPC) vì các hành động của chính quyền Việt Nam nhằm giới hạn tự do tôn giáo.
Ông Alan Lowenthal là thành viên Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện Hoa Kỳ còn ông Ed Royce là chủ tịch của ủy ban này.
Trong thư hai ông nói trong thời gian gần 10 năm từ khi Việt Nam không còn trong danh sách CPC, chính quyền Việt Nam đã cho thấy rõ sự thiếu cải thiện trong lãnh vực tôn trọng quyền tự do tôn giáo và đã nhiều lần vi phạm đến quyền căn bản của người dân được tự do thực thi tín ngưỡng tôn giáo của họ.
Lá thư cũng nêu lên các sự kiện đã xảy ra tại Việt Nam gần đây, cho thấy chính quyền đã đối xử tàn tệ với các tín đồ thuộc nhiều tôn giáo. Các sự kiện này bao gồm việc tiếp tục giam cầm trái phép Mục sư Nguyễn Công Chính từ năm 2012 đến nay, và việc các lực lượng an ninh của chính quyền Việt Nam đã bắt giam và đánh đập vợ của mục sư là bà Trần Thị Hồng vào đầu năm nay. Mới tháng trước đây, cơ quan chính quyền đã cưỡng chế và phá hủy chùa Liên Trì tại Sài Gòn, là một biểu tượng và địa điểm quan trọng có lịch sử trên 70 năm và là nơi tập hợp của giới xã hội dân sự và các nhà hoạt động vì nhân quyền, dân chủ và dân oan. Thêm vào đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và vị lãnh đạo của tổ chức này, Thượng Thích Quảng Độ vẫn còn bị quản thúc tại gia và tổ chức này tiếp tục bị ngăn cấm thực thi quyền tự do hoạt động của mình.
Hai ông còn nói thêm rằng chính quyền Việt Nam “…tiếp tục soạn thảo luật về tôn giáo với khả năng gia tăng những sự can thiệp của chính quyền vào các hoạt động về tín ngưỡng và giám sát các tổ chức tôn giáo. Việc chỉ định Việt Nam là quốc gia trong CPC sẽ là chỉ dấu cho các cơ quan đang soạn thảo luật về tôn giáo thấy rõ họ cần phải tôn trong quyền tự do tôn giáo trong các quy định mới.”

——————-
Hơn 50 tổ chức xã hội dân sự quốc tế & trong nước gửi thư tới Quốc hội Việt Nam về Dự thảo Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng

Hơn 50 tổ chức xã hội dân sự (XHDS) quốc tế và Việt Nam đã gửi thư ngỏ tới Chủ tịch Quốc hội Việt Nam để bày tỏ quan tâm về dự thảo luật tôn giáo và tín ngưỡng mới, dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp sắp tới.
Thư ngỏ lưu ý rằng dự thảo luật mới “…hàm chứa một số cải tiến, nhưng vẫn tiếp tục lưu giữ những hạn chế không thể chấp nhận đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như các nhân quyền khác.”
Thư ngỏ cho rằng những bảo đảm cơ bản cho quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tiếp tục bị xói mòn với cơ chế đăng ký hà khắc, bó buộc, cho phép nhà nước xâm phạm quá đáng vào công việc nội bộ các tổ chức tôn giáo.
Bức thư ngỏ này có sự đóng góp của các tổ chức XHDS lớn như Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Tin Lành Đoàn kết Thế giới (Christian Solidarity Worldwide), Người Bảo vệ Quyền Dân sự (Civil Rights Defenders), và nhiều tổ chức XHDS trong nước và quốc tế khác.
Bức thư ngỏ đã lưu ý: “…Dự thảo luật tôn giáo đã được luân lưu cho một số cộng đồng tôn giáo lấy ý kiến. Tuy nhiên, Công giáo đã nhanh chóng phản đối đối, với thời gian qua ngắn từ ngày 18 tới 30 tháng 8 để chuẩn bị góp ý bản Dự thảo luật. Hơn nữa, các tổ chức tôn giáo độc lập không đăng ký với nhà cầm quyền không được tham khảo, như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”
Trong thư ngỏ, các tổ chức XHDS quốc tế và quốc nội đã trình bày những hạn chế của Dự Thảo Luật. Chẳng hạn như định nghĩa tôn giáo cần phải tương đương với Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ (ICCPR). Hay coi việc đăng ký với nhà cầm quyền không thể xem như một tiền lệ thủ tục cho việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Cộng đồng quốc tế cũng cho rằng nhà nước Việt Nam đang can dự quá sâu và “xâm phạm thái quá” vào công việc nội bộ tôn giáo.Dự thảo luật còn hàm chứa “ngôn ngữ mơ hồ và tiềm ẩn sự kỳ thị cần phải bãi bỏ”. Ngoài ra, cần thiết lập những nguồn pháp lý và cơ cấu để nhân dân có quyền khiếu nại và những ai khiếu nại sẽ được điều tra xử lý độc lập.”
Bức thư gửi tới bà Nguyễn Thị Kim Ngân, trong bối cảnh nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị thay đổi luật tôn giáo, cũng là thời gian mà chính trường Việt Nam có nhiều biến động.
Thư ngỏ đã nêu lên mối bận tâm của nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo, về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo cách có hệ thống trong giai đoạn gần đây.

===== 07/10 =====
Tù nhân lương tâm Nguyễn Kim Nhàn được trả tự do, Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực

Tù nhân lương tâm Nguyễn Kim Nhàn vừa được trả tự do sớm hai tháng sau khi đã gần mãn án tù 5 năm 6 tháng tại Trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An. Ông Nhàn trở về nhà ngày hôm 7/10 nhưng sẽ vẫn phải chịu quản chế 5 năm ở nơi cư trú.
Ông Nhàn cho biết trong tù ông luôn đấu tranh với chính quyền và nhà nước này dựa trên pháp luật, lẽ phải và công bằng. Sau này ông không có gì ‘vi phạm’ nên họ buộc phải xếp loại khá cho ông. Đối với loại khá thì tù hình sự được giảm án 8,9 tháng đến 1 năm, nhưng tù chính trị như ông chỉ được 2 tháng.
Ông Nhàn còn cho biết, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã khởi sự tuyệt thực lần thứ hai từ ba ngày nay, lý do là để phản đối Formosa và ủng hộ người dân miền Trung chịu thảm họa môi trường.
“Anh Thức ở buồng 1, tôi ở buồng 3. Vào giờ lấy cơm anh ấy nói với tôi ra ngoài cố gắng nói với ai có hỏi là anh Thức bắt đầu tuyệt thực từ ngày 5/10 để ủng hộ người dân Hà Tĩnh về vụ cá chết, để mọi người cùng lên tiếng.”
Đây là lần thụ án thứ nhì của ông Nhàn. Trước đây vào năm 2008 ông đã bị ngồi tù 2 năm và 2 năm quản chế trong cùng vụ án với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng vì tranh đấu cho dân chủ nhân quyền và đã bị bắt cùng với một số nhà hoạt động lúc đó. Cả hai lần ông đều bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự.
Ông Nguyễn Kim Nhàn sinh năm 1949 là một cựu chiến binh gốc Nghệ An, trước khi bị bắt ông cư trú ở Bắc Giang.

===== 08/10 =====
Công an Vũng Tàu bắt giữ và đánh đập nhiều nhà hoạt động dân sự

Ngày 07/10, lực lượng công an ở thành phố Vũng Tàu đã bắt giữ và đánh đập nhiều nhà hoạt động dân sự khi họ đang tham gia hội thảo về xã hội dân sự. Trong số những người bị bắt có Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, luật sư Lê Công Định, cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải và Nguyễn Thúy Quỳnh.
Cuộc hội thảo, với sự tham dự của hơn 20 người hoạt động xã hội từ Sài Gòn và Vũng Tàu mới diễn ra được vài phút thì cảnh sát địa phương ập tới và bắt giữ họ một cách thô bạo. Cảnh sát đã tách đoàn ra từng nhóm nhỏ rồi đưa về các đồn cảnh sát khác nhau để tra khảo từ hơn 10h sáng đến tận khua.
Lực lượng công quyền đã tịch thu điện thoại và máy quay của mọi người và phá hủy một số bằng cách nhúng vào nước. Luật sư Lê Công Định và cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thúy Quỳnh cùng nhiều người khác đã bị đánh đập trong quá trình “làm việc”.
Nửa đêm, công an Vũng Tàu đưa cả nhóm lên xe và bắt họ xuống xe ở những nơi hoang vắng, và thả mỗi người một đoạn. Khi Quỳnh phản đối, cô lại bị đánh một cách thô bạo.
Trong đêm tối, những người được tự do đã tự lần được đường trở về Vũng Tàu. Một số khác bắt được xe đi về luôn Sài Gòn.
Công an đàn áp, bắt bớ nhóm xã hội dân sự
Công an vây bắt và đánh đập các nhà hoạt động tại Vũng Tàu

===== 09/10 =====
Việt Nam bị phê phán vì dự thảo Luật Tôn giáo hà khắc

Nhiều tổ chức quốc tế và trong nước và một số cá nhân đã phê phán Việt Nam về dự thảo Luật Tôn giáo hà khắc, và kêu gọi Quốc hội Việt Nam sửa đổi một số điều trong dự thảo để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của dân chúng.
Ngày 06/10, nhiều nhà lập pháp trong khu vực ASEAN đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ dự thảo luật Tôn giáo cho đến khi nó được xây dựng theo cách đảm bảo các tiêu chuẩn phổ quát về nhân quyền.
Trong một bức thư gửi cho tờ báo Jakarta Globe, Những Nhà Lập pháp ASEAN về Quyền Con người (Asean Parliamentarians for Human Rights -APHR) đã nêu quan ngại về luật pháp hà khắc của Việt Nam, nói rằng luật pháp nước này ngày càng chà đạp quyền tự do của công chúng.
Thay vì được thấy một bản dự thảo nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước về tự do tôn giáo, dự thảo cuối cùng sắp được trình lên Quốc hội khóa 14 trong phiên họp lần thứ 2 cho thấy chính phủ Việt Nam duy trì quy định các nhóm tôn giáo phải đăng ký với nhà nước, APHR nói.
APHR, cùng với Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Người Bảo vệ Quyền Dân sự (Civil Rights Defenders) và hơn 50 tổ chức trong và ngoài nước đã ký vào thỉnh nguyện thư chung gửi đến Quốc hội Việt Nam, cụ thể là Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, đề nghị quốc hội sửa đổi dự thảo luật theo hướng tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Dự thảo cuối cùng của Luật Tôn giáo đã gặp nhiều chỉ trích của nhiều tổ chức tôn giáo, bao gồm cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một tổ chức không chịu sự quản lý của chính phủ, và không được hỏi ý kiến về dự thảo mặc dù nhóm tôn giáo này sẽ chịu ảnh hưởng nếu dự thảo được quốc hội chấp thuận.
Trong thư ngỏ, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và trong nước đã trình bày những hạn chế của dự thảo Luật Tôn giáo. Chẳng hạn như định nghĩa tôn giáo cần phải tương đương với Điều 18 Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hợp quốc (ICCPR), hay coi việc đăng ký với nhà cầm quyền không thể xem như một tiền lệ thủ tục cho việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Cộng đồng quốc tế cũng cho rằng nhà nước Việt Nam đang can dự quá sâu và “xâm phạm thái quá” vào công việc nội bộ tôn giáo.Dự thảo luật mới còn hàm chứa “ngôn ngữ mơ hồ và tiềm ẩn sự kỳ thị cần phải bãi bỏ”.
Hai dân biểu Hoa Kỳ, ông Alan Lowenthal và Ed Royce, thậm chí còn có những phản ứng mạnh mẽ hơn. Trong một bức thư chung gửi Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 05/10, ông Ed Royce- chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ và ông Alan Lowenthal- thành viên của ủy ban này, đề nghị Ngoại trư���ng John Kerry đưa Việt Nam trở lại danh sách Các Quốc gian cần quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concern- CPC) vì các hành động nhằm giới hạn tự do tôn giáo của Chính phủ Việt Nam.
Sau khi được đưa ra khỏi CPC vào năm 2006, chính quyền Việt Nam không có cải thiện trong lãnh vực tôn trọng quyền tự do tôn giáo và đã nhiều lần vi phạm đến quyền tự do thực thi tín ngưỡng tôn giáo, một trong các quyền căn bản của người dân, hai ông đã nói trong bức thư.
Hai vị dân biểu khả kính nhắc lại một số sự kiện xảy ra ở Việt Nam gần đây chứng minh rằng chính quyền đã đối xử tàn tệ với các tín đồ thuộc nhiều tôn giáo, bao gồm việc giam cầm trái phép mục sư Nguyễn Công Chính từ năm 2012 đến nay và chính quyền địa tỉnh Gia Lai đã tra khảo và đánh đập vợ của ông là cô Trần Thị Hồng vào đầu năm nay, việc cưỡng chế và phá hủy chùa Liên Trì ở Sài Gòn, việc quản thúc Hòa thượng Thích Quảng Độ- lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Việc đưa lại Việt Nam vào danh sách CPC sẽ buộc các cơ quan đang soạn thảo luật về tôn giáo thấy rõ họ cần phải tôn trong quyền tự do tôn giáo trong các quy định mới, hai ông nói.