Xã hội dân sự cứu trợ lũ lụt miền Trung VN

Ca sỹ Ánh Tuyết nói cô thường hoạt động từ thiện một mình do mất niềm tin vào các hội, tổ chức cứu trợ của chính quyền

Ca sỹ Ánh Tuyết nói cô thường hoạt động từ thiện một mình do mất niềm tin vào các hội, tổ chức cứu trợ của chính quyền

BBC | 20.10.2016

Ca sỹ Ánh Tuyết nói trong Bàn tròn thứ Năm 20/10 của BBC Tiếng Việt rằng cô ‘hoàn toàn không tin’ vào các hội, các tổ chức cứu trợ lũ lụt của chính quyền.

Ca sỹ đã nhiều năm hoạt động thiện nguyện nói: “Vì sao người ta tin cá nhân nhiều hơn? Nói thật là tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh là khi vào các hội thì một hồi rồi số tiền nó đi đâu mất gần như hết 90% nó đến người dân chỉ 10% thôi.

“Tôi từng gặp phải những chương trình như vậy. Tôi từng ngây ngô từ bước đầu và tôi đã tham gia rất nhiều chương trình như vậy nên tôi đã chứng kiến và hao mòn [niềm tin] đi rất nhiều.”

“…Có lần chính tôi đã lên danh sách người nhận sau đó tôi nhờ những người địa phương rà danh sách cho thật kỹ để những người thực sự khó khăn được nhận, để không phát lầm, và cũng có tình trạng là những người trong bộ máy của địa phương mang gia đình của mình đến nhận, thay mặt nhau để nhận nhiều lần. Tôi thấy rất buồn. Mà người dân đói thực sự thì lại không có.

“Chưa kể là những người ăn theo và làm những chuyện không hay lắm, nữ ca sỹ nổi tiếng với các ca khúc của nhạc sỹ Văn Cao và nhạc tiền chiến nói.

Ít nhất 25 người thiệt mạng và hàng ngàn căn nhà đang bị ngập và hư hại do trận lũ lụt ở miền Trung Việt Nam vừa qua, trong đó thiệt hại nặng nhất là ở Quảng Bình và Hà Tĩnh, theo một báo cáo về tình hình mưa lũ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ hôm 17/10.

Tuy nhiên, cũng hôm 17/10, một số hồ thủy điện và hồ chứa nước ở các tỉnh này được chính thức xả lũ trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn ngập chìm trong nước.

Xem thảo luận về lũ lụt miền Trung và sự tham gia của xã hội dân sự trong cứu trợ tại: https://www.youtube.com/watch?v=CeVBv50Bl78

‘Hiệu ứng quả lắc’

Nhà báo tự do Phạm Tường VânImage copyrightPHAM TUONG VAN Image caption Nhà báo tự do Phạm Tường Vân từng suýt thiệt mạng trong một lần đi cứu trợ lũ lụt

Nhà báo tự do Phạm Tường VânImage copyrightPHAM TUONG VAN
Image caption
Nhà báo tự do Phạm Tường Vân từng suýt thiệt mạng trong một lần đi cứu trợ lũ lụt

Phân tích về ‘hiện tượng’ MC Phan Anh, một nhân vật có tiếng trên truyền thông Việt Nam, nhận dược 16 tỷ sau chỉ vài ngày kêu gọi quyên góp cho nạn nhân lũ lụt ở miền Trung, nhà báo tự do Phạm Tường Vân cho rằng thành công này phần nào cũng nhờ “hiệu ứng ngược của truyền thông lề phải”.

“Nếu như cách đây mấy tháng Phan Anh không phải là nạn nhân của báo chí chính thống thì liệu Phan Anh có tạo được hiệu ứng như vậy không? Có thể không.

“Dường như có tâm lý chung trong dân chúng là khi niềm tin bị xói mòn có thể có hiệu ứng quả lắc là họ ngả sang phía bên kia. Hiện tượng Phan Anh theo tôi đánh giá là do một phần hiệu ứng ngược.

“Và việc người dân tin vào cá nhân hơn là vào pháp nhân là dấu hiệu hơi buồn cho các cơ quan, tổ chức nhà nước.”

Nhà báo tự do Châu Đoàn, người cũng kêu gọi quyên góp cứu trợ cho người dân vùng lũ lụt, nhắc tới ba điểm: nghèo đói, lãng phí nguồn lực và lòng tin của người dân vào chính quyền ở mức ‘rất thấp’.

“Sau 41 năm ngớt tiếng súng thì người dân nói chung và ở miền Trung nói riêng hoàn cảnh sống không hề khá lên. Cứ đến bão lũ là dân khổ, và hết năm nay đến năm sau không hề có sự chuẩn bị tốt hơn, nguyên nhân là do chúng ta còn nghèo. ”

Thêm vào đó, anh nói, sự tham gia của xã hội dân sự vào việc cứu trợ cũng là “bất đắc dĩ ” và người dân “không muốn quyên góp cho chính quyền nữa. Tôi hy vọng là chính quyền Việt Nam sẽ nhìn thấy để biết mình đang ở đâu và làm sao để lấy lại được niềm tin của người dân. ”

‘Đánh úp’

08431430-b3c5-478b-9135-36b2cabe95ca

Ít nhất 71.000 ngôi nhà dân bị ngập trong nước lụt ở tỉnh Quảng Bình, theo số liệu thống kê ban đầu.

Bình luận về khâu dự báo, cảnh báo xả lũ ở các đập thủy điện hồ chứa như ở trường hợp thủy điện Hố Hô (giáp ranh Quảng Bình – Hà Tĩnh), nhà báo tự do Châu Đoàn dẫn thông tin trên Vietnamnet cho biết phía thủy điện thông báo cho địa phương trước một tiếng rồi bắt đầu xả nước khỏi hồ chứa.

“Với những gì xảy ra, tất cả người dân và kể cả cán bộ địa phương đều không ngờ được. Mưa bắt đầu to rồi và lại xả luôn thì liệu đây có phải như là đòn kép đánh vào người dân?

“Thay vì chức năng của thủy điện là có thể điều tiết được dòng nước tức là về mặt nào đó có thể tránh được rủi ro cho người dân trong lũ, nhưng đây lại như cộng thêm vào, vừa là thiên tai vừa là nhân tai.”

Chia sẻ ý kiến trên, một người làm trong lĩnh vực giảm thiểu thiệt hại thiên tai so sánh điều này với việc người dân bị ‘đánh úp’.

“Việc người dân chỉ có 1-2 tiếng đồng hồ để đối phó với xả lũ là không thể chấp nhận được, vì nó như đánh úp,” anh Nguyễn Ngọc Huy nói.

“Vấn đề là ngày hôm nay, rồi năm sau lại xảy ra một việc như vậy, mà quy trách nhiệm lại không đến một cá nhân nào, lại quay lại quy trách nhiệm tập thể, và người dân vẫn là người chịu trận cho hầu hết các sai lầm.

“Lợi nhuận thuộc về ai và người chịu thiệt thòi là ai trong những quy hoạch phát triển mang tầm vĩ mô ở các cấp? Rất cần tiếng nói minh bạch, truyền thông và sự tham gia của các nhóm yếu thế trong quá trình lập quy hoạch và ra quyết định còn nếu không thì họ vẫn mãi mãi là những người bị bất ngờ và ông trời là người bị chỉ trích.”

Nhà báo tự do Châu Đoàn kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội để giúp người dân vùng lũ

Nhà báo tự do Châu Đoàn kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội để giúp người dân vùng lũ

Người sáng lập chương trình Nhà Chống Lũ và thường xuyên gặp gỡ người dân ở các vùng lũ lụt, chị Giang Phạm cho hay người dân ở các vùng như Tân Hóa, Minh Hóa, Hương Khê, Quảng Bình phải chịu mức lũ rất nặng nề, và thiệt hại ngày càng lớn hơn.

“Cái đó thể hiện rõ ràng việc tình trạng xây thủy điện và điều tiết hồ thủy điện bừa bãi và vô trách nhiệm với người dân. Và dù bất kỳ lý do gì mà cơ quan chức năng họ viện dẫn ra thì cũng không thể nào chấp nhận được.”

Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về việc trách nhiệm giúp dân phòng, tránh lũ, giảm thiệt hại thuộc về ai, ca sỹ Ánh Tuyết cho rằng, đó chính là cấp lãnh đạo, những nhà quản lý.

“Chúng ta xây đập thủy điện để có doanh thu, kiếm tiền, nhưng chúng ta quên rằng, tiền đó từ đâu? Dân phải trả. Khi phát điện dân phải trả.

“Nhưng rồi anh để dân chết như vậy, đột ngột như vậy, rồi mất đi rất nhiều tài sản của người ta, mà chưa nói những người dân nghèo. Thì tôi không hiểu được là các anh tính những gì?”

‘Tự cứu lấy mình’

Doanh nhân Giang Phạm, người sáng lập chương trình Nhà Chống Lũ

Doanh nhân Giang Phạm, người sáng lập chương trình Nhà Chống Lũ

Tuy nhiên, doanh nhân Giang Phạm bổ sung, trách nhiệm trước tiên là của người dân. Người dân cũng phải chủ động “vươn lên, vượt qua khó khăn để làm cho cuộc sống của mình tốt lên thì không ai có thể giúp đỡ họ được”.

“Theo tôi thì trách nhiệm đầu tiên là người dân phải có khả năng tự phòng chống thiên tai cho bản thân, tự trang bị cho mình những kiến thức.”

“…Thứ hai là việc liên kết giữa các nhóm xã hội với nhau. Tôi nghĩ rằng tất cả cá nhân, tổ chức ai làm được gì cũng đều tốt hết. Có điều là làm sao các nhóm có thể liên kết với nhau, mỗi người một mảng, mỗi người một điểm mạnh kết hợp để giảm thiểu chi phí không cần thiết và có những cứu hộ mang tính lâu dài.

“Theo như tôi biết trong mấy ngày qua nhiều địa phương và người dân cũng rất mệt mỏi vì có quá nhiều tổ chức đến, xảy ra tình trạng hỗn loạn, có người lại ngã xuống nước.

“Hơn nữa, một số người dân ỷ lại vào các đoàn cứu trợ, không hề cố gắng, nỗ lực, thậm chí là cứ ngồi đấy để đợi.”

Chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực giảm thiểu rủi ro và thiệt hại thiên tai Nguyễn Ngọc Huy

Chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực giảm thiểu rủi ro và thiệt hại thiên tai Nguyễn Ngọc Huy

Về mặt chính sách, anh Nguyễn Ngọc Huy cho rằng cần chú trọng đầu tư giảm thiểu rủi ro thiên tai thay vì đầu tư cho phục hồi thiệt hại sau thiên tai.

“Nhưng trong giai đoạn phục hồi cũng cần chia thành hai giai đoạn: phục hồi khẩn cấp và giải pháp phục hồi kinh tế và nâng cao năng lực chống chịu tại các địa bàn.”

Giải thích về trận lụt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa qua, anh cho biết một trong những nguyên do chính là dự báo khí tượng thủy văn chưa chính xác và kịp thời.

“Năm nay công tác dự báo khí tượng thủy văn đặc biệt thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn rất hạn chế.

“Và mặc dù có bộ máy rất tốt chong công tác phòng chống thiên tai nhưng dự báo chưa cung cấp được thông tin chính xác và kịp thời nên có thể bị động.

“Như vừa qua ở Quảng Bình có thể thấy một bài học là thiếu thông tin dự báo là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến việc điều hành xả lũ hay ứng phó ở các cấp chính quyền địa phương bị động.

“Đấy là l‎ý do mà thiệt hại thiên tai nặng nề hơn,” chuyên gia trong lĩnh vực giảm thiểu thiệt hại thiên tai nói.

Mời quý vị xem lại thảo luận trực tuyến tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=CeVBv50Bl78

Hình ảnh từ mạng xã hội cho thấy nhiều nhà cửa bị nhấn chìm

Hình ảnh từ mạng xã hội cho thấy nhiều nhà cửa bị nhấn chìm

_91942705_lu3