Hành động khẩn cấp để cứu hai nhà hoạt động bị biệt giam và có nguy cơ bị tra tấn

Mr. Luu Van Vinh (left) and Mr. Nguyen Van Duc Do

Ông Lưu Văn Vịnh (trái) và ông Nguyễn Văn Đức Độ

Ân xá Quốc tế kêu gọi ký thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ

Ân xá Quốc tế, ngày 22/11/2016

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Hai nhà hoạt động dân chủ, là hai trong số những người bị bắt giữ vào ngay 06/11, đã bị buộc tội nhằm “lật đổ nhà nước” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự của Việt Nam. Họ đang bị biệt giam trong đồn công an và có nguy cơ bị tra tấn hoặc nhiều hình thức ngược đãi khác.

Lưu Văn Vịnh, một nhà hoạt động dân chủ, đã bị bắt tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh vào giữa trưa ngày vào 06/11. Nguyễn Văn Đức Độ cũng đã bị bắt tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 19:30 cùng ngày. Vào ngày 17/11, gia đình của họ đã được thông báo rằng Vịnh và Độ đang bị giam giữ tại trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận để điều tra về cáo buộc liên quan đến “Liên minh Dân tộc Việt Nam, theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Người bị cáo buộc theo điều khoản này có thể phải đối mặt với án tù giam từ năm năm đến tù chung thân hoặc tử hình.

Liên minh Dân tộc Việt Nam đấu tranh đòi cải cách chính trị và chấm dứt sự độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam. Cả hai người đàn ông bị biệt giam trong điều kiện dễ bị tra tấn và nhiều hình thức ngược đãi khác, vi phạm việc cấm tra tấn được quy định trong các công ước nhân quyền quốc tế bao gồm Công ước Chống Tra tấn mà Việt Nam là thành viên.

Lưu Văn Vịnh đã bị công an mặc thường phục đánh vào đầu, mặt và bụng trước sự chứng kiến của vợ và các con ông. Ông bị lôi đi và đưa trở lại nhà vài giờ sau đó và bị công an tuyên bố bắt giữ. Sau khi gia đình tới cơ quan công an nhiều lần để hỏi thông tin về ông, ngày 17/11, công an thành phố đã thông báo chính thức về lý do ông bị bắt. Cùng ngày, đơn của gia đình đề nghị được có luật sư bào chữa cũng bị từ chối.

Gia đình ông Độ không biết ông bị giam giữ ở đâu cho đến ngày 11/11 và đến ngày 17/11 họ nhận được thông báo từ công an về việc bắt giữ ông.

Cả ông Vịnh và ông Độ đều đã tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hòa về thảm họa sinh thái gây ra bởi Formosa vào tháng tư, và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đó. Một số người khác bị bắt vào trong cùng khoảng thời gian đã được trả tự do sau 5 ngày bị giam giữ. Nhiều người trong số đó tố cáo rằng họ bị đánh đập trong thời gian bị giam giữ.

Hãy viết ngay lập tức bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của bạn:

 Kêu gọi chính quyền ngay lập tức thả Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ nếu họ không bị xét xử về một hành vi phạm tội hình sự được công nhận;

 Kêu gọi chính quyền đảm bảo rằng Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ được đối xử theo các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hiệp Quốc đối với các tù nhân, và không bị tra tấn hoặc bị ngược đãi trong khi bị giam giữ;

 Kêu gọi chính quyền đảm bảo rằng những người bị giam có quyền tiếp cận luật sư, gia đình và được chăm sóc y tế đầy đủ.

Xin gửi kiến nghị trước ngày 03/01/2017 đến:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Văn phòng Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, Việt Nam

Email: nguoiphatngonchinhphu@chinhphu.vn

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

44 Yết Kiêu St. Hoàn Kiếm Quận Hà Nội, Việt Nam

Fax: + 844 3823 1872

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Bộ ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình

Hà Nội, Việt Nam

Fax: + 844 3823 1872

Email: ttll.mfa @ mofa.gov, vn

Đồng thời, gửi bản sao cho đại diện ngoại giao được công nhận ở đất nước của bạn.

Vui lòng kiểm tra với văn phòng khu vực của bạn nếu kiến nghị được gửi sau ngày trên.

 

Thông tin bổ sung

Lưu Văn Vịnh là một người thợ điện và thợ ống nước siêng năng. Ông chuyển từ Hải Dương vào thành phố Hồ Chí Minh cách đây vài năm. Gia đình ông, trong đó có ba trẻ em từ sáu đến 19 tuổi, vào cùng với ông năm 2015. Vợ ông đã mở một cửa hàng nhỏ, nhưng sẽ rất khó khăn để tiếp tục bán hàng nếu không có sự giúp đỡ của ông.

Nguyễn Văn Đức Độ là một thợ điện từ thành phố Huế, người đã sống ở thành phố Hồ Chí Minh khoảng sáu tháng trước khi bị bắt. Anh trai của ông tin rằng ông không có kết nối với “Liên minh Dân tộc Việt Nam”, ngoài việc quen biết một số thành viên.

Có đến 270.000 người, bao gồm cả ngư dân, ở các tỉnh ven biển của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã bị ảnh hưởng bởi cá chết hàng loạt trong tháng 4 năm nay. Sau một cuộc điều tra hai tháng về thảm họa sinh thái, chính phủ khẳng định những cáo buộc của công chúng rằng một nhà máy thép thuộc sở hữu của Formosa Plastics Group của Đài Loan đã xả chất thải độc hại và gây ra thảm họa. Vào cuối tháng 6, Formosa công khai xin lỗi và tuyên bố sẽ cung cấp 500 triệu USD để bồi thường, nhưng những người bị ảnh hưởng đã nói rằng điều này là không đủ đền bù cho các tác động và sinh kế bị mất của họ. 506 khiếu nại bồi thường bổ sung đã bị từ chối bởi các nhà chức trách. Chính quyền Việt Nam đàn áp dã man nhiều cuộc biểu tình trong tháng 5. Cảnh sát áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn và trừng phạt những người tham gia vào các cuộc biểu tình, có hàng loạt hành vi vi phạm quyền con người bao gồm tra tấn và ngược đãi, cũng như vi phạm quyền hội họp ôn hòa và tự do đi lại. Xem tại đây: https://www.amnesty.org/en/documents/ASA41/5070/2016/en/

Chính phủ Việt Nam có chính sách tranh cái trong việc đối phó với sự xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông và một số người bất đồng chính kiến ủng hộ hoặc tham gia các cuộc tuần hành chống Bắc Kinh.

Việt Nam là thành viên của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, một văn bản bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa. Tuy nhiên, những quyền này bị hạn chế nghiêm trọng trong pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam. Nhiều điều mơ hồ trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự năm 1999 thường được sử dụng để kết tội các quan điểm hay hoạt động bất đồng. Những người có nguy cơ bao gồm những người ủng hộ thay đổi chính trị một cách hòa bình, chỉ trích chính sách của chính phủ, hoặc kêu gọi tôn trọng nhân quyền. Điều 79 (thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân) là một trong những điều được sử dụng để giam giữ, truy tố và bỏ tù bất đồng chính kiến vì các hoạt động ủng hộ dân chủ của blogger, người hoạt động về quyền lao động và quyền sử dụng đất, các nhà hoạt động chính trị, những người theo tôn giáo của các giáo hội khác nhau, người bảo vệ nhân quyền và nhà hoạt động công bằng xã hội, và thậm chí cả nhạc sĩ.

Điều kiện trong nhà tù ở Việt Nam rất khắc nghiệt, không có đầy đủ thức ăn và thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo như yêu cầu tối thiểu quy định trong Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hiệp Quốc trong đối xử với tù nhân (Nelson Mandela Rules) và nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác. Các tù nhân lương tâm thường bị biệt giam trước khi xét xử, có nguy cơ bị tra tấn và ngược đãi khác. Mặc dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn, có hiệu lực từ tháng 2/2015, chính quyền không thực hiện đủ các bước để tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước đó. Để biết thêm thông tin, xem báo cáo đã được công bố vào tháng 7/2016: Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và Ngược đãi tù nhân lương tâm tại Việt Nam tại địa chỉ sau:

https://www.amnesty.org/en/documents/asa41/4187/2016/en/