Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền- Tuần 50 từ ngày 05 đến 11/12/2016: EU kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho tù nhân lương tâm

dtd-6-150x150

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 11/12/2016

Ngày 08/12, tại Brussels, EU và Việt Nam đã tổ chức vòng 6 Đối thoại Nhân quyền và khối này đã kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho nhiều tù nhân lương tâm.

EU cũng nêu quan ngại về chiến dịch đàn áp của chính phủ nhằm vào người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền. Khối này cũng nêu lên tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền được thăm viếng tù nhân theo luật Việt Nam và luật nhân quyền quốc tế.

Việt Nam sẽ xét xử hai nhà hoạt động chính trị Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng với cáo buộc lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự vào ngày 16/12. Hai nhà hoạt động đòi đa nguyên đa đảng rất có thể phải chịu mức án nặng nề giữa 12 năm và 20 năm tù giam, theo luật hiện hành.

Hàng trăm nhà hoạt động khắc cả nước đã phàn nàn rằng chính quyền địa phương đã sử dụng lực lượng an ninh mặc thường phục để ngăn chặn họ trong ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12), không cho họ ra ngoài. Mục tiêu là không cho các nhà hoạt động gặp mặt và kỷ niệm lần thứ 68 sự kiện này.

Blogger Trịnh Bá Phương cho biết mẹ của anh, nhà hoạt động nhân quyền Cấn Thị Thêu đã bị đưa đi thụ án tại tỉnh Gia Lai, khoảng 1,200 km từ Hà Nội. Chính quyền cộng sản thường đưa các tù nhân lương tâm đi giam giữ tại những nơi xa nhằm gây khó khăn cho việc thăm viếng.

Và một số tin khác

 

===== 06/12 =====

Việt Nam sẽ xét xử hai nhà hoạt động chính trị sau gần 15 tháng giam giữ
Việt Nam sẽ đem hai nhà hoạt động chính trị Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng ra xét xử hôm 16/12 với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình sẽ xét xử vụ án mở này nhưng người thân và những người hoạt động rất có ít khả năng được tham dự phiên tòa, như đa số các vụ án chính trị ở Vieietj Nam.

Nếu bị chứng minh có tội, hai ông sẽ phải đối mặt với án phạt nặng nề giữa 12 và 20 năm tuuf giam.

Ông Kim, 67 tuổi, bị bắt ngày 21/12/2015 với nhiều tài liệu cổ súy cho đa đảng. Ông là cựu trung tá quân đội và phó trưởng phòng chính trị Tỉnh đội tỉnh Thái Bình. Ông là cựu tù chính trị, từng bị giam giữ 66 tháng từ tháng 7 năm 2009 đến tháng Giêng năm 2015 cũng với cáo buộc theo Điều 79.

Trong thời gian 1995-2005, ông tham gia nhiều nhóm hoạt động cổ súy cho đa nguyên đa đảng, bao gồm cả Khối Dân chủ 8406.

Năm 2009, ông được trao tặng giải thưởng Hellman/Hammett bởi Human Rights Watch.

Ông Tùng được cho là cùng nhóm với ông Kim. Cũng là một cựu tù nhân chính trị và được trả tự do giữa năm ngoái. Ông bị bắt vào cuối năm 2015 khi ông đang tá túc tại Gia Lai.

——————–

50 tổ chức quốc tế lên án luật tôn giáo mới của CSVN
Theo Premierchristanradio.com, luật quy định hoạt động tôn giáo mới có hiệu lực thi hành vào tháng tới tại Việt Nam đã làm bùng lên sự lo ngại cho hoạt động của các tôn giáo, và đặc biệt hạn chế tín đồ Ky tô giáo đi nhà thờ.

Theo luật mới của nhà cầm quyền CSVN, các tổ chức tôn giáo muốn hoạt động phải được sự chấp thuận của nhà nước, và phải ghi danh, cam kết tuân hành Luật Tôn giáo và Tín Ngưỡng của họ.

Ông Thomas Muller, nhà phân tích của Open Doors, tổ chức trợ giúp các Ky tô hữu khẳng định với Tổ chức Giám sát Thế giới (World Watch Monitor) rằng những quy định như thế sẽ gây khó khăn cho việc thực hành tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Bộ luật tôn giáo mới được quốc hội Cộng sản Việt Nam phê chuẩn hồi tháng qua, và bắt đầu có hiệu lực thi hành vào tháng 11/2017, đã bị hơn 50 tổ chức trên thế giới lên án, trong đó có Ân xá Quốc tế và Christian Solidarity Worldwide.

Một số nhà lập pháp của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã lên tiếng chỉ trích bộ luật tôn giáo và tín ngưỡng mới của Việt Nam.

Trong khi đó, theo truyền thông của nhà nước CSVN, một số nhà lãnh đạo “tôn giáo quốc doanh” ở Việt Nam đã lên tiếng ủng hộ bộ luật mới này. Họ cho rằng bộ luật mới nhằm mục đích “loại trừ mọi thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội”.

Năm 2015 là một năm u ám của nền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hình ảnh chính quyền CSVN cho người giẫm đạp lên thánh giá tại Đan Viện Thiên An Huế, xóa bỏ chùa Liên Trì tại Quận 2 Sài Gòn đã gây căm phẫn cho người Việt tự do khắp nơi trên thế giới

50 tổ chức quốc tế lên án luật tôn giáo mới của CSVN

===== 08/12 =====

Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam lần thứ 6-  EU kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền
Ngày 08/12/2016 tại Brussels Liên minh châu Âu và Việt Nam đã tổ chức vòng thứ sáu của Đối thoại Nhân quyền tăng cường hàng năm, trong bối cảnh quan hệ đối tác EU-Việt Nam và Hiệp định Hợp tác (PCA) đang phát triển. Cả hai bên coi quyền con người là một thành phần quan trọng của quan hệ song phương, được ghi nhận trong PCA.

EU tham vấn với các xã hội dân sự trước cuộc đối thoại, tổ chức họp với nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng như đại diện của cộng đồng quốc tế.

Đối thoại đã dẫn đến một cuộc trao đổi mang tính xây dựng và mở rộng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, và cho phép cho các cuộc thảo luận về thực hành tốt nhất và hỗ trợ của EU cho các nỗ lực cải cách. Các cuộc thảo luận tập trung vào cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, các quyền tự do ngôn luận, tôn giáo, tín ngưỡng, hội họp ôn hòa và lập hội, quyền lao động, thúc đẩy các nguyên tắc của luật pháp và thủ tục, chống lại tra tấn và ngược đãi, bắt giữ tùy tiện, hình phạt tử hình, hỗ trợ cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và người bảo vệ nhân quyền, và cam kết trong khuôn khổ Liên Hợp quốc.

Liên minh châu Âu đề nghị tiếp tục hỗ trợ, bao gồm cả việc thực hiện Công ước của LHQ về Chống tra tấn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về quy trình pháp lý. EU cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về đấu tranh chống buôn bán người.

Chuyến thăm sắp tới của Tiểu ban Nhân quyền- Quốc hội Châu Âu vào năm 2017 là một cơ hội để đẩy mạnh hợp tác liên nghị viện về nhân quyền.

EU cũng nêu quan ngại về việc tăng cường sách nhiễu và bắt giữ người hoạt động và bảo vệ nhân quyền. Thêm nữa, EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng tất cả các tù nhân có thể được thăm viếng bởi luật sư, nhân viên y tế và các thành viên gia đình, phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản về nhân quyền quốc tế.

EU nêu một số trường hợp cá nhân cụ thể: Ông Ngô Hào, ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anh Ba Sàm) và trợ lý của ông là cô Nguyễn Thị Minh Thúy, ông Nguyễn Văn Đài và trợ lý của ông là cô Lê Thu Hà , ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, ông Đoàn Huy Chương, bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Đặng Xuân Diệu và Hòa thượng Thích Quảng Độ.

EU khẳng định rằng tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do biểu đạt một cách hòa bình nên được trả tự do.

Hợp tác trong các diễn đàn quốc tế và thực hiện các khuyến nghị từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là những khuyến nghị thực hiện trong Xem xét Phổ quát Định kỳ (UPR) cũng được nêu lên. EU nhắc lại khuyến nghị về việc mời Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của Người bảo vệ nhân quyền.

Cuối cùng, EU khuyến khích Việt Nam phê chuẩn và thực hiện những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khác và các tiêu chuẩn lao động, và đảm bảo đối thoại xã hội có ý nghĩa. Khối này hoan nghênh nỗ lực thực hiện trong việc nâng cao nhận thức về quyền của người đồng tính, người chuyển giới (LGBTI), và khuyến khích Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực này, để tất cả có thể tham gia vào đời sống công cộng mà không bị phân biệt đối xử.

Đối thoại Nhân quyền đã được tiến hành sau các cuộc họp với các cơ quan chức năng ở Bỉ để chia sẻ kinh nghiệm của họ trong cuộc chiến chống buôn bán người. Vòng thứ bảy của Đối thoại Nhân quyền tăng cường sẽ được tổ chức vào năm 2017 tại Hà Nội.

Ông David Daly, Trưởng phòng Đông Nam Á trong Bộ phận Ngoại giao EU (EEAS) dẫn đầu phái đoàn EU tham gia đối thoại. Phái đoàn Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Tổng Giám đốc của Cục Các Tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, dẫn đầu và gồm đại diện từ nhiều bộ và cơ quan chính phủ.

6th EU-Vietnam Human Rights Dialogue

===== 09/12 =====

Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Công giáo tố cáo Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền
Nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12, khi thế giới đánh dấu 68 năm ngày công bố Bản Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền, Hội Cựu tù Nhân Lương tâm Công giáo Việt Nam đưa ra bản lên tiếng tố cáo trước dư luận quốc tế chính sách chà đạp nhân quyền vô cùng khốc liệt hiện nay của nhà cầm quyền Việt Nam.

Bản lên tiếng tố cáo rằng Việt Nam, một nước thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, chẳng những không tôn trọng các quyền con người, mà còn tăng cường đàn áp nhân quyền trong thời gian gần đây, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

Bản lên tiếng liệt kê các trường hợp bắt bớ và giam cầm tùy tiện đối với luật sư Nguyễn Văn Đài và phụ tá của ông là bà Lê Thị Thu Hà, dân oan Cấn Thị Thêu, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm, bác sĩ Hồ Hải, ông Lưu Văn Vịnh và ông Nguyễn Văn Đức Độ.

Bản lên tiếng cũng lên án việc đối xử ngày càng khắc nghiệt và phi nhân bản đối với các tù nhân lương tâm như ông Hồ Đức Hòa, bà Trần Thị Thúy, ông Đặng Xuân Diệu, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Đinh Nguyên Kha và ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.

Đặc biệt Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Công giáo ghi nhận hiện trạng đàn áp tôn giáo ngày càng khốc liệt trong năm 2016, như vụ phá hủy chùa Liên Trì và đan viện Thiên An, vụ phong tỏa nhằm triệt hạ thánh thất Tuy An của đạo Cao Đài trong tỉnh Phú Yên.

 

Bản lên tiếng cũng tố cáo sự khủng bố tinh thần, ngăn chặn sinh hoạt, học hành và thi cử đối với những người tranh đấu cho nhân quyền, như các trường hợp của Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Linh mục Phan Văn Lợi, và blogger Trương Minh Tam.

Nhân kỷ niệm 68 năm ngày công bố Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Công giáo đã gởi Bản Lên tiếng đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, các tổ chức nhân quyền quốc tế, chính phủ các quốc gia và truyền thông báo chí

===== 10/12 =====

Hàng trăm nhà hoạt động bị chặn tại nhà riêng trong ngày Nhân quyền Quốc tế
Chính quyền địa phương các tỉnh và thành phố đã đưa nhiều công an mặc thường phục đến canh gác nhà riêng của hàng trăm người hoạt động trong ngày thứ Bảy (10/12) nhằm ngăn chặn không cho họ ra ngoài kỷ niệm ngày Nhân quyền Quốc tế.

Blogger Trịnh Bá Khiêm còn bị an ninh mặc thường phục bắt cóc giữa đường và đưa về tra khảo tại đồn công an Dương Nội. Anh đã bị một số an ninh đánh đập và giam giữ trong nhiều giờ tại đồn công an.

Vẫn có một số nhà hoạt động thoát khỏi việc canh gác của chính quyền và tổ chức các cuộc gặp mặt nhằm lên án chế độ cộng sản Việt Nam vi phạm công ước quốc tế về quyền con người.

Tại Nghệ An: Sáng 10/12, khoảng hơn 60 người đã có mặt tại Trường mầm non thuộc giáo xứ Phúc Lộc ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An để phổ biến các điều luật cơ bản về tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, và những quyền lợi cơ bản mà con người được thừa hưởng. Được biết, đa phần những người có mặt tham dự là những nông dân, tiểu thương trên địa bàn huyện Yên Thành, muốn tìm hiểu về quyền con người.

Nhà hoạt động Nguyễn Thành Huân, người vừa bị côn an Nghệ An hành hung đã chia sẻ với bà con về sự việc anh bị đánh đập như thế nào, và thể hiện ý chí, nghị lực tiếp tục dấn thân, đấu tranh của anh trên con đường đấu tranh bảo vệ nhân quyền trong nước.

Tại Sài Gòn: một số người hoạt động dân chủ đã mua bánh mì, nước suối và tổ chức phát quà cho những người vô gia cư và những người lang thang khắp thành phố không nơi nương tựa nhân ngày Quốc tế Nhân quyền.

===== 11/12 =====

Nhà hoạt động về quyền đất đai Cấn Thị Thêu bị đày đi Gia Lai
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã đưa cô Cấn Thị Thêu, một người hoạt động vì quyền đất đai, đi đày ải ở tận Gia Lai, cách thủ đô Hà Nội khoảng 1,200 km, blogger Trịnh Bá Phương cho biết.

Cô Thêu, người bị tòa án phúc thẩm ở Hà Nội giữ nguyên mức án 20 tháng tù giam, sẽ phải thụ án tại Trại giam Gia Trung, Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng tại xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang.

Việc đưa cô Thêu vào tận mãi Gia Lai là một hành động trả đũa nhằm vào người đấu tranh. Chính quyền thường đưa tù chính trị giam một nơi thật xa gia đình nhằm gây khó khăn trong việc thăm viếng.

Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 năm, bị đưa ra tận Nghệ An để giam giữ, trong khi gia đình anh lại ở Sài Gòn, cách khoảng 1,400 km.