Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 53 từ ngày 26 đến ngày 31/12/2016: Việt Nam tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 31/12/2016

Chính quyền Việt Nam, trong nỗ lực giữ vững độc quyền chính trị, tiếp tục làn sóng bạo lực đàn áp giới bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền trong tuần cuối cùng của năm 2016.

Ngày 26/12, lực lượng an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh đã bắt cóc, tra khảo và đánh đập Nguyễn Hồ Nhật Thành, một nhà hoạt động xã hội đang tổ chức một lớp học về kỹ năng hoạt động dân sự cho những nhà hoạt động trẻ ở phía nam.

Chính quyền ở nhiều địa phương khác cũng đàn áp người hoạt động địa phương, bao gồm nhà hoạt động công đoàn cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh và cô giáo Nguyễn Thị Loan (Facebook Nguyen Thanh Loan), người bảo vệ nhân quyền Trần Thị Nga ở tỉnh Hà Nam, và nhà hoạt động môi trường Nguyễn Anh Tuấn ở Hà Nội.

Cũng trong ngày thứ Hai, Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên mức án mà phiên sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã áp đặt cho Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã kéo dài thời gian điều tra đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà, những người đã bị bắt từ cuối năm 2015 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Như vậy, phiên tòa xét xử hai nhà hoạt động sẽ không được tiến hành trước ngày 16/4/2017, 16 tháng sau ngày bị bắt.

 

===== 26/12 =====

Tòa phúc Cấp cao y án 3 năm đối với Nguyễn Hữu Quốc Duy

Ngày 26/12/2016, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An với cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Trong phiên tòa công khai mà mẹ của bị cáo Nguyễn Hữu Quốc Duy, bà Nguyễn Thị Nay không được tham dự, tòa án đã y án 3 năm đối với Duy và 2 năm đối với An, giống như Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra trong phiên phúc thẩm ngày 23/8.

Bà Nay cho biết kể từ khi bắt Duy cuối tháng 11 năm 2015, công an Khánh Hòa không cho gia đình tiếp xúc và tiếp tế cho Duy.

Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An là anh em con chú bác ruột, thường xuyên lên Facebook bình luận và viết bài nói về những mặt trái, bất công của xã hội: cán bộ tham nhũng, đạo đức xuống cấp, xã hội trì trệ chậm phát triển, tuyên truyền dối trá, dân chúng sợ hãi…

——————–

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Hồ Nhật Thành bị công an hành hung

Nguyễn Hồ Nhật Thành, người tổ chức một chương trình đào tạo nhà hoạt động xã hội trẻ ở Sài Gòn, bị hàng chục công an cùng côn đồ hành hung hai lần và câu lưu trong ngày thứ Hai.

Anh Thành cho biết trong buổi trưa 26/12, công an đến sách nhiễu lớp học về xã hội dân sự do anh quản trị. Khi anh đến gần nơi các bạn trẻ tụ họp thì bị một nhóm 10 người xúm lại tấn công. Họ bẻ tay, đánh và đá liên tục vào đầu, ngực và lưng anh. Một kẻ tấn công còn rút một khẩu súng dí vào đầu anh dọa bắn. Sau đó, chúng trùm kín đầu anh và đưa đến đồn công an phường Tân Mỹ, quận 7.

Tại đây, anh bị nhân viên an ninh cùng một số tên côn đồ vừa dọa nạt vừa thẩm vấn. Công an vu cho anh tội “nhận tiền từ các thế lực thù địch nước ngoài” và “âm mưu xây dựng lực lượng để lật đổ chế độ”.

Anh Thành, một nhà hoạt động đấu tranh dân chủ, nhân quyền trong nước, nói rằng, nói rằng anh hoạt động chỉ vì muốn đất nước thay đổi tốt hơn trong hòa bình, và các lớp học là nhằm chia sẻ với những bạn trẻ quan tâm và muốn hành động những kiến thức nền tảng về lịch sử, hiến pháp, pháp luật và dân quyền.

Sau khi ra khỏi đồn công an lúc gần nửa đêm, anh lại bị một nhóm an ninh mặc thường phục đánh đập trên đường về nhà. Anh bị chúng đánh trong khoảng 10 phút cho đến khi nằm gục xuống đường chúng mới bỏ đi.

Thành là chồng của Trịnh Kim Tiến. Cha cô Tiến là ông Trịnh Xuân Tùng, người bị một trung tá công an đánh chết trong một vụ chặn xe vi phạm luật giao thông hồi tháng 2 năm 2011.

——————–

Chính quyền Việt Nam kéo dài thời gian điều tra đối với Luật sư Nguyễn Văn Đài

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa gia hạn thời gian điều tra đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà thêm bốn tháng, theo thông báo của cơ quan này cho luật sư Hà Huy Sơn.

Đây là lần gia hạn thứ ba, kéo dài thời gian tạm giam lên 16 tháng. Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà bị bắt giam vào ngày 16/12/2015 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự

Kể từ khi ông bị bắt, nhiều chính phủ dân chủ và tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích nhà nước Việt Nam và kêu gọi Hà Nội trả tự do cho hai người hoạt động ôn hòa.

Năm 2008, luật sư Đài đã bị kết án 5 năm tù theo Điều luật 88. Năm 2011, ông được phóng thích nhưng bị quản chế thêm 4 năm nữa. Ông là người sáng lập Trung tâm Nhân quyền Việt Nam với mục tiêu hướng dẫn các luật sư nhân quyền và thúc đẩy sự truyền bá pháp luật. Ông cũng làm một trong những người sáng lập Hội Anh em Dân chủ.

Luật sư Đài bị biệt giam và không được phép gặp gỡ luật sư biện hộ cũng như thân nhân trong gia đình kể từ khi bị bắt giữ.

===== 31/12 =====

Chính quyền nhiều nơi ở Việt Nam tiếp tục đàn áp trong những ngày cuối năm 2016

Chính quyền nhiều nơi ở Việt Nam đã tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội trong những ngày cuối năm 2016.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan (nick facebook Nguyen Thanh Loan) cho biết cô bị chính quyền thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu cô lên đồn công an để làm việc về quan hệ với anh Lưu Văn Vịnh, người đang bị giam giữ với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Sau buổi làm việc sáng ngày 30, công an nói rằng họ sẽ tiếp tục yêu cầu Loan lên làm việc. Cô Loan là người tham dự nhiều cuộc biểu tình về bảo vệ môi trường trong giữa năm 2016.

Cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh, một người hoạt động vì quyền công dân, đã bị lực lực an ninh ở Sài Gòn bao vây nhà riêng trong nhiều ngày cuối năm, không cho cô ra ngoài.

Trần Thị Nga, một người hoạt động công đoàn và nhân quyền ở thành phố Phủ Lý, Hà Nam, cho biết cô cũng bị giam lỏng tại nhà riêng khi có nhiều mật vụ canh gác nhà cô trong những ngày cuối năm, không cho cô đi chợ mua thức ăn cho hai cháu nhỏ.

Trước đó, chính quyền Hà Nội đã đưa công an, dân phòng và cán bộ địa phương đến nhà Nguyễn Anh Tuấn khi anh này căng banron với dải băng đen với mục tiêu để tang cho hơn 200 người bị chết ở miền Trung do lũ lụt gây ra bởi việc xả nước của nhiều đập thủy điện trong vùng.

Công an đã xúi người cướp banron và ném đất đá vào nhà của Nguyễn Anh Tuấn khi anh không có nhà mà chỉ có vợ và một cháu mới sinh.

Tuấn đã từng một lần bị đánh đập dã man bởi an ninh mặc thường phục do những hoạt động về môi trường.

Phiên bản tiếng Anh: /2017/01/02/vietnam-human-rights-defenders-weekly-december-26-31-2016-vietnam-continues-its-violent-suppression-of-local-activists-in-last-days-of-2016/