Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ nhất từ ngày 01 đến 08/1/2017: Tình trạng bạo lực của Công an Việt Nam đang gia tăng

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 08/01/2017

Lạm dụng bạo lực của công an Việt Nam đang gia tăng với việc hai người chết trong đồn và hai người khác bị đánh đập trong những ngày đầu năm 2017.

Phạm Minh Thế ở tình Bình Thuận, dường như trở thành nạn nhân đầu tiên chết trong đồn công an trong năm nay. Ngày 04/01, công an Phan Thiết tìm thấy anh ngày chết trong buồng giam và cho rằng anh bị đánh bởi người cùng phòng.

Ngày 28/12/2016, Lê Thanh Sơn, người bị tạm giam từ ngày 09/12 vì cáo buộc tham gia mua bán ma túy, bị chết trong nhà giam. Cảnh sát An Giang cho rằng anh bị chết do bệnh nhưng gia đình của anh tin rằng anh bị tra tấn đến chết bởi công an.

Cảnh sát cơ động thành phố Cần Thơ trong đêm 01/01 đã đánh đập hai sinh viên trong quá trình kiểm tra hành chính. Nạn nhân cho biết họ bị công an thu giữ giấy tờ, xe máy và ví tiền, đánh đập và đưa về đồn công an mà không vì một lý do gì.

Luật sư Trần Thu Nam, người tham gia bảo vệ trong nhiều vụ án chính trị và dân oan, cho biết nhà riêng của anh ở Hà Nội bị ném chất thải.

===== 01/01 =====

Người thân chết trong tù, gia đình mang quan tài diễn phố

Sáng ngày 1/1, gia đình nạn nhân Lê Thanh Sơn ở phường Long Hưng, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã đưa quan tài của anh đi khắp đường phố, để phản đối việc anh bị chết trong nhà tù. Gia đình nạn nhân cho rằng, anh Lê Thanh Sơn, sinh năm 1990, chết do bị công an đánh đập.

Tin tức từ công an cho biết, ngày 9/8/2016, anh Lê Thanh Sơn bị bắt vì nghi ngờ có liên quan đến việc buôn bán ma túy. Vào 8 h sáng ngày 28/12, anh Sơn có dấu hiệu khó thở nên công an thị xã đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tân Châu, rồi sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang để cứu chữa. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, anh Sơn đã qua đời.

Báo chí trong nước dẫn lại nguồn tin được cung cấp từ công an, không cho biết trên thi thể có vết thương do bị đánh đập hay không. Công an cho biết, từ kết quả khám nghiệm tử thi, nạn nhân Sơn tử vong là do bị “nhồi máu cơ tim và viêm phổi”.

Trước việc người thân bị chết một cách oan ức, gia đình nạn nhân nghi ngờ do bị công an đánh chết, nên đã thuê xe lôi đạp quanh các con phố ở thị xã Tân Châu để kêu oan.

Rất nhiều người đã theo dõi và hòa mình vào dòng người. Theo công an, những người đi đòi công lý cho nạn nhân là “bị kích động và xúi giục”. Đám đông đã có xô xát với lực lương có trách nhiệm khi họ muốn vào trụ sở công an thị xã Tân Châu để hỏi cho ra lẽ.

Chiều ngày 2/1/2017, thượng tá công an Đỗ Văn Mười Bốn, trưởng phòng tham mưu công an tỉnh An Giang bác tin Lê Thanh Sơn chết là do bị đánh đập trong trại giam, một lần nữa khẳng định nạn nhân chết do bị “nhồi máu cơ tim”. Ông cho biết công an tỉnh An Giang đã cho điều tra việc đem quan tài diễn phố.

——————–

Cảnh sát cơ động Cần Thơ đánh dân chảy máu đầu trong đêm năm mới

Nguyễn Quốc Sơn, đang là sinh viên trường Đại học Cần Thơ (nick facebook Nguyễn Quốc Sol), và bạn đã bị công an thành phố Cần Thơ đánh và tịch thu giấy tờ cùng ví khi hai người đang dừng xe gần cổng trưởng trong đêm đầu năm mới.

Sơn cho biết vào lúc 0h40 phút ngày 1/01/2017 anh cùng với bạn mình đang dừng xe ở cổng B trường đại học Cần Thơ thì có 4 cảnh sát cơ động chạy lại kiểm tra giấy tờ. Sau khi kiểm tra giấy tờ, mấy công an đó giữ luôn giấy tờ và giữ xe, lấy luôn cả bóp. Khi bạn của Sơn chất vấn thì có một công an hình sự mặc đồ thường từ phía sau tới đánh rất nhiều,  còng tay người bạn và đưa lên xe. Sơn đứng kế bên không chống cự vẫn bị 2 cảnh sát cơ động xô lên xe và dùng cây ba trác màu đen đánh vào đầu anh nhiều cái, làm anh bị rách trán phải vào bệnh viện khâu 4 mũi. Sau đó công an đưa hai thanh niên về trụ sở công an phường Xuân Khánh mà không có biên bản lý do bắt giữ.

Lúc người nhà Sơn đến hỏi thì người công an đã đánh anh chối, nói lỡ tay trúng.

Sơn cho biết đã trình báo sự việc lên cơ quan công an thành phố Cần Thơ, nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

Sơn là một trong số nhiều nạn nhân của việc lạm dụng quyền lực của công an Việt Nam trong vài năm gần đây.

===== 02/01 =====

Vụ chết người ở Bình Định: công an nói không đánh nạn nhân, dân nói có

Tối ngày 02/01, Phạm Đặng Toàn ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã đến chợ Định Thiện thuộc xã Phước Quang để chơi bầu cua. Khi mọi người đang chơi thì một toán trinh sát của công an huyện Tuy Phước ập đến. Khoảng 30 người có mặt chạy tán loạn, trong số đó có anh Toàn.

Tuy nhiên, theo người dân, nhóm công an đã bắt được Toàn và dùng gậy ba-toong đánh đập khiến anh gục ngã tại chỗ.

Thấy anh Toàn bị đánh nặng, bạn bè liền đưa anh đi bệnh viện cấp cứu nhưng anh đã chết trên đường đi tới bệnh viện. Cùng với đó, người dân đã bao vây, truy bắt lại 8 tên công an nói trên. Sáu trong số 8 tên công an đã trốn thoát, hai tên còn lại là thiếu úy Trần Đức Thuận và Nguyễn Ngọc Khánh bị bắt. Cả hai người này đều nồng nặc mùi bia rượu.

Cả hai người này bị người dân bắt đưa đến nhà xác bệnh viện thị xã An Nhơn (Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn), quỳ trước thi hài người đã khuất.

Từ những đoạn clip ghi lại tại nhà xác, người dân khẳng định 8 tên công an đã đánh đập nạn nhân. Một trong số đó còn lấy tiền trong ví của nạn nhân rồi bỏ chạy khi bị truy bắt. Vì quá căm phẫn trước sự tàn bạo của công an, những người có mặt tại đó đã không giữ được bình tĩnh, nhào vô đánh đập 2 tên công an khiến họ bị thương.

Trên báo chí, lãnh đạo công an tỉnh Bình Định liên tục có những câu trả lời mâu thuẫn với nhau. Đại tá Nguyễn An Ninh, phó giám đốc công an tỉnh Bình Định nói, nạn nhân uống rượu say, bỏ chạy rồi tự té ngã mà chết. Trong khi đó Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc công an tỉnh Bình Định lại cho biết, nạn nhân tử vong do “nhồi máu cơ tim”. Về phần mình, thượng tá Võ Quý Tuấn, Trưởng công an huyện Tuy Phước luôn khẳng định thuộc cấp của mình không hề đụng đến nạn nhân, chứ đừng nói gì đến đánh đập. Những khẳng định của ông Tuấn dựa trên những bản tường trình được viết từ thuộc cấp.

Chưa hết, sau khi sự việc xảy ra, cả ba lãnh đạo công an tỉnh Bình Định nói trên liên tục cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc những người đã đánh đập, hạ nhục công an.

Ông Phạm Hoàng Hậu, chú ruột của nạn nhân khi trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ cho biết: “Công an đã đánh cháu tôi gục tại chỗ, sùi bọt mép, bạn bè thấy vậy đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, nhưng Toàn đã chết trên đường đi”.

Còn anh Phạm Đăng Tiến, 35 tuổi, anh ruột của Toàn, cho hay em mình đã bỏ chạy nhưng bị công an bắt lại và sau đó đã chết.

Đến sáng ngày 4/1/2017, công an huyện Tuy Phước cho đăng thông báo về kết luận pháp y. Theo kết luận này, nạn nhân tử vong là do “não và phổi bị phù; vùng trán có vết xây xát, vùng gò má có một vết xây xát nghi do té xuống nền xi-măng”. Trong kết luận không hề nói gì đến việc anh Toàn bị đánh đập, trong khi dưới cằm nạn nhân có vết bầm tím.

Dựa vào kết quả pháp y, công an huyện Tuy Phước kết luận, nạn nhân tử vong do chạy trốn công an, kiệt sức mà chết. Khoảng cách từ chợ Định Thiện đến chỗ nạn nhân gục ngã chưa đến 150m.

===== 04/01 =====

Hội Giáo chức Chu Văn An họp mặt kỷ niệm 1 năm ngày thành lập

Hôm 4/1tại Hà Nội, Hội Giáo chức Chu Văn An phía Bắc họp mặt kỷ niệm một năm ngày thành lập hội (5/1/2016 – 5/1/2017).

Buổi họp đã diễn ra trong không khi thân tình và cởi mở. Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết xoay quanh vấn đề góp phần chấn hưng giáo dục nước nhà. Đặc biệt các thầy trong hội lắng nghe được những ý kiến quý báu của hai nhà nghiên cứu, yêu dân chủ, ghét độc tài của giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh triết và Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưỏng Bộ Thủy lợi.

Mọi ý kiến trao đổi, chia sẻ đều nhất trí : Có một nền giáo dục tốt đất nước mới có được nhiều hiền tài, mới có được những lãnh đạo có trình độ và có đầy đủ cả tâm và tầm để lãnh đạo đất nước.

===== 05/01 =====

Nhà riêng của luật sư Trần Thu Nam bị ném sơn trộn mắm tôm

Trần Thu Nam, một luật sư từng tham gia nhiều vụ án chính trị và vụ kiện bảo vệ quyền lợi cho gia đình một thiếu niên chết trong trại giam của công an ở Hà Nội, vừa nhận được tín hiệu cảnh cáo, khi nhà riêng của ông bị ném sơn trộm mắm tôm trong đêm thứ Năm rạng ngày thứ Sáu.

Luật sư Trần Thu Nam kể rằng vào khoảng 0 giờ ngày 6 tháng 1, có người đến Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự, do ông làm trưởng văn phòng, và cũng là nhà ở của ông ở khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy, ném sơn đỏ trộn nắm tôm vào nhà. Luật sư Nam cho biết khi ông mở cửa ra thì thủ phạm đã chạy mất.

Luật sư Trần Thu Nam và một đồng nghiệp là luật sư Lê Văn Luân vào đầu tháng 11 năm 2015 từng bị một nhóm côn đồ hành hung dã man, sau khi đến tư vấn pháp lý cho gia đình của em Đỗ Đăng Dư, 16 tuổi, người bị chết trong trại tạm giam của công an Hà Nội.

Tư gia của nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đã từng bị ném chất thải.

(Quý vị có thể đọc bản tin phiên bản English tại đây: /2017/01/09/vietnam-human-rights-defenders-weekly-january-1-82017-power-abuse-by-police-on-rise/)