Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, từ ngày 23/01 đến ngày 05/02/2017: Cộng đồng quốc tế lên án những vụ bắt giữ người hoạt động ôn hòa gần đây ở Việt Nam

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 05/02/2017

Nhiều chính phủ nước ngoài và một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án những vụ bắt giữ ba nhà hoạt động ôn hòa Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Oai và Nguyễn Văn Hóa, yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ.

Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam, Human Rights Watch, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Các Nhà báo, Phóng viên Không Biên giới là những tổ chức đã lên tiếng phản đối các vụ bắt giữ người bất đồng chính kiến gần đây ở Việt Nam.

Trong những bản tuyên bố của mình, các tổ chức này đã yêu cầu trả tự do cho ba nhà hoạt động bị bắt giữ trong tháng 01 chỉ vì thực hiện quyền cơ bản về tự do ngôn luận, hội họp và lập hội.

Theo Human Rights Watch, Việt Nam hiện đang giam giữ 112 người bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền.

Gần 900 người và hơn 30 tổ chức đã cùng ký tên vào thỉnh nguyện thư đòi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, người mẹ của hai đứa con lên sáu và bốn tuổi.

Chị Nga đã bị giam giữ mà không được gặp luật sư cũng như thăm viếng từ người thân kể từ ngày bị bắt một tuần trước tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Chính quyền thành phố Huế liên tục cử nhân viên an ninh canh gác gần nhà riêng của linh mục Phan Văn Lợi. Ngày 02/02, khi linh mục định rời khỏi nhà để đi làm lễ thì hai nhân viên an ninh mặc thường phục đã ngăn cản không cho ông đi.

===== 23/01 =====

Front Line Defender lên tiếng về vụ bắt giữ hai nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai

Ngày 23/01, Front Line Defenders, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Dublin, Ireland, đã ra tuyên bố phản đối vụ bắt giữ hai nhà hoạt động Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai.

Trong thông cáo của mình, Front Line Defenders nói rằng họ rất quan ngại về việc bắt giữ hai người hoạt động mà tổ chức này tin rằng lý do của việc bắt giữ là những việc làm hợp pháp và ôn hòa của họ trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Front Line Defenders kêu gọi các cơ quan chức năng tại Việt Nam:

  1. Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai, vì Front Line Defenders tin rằng họ đang bị giam giữ chỉ vì những công việc hợp pháp và ôn hòa của họ trong việc bảo vệ quyền con người;
  2. Hủy bỏ các cáo buộc chống lại Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai ngay lập tức;
  3. Bảo đảm rằng việc đối xử với Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai trong thời gian bị giam giữ tuân thủ các điều kiện quy định trong “Các nguyên tắc về bảo hộ tất cả mọi người trong bất kỳ hình thức giam giữ hoặc phạt tù” đã được thông qua bởi Nghị quyết 43/173 thông qua bởi Đại Hội đồng Liên Hợp quốc vào ngày 09/12/988;
  4. Cho phép Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai được quyền tiếp cận với luật sư của họ ngay lập tức;
  5. Chấm dứt việc đàn áp nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam và bảo đảm rằng họ có thể thực hiện các hoạt động nhân quyền hợp pháp của mình trong mọi tình huống mà không sợ bị trả thù và không bị hạn chế bao gồm cả quấy rối tư pháp.

Front Line Defender lên tiếng về vụ bắt giữ hai nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai

===== 24/01 =====

Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc lo ngại việc bắt giữ Trần Thị Nga

Ngày 24/0`, Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc ra thông cáo bày tỏ sự lo ngại việc chính quyền Việt Nam bắt giữ chị Trần Thị Nga, một nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ ở tỉnh Hà Nam.

Thông cáo cho biết: “…Chúng tôi lo ngại về việc một nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, cô Trần Thị Nga (tức Thúy Nga) bị bắt giữ theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Điều 88 được xem là một “vi phạm an ninh quốc gia”, và cô Nga đối mặt với án tù từ 3 đến 20 năm. Ngoài ra, điều này còn cho phép biệt giam cô Nga trong suốt thời gian điều tra. Việc này có thể dẫn đến tra tấn và có thể tự nó chính là tra tấn, vi phạm vào Công ước Chống Tra tấn (CAT) mà Việt Nam đã ký kết vào tháng Hai 2015.

Trong năm vừa qua, Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc đã bày tỏ mối quan tâm đến một số trường hợp tương tự về những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Việt Nam. Trong năm ngoái, Cao ủy Liên Hiệp ôuốc, ông Zeid Ra’ad Al Hussein đã kêu gọi Việt Nam bãi bỏ Điều 88, cũng như những điều khoản vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế như điều 79, 87, 245 và 258 của Bộ luật Hình sự…”

——————–

Đài Quan sát Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân Quyền lên án vụ bắt giữ Trần Thị Nga

Đài Quan sát Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền, một tổ chức liên đới của Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Thế giới chống Tra tấn (OMCT) kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư ngỏ lên án vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga ở Việt Nam.

Trong thư ngỏ, tổ chức này đề nghị cộng đồng quốc tế gửi thư đến nhiều quan chức Việt Nam để lên án việc giam giữ tùy tiện Trần Thị Nga, cũng như những cáo buộc chống lại cô. Cho rằng việc bắt giữ nhằm loại bỏ các hoạt động nhân quyền hợp pháp và ôn hòa của cô Nga, Đài Quan sát kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Trần Thị Nga ngay lập tức và vô điều kiện và hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại cô.

Viet Nam: Arbitrary detention of labour and land rights defender Ms. Tran Thi Nga

===== 25/01 =====

Phóng viên Không Biên giới lên án việc bắt giữ ba blogger tại Việt Nam

Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên án các vụ bắt giữ mang tính “phòng ngừa” đối với ba blogger-nhà báo công dân Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Oai và Nguyễn Văn Hóa trong vài ngày qua trong thời gian ngắn trước tết cổ truyền, và kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích họ ngay lập tức và xóa bỏ tất cả các cáo buộc chống lại họ .

“Làn sóng bắt giữ trước dịp tết Nguyên đán phản ánh tình trạng căng thẳng của chế độ khi xã hội dân sự có cơ hội để phản ánh vi phạm quyền con người nói chung,” ông Benjamin Ismail, người đứng đầu của RSF tại châu Á-Thái Bình Dương nói.

“Các blogger và nhà báo công dân không làm gì khác hơn là đưa tin về các cuộc biểu tình và bày tỏ quan điểm về các hành vi vi phạm các quyền của công dân. Nói cách khác, họ bảo vệ lợi ích chung. Tuy nhiên, điều khủng khiếp là việc bảo vệ lợi ích chung và quyền con người được coi là tuyên truyền chống nhà nước ở Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế lên tiếng để yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho họ.”

Cùng với việc quấy rối, đe dọa và tấn công vật lý vào những blogger trực tính và những người thân của họ, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẵn sàng thực hiện các vụ bắt giữ mang tính phòng ngừa, những vụ bắt giữ có thể được coi là mất tích, nhằm bịt miệng những người phản biện trước những sự kiện quốc gia, RSF nói.

Tháng Mười năm ngoái, RSF lên án chính sách của chính phủ Việt trong việc cô lập các nhà báo và blogger và cấm đoán một cách có hệ thống không cho họ xuất cảnh để tiếp cận với thế giới.

Việt Nam bị xếp hạng thứ 175 trong số 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí thế giới của RSF vào năm 2016.

===== 26/02 =====

Thông điệp từ Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, về việc bắt giữ bà Trần Thị Nga, ông Phan Văn Phong và ông Nguyễn Văn Oai.

Bà Trần Thị Nga và ông Phan Văn Phong là những nhà bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ vào ngày 21/1/2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88 Bộ luật Hình sự) theo những nguồn tin chính thống. Hai ngày trước đó, một người bảo vệ nhân quyền khác là ông Nguyễn Văn Oai bị bắt giữ tại tỉnh Nghệ An với cáo buộc “chống lại người thi hành công vụ” và vi phạm thời hạn án treo.

Sự an toàn của những nhà bảo vệ nhân quyền cùng với quyền được thể hiện chính kiến một cách tự do, ôn hòa mà không bị đe dọa hay cản trở cần phải được bảo đảm. Đây là một trong những cam kết quốc tế và trong nước của Việt Nam về nhân quyền, điển hình là Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982, và Hiến pháp của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu kêu gọi chính quyền Việt Nam đảm bảo quyền lợi của bà Trần Thị Nga, ông PhanVăn Phong và ông Nguyễn Văn Oai được tôn trọng. Ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là một nội dung lâu đời trong chính sách của Liên minh Châu Âu về nhân quyền.

===== 27/01 =====

Human Rights Watch lên tiếng về ‘làn sóng bắt bớ người chỉ trích’ ở Việt Nam

Chính quyền Việt Nam cần phải trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, và hủy bỏ mọi cáo buộc có động cơ chính trị đối với bà, Human Rights Watch nói trong một tuyên bố của tổ chức này hôm 27/01.

Ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của Human Rights Watch, cho rằng thật nực cười khi nhà cầm quyền Việt Nam biến việc tiếp cận internet và đăng tải ý kiến chỉ trích là một tội hình sự.

Ông Adams kêu gọi các nhà bảo trợ quốc tế và đối tác thương mại của Việt Nam nói rõ ràng và lớn tiếng với nhà cầm quyền rằng, họ sẽ đánh giá lại các quan hệ nếu Việt Nam tiếp tục bỏ tù những người chỉ trích ôn hòa.

Theo Human Rights Watch, Việt Nam có một lịch sử lâu dài bắt bớ bất cứ ai mà đảng cộng sản đương quyền xem là đe dọa độc quyền cai trị của mình. Nhà cầm quyền đã bắt giữ hơn một chục blogger và nhà hoạt động trong vòng 5 tháng trở lại đây và vu cho họ những tội danh mơ hồ về vi phạm an ninh quốc gia.

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế ghi nhận những vụ bắt bớ khác mới diễn ra trong tháng này, như vụ bắt giữ cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, và vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Hóa.

Human Rights Watch nhận định rằng, tại Việt Nam đang có ít nhất 112 blogger và nhà hoạt động đang phải ngồi tù chỉ vì thực thi các quyền tự do căn bản của công dân.

——————–

CPJ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các nhà báo

Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) công bố chiến dịch thường niên về tự do báo chí 2017, nêu tên 10 nhà báo trên thế giới đang bị cầm tù, trong đó có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang bị chính phủ Việt Nam giam giữ vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước.

Giám đốc CPJ, bà Courney Radsch, nói rằng những nhà báo được nêu tên đang bị giam giữ theo các  điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia hoặc luật chống khủng bố trong lúc họ thực sự  chỉ là những phóng viên chứ không phải những kẻ khủng bố.

CPJ khẩn cấp kêu gọi chính phủ các nước phải trả tự do cho các nhà báo đang bị giam giữ, đồng thời cải tổ luật dẫn đến việc lạm dụng quyền hành để tùy tiện bắt giữ những người làm báo không đồng quan điểm với nhà nước.

Ông Steven Butler, điều hợp viên chương trình của CPJ cho biết mục đích chính của CPJ là nhắc đến những nhà báo trên thế giới đang bị cầm tù vì không muốn tên tuổi những người này bị chìm vào quên lãng, cũng đồng thời muốn tăng cường áp lực để nhà cầm quyền trả tự do cho họ.

===== 29/01 =====

Trần Huỳnh Duy Thức nhất quyết ‘không lưu vong’

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức sẽ không bao giờ chấp nhận lưu vong mà sẽ ở lại Việt Nam cho dù còn phải thụ án tù 16 năm, gia đình ông cho biết.

Trong một buổi gặp với gia đình ông trong ngày 29/01 tại Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, Thức khẳng định sẽ không ra nước ngoài tị nạn.

Ông Thức, 51 tuổi, hiện đang thụ án 16 năm về cáo buộc là có “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tính đến thời điểm này, ông đã trải qua hơn 7 năm rưỡi trong tù.

Ông không được nhà chức trách xem xét giảm án vì vẫn khẳng định mình “không có tội để phải nhận tội”.

Ông Thức bị xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long. Ông Thức nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế. Các ông Định, Trung và Long đều đã ra tù trong mấy năm trước đây.

Giữa tháng 5 năm ngoái, gia đình ông Thức cho biết ông bị “ép buộc đi định cư tại Hoa Kỳ” nhưng ông đã “bác bỏ ý định đi định cư như cái giá trao đổi để hưởng sự tự do”.

===== 01/02 =====

Freedom House: Việt Nam vẫn chưa có tự do

Feedom House, một tổ chức giám sát độc lập ở Hoa Kỳ công bố phúc trình về tự do toàn cầu với 195 quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí một nước không có tự do và không có dấu hiệu cải thiện.

Trong số 195 quốc gia trên thế giới, 87 nước được công nhận là có tự do, 59 nước chỉ phần nào có tự do, 49 nước còn lại hoàn toàn không được tự do về nhiều mặt, trong đó Việt Nam là một.

Năm nay Việt Nam chẳng có thay đổi nào đáng kể so với năm ngoái, nhiều người đối lập vẫn bị bắt giữ, tiếng nói của các xã hội dân sự hay của những nhà hoạt động độc lập bị dập tắt.

Bà Sarah Repucci, giám đốc chuyên trách xuất bản toàn cầu của Freedom House, nói rằng tổ chức tiếp tục đặt Việt Nam vào tư thế một quốc gia thiếu tự do:

Đã có lúc chúng tôi cảm thấy phần khởi thấy một vài cá nhân hoặc thành viên các tổ chức dân sự độc lập  ở Việt Nam gọi là được phép tự ra ứng cử vào quốc hội. Đáng tiếc là chưa đủ  để có thể tin rằng đó là sự thay đổi tích cực và đó là Việt Nam muốn chấp nhận có sự đối lập về chính trị.

Theo đánh giá của Freedom House trong phúc trình về tự do toàn cầu 2017, 3 lãnh vực quan trọng nhất mà Việt Nam thiếu hẳn là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do mạng. Sơ đổ về tự do toàn cầu của Freedom House năm 2017  cho thấy trong số 39 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam ở nhóm 20% những nước đang theo đuổi chính sách kiểm soát và chi phối mọi quyền tự do căn bản của công dân.  Bà Sarah Repucci:

Freedom House chưa bao giờ nhận được sự phản hồi từ phía Việt Nam, đối với những phúc trình thường niên mà tổ chức thực hiện hàng năm. Có vẻ như chính phủ Việt Nam không thực sự quan tâm một cách nghiêm túc đến những báo cáo như thế này và cũng không muốn cải thiện để trở thành một thể chế thông thoáng hơn.

Những điểm chính cần nhấn mạnh là qua đại hội đảng lần thứ XII cho đến bầu cử quốc hội thì rõ ràng Việt Nam đã và vẫn muốn giữ nguyên trạng một nhà nước toàn trị, người dân không được thông báo trước điều gì và cũng không có cơ hội được tham gia vào những sinh hoạt chính trị vốn đã rất giới hạn.

Điểm thứ nhì là đã có những cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam hồi năm ngoái, chứng tỏ người dân mong muốn nói ra những suy nghĩ của họ và mong muốn được quyền tự do bày tỏ những suy nghĩ đó.

Việt Nam thường tuyên bố mình là một quốc gia tự do, dân chủ nhưng để trở thành một nước dân chủ đích thực thì  Việt Nam phải tôn trọng và thực thi quyền tự do bày tỏ chính kiến, tự do truy cập mạng để trao đổi tin tức, tự do báo chí để người dân biết những điều gì đang xảy ra trên đất nước của mìn. Đó là  kết luận của Freedom House.

===== 02/02 =====

Công an Huế ngăn cản Linh Mục Phan Văn Lợi đi dâng lễ trong ngày đầu năm

Vào khoảng 8 giờ 30 sáng ngày 02/02, chính quyền Tp Huế đã huy động hai an ninh mặc thường phục canh giữ trước cổng nhà, không cho Linh mục Pet Phan Văn Lợi đi dâng lễ sáng tại nhà thờ giáo xứ Tây Linh.

Linh mục Phan Văn Lợi yêu cầu hai nhân viên xuất trình giấy tờ nhưng họ từ chối. Tuy không dùng bạo lực nhưng hai nhân viên này kiên quyết không cho ông đi.

Linh mục Lợi từng bị nhà cầm quyền Tp Huế kết án 4 năm tù giam về tội “tuyên truyền chống nhà nước” vào năm 1981. Sau khi hết án, nhà cầm quyền đã quản thúc ông tại tư gia.

Ngoài việc ngăn cản đi lại, chính quyền địa phương còn khủng bố tinh thần ông bằng cách ném mắm tôm, ném đá vào nhà và không cho khách viếng thăm.

===== 05/02 =====

816 cá nhân, 30 tổ chức XHDS ký tên đòi trả tự do cho Trần Thị Nga

Cho đến ngày 31/01, 816 cá nhân và 30 tổ chức xã hội dân sự ký tên vào thỉnh nguyện thư yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, người bị bắt ngày 21/01 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88.

Trong bức thư chung, các nhà hoạt động và tổ chức cho rằng những việc làm của cô Nga như tư vấn pháp luật cho những người lao động Việt ở Đài Loan, tuyên truyền cho người dân về dân chủ và quyền con người, bày tỏ sự phẫn nộ và lên án các hành vi chà đạp lên pháp luật là những hành động đúng luật pháp. Họ cũng khẳng định cô Nga chưa từng đưa thông tin bịa đặt.

Bức thư chung yêu cầu trả tự do cho cô Nga và chấm dứt mọi hành vi đánh đập, xúc phạm nhân phẩm cô trong thời gian giam giữ cũng như sau khi được trả tự do.

816 cá nhân và 30 tổ chức XHDS ký tên đòi trả tự do cho Trần Thị Nga

—————————

Quý vị có thể đọc bản tin tiếng Anh theo: Vietnam Human Rights Defenders Weekly January 23-February 05, 2017: International Community Condemns Recent Arrests of Activists