Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 7, từ ngày 06 đến ngày 12/02/2017: Mục sư Nguyễn Công Chính đang bị đày đọa trong nhà giam, tính mạng bị đe dọa

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 12/02/2017

Mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, người đang thụ án tù 11 năm ở trại giam Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai, đang ở tình trạng sức khỏe nguy cấp và mạng sống của ông bị đe dọa nghiêm trọng do bị ngược đãi bởi giám thị và quản giáo tại đây.

Kể từ khi bị chuyển từ trại giam An Phước (Bình Phước) từ đầu tháng 10 năm ngoái, ông bị biệt giam trong phòng kín, và đôi khi còn bị còng tay. Ông bị nhiều bệnh như viêm xoang cấp tính, viêm khớp, huyết áp cao và viêm dạ dày nhưng không được điều trị trong trại giam. Chính quyền nhà tù cũng không cho ông nhận thuốc từ gia đình.

Ngoài việc chỉ được ăn cơm phẩm cấp thấp mà không có rau và thức ăn, ông còn bị quản giáo khủng bố cả ngày và đêm. Tính mạng ông đang bị đe dọa nghiêm trọng, vợ ông, cô Trần Thị Hồng, cho Người Bảo vệ Nhân quyền biết sau khi thăm ông trong trại giam ngày 10/2.

Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ cho biết họ tiếp tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì những vi phạm của quốc gia này về tự do tôn giáo.

Tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú và vợ là Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân lương tâm, không được xuất cảnh để chịu tang cha là ông Huỳnh Kim Sơn, người đã qua đời gần đây tại Malaysia. Anh Tú không được nhà cầm quyền cấp chứng minh thư và hộ chiếu sau khi anh mãn hạn tù năm 2013 còn chị Nghiên thì bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh theo Nghị định 136 của chính phủ Việt Nam.

Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng được trả tự do ngày 11/02 sau 3 năm tù giam vì cáo buộc gây rối trật tự công cộng. Cô đã được nhiều nhà hoạt động đón tại trại giam Gia Trung ở Gia Lai và được đưa về Sài Gòn với sự hân hoan của hàng nghìn người.

Nhà hoạt động Phạm Thị Thái Lai ở Nha Trang đã bị tấn công bởi bốn người mặc thường phục vào tối ngày Chủ nhật. Khi cô đến trình báo tại công an địa phương thì thấy bốn tên đánh mình đi vào đồn công an và nói chuyện với sỹ quan tại đây. Tuy nhiên, công an địa phương không thừa nhận liên quan đến vụ tấn công nhưng cũng không bắt giữ những kẻ mà nạn nhân nhận ra.

===== 07/02 =====

Lại thêm một người tự tử trong đồn công an

Ông Nguyễn Thành Ngôn, 46 tuổi, trú xã Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An, là người thứ 4 bị phát hiện chết trong đồn công an địa phương khắp cả nước từ đầu năm đến nay.

Ngày 06/02, ông Ngôn bị công an xã bắt lên đồn công an sau khi có xung đột trong gia đình. Ông bị giam trong một phòng của trụ sở công an xã, và đã tắt thở vài tiếng sau đó.

Công an xã phủ nhận việc đánh đập nạn nhân, họ bảo rằng ông Ngôn tự treo cổ lên cửa sổ của phòng giam.

Chiều tối ngày 7/2/2017, ông Nguyễn Quang Biên, Trưởng công an xã Thọ Thành xác nhận việc ông Nguyễn Thành Ngôn chết trong đồn công an. Ông Biên nói, ông Ngôn chết là do treo cổ tự tử, không phải bị công an đánh, và họ không hề chịu trách nhiệm trước cái chết của ông Ngôn.

Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Chống tra tấn (CAT) từ năm 2015, tuy nhiên, vẫn có hàng trăm người bị chết trong đồn công an và trại giam trong vài năm gần đây. Công an nói rằng đa phần trong số đó bị chết vì bệnh tật và tự tử nhưng gia đình của các nạn nhân cho rằng họ chết vì bị tra tấn.

===== 08/02 =====

USCIRF đánh giá tình hình tự do tôn giáo Việt Nam sau 10 năm ra khỏi danh sách CPC

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) hôm 08/02/2017 công bố bản báo cáo mang tựa đề  “Tự do tôn giáo ở Việt Nam: đánh giá quốc gia thuộc loại quan tâm đặc biệt sau 10 năm đưa ra khỏi danh sách”.

Việt Nam, quốc gia bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt, thường gọi là danh sách CPC, từ năm 2004 đến 2006, vì nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam đã vi phạm tự do tôn giáo một cách “có hệ thống, liên tục và kinh hoàng”. Qua áp lực ngoại giao của Hoa Kỳ và quốc tế, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cam kết sẽ cải tiến tự do tôn giáo. Để đổi lại, Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách CPC.

Chủ tịch USCIRF Thomas J. Reese nói rằng: “…Mười năm sau khi Bộ Ngoại giao đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, tình hình tự do tôn giáo ở nước này đang ở một thời điểm bước ngoặt. Trong khi tình hình đã cải tiến trong một số lĩnh vực, những vi phạm tôn giáo trầm trọng vẫn tiếp diễn và không phù hợp với chuẩn mực quốc tế…”.

Bản báo cáo của USCIRF cũng đề cập đến đạo luật về tín ngưỡng và tôn giáo vừa được Việt Nam thông qua. Ông Reese nhận định rằng đạo luật này bất toàn và tước bỏ quyền lợi của nhiều cộng đồng tôn giáo. Ông cho biết, nếu Việt Nam không thực thi những cải cách về tự do tôn giáo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thì USCIRF sẽ tiếp tục kêu gọi đưa tên nước này vào danh sách CPC.

===== 10/02 =====

Vợ chồng nhà hoạt động Huỳnh Anh Tú-Phạm Thanh Nghiên không được xuất cảnh để tang cha

Cựu tù chính trị Huỳnh Anh Tú và vợ anh là cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên không được xuất cảnh sang Malaysia để lo tang cho bố anh là ông Huỳnh Kim Sơn, người vừa mới qua đời gần đây.

Theo gia đình ông Tú cho biết, bố ông mất nơi xứ người, không có người thân bên cạnh, nên nhà nước Malaysia đã làm thủ tục đưa thân phụ ông vào bệnh viện và chờ người nhà qua lo hậu sự.

Tuy nhiên, sau hơn 14 năm bị giam cầm trong ngục tù, hiện nay, anh Tú không được nhà cầm quyền cấp bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, nên anh không thể làm thẻ căn cước hoặc hộ chiếu để có thể đi ra nước ngoài thăm, chăm sóc cha già.

Trong khi đó, chị Nghiên bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia. Tháng trước, khi định đưa bố chồng sang Thái Lan để chữa bệnh, cô đã bị công an cửa khẩu Tây Ninh dừng xuất cảnh.

Cần nhắc thêm là anh Huỳnh Anh Trí, em trai của anh Tú, đã mất chỉ vài tháng sau khi mãn hạn tù 14 năm vì bệnh AIDS do anh bị lây nhiễm khi bị giam chung với bệnh nhân HIV-AIDS trong thời gian ở tù.

===== 11/02 =====

Giới đấu tranh chào đón Bùi Thị Minh Hằng ra tù

Ngày 11/02, chị Bùi Thị Minh Hằng được chào đón nồng nhiệt sau khi mãn hạn tù 3 năm ra vì cáo buộc gây rối trật tự công cộng.

Khoảng 20 người đã tới trại giam Gia Trung đón tù nhân lương tâm Bùi Hằng trong niềm vui vỡ òa và tình thương yêu vô bờ bến.

Bùi Thị Minh Hằng bị bắt vào ngày 11/2/2014 trong một vụ dựng án rất thô thiển. Vụ án này được công luận mải mỉa là vụ án 2 xe đi hàng ba để qui cho chị tội “gây rối trật tự công cộng”.

Trước đó, Bùi Thị Minh Hằng từng bị bắt đi trại cải tạo Thanh Hà. Chị bị bắt ngày 27/11/2011 khi phản đối cuộc biểu tình cùng ngày tại Hà Nội bị đàn áp, tất cả người biểu tình bị bắt lên trại Lộc Hà. Ngày 28/11, chị bị áp giải ra Hà Nội. Nguyễn Thế Thảo khi đó là chủ tịch Hà Nội đã ký giấy phi pháp đưa chị vào trại cải tạo 2 năm. Tuy nhiên, dưới áp lực của công luận và áp lực đấu tranh của chị, nhà cầm quyền phải cưỡng bức chị ra khi mới vào trại được 5 tháng. Sau khi ra trại, Bùi Thị Minh Hằng đã khởi kiện Nguyễn Thế Thảo, đã đóng trước án phí nhưng vụ án này bị dập đi.

Bùi Thị Minh Hằng là người đấu tranh kiên cường bất khuất, luôn là ngòi nổ trong các cuộc đấu tranh phản đối Trung Cộng cũng như đấu tranh đòi nhân quyền.

Đọc thêm: Bà Bùi Thị Minh Hằng ‘sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn’

——————–

Mục sư Nguyễn Công Chính đang bị đày đọa trong tù, mạng sống bị đe dọa

Sức khỏe của tù nhân lương tâm mục sư Nguyễn Công Chính đang nguy cấp và mạng sống của ông bị đe dọa nghiêm trọng trong khi thụ án tù 11 năm ở trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, vợ ông, cô Trần Thị Hồng nói với Người Bảo vệ Nhân quyền.

Mục sư Chính, người bị bắt năm 2011 và bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 của Bộ luật Hình sự, đang bị đối xử ngược đãi trong tù chỉ vì ông không thừa nhận những cáo buộc đó, cô Hồng nói với Người Bảo vệ Nhân quyền hôm thứ Bảy (11/02), một ngày sau khi gặp ông ở trại giam.

Cô cho biết, từ năm 2012, ông đã bị đưa đến trại giam An Phước thuộc tỉnh Bình Dương, nơi ông đã bị đánh đập,ép cung cho đến việc họ đầu độc ông bằng thức ăn.

Đến tháng 10  năm 2016, ông bị chuyển đến trại giam Xuân Lộc mà gia đình không được thông báo. Tại đây, ông bị biệt giam từ đó.

Do bị biệt giam trong phòng kín thiếu ánh sáng nên da ông rất xấu, chân tay, mặt và mũi ông đã bị sưng phù ,huyết áp thì tăng lên 190 cho đến 200, cô cho biết.

Ông bị nhiều bệnh như viêm xoang cấp tính, viêm khớp, và viêm dạ dày  nhưng không được điều trị trong trại giam. Chính quyền nhà tù cũng không cho ông nhận thuốc từ vợ, cô nói.

Tuy bị biệt giam trong phòng kín nhưng ông vẫn bị còng tay. Quản giáo trại giam đã đưa những người tù hình sự vào phòng biệt giam ông để chửi mắng xúc phạm đến nhân phẩm đạo đức, ông nói với cô. Nhiều quản giáo, trong đó có Trung tá Nguyễn Hữu Tỉn dùng dùi cui dí vào đầu ông trong khi mục sư rất yếu, đi khập khễnh do bị té ngã nhiều lần.

Ông nói với vợ rằng nhiều đêm ông bị rình qua khe cửa nhưng không biết những kẻ rình mò có ý định gì.

Cô Hồng nói chồng cô cảm thấy sức khỏe rất yếu, khó có thể tồn tại được lâu ở tình trạng hiện nay. Ông có nói cô đưa bốn đứa con đến gặp cha lần sau, đề phòng sự không hay xảy ra. Tuy nhiên, ông không bao giờ hối hận việc mình đã đấu tranh vì tự do tôn giáo và niềm tin.

Mục sư Chính thuộc hội thánh Tin lành Lutheran Việt Nam tại tỉnh Gia Lai, nói với vợ rằng dù có chết thì cũng chấp nhận chứ không chịu khuất phục hay im lặng trước bất công.

Ông cũng là một trong số 82 tù nhân lương tâm mà Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện,

Nhân đây, cô Hồng cũng khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế và trong nước lên tiếng để yêu cầu chính quyền Việt Nam dừng việc đàn áp và đối xử vô nhân đạo đối với chồng cô để bảo toàn tính mạng cho ông.

Bản thân cô cũng đã chịu sự đàn áp của chính quyền tỉnh Gia Lai, nơi cô cùng bốn đứa con đang sinh sống. Năm ngoái, trong tháng Tư và Năm, cô đã nhiều lần bị gọi lên đồn công an nơi cô bị đánh đập và tra hỏi chỉ vì cô đã gặp gỡ với phái đoàn Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ do Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstain dẫn đầu.

Chính quyền Việt Nam thực hiện chính sách đàn áp và đối xử vô nhân đạo với tù nhân, nhất là tù nhân chính trị và tôn giáo. Năm ngoái, trong báo cáo “Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và đối xử ngược đãi đối với tù nhân lương tâm ở Việt Nam”, Ân xá Quốc tế nói điều kiện sống trong tù ở Việt Nam rất khắc nghiệt, không có đủ thức ăn và chăm sóc sức khỏe, và ở mức dưới tiêu chuẩn tối thiểu được quy định bởi Liên Hợp quốc về đối xử với tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) và những quy định quốc tế khác.

Việt Nam đã tham gia công ước Chống tra tấn và đối xử vô nhân đạo, tuy nhiên, chính quyền cộng sản chưa có những việc làm cần thiết để đưa đất nước tuân thủ với những cam kết quốc tế mà quốc gia này đã ký, Ân xá Quốc tế nói.

Chỉ một vài tù nhân lương tâm được ân xá trong khi Việt Nam trả tự do trước thời hạn cho hàng nghìn tù nhân hàng năm.

===== 12/02 =====

Nhà hoạt động Phạm Thị Thái Lai bị tấn công bởi 4 mật vụ ở Nha Trang

Xẩm tối ngày 12/02, nhà hoạt động Phạm Thị Thái Lai ở Nha Trang đã bị đánh đập dã man bởi bốn nhân viên mật vụ mặc thường phục.

Vừa rời khỏi tiệm ăn cùng một người bạn, cô Lai đã bị bốn nhân viên an ninh mặc thường phục đánh đập một cách tàn bạo. Chúng khống chế người bạn rồi quay sang đạp và đá người phụ nữ lăn quay ra đường cho tới khi cô ngất lịm đi.

Sau khi được cấp cứu, cô đến đồn công an để trình báo và thấy bốn tên đã đánh đập mình đang ở trong đồn công an và nói chuyện với sỹ quan trong đồn. Tuy nhiên, công an địa phương không thừa nhận đã chỉ đạo vụ hành hung, nhưng cũng không bắt giữ những kẻ mà nạn nhân tố cáo.

Cô Lai là một trong những người hoạt động vì môi trường và chủ quyền biển đảo cùng với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đã bị bắt vào ngày 10/10 năm ngoái với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Hàng chục nhà hoạt động xã hội, người bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền bị tấn công bởi mật vụ trong vài năm gần đây.

——————————-

Quý vị có thể đọc bản tin tuần bằng Anh ngữ tại đây