Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 8, từ ngày 13 đến 19/02: Chính quyền Việt Nam ngăn cản bằng vũ lực hàng nghìn giáo dân đi kiện Formosa

dtd-6-150x150

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 19/12/2017

Ngày 14/02, chính quyền tỉnh Nghệ An đã sử dụng bạo lực để ngăn cản giáo dân ở huyện Quỳnh Lưu đi đến huyện Kỳ Anh ở Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Công ty Formosa về việc gây thảm họa môi trường ở ven biển miền Trung.

Thay vì tạo điều kiện cho gần 1.000 giáo dân đi khởi kiện, chính quyền tỉnh Nghệ An đã điều động hàng nghìn công an, lực lượng đặc biệt, dân phòng và mật vụ để chặn đường. Tại Diễn Châu, chính quyền đã sử dụng lực lượng mật vụ trà trộn trong đám đông để gây rối và tạo cớ đàn áp. Linh mục JB Nguyễn Đình Thục và rất nhiều giáo dân đã bị đánh đập tàn nhẫn bởi lực lượng an ninh. Một số người bị bắt và chỉ được trả tự do vào cuối ngày.

Giáo phận Vinh đã ra thông cáo lên án vụ đàn áp, và yêu cầu giáo dân quay trở về nhà để tránh bị đánh đập thêm. Giáo dân cử một nhóm nhỏ đại diện cùng linh mục Thục mang đơn đến Tòa án huyện Kỳ Anh để kiện Formosa.

Ba ngày sau đó, lực lượng an ninh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã quấy nhiễu việc tưởng niệm những người lính và dân thường bị Trung Quốc giết hại ở biên giới phía Bắc khi xâm lược Việt Nam năm 1979. Ngay sau cuộc tưởng niệm, an ninh ở hai thành phố đã bắt giữ một số người hoạt động, thẩm vấn và tịch thu điện thoại của họ trước khi trả tự do cho họ.

Chính quyền của Hà Nội và tp HCM cùng nhiều nơi khác cũng đưa nhiều mật vụ canh gác nhà riêng của nhiều người bất đồng chính kiến từ ngày 16/02 nhằm ngăn cản không cho họ đi tham dự cuộc tưởng niệm.

Ngày thứ 2, chính quyền tỉnh Vĩnh Long bắt giữ nhiều thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam khi họ họp mặt tại đây. Trong quá trình thẩm vấn trong đồn công an địa phương, một thành viên bị đánh đập bởi công an, và nhiều người khác bị mật vụ đánh đập và cướp đồ ngay sau khi ra khỏi đồn công an.

Ân xá Quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy, người đang bị đối xử vô nhân đạo khi thi hành án tù 8 năm. Cô bị từ chối chăm sóc sức khỏe cho dù cô bị u xơ tử cung và nhiều bệnh nguy hiểm khác nữa, có thể nguy hiểm đến tính mạng của cô.

Nhà hoạt động về công đoàn Đoàn Huy Chương đã được tự do ngày 13/02 sau khi thụ án tù 7 năm. Tuy nhiên, anh vẫn bị theo dõi sát sao bởi lực lượng an ninh tỉnh Vĩnh Long, và không được trả lại giấy tờ tùy thân mà công an đã tịch thu khi bị bắt bảy năm trước đây.

===== 13/02 =====

Công an Vĩnh Long bắt giữ, đánh đập nhiều thành viên trong Hội đồng Liên Tôn Việt Nam

Trưa ngày 13/02/2017, công an thành phố Vĩnh Long đã bắt tạm giam nhiều chức sắc của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, đánh đập tàn bạo và cướp của cải của một số người trong số đó.

Ông Lê Văn Sóc, Phó Hội trưởng Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần túy cho biết một số chức sắc trong Hội đồng Liên Tôn đã có buổi  gặp gỡ đầu năm ở nhà của một người quen tại Vĩnh Long. Được một lúc thì lực lượng công an địa phương kéo đến đòi họ giải tán.

Sau một hồi tranh cãi, chính quyền địa phương điều động hàng trăm công an và dân phòng đến để bắt giữ cả nhóm lên đồn công an. Những người bị bắt có linh mục Lê Ngọc Thanh, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Hòa thượng Thích Không Tánh, Chánh Trị sự Hứa Phi của đạo Cao Đài… Ông Phi đã bị đánh ngay tại đồn công an đến ngất xỉu trong khi ông Châu Văn Gòn và ông Nguyễn Văn Giang của đạo Cao Đài bị mật vụ đánh sau khi bước ra khỏi đồn công an, khiến họ bị gãy răng, tét da tay. Những kẻ tấn công còn cướp điện thoại, tiền bạc và giấy tờ của họ ngay trước đồn công an.

——————–

Nhà hoạt động công đoàn Đoàn Huy Chương mãn án tù những vẫn bị canh giữ

Anh Đoàn Huy Chương, một người tranh đấu cho quyền lợi của công nhân, đã mãn hạn tù, về đến nhà, nhưng không còn giấy tờ tùy nhân và luôn bị canh giữ.

Anh Chương cho biết xe của trại giam đã đưa anh về UBND xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vào lúc 15giờ 30 ngày 13/2, nhưng chính quyền địa phương vẫn cho người thường xuyên canh giữ, thậm chí gây áp lực, buộc cha vợ của anh phải giám sát anh.

Anh Đoàn Huy Chương nói trại giam Z30 A ở Xuân Lộc, Đồng Nai đã tìm cách ngăn không cho gia đình đón anh ở ngay trại giam, khi anh mãn hạn tù.

Anh Chương cho biết hiện nay anh không có giấy tờ tùy nhân, và dễ trở thành mục tiêu bị sách nhiễu bất cứ lúc nào.

Sau 7 năm bị giam cầm, anh Chương phản đối bản án mà chính quyền Việt Nam quy cho anh và nhóm của anh về tội “lật đổ chính quyền”:

Vào cuối năm 2009, đầu 2010, anh Chương cùng với Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng có theo dõi sự vi phạm của công ty giày da Mỹ Phong đối với công nhân. Khi anh phát hiện ra công nhận bị xúc phạm nhân phẩm, không được trả tiền lương cho ngày Tết thì ba người đã giúp công nhân đòi lại quyền lợi với cuộc đình công nổ ra kéo dài trên 10 ngày, làm tờ rơi trong đó yêu cầu 7 điều, trong đó có điều số 7 là thành lập công đoàn độc lập. Nhưng điều số 7 này không được áp ứng.”

Đỗ Thị Minh Hạnh cho biết ngay sau cuộc đình công kéo dài hơn 10 ngày này thì cả 3 người bị bắt với tội danh ‘chống lại chính quyền nhân dân’ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Vào tháng 10, năm 2010, anh Chương, chị Minh Hạnh và anh Quốc Hùng bị xét xử. Anh Chương và chị Hạnh cùng bị tuyên án 7 năm tù giam, nhưng chị Hạnh được trả tự do vào tháng 4/2014. Hiện nay anh Hùng vẫn đang chịu án 9 năm tù.

Cũng như anh Chương, chị Hạnh nói rằng đây là một bản án oan, lẽ ra chính quyền Việt Nam nên khuyến khích đấu tranh cho các nghiệp đoàn, bảo vệ người lao động.

Đoàn Huy Chương ra tù những vẫn bị canh giữ

——————–

Cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Nhân quyền Geneva của LHQ

Ngày 20/01/2017, một liên minh của 25 tổ chức nhân quyền phi chính phủ công bố rằng Đặng Xuân Diệu, một nhà bất đồng chính kiến ​​hàng đầu của Việt Nam, người được trả tự do vào đầu năm, lần đầu tiên sẽ kể và việc anh thoát khỏi nhà tù tại Hội nghị Thượng đỉnh về Nhân quyền và Dân chủ thường niên lần thứ 9 được tổ chức vào ngày 21/02/2017.

Trong sự kiện này, 25 tổ chức sẽ đón chào những nhà hoạt động nổi tiếng, những người làm chứng về tình hình nhân quyền cấp bách ở Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Tạng, Saudi Arabia, Bắc Hàn, Venezuela, Mauritania và nhiều nơi khác.

Diệu sẽ cùng những nhà bất đồng chính kiến khác, những người hoạt động, nạn nhân và người thân của những tù chính trị từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Venezuela, Mauritania và Tây Tạng, sẽ làm chứng về tình hình nhân quyền ở đất nước họ. Một quan chức đào tẩu người Bắc Hàn và một người phụ nữ Yazidi, người đã viết một cuốn sách kể về việc cô bị hiếp bởi những kẻ khủng bố ISIS, cũng là những diễn giả của hội nghị.

Hội nghị thường niên nổi tiếng này sẽ diễn ra ở Geneva chỉ vài ngày trước khi ngoại trưởng các nước tụ tập để tham dự phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc năm 2017.

Sự kiện quy tụ toàn cầu được hoan nghênh như một cơ hội để nghe và đáp ứng những người nhà hoạt động nhân quyền ở tuyến đầu, nhiều người trong số họ bị cầm tù và tra tấn.

Những diễn giả sẽ tham dự vào những phiên điều trần nhằm mục đích kêu gọi Liên Hiệp quốc giải quyết các tình huống nghiêm trọng về quyền con người trên toàn thế giới”, Neuer nói.

Nội dung của chương trình năm nay bao gồm phân biệt đối xử đối với phụ nữ, việc bỏ tù các nhà báo, các trại tù, tự do Internet, khoan dung tôn giáo, và đàn áp đối với người bảo vệ nhân quyền.

===== 14/02 =====

Chính quyền Nghệ An đàn áp đoàn giáo dân đi kiện Formosa

Sáng ngày 14/2/2017, hơn 1.000 giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An dưới sự dẫn dắt của linh mục Nguyễn Đình Thục dự định đi đến thị xã Kỳ Anh để gửi đơn kiện Tập đoàn Formosa. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Cộng sản đã làm tất cả mọi biện pháp để bảo vệ Formosa và ra sức ngăn chặn đoàn người khiếu kiện.

Đầu tiên, công an đã áp lực lên những chủ xe, không cho họ chở giáo dân đi khiếu kiện. Bằng với tất cả quyết tâm, linh mục Nguyễn Đình Thục đã cùng các giáo dân đi bộ, dự định vượt chặng đường 170km để đến thị xã Kỳ Anh.

Trên đường đi, nhà cầm quyền Cộng sản huy động một lực lượng lớn cảnh sát, công an và mật vụ đông đảo để theo sát. Sau khi đe dọa nhằm buộc đoàn người quay về không thành công, chính quyền Nghệ An đã quyết định giải tán họ bằng vũ lực khi đoàn đến Diễn Hồng huyện Diễn Châu. Ban đầu, họ cho một số mật vụ trà trộn trong giáo dân và gây rối, tạo điều kiện để lực lượng an ninh xông vào can thiệp. Công an đã ra tay đánh đập và bắt giữ nhiều người. Linh mục Thục cũng bị đánh đổ máu mồm.

Nhiều nhà báo tự do cho biết công an đã bắn súng và ném lựu đạn về phía giáo dân.

Sau khi giáo dân bị đàn áp, giáo phận Vinh đã yêu cầu giáo dân quay trở về nhà và cử một nhóm nhỏ do linh mục Thục dẫn đầu đi tiếp đến Kỳ Anh để nộp đơn.

===== 15/02 =====

Giáo phận Vinh lên án bạo lực nhắm vào người dân kiện Formosa

 

Ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận Vinh vừa ra thông cáo lên án chính quyền Việt Nam sử dụng bạo lực để ngăn chặn những người nộp đơn khiếu kiện Formosa, công ty đã gây ra ô nhiễm môi trường ở các vùng duyên hải miền Trung khiến người dân mất nguồn sinh kế.

Thông báo đăng trên website của Giáo phận Vinh ngày 17/2 tố cáo chính quyền tỉnh Nghệ An là “ngăn cản một cách thô bạo” người dân đi nộp đơn kiện Formosa bằng một loạt hành động như: cấm các chủ phương tiện vận tải công cộng chở đoàn người khởi kiện, cho lực lượng công an bố ráp, đánh đập và gây thương tích hàng chục người, trong đó có Linh mục Nguyễn Đình Thục, người dẫn đầu đoàn, và bắt giữ các phóng viên tự do đi tường thuật sự kiện này.

“Họ bắt người và họ đánh đập một cách tàn nhẫn. Có người gãy 4, 5 chiếc răng cửa, có người rách đầu, rách mặt… Không thể tưởng tượng được sự tàn ác của công an Việt Nam, an ninh và cảnh sát cơ động. Nó độc ác đến mức độ như thế. Không biết nó có phải người hay không nữa mà nó đánh đập người ta tàn nhẫn như thế, trong khi người ta không có một vũ khí nào để chống lại”.

Trong khi truyền thông “lề dân” và cư dân mạng liên tục cập nhật tình hình hôm 14/2, truyền thông chính thống Việt Nam gần như không đưa tin gì trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Chỉ sau khi xảy ra vụ tấn công, một số báo nhà nước nói Linh mục Nguyễn Đình Thục đã kích động giáo dân tấn công lực lượng an ninh và tổ chức bạo loạn. Giáo phận Vinh nói đây là lời “vu khống một cách trơ trẽn, vi phạm đến quyền con người và quyền công dân Việt Nam”.

===== 17/02 =====

Chính quyền Việt Nam quấy rối lễ tưởng niệm cuộc xâm lược biên giới của Trung Quốc

Ngày 17/02, hàng trăm người đã đến tưởng niệm những người lính và dân thường bị giết hại khi Trung Quốc xâm lược sáu tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979 tại tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội và tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, cuộc tưởng niệm đã bị chính quyền địa phương gây khó dễ. Ban đầu là lực lượng công an đến kêu gọi giải tán và sau đó bắt giữ nhiều người hoạt động, trong đó có Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện và nhiếp ảnh gia Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội và nghệ sỹ Nguyễn Thị Kim Chi ở HCM. Công an chỉ trả tự do cho họ sau nhiều tiếng giam giữ trong đồn công an, và tịch thu điện thoại di động rồi xóa dữ liệu.

Trước đó, từ 16/02, chính quyền hai thành phố và nhiều địa phương khác đã cử nhiều mật vụ đến canh nhà riêng của nhiều người hoạt động, không cho họ đi tham dự cuộc tưởng niệm.

——————–

Ân xá Quốc tế lên tiếng tình trạng tù nhân Trần Thị Thúy

Ngày 17/02, Ân xá Quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến sức khỏe của tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy, người đang bị ung thư tử cung và nhiều bệnh nguy hiểm khác mà không được điều trị y tế khi đang thụ án tù 8 năm ở trại giam An Phước, tỉnh Bình Phước.

Ân xá quốc tế kêu gọi mọi cá nhân quan tâm có thể viết thỉnh nguyện thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công an Tô Lâm để yêu cầu trả tự do cho cô Thúy và cho phép cô được chữa trị kịp thời.

Cô Thúy, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bị đưa ra xét xử cùng 6 nhà hoạt động khác tại tòa án tỉnh Bến Tre vào tháng 5 năm 2011 với cáo buộc “ âm mưu lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Cô Thúy, một tín đồ Hòa Hảo đồng thời là một nhà hoạt động về đất đai, đang bị một khối u lớn trong tử cung rất đau đớn và khiến bà khó đi lại. Ngoài ra bà cũng bị nhiều mụn nhọt mưng mủ chảy máu trên người. Mặc dù bị tình trạng bệnh như vậy nhưng cô Thúy không được điều trị bệnh trong tù.

Gia đình bà Thúy đã nhiều lần yêu cầu phía nhà tù cho phép họ được trả tiền điều trị bệnh cho bà nhưng đều bị từ chối.

Theo Ân xá Quốc tế, việc nhà tù ở Việt Nam từ chối điều trị bệnh cho bà Trần Thị Thúy là vi phạm công ước chống tra tấn mà Việt Nam đã phê chuẩn từ tháng hai năm 2015.

Bà Trần Thị Thúy bị bắt giữ từ tháng 8 năm 2010. Bà sẽ mãn hạn tù vào tháng 8 năm 2018.

======================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây