Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 10 từ ngày 27/02 đến 05/03: Việt Nam tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 05/03/2017

Chỉ một tuần sau chuyến viếng thăm của Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu tới Việt Nam, chính quyền cộng sản ở Hà Nội tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến bằng bắt giữ và tấn công người hoạt động.

Vào ngày thứ 2, mật vụ tại Thanh Hóa, Quảng Bình và Hà Tĩnh đã bắt cóc, đánh đập và trấn lột Chủ tịch của Hội Anh em Dân chủ Nguyễn Trung Tôn và người bạn của ông.

Mật vụ ở thành phố Hải Phòng cũng tấn công cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú khi anh cùng vợ Phạm Thanh Nghiên đến thăm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cũng là một cựu tù chính trị.

Ngày 02/3, lực lượng an ninh ở Hà Nội đã bắt giữ hai nhà hoạt động Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển, cáo buộc họ sản xuất và phát tán các video clips có nội dung “độc hại”. Tuy nhiên chưa có cáo buộc chính thức đối với hai nhà hoạt động, người đã chỉ trích chính quyền Việt Nam về tham nhũng, quản lý yếu kém và phản ứng yếu ớt đối với sự bành trướng của Trung Cộng. Nhiều video của họ được hàng triệu người xem.

Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc biểu tình chống Formosa, nhiều nhà hoạt động đã tham gia vào biểu tình vào ngày 05/03. Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã bị đàn áp dã man, nhiều người bị bắt trong khi nhiều người khác bị cấm đi ra khỏi nhà.

Tuy nhiên, hàng ngàn giáo dân ở Hà Tĩnh và Nghệ An vẫn biểu tình trên đường phố. Một số tiến gần sát nhà máy thép Formosa ở Kỳ Anh nơi được công an và quân đội điều động nhiều quân lính bảo vệ.

 

===== 27/02 =====

Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt cóc, đánh đập và trấn lột

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, và người bạn đã bị bắt cóc ở Ba Đồn (Quảng Bình) và bị đánh đập rồi trấn lột trước khi bị vứt bỏ ở một khu rừng hoang vắng ở huyện Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Mục sư Tôn cùng người bạn tên Nguyễn Viết Tứ khởi hành từ Thanh Hóa vào đầu giờ chiều ngày 27/02 bằng xe khách đến Ba Đồn vào lúc 21.30. Khi hai người xuống xe, có một nhóm đàn ông sáu bảy người tiến lại đấm vào mặt và bắt cóc lên một chiếc xe bảy chỗ chờ sẵn.

Xe chạy lòng vòng và đi đến huyện Hương Khê vào lúc gần 2 h sáng. Trong suốt quá trình di chuyển, hai ông bị nhóm bắt cóc đánh đập liên tục.

Tới một khu rừng vắng thuộc Hương Khê, chúng lại đánh và lột hết quần áo, tư trang của hai người, bỏ mặc hai người lại đó và lên xe bỏ đi.

Hai ông dù bị đau vẫn cố gắng lết đi tìm nhà dân. Sau một hồi tìm kiếm họ tới được một ngôi nhà của người gác rừng và được người này cung cấp thức ăn và quần áo và liên lạc về với gia đình.

Hai ông bị đánh rất đau, bị nhiều thương tích ở khắp người. Ông Tôn bị đập nhiều ở chân và đùi và giờ đây ông không thể đi lại bình thường.

Bọn côn đồ cũng cướp của hai ông 04 điện thoại và tiền đi đường cùng nhiều giấy tờ cá nhân.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn là cựu tù nhân lương tâm. Ông và gia đình thường xuyên bị sách nhiễu, khủng bố, đe dọa đến tính mạng và bị gây khó dễ trong việc làm ăn.

Xem thêm: Mục sư Nguyễn Trung Tôn trình báo việc bị bắt cóc, đánh đập và cướp tài sản

——————–

Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú bị tấn công ở Hải Phòng

Hôm 27/02, cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú bị côn đồ tấn công ở Hải Phòng khi hai vợ chồng ông đến thăm gia đình cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nhân dịp ra Hải Phòng cùng vợ là cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên, hai người đã đến thăm nhà văn Nghĩa. Khi trở về, đang chuẩn bị vào xe taxi, anh Tú bị một kẻ lạ mặt xông đến tấn công bất ngờ rồi chạy sang bên đường nơi có một chiếc xe máy chờ sẵn và bỏ chạy.

Rất may là vụ tấn công này không gây nguy hiểm cho người khách đến từ Sài Gòn này.

Nhiều khách đến thăm cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Xuân Nghĩa bị tấn công và sách nhiễu bởi mật vụ địa phương. Mật vụ Hải Phòng đã đánh một số người và ném đá vào xe của một số nhóm khác, gây thiệt hại đáng kể cho họ.

===== 01/03 =====

Front Line Defenders lên án vụ tấn công nhằm vào Mục sư Nguyễn Trung Tôn

Hai ngày sau vụ tấn công nhằm vào mục sư Nguyễn Trung Tôn, chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, Front Line Defenders đã ra thông cáo lên án vụ việc và yêu cầu chính quyền Việt Nam phải điều tra để đưa kẻ thủ ác ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Những cuộc tấn công vật lý chống lại người bảo vệ nhân quyền của những kẻ tấn công mặc thường phục đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong một số năm qua nhằm ngăn cản họ hoạt động nhân quyền.

Front Line Defenders vô cùng quan ngại về các cuộc tấn công và tin rằng chúng được thực hiện nhằm trả thù các hoạt động nhân quyền của nạn nhân.

Front Line Defenders kêu gọi các cơ quan chức năng tại Việt Nam:

  1. Tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức, triệt để và vô tư các cuộc tấn công nhằm vào Nguyễn Trung Tôn và Nguyễn Việt Tú, nhằm công bố kết quả và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý theo tiêu chuẩn quốc tế;
  2. Áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự toàn vẹn về thể chất và tâm lý và an ninh của Nguyễn Trung Tôn;
  3. Đảm bảo trong mọi hoàn cảnh mà tất cả người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam có thể thực hiện các hoạt động nhân quyền hợp pháp của mình mà không sợ bị trả thù và không bị hạn chế.

Front Line Defenders là một tổ chức nhân quyền phi chính phủ và phi lợi nhuận, có trụ sở tại Dublin, Ireland. Tổ chức này thường xuyên lên tiếng phản đối các vi phạm nhân quyền trên thế giới, đặc biệt ở Việt Nam.

Việt Nam: Mục sư Nguyễn Trung Tôn và người bạn bị đánh đập dã man

===== 02/03 =====

Việt Nam bắt giữ hai nhà hoạt động, cáo buộc họ tung clip có nội dung “độc hại” lên Internet

Ngày 03/3, truyền thông nhà nước đã thông báo việc công an Hà Nội bắt giữ hai nhà hoạt động Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển với cáo buộc tung nhiều clips có nội dung “độc hại” lên mạng truyền thông xã hội.

Báo chí nói cơ quan công an đã khám xét nhà trọ của hai người ở quận Đống Đa và đang mở rộng điều tra, nhưng không nói hai người bị cáo buộc tội danh gì.

Rất có thể hai ông sẽ bị khép tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Hai cựu tù nhân lương tâm đã thực hiện nhiều chương trình truyền hình trực tiếp ở Facebook trong vài tháng gần đây. Trong vai trò là người dẫn chuyện, Vũ Quang Thuận đã chỉ trích đảng, chính phủ và nhiều cán bộ cao cấp, kể cả Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng về tham nhũng, chính sách quản lý yếu kém, và phản ứng yếu ớt trước sự bành trướng của Trung Cộng.

Những video clips của hai ông đã được hàng triệu người xem.

Hai ông thuộc tổ chức Chấn hưng nước Việt mà người sáng lập, ông Trần Huỳnh Duy Thức, đang thụ án tù 16 năm.

Đọc thêm: Thêm hai nhà hoạt động dân chủ bị bắt vì đưa video clip lên mạng xã hội

Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển ‘bị bắt vì làm clip xấu’

===== 05/03 =====

Nhiều người bị bắt, bị cấm ra khỏi nhà trong ngày Toàn quốc biểu tình

Lực lượng an ninh Việt Nam đã bắt giữ nhiều người tại Sài Gòn trong ngày Toàn quốc biểu tình (05/03) theo lời kêu gọi của linh mục Nguyễn Văn Lý và một số tổ chức khác để phản đối Formosa.

Tại Sài Gòn, an ninh đã bắt đi khoảng 40 người khi họ tụ tập tại khu vực gần Nhà thờ Đức Bà, tống họ lên xe bus và đưa đi giam ở một số cơ sở trong thành phố. Cho đến ngày thứ Hai, nhiều người bị bắt vẫn chưa được trả tự do.

Trước đó chính quyền thành phố đã đưa nhiều mật vụ tới canh gác nhà riêng của nhiều người hoạt động nhằm ngăn cản họ tham gia biểu tình. An ninh cũng bắt cóc và hành hung một số linh mục khi họ đến nhà thờ.

Tại Hà Nội và nhiều nơi khác, chính quyền đã sử dụng mật vụ và dân phòng để canh gác nhà riêng của những nhà hoạt động tại địa phương từ mấy ngày trước đó, do vậy, không có biểu tình ở những nơi này.

Biểu tình thực sự nổ ra ở Nghệ An và Hà Tĩnh, khi hàng ngàn giáo dân ở các giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên, Đông Yên và nơi khác tuần hành trên đường phố. Ở huyện Kỳ Anh, nơi có nhà máy Formosa, giáo dân địa phương đã tuần hành đến gần nhà máy thép và đòi nhà máy đóng cửa. Chính quyền Hà Tĩnh đã điều động lực lượng an ninh rất lớn để bảo vệ nhà máy.

Đọc thêm: Diễn biến biểu tình 5/3: bất bạo động và tố cáo đanh thép

================

Quý vị có thể xem bản tin tiếng Anh ở đây: Vietnam Human Rights Defenders Weekly, February 28-March 05: Vietnam’s Persecution of Dissent Continues