Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 15 từ ngày 03 đến 09/4/2017: Hai nhà hoạt động ở Hà Nội bị nhóm dư luận viên đánh đập khi đang phát live stream về Formosa

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 09/4/2017

Ngày 05/4, hai nhà hoạt động ở Hà Nội là Trịnh Đình Hòa và Lê Mỹ Hạnh đã bị một nhóm dư luận viên, dưới sự bảo kê của an ninh thành phố, đã đánh đập tại khu vực Tây Hồ khi hai người đang phát trực tiếp live stream về tình hình miền Trung, nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì sự xả thải của Formosa vào tháng 4 năm ngoái.

Sau khi bất ngờ tấn công, cướp điện thoại của Lê Mỹ Hạnh rồi ném xuống hồ, nhóm dư luận viên, mà nạn nhân nhận diện một phụ nữ tên Hà, đã quay ra đánh đập hai nhà hoạt động, gây nhiều thương tích cho họ.

Sau giam giữ biệt giam Nguyễn Văn Hóa gần 3 tháng, cơ quan an ninh tỉnh Hà Tĩnh đã công bố việc khởi tố nhà hoạt động trẻ theo cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự. Blogger Hóa, người thường đưa tin về sự nguy hại của việc xả thải của Formosa tới môi trường ở khu vực miền Trung, đối mặt với án tù tới 7 năm, theo luật hiện hành.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài là nhà hoạt động thứ 3 của Việt Nam được vinh danh tại nước ngoài. Hiệp hội Luật sư của Đức đã trao giải Nhân quyền cho ông, người đang bị giam giữ với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Tuần trước, nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải hưởng “Người Phụ nữ can đảm trên thế giới năm 2017” và cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên được Front Line Defenders chọn là một trong năm ứng viên vào vòng chung kết của giải thưởng “Người Bảo vệ Nhân quyền trước hiểm nguy năm 2017.”

Ban giám thị Trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An tiếp tục đối xử hà khắc với tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 năm với tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Nhà tù đã cắt điện phòng giam trong thời gian ban ngày, làm cho thị lực của ông giảm sút nghiêm trọng. Nhà tù cũng không cho ông được nhận sách và tạp chí từ gia đình.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 03/04 =====

Dân huyện Lộc Hà chiếm ủy ban huyện, đòi xét xử công an chém dân

Vào sáng ngày 03 tháng 4 năm 2017, hơn 7,000 người dân xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung biểu tình trước Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà để phản đối việc công an dùng bạo lực, đánh đập, hành hung người dân trong một cuộc biểu tình trước đó. Người dân yêu cầu nhà cầm quyền phải xử trị viên công an tên Giáp, người đã chém người dân bị thương.

Trước đó, vào ngày 02/4/2017, đông đảo người dân xã Thạch Bằng đã tập trung trước Uỷ ban nhân dân xã để yêu cầu nhà cầm quyền đền bù thiệt hại trong vụ thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra. Trong đêm đó, tại xã Thạch Bằng, một số người mặc thường phục tự xưng là công an đã khiêu khích người biểu tình, sau đó nổ súng đe doạ bắn người dân.

Không ngừng tại đó, một trong số những viên công an mặc thường phục đã dùng dao chém một người dân bị thương đứt gân cổ tay.

Trong buổi biểu tình sáng ngày 3 tháng 4 trước Ủy ban nhân dân, người dân đã cầm theo các banner với biểu ngữ: “Phản đối công an Lộc Hà đánh dân trọng thương”, “Phản đối công an Lộc Hà nổ súng đàn áp dân”, “Chính quyền Hà Tĩnh ở đâu hãy nuốt cá độc giúp chúng tôi”, “Formosa cút khỏi Việt Nam”,… Người dân chiếm đóng toàn bộ khu vực Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà và yêu cầu gặp ban lãnh đạo của huyện.

Nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đã huy động lực lượng công an, an ninh, xe chuyện dụng đến đàn áp, bắt bớ người dân và ngăn chặn các phương tiện truyền thông qua mạng xã hội.

Nhà hoạt động Hoàng Bình cho biết: “Đến 10 giờ 50 phút, khu vực Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã bị phá sóng. Tất cả các điện thoại của anh em và bà con ở đó đều không thể phát trực tiếp được nữa. Mong bà con đồng lòng, đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau. Nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đã nổ súng huy động lực lượng đàn áp và bắt bớ người dân”.

Nhà hoạt động Hoàng Bình cho biết lúc trưa “Hiện tại thì tôi đã an toàn. Bạch Hồng Quyền và một số anh chị em về đưa tin đã bị kẹt lại. Mạng đã bị cắt hoàn toàn. Phía bên công an đã bắt một số người nhưng không rõ là ai và bao nhiêu người, và người dân cũng đã bắt được một số kẻ lạ mặt trà trộn vào ném đá dân, do bức xúc quá nên người dân đã đánh người đó bất tỉnh. Hai bên đang đàm phán để trao đổi cùng thả người.”

Đến chiều, chính quyền địa phương đã phải cầu cứu các linh mục giáo xứ Trung Nghĩa để xin bà con giải tán rút khỏi ủy ban huyện Lộc Hà, xin xin bà con tha cho 2 an ninh đã ném đá vào đám đông trong sân ủy ban.

Chính quyền Hà Tĩnh đã huy động hơn 2,000 quân và hàng chục xe chuyên dụng phá sóng với xe vòi rồng để đối phó với 8,000 dân, cà dân Công giáo và dân không Công giáo.

Đến 16 giờ chiều, lãnh đạo huyện Thạch Hà đã chấp nhận ra tiếp dân và đàm phán với dân. Họ hứa sẽ điều tra và xử lý đúng pháp luật sự việc công an xã Thạch Bằng bắn súng đe doạ dân và dùng dao chém dân bị trọng thương. Nhà cầm quyền cũng hứa sẽ xử lý việc đền bù thiệt hại môi trường cho các ngư dân bị ảnh hưởng.

Giáo dân cùng lương dân huyện Lộc Hà chiếm ủy ban huyện, đòi xét xử công an chém dân

——————–

Người Thượng Việt Nam chạy sang Thái Lan từ Campuchia

Khoảng 50 người Thượng Tây Nguyên vừa từ Campuchia chạy sang Thái Lan xin tị nạn vì sợ bị trừng phạt nếu Campuchia gởi trả họ về Việt Nam.

Đây là những người dân tộc miền núi, phần lớn theo đạo Tin Lành, đã chạy sang Campuchia để tránh bị đàn áp và bị cấm đạo. Chuyện trốn sang Thái Lan xảy ra ngày 25 thang Ba 5 ngày sau khi Bộ Nội Vụ Campuchia bác bỏ đơn tị nạn của họ.

Ngày 02/4, viên chức đứng đầu cơ quan di trú Campuchia, ông Tan Sovichea, còn cho biết trong số 100 người dân tộc thuộc một nhóm Tin Lành miền núi đang ở Campuchia thì chỉ 3 người được coi là hội đủ điều kiện để xin tị nạn mà thôi.

Tuy nhiên theo bà Denise Coghlan, giám đốc một tổ chức Thiên Chúa Giáo ở Campuchia đang hỗ trợ người tị nạn, trong mấy chục người Thượng buộc phải bỏ chạy sang Thái Lan có những trường hợp cần được giúp đỡ khẩn cấp.

Bà Denise Coghlan bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của chính phủ Campuchia mà bà cho là tiêu cực đối với người tị nạn cần được giúp đỡ, nói thêm rằng bà mong mỏi những người thượng bỏ chạy sang Thái Lan sẽ được an toàn.

Theo báo Bangkok Post, hiện có 96 người Thượng ở Campuchia đang được Cao Ủy Tị Nạn nơi đây giúp đỡ trong trại Por Sen Chey, nơi thường tiếp nhận những nhóm người Thượng từ Việt Nam sang. Đây là những đối tượng có thể bị Phnom Penh buộc hồi hương bất cứ lúc nào.

===== 05/04 =====

Dư luận viên hành hung hai nhà hoạt động tại Hà Nội

Vào sáng ngày 05 tháng 4 năm 2017, hai người hoạt động nhân quyền là cô Lê Mỹ Hạnh và anh Trịnh Đình Hòa đã bị những kẻ bịt mặt, đeo khẩu trang tấn công đánh đập, cướp tài sản khi đang phát live stream tại Hồ Tây, thành phố Hà Nội về tình hình Formosa ở miền Trung.

Hai nạn nhân tường thuật họ bị tấn công bởi 5 cá nhân bịt mặt bằng khẩu trang đi trên 3 xe gắn máy. Những kẻ tấn công đã cướp điện thoại của cô và ném xuống hồ, rồi quay sang đánh đập hai người.

Qua video thu được cảnh đánh người, cộng đồng mạng nhanh chóng nhận ra những kẻ lạ mặt đánh hai người hạt động trên thuộc nhóm “dư luận viên” của Trần Nhật Quang (hay còn gọi là Quang Lùn) trong nhóm Vietvision chuyên bôi nhọ hình ảnh những người bất đồng chính kiến.

Nạn nhân nhận ra một trong những kẻ tấn công là “dư luận viên” Hà Lùn.

Lê Mỹ Hạnh cho biết vụ tấn công nhằm dằn mặt việc cô có mặt cùng với bà con Đông Yên để live stream bà con chặn đường quốc lộ 1A vừa qua ở Đèo Con. Hôm đó, họ truy lùng bắt cô gắt gao, nhưng cô đã may mắn trốn thoát.

Lê Mỹ Hạnh là một người hoạt động nhân quyền ở Hà Nội. Chị cũng từng nhiều lần tham gia biểu tình chống Formosa ở Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong sự kiện ngư dân Hà Tĩnh xuống đường chặn ngang quốc lộ 1A đoạn qua Đèo Con vừa qua,  chị Mỹ Hạnh đã có mặt tại hiện trường để live stream trên Facebook cá nhân những diễn biến của sự việc.

Anh Trịnh Đình Hòa là một nhà hoạt động ôn hòa, tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và các hoạt động cổ súy nhân quyền ở Hà Nội.

Dư luận viên giả dạng côn đồ hành hung hai nhà hoạt động tại Hà Nội

——————–

Tổng Thống Đức trao Giải Nhân quyền cho đại diện của Luật sư Nguyễn Văn Đài

Một buổi lễ trang trọng đã diễn ra tại thành phố Weimar của nước Đức hôm 05/ 4 để trao giải thưởng Nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức cho Luật sư Nguyễn Văn Đài, người hiện đang bị nhà cầm quyền Việt Nam cầm tù.

Buổi lễ tại Cung điện Bellevue có sự tham dự của Tổng thống Đức, một số vị dân biểu Đức và các giới chức của Liên đoàn Thẩm phán Đức, giải thưởng đã được trao cho đại diện của luật sư Đài là ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của VETO! Những Người Bảo vệ Nhân quyền.

Được biết, giải thưởng này được trao cách hai năm một lần, nhằm tôn vinh các thẩm phán, công tố viên, luật sư trên toàn thế giới, những người hành nghề luật trong hoàn cảnh chính trị khó khăn, thách thức đàn áp và có những đóng góp trong việc thực thi quyền con người.

Theo lời ông Dụng, thì phu nhân Luật sư Đài là bà Vũ Minh Khánh cũng bị công an cộng sản Việt Nam ngăn chặn ở phi trường Nội Bài từ hôm 02/4 trên đường sang Đức để thay chồng nhận giải.

Được biết, chính giới Đức cũng đang rất quan tâm đến trường hợp của hai nhà hoạt động nhân quyền khác đang bị cầm tù tại Việt Nam là ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm, và cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm.

Tổng Thống Đức trao Giải Nhân Quyền cho đại diện của Luật Sư Nguyễn Văn Đài

===== 06/4 =====

Blogger Nguyễn Văn Hóa bị truy tố theo Điều 258

Công an tỉnh Hà Tĩnh hôm 6/4 công bố quyết định khởi tố hình sự và bắt tạm giam đối với anh Nguyễn Văn Hóa, một nhà báo tự do đưa tin về thảm họa môi trường Formosa, và những cuộc biểu tình của người dân phản đối việc nhà máy thép này gây ô nhiễm.

Phía công an cho biết anh Nguyễn Văn Hóa bị cáo buộc tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. Hóa đã bị bắt và biệt giam từ ngày 11/01.

Truyền thông trong nước dẫn lời công an Hà Tĩnh nói rằng, anh Nguyễn Văn Hóa đã ký hợp đồng với các đài và trang mạng nước ngoài với mức thù lao khoảng 1,500 Mỹ kim cho 16 phóng sự mỗi tháng. Công an Hà Tĩnh còn cáo buộc anh Nguyễn Văn Hoá đã lập nhiều trương mục mạng xã hội để đưa tin về nhiều vụ ô nhiễm môi trường và thiên tai ở miền Trung Việt Nam.

Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995 tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi gia đình anh cư ngụ là một trong những khu vực chịu hậu quả nặng nề nhất trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra từ tháng Tư năm ngoái.

Nguyễn Văn Hóa bị bắt khi đang đi trên đường. Công an vu cáo Hóa tàng trữ ma túy trong người rồi bắt anh. Tuy nhiên, mãi đến 12 ngày sau khi bắt Nguyễn Văn Hóa, công an Hà Tĩnh mới thông báo cho gia đình anh biết.

Thanh niên 21 tuổi đưa tin về vụ Formosa bị truy tố theo điều 258

Ép công dân nhận tội rồi quay phim, bêu lên báo, là cấu thành hành vi tra tấn và làm nhục người khác

===

USCIRF trưng bày hồ sơ vi phạm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) vừa tổ chức một cuộc họp báo tại trụ sở Quốc hội hôm 06/4, trong khuôn khổ chiến dịch mới mang tên Tù nhân Lương tâm Tôn giáo.

Trong 10 bộ hồ sơ về những vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo được trưng bày tại đây, có bộ hồ sơ những vi phạm đối với quyền tự do tín ngưỡng và quyền con người của Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ là cô Trần Thị Hồng. Đây được xem là bước đi mới của USCIRF, nêu bật những hồ sơ tiêu biểu liên quan đến những cá nhân  đang bị cầm tù ngay trên đất nước mình, vì đã bày tỏ đức tin hoặc tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng.

Vào cuối tháng này, USCIRF sẽ công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo thế giới. Phúc trình này đóng vai trò quan trọng nhằm giúp quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ định hình chính sách ngoại giao đối với từng nước trên thế giới.

Chủ tịch USCIRF, Linh mục Thomas Reese, cũng là người trình bày về Mục sư Nguyễn Công Chính tại buổi họp báo. Theo lời Linh mục Reese, trường hợp của Mục sư Chính đang bị giam giữ, đánh đập và sách nhiễu trong tù cần được nêu ra để yêu cầu chính phủ Việt Nam nương tay đối với ông, đồng thời để dân chúng Việt Nam được tự do thờ phượng.

Linh mục Reese nhấn mạnh rằng, USCIRF trong nhiều năm qua đã liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt vì thiếu tự do tôn giáo một cách trầm trọng.

——————–

Nhóm Green Trees đề nghị được tham gia giám sát bồi thường Formosa

Đại diện tổ chức xã hội dân sự độc lập Cây Xanh (Green Trees)vào sáng ngày ngày 5/4 đã đến trụ sở Bộ Tài Chính ở Hà Nội để trao văn bản yêu cầu được tham gia giám sát quá trình chi trả bồi thường cho người dân bốn tỉnh miền Trung.

Văn bản còn được gửi đến Chính phủ và nhiều cơ quan hữu quan khác như Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND bốn tỉnh miền trung chịu thiệt hại từ thảm họa môi trường xảy ra từ đầu tháng 4/2016 do Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả hóa chất độc hại trực tiếp ra biển.

Văn bản của nhóm Green Trees nêu rõ, “Từ đó cho đến nay, theo đánh giá của chúng tôi dựa trên các thông tin từ báo chí, sự phản ánh của người dân cũng như quan sát trực tiếp, quá trình chi trả tiền hỗ trợ, đền bù còn chậm chạp, người dân tại nhiều vùng chịu ảnh hưởng chưa được nhận tiền. Tại nhiều địa phương, người dân vẫn đang phản đối mức hỗ trợ, đền bù, do không tương xứng với mức độ thiệt hại thực tế. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận rất nhiều phản ánh về sự bất bình đẳng trong việc chi trả khoản tiền này.”

Xuất phát từ lý do trên, nhóm Green Trees đi đến quyết định yêu cầu chính phủ, các bộ hữu quan và chính quyền các địa phương “tạo mọi điều kiện thuận lợi, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho chúng tôi trong thời gian thực hiện quyền giám sát quá trình chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho các nạn nhân.”

===== 07/4 =====

Tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục bị đối xử khắc nghiệt

Gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cho biết Ban giám thị Trại giam số 6 ở Nghệ An tiếp tục đối xử hà khắc với tù nhân lương tâm này.

Theo lời kể của gia đình sau chuyến viếng thăm Trần Huỳnh Duy Thức hôm 01/4 thì trại giam đã cắt điện trong phòng giam của anh trong thời gian ban ngày. Điều này đã làm giảm thị lực của anh vì ánh sáng tự nhiên không đủ để nhìn và đọc sách.

Tình trạng “cúp điện” xảy ra liên tục từ tháng 8 năm 2016.

Ông Tân cho biết rất nhiều những vật dụng gia đình gửi vào cho ông Thức như sách, tài liệu in từ cổng thông tin của chính phủ, đèn LED có vỏ bằng nhựa (qui định của trại giam nghiêm cấm các vật dụng kim loại) đều bị trả về.

Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt và bị đưa ra tòa cùng với luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Tiến Trung và doanh nhân Lê Thăng Long năm 2009. Ông là người bị kết án nặng nhất với 16 năm tù giam cho tội danh ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ theo điều 79 của Bộ Luật hình sự trong phiên toà diễn ra năm 2010.

Ông đã hai lần bị chuyển trại giam. Đầu tiên ông bị giam ở trại Xuân Lộc, Đồng Nai. Sau đó bị chuyển sang trại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Lần thứ ba là tháng 5 năm 2016 ông bị chuyển ra trại 6, Nghệ An, trại giam được mệnh danh là “khét tiếng bật nhất trong hệ thống nhà tù Việt Nam hiện nay.”

Tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục bị đối xử khắc nghiệt

===== 09/4 =====

Nhiều nhà hoạt động bị câu lưu, giam lỏng trong ngày Chủ nhật thứ 6 liên tiếp

Chính quyền ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ và câu lưu nhiều nhà hoạt động đồng thời giam lỏng nhiều nhà hoạt động khác trong Chủ nhật thứ 6 liên tiếp nhằm ngăn cản họ biểu tình ôn hòa về vấn đề môi trường.

Tại Hà Nội, lực lượng an ninh đã bắt giữ nhiều nhà hoạt động, trong số đó có Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Sỹ Hiệp, Nguyễn Khánh Nam và Trần Quang Nam khi họ đang đi trên đường. Công an đã đưa họ về nhiều địa điểm khác nhau và chỉ trả tự do cho họ vào buổi chiều muộn sau nhiều giờ câu lưu.

Cũng tại Hà Nội và Sài Gòn, chính quyền địa phương đã cử lực lượng an ninh mặc thường phục, dân phòng và thành viên Mặt trận Tổ quốc đến bao vây nhà những người hoạt động, không cho họ đi ra ngoài trong ngày thứ 7 và Chủ nhật.

Blogger Lã Việt Dũng bị hàng chục nhân viên mặc thường phục bao vây nhà từ sáng sớm, và không cho anh đi đá bóng lúc 15h.

Trước đó, nhóm Cây Xanh đã kêu gọi nhân dân đạp xe tuần hành nhằm yêu cầu chính phủ minh bạch trong việc đền bù thiệt hại do Formosa gây ra, và không cho Formosa tiếp tục hoạt động.

Trong tháng 3, cựu tù nhân lương tâm, linh mục Nguyễn Văn Lý đã kêu gọi biểu tình liên tiếp vào các ngày chủ nhật về vấn đề Formosa.

====================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây