Không Chốn Dung Thân Cho Các Nhà Hoạt Động Vì Nhân Quyền- Nhiều người hoạt động ở Việt Nam bị hành hung

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ngày 19/6/2017

Tóm tắt

Sáng ngày mồng 6 tháng Chạp năm 2015, để kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài có một cuộc nói chuyện về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam tại giáo xứ Vạn Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Buổi chiều hôm đó, ông về lại Hà Nội, cùng đi còn có các nhà hoạt động Lý Quang Sơn, Vũ Văn Minh (còn gọi là Vũ Đức Minh) và Lê Mạnh Thắng. Trên đường đi, xe taxi chở họ bị một nhóm khoảng hơn chục người mặc thường phục và đeo khẩu trang che mặt chặn lại. Nguyễn Văn Đài kể những người này lôi họ ra khỏi xe taxi và đánh bằng gậy vào đùi và vai, rồi đẩy ông vào lại xe. Trong xe, họ tiếp tục đánh đập ông:

Họ dùng tay tát liên tục vào mặt, rồi đánh vào mang tai, vào mồm… Khi chở tôi đến bãi tắm Cửa Lò, họ tiếp tục lột hết cả áo rét và giày. Họ đẩy tôi xuống bãi biển rồi bỏ đi.

Ba nhà hoạt động cùng đi cũng bị đánh tàn bạo. Theo Lý Quang Sơn:

Vũ Văn Minh bị bọn côn đồ cố lôi ra, họ cầm gậy liên tiếp quất…vào chân bạn Minh… Chúng lôi anh bạn Thắng (ở cửa bên trái) ra ngoài, vừa lôi vừa cầm gậy vụt vào ngực Thắng, bạn Minh liền giữ lấy Thắng, còn tôi thì đưa tay ra bắt lấy gậy của nó. Tôi giằng co cái gậy… thì bị một thằng khác vụt vào tay, tôi phải buông gậy, tôi dùng chân đạp vào mặt và đầu của chúng thì bị chúng đánh vào mắt cá chân, ống đồng và bắp chân, bạn Minh cũng không giữ nổi Thắng nữa.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận xét trong một bản phúc trình ra ngày hôm nay rằng có những hung thủ đánh đập, dọa dẫm và đe nẹt các blogger và nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam mà không bị truy cứu trách nhiệm.

Lý Quang Sơn nói rằng những người này dùng một chiếc ô tô khác chở Lê Mạnh Thắng đến một địa điểm lạ, lột lấy điện thoại và ví rồi bỏ mặc anh bên lề đường. Trên đường đi, Thắng bị bọn họ đấm liên tiếp vào mặt và người. Theo Nguyễn Văn Đài và Lý Quang Sơn, người lái xe taxi cũng bị bọn họ đánh đập.

Vụ việc ngày mồng 6 tháng Chạp không phải là lần đầu tiên Nguyễn Văn Đài bị hành hung theo kiểu này. Hồi tháng Năm năm 2014, khi đang uống cà phê cùng một vài nhà hoạt động nhân quyền trong một quán cà phê ở Hà Nội, một nhóm người xuất hiện, ném ly vào người và đánh đập ông. Tháng Giêng và tháng Ba năm 2015, nhiều nhóm người tấn công vào tư gia và cố phá cửa chính nhà ông.

***

Các vụ tấn công vào Nguyễn Văn Đài và bạn bè ông thể hiện một xu hướng đáng lo ngại ở Việt Nam: có các nhóm hành hung các nhà hoạt động, dường như dưới sự chỉ đạo hoặc cho phép của những người có thẩm quyền. Từ trước đến giờ, hầu hết các đánh giá chính thức về tình hình nhân quyền ở Việt Nam chủ yếu dựa trên con số thống kê về các biện pháp đàn áp theo hệ thống pháp luật (các số liệu về bắt giữ, xét xử, kết tội và kết án của các tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát, hoặc những nhân viên thi hành pháp luật chính thức) còn tần suất và hậu quả của loại tấn công được ghi nhận trong phúc trình này, thực chất là một hình thức đàn áp ngoài hệ thống pháp luật, lại nhận được quá ít sự chú ý.

Bản phúc trình này là một nỗ lực bổ sung vào phần còn thiếu, bằng cách tường trình 36 vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, khi các nhà hoạt động nhân quyền bị “côn đồ” đánh đập ở Việt Nam. Tất cả vụ việc được ghi nhận ở đây đều dựa trên các nguồn có sẵn trên mạng, bao gồm lời kể trực tiếp của nhân chứng về các vụ hành hung được đăng trên blog hay mạng xã hội bằng tiếng Việt, thường có kèm theo hình ảnh làm bằng chứng, cũng như các tin bài của báo chí nước ngoài, có đối chiếu với các nguồn độc lập về cùng vụ việc nếu điều kiện cho phép.

Tất cả các vụ hành hung được ghi nhận ở đây đều diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017. Một số vụ hành hung diễn ra ngay trước mắt công an mặc sắc phục mà họ không can thiệp. Nhiều vụ đánh đập xảy ra cùng thời điểm, và dường như để hỗ trợ chính quyền áp dụng các biện pháp đàn áp nhằm vào các nhà hoạt động bị để ý. Trong hầu hết các vụ việc, các nhà hoạt động bị “côn đồ” để mắt tới cũng phải chịu các biện pháp đàn áp chính thức của chính quyền, kể cả bị bắt giữ.

Dù mối liên hệ chính xác giữa những kẻ côn đồ và chính quyền thường không thể minh xác được, nhưng trong một nhà nước công an trị sát sao như Việt Nam, gần như không có gì phải nghi ngờ về việc những kẻ này có quan hệ với, và hành động theo sự chỉ đạo của mật vụ nhà nước.

Việc hành hung nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam không phải là một hiện tượng mới có gần đây. Một ví dụ là từ tháng Chạp năm 2005, khi về lại Việt Nam sau chuyến đi Mỹ chữa bệnh, nhà bất đồng chính kiến quá cố Hoàng Minh Chính và gia đình ông bị một đám chừng năm chục người bao vây. Đám người này chửi rủa Hoàng Minh Chính đã dám công khai phê phán việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian ở nước ngoài. Họ dùng gậy gỗ đập phá cửa chính và cửa sổ nhà ông, ném mắm tôm, cà chua và trứng thối vào nhà, và đấm đá, đánh đập người trong gia đình ông. Gia đình có gọi công an, và công an có đến nhưng chỉ đứng ngoài chứng kiến vụ tấn công mà không làm gì để ngăn chặn.

Các blogger và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng là nạn nhân từng bị hành hung từ trước thời gian nghiên cứu trong phúc trình này gồm có các cựu tù nhân chính trị nổi tiếng như Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê Quốc Quân, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Bá Hải, Lê Thị Công Nhân, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh… hay các nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi, Lê Quốc Quyết, Dương Thị Tân, Ngô Duy Quyền, Phạm Lê Vương Các, Huỳnh Thục Vy và nhiều người khác.

Thông tin về những thể loại tấn công này không thể đầy đủ do bị hạn chế về tiếp cận tin tức và kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam. Nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho thấy rằng trong năm 2013, Việt Nam xét xử ít nhất 65 blogger và nhà hoạt động nhân quyền và kết án họ với mức án cộng lại lên đến hàng trăm năm tù. Cũng trong năm đó, theo một báo cáo của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, có ít nhất 18 vụ hành hung nhằm vào 71 nhà vận động nhân quyền.

Năm 2014, trong giai đoạn thương lượng căng thẳng về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, số người bị kết án về các tội chính trị ở Việt Nam giảm xuống còn 31. Tuy nhiên, theo Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, số vụ hành hung tăng lên ít nhất là 31 vụ nhằm vào 135 blogger và nhà hoạt động nhân quyền.

Năm 2015, con số vụ kết án được biết tiếp tục giảm, xuống chỉ còn có 7 nhà hoạt động bị kết án trong suốt cả năm. Mặt khác, theo nghiên cứu riêng của chúng tôi, có khoảng 50 blogger và nhà hoạt động cho biết họ bị hành hung trong 20 vụ việc khác nhau. Trong năm 2016, có ít nhất 21 nhà vận động nhân quyền bị kết án và ít nhất 20 vụ hành hung xảy ra với hơn 50 nạn nhân.

Các vụ hành hung thân thể nhằm vào những người vận động nhân quyền thường xảy ra trong bốn tình huống. Thứ nhất là tấn công một cá nhân đơn lẻ, ở nhà riêng hay ngoài đường. Các ví dụ có thể kể là vụ tấn công Nguyễn Văn Thế vào tháng Năm năm 2016, Nguyễn Văn Thạnh vào tháng Sáu năm 2016, Lã Việt Dũng vào tháng Bảy năm 2016, và Nguyễn Trung Tôn vào tháng Hai năm 2017.

Trường hợp thứ hai là khi một nhóm các nhà vận động nhân quyền bị tấn công, thường vào lúc họ đang cùng hành động để ủng hộ các nhà hoạt động khác, như đi thăm một cựu tù nhân chính trị mới ra tù, hay đi dự đám cưới của một nhà vận động nhân quyền. Các ví dụ của thể loại tấn công này gồm có các vụ hành hung những người đến thăm cựu tù nhân chính trị Trần Minh Nhật vào tháng Tám năm 2015 và Trần Anh Kim hồi tháng Giêng năm 2015.

Trường hợp thứ ba là hành hung các nhà hoạt động đang tham gia các sự kiện công cộng như tuần hành vì môi trường, hay biểu tình bên ngoài đồn công an đòi thả các nhà hoạt động bạn bè.

Tình huống thứ tư là ở trong đồn công an, như trường hợp Trần Thị Hồng và Trương Minh Tam được biết đã bị đánh đập trong khi đang bị câu lưu, thẩm vấn vào tháng Tư năm 2016.

Trong rất nhiều vụ, được biết những kẻ thủ ác thường đeo khẩu trang. Có một số vụ, như đã nêu ở trên, các nhà hoạt động cho biết rằng công an mặc sắc phục có mặt tại đó nhưng không làm gì để ngăn chặn việc hành hung. Trong hầu hết các vụ, không có ai bị truy cứu trách nhiệm vì hành vi hành hung. Rất nhiều nhà hoạt động đã trình báo công an về các vụ hành hung, nhưng việc điều tra hầu như chưa bao giờ được tiến hành. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được biết chỉ có một vụ duy nhất những kẻ thủ ác và cán bộ công an được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ hành hung bị điều tra.

Bất chấp những rủi ro lớn về an toàn và tự do cá nhân, cộng đồng blogger và các nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục lớn mạnh ở Việt Nam. Được sự trợ giúp của internet, nhất là các mạng xã hội như Facebook và Youtube, những nhà vận động nhân quyền càng ngày càng kết nối và hỗ trợ nhau chặt chẽ hơn trong cuộc đấu tranh vì các quyền tự do chính trị và các quyền cơ bản của con người.

Nhiều nhóm nhân quyền đã được thành lập trong vòng năm năm gần đây, như Câu lạc bộ Bóng đá No-U, Hội Bầu bí Tương thân, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ và Hội Hỗ trợ Nạn nhân Bạo hành.

Bên cạnh việc tiến hành những hoạt động vận động nhân quyền truyền thống như biểu tình ôn hòa, xuất bản các tài liệu phê bình chính quyền và ký thỉnh nguyện thư, các blogger và các nhà hoạt động còn đến thăm gia đình các tù nhân chính trị hay các nhà hoạt động đang gặp khó khăn, và đóng góp những khoản hỗ trợ tài chính tuy nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Họ đợi ở sân bay để đón chào những nhà hoạt động bạn bè vừa đi nước ngoài vận động trở về, và thường bị công an câu lưu. Họ lên tận đồn công an để đòi thả bạn bè bị câu lưu vì tham gia biểu tình ôn hòa. Bàn tay đàn áp tàn bạo, kể cả việc hành hung thân thể như được ghi nhận trong bản phúc trình này, đương nhiên đã làm một số người ở Việt Nam ngại tham gia hoạt động, nhưng nhiều người khác vẫn dũng cảm tiếp tục lên tiếng kêu gọi xây dựng một xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền.

Chi tiết: https://www.hrw.org/vi/report/2017/06/18/305189