Lễ tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba tại Sài Gòn

Bà Lưu Hà ôm di ảnh của chồng, Khôi nguyên Hòa bình Lưu Hiểu Ba và một người đàn ông (bìa phải) cầm hòm đựng tro cốt của ông Lưu.

RFA, 17-07-2017

Một buổi tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba được một nhóm các nhân sĩ trí thức Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 16/07/17, cùng với ngày thi hài của Khôi nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba được hỏa táng ở Trung Quốc.

Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

“Lưu Hiểu Ba là ngọn lửa của trí tuệ và lòng quả cảm của người trí thức đích thực, người đấu tranh cho nhân quyền hàng đầu của Trung Quốc, giải Nobel Hòa bình 2010. Lưu Hiểu Ba bị bắt năm 2008 và bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc “âm mưu lật đổ nhà nước”, vừa qua đời ở tuổi 62 tại một bệnh viện thuộc thành phố Thẩm Dương sau một thời gian ngắn điều trị bệnh ung thư gan.”

Đây là lời mở đầu của bài diễn văn có tựa đề “Lưu Hiểu Ba, ngọn lửa vẫy gọi” được Giáo sư Tương Lai đọc trong Buổi tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, vào chiều Chủ nhật, ngày 16 tháng Bảy, tại nhà riêng của Giáo sư Tương Lai, ở quận 7, Sài Gòn.

Trong bài diễn văn tưởng niệm Khôi nguyên Hòa bình Lưu Hiểu Ba, Giáo sư Tương Lai gọi Giáo sư Lưu Hiểu Ba là biểu tượng của một nhân cách trí thức với bản lĩnh “uy vũ bất năng khuất”, đã bền bỉ và quả cảm đấu tranh cho khát vọng tự do và dân chủ chống lại chế độ toàn trị phản dân chủ đang thống trị người dân Trung Quốc.

Ông Lưu Hiểu Ba cho rằng kẻ thù lớn nhất của phong trào dân chủ không phải là nhà cầm quyền mà là sự thờ ơ của quần chúng. Vì vậy tương lai của một Trung Quốc phải đến từ nỗ lực tranh đấu của người dân, chứ không phải sự thoái lui của đảng cầm quyền
-GS. Tương Lai

Giáo sư Tương Lai nhắc lại quá trình đấu tranh của ông Lưu Hiểu Ba kể từ khi vị giáo sư khả kính này rời Đại học Columbia ở New York, Hoa Kỳ về Trung Quốc đồng hành cùng sinh viên và thanh niên Hoa Lục trong các cuộc biểu tình ôn hòa đòi tự do dân chủ và ông đã thương thuyết với quân đội để cứu hàng trăm người biểu tình không bị giết hại trong vụ thảm sát Thiên An Môn hồi năm 1989.

Giáo sư Tương Lai nhấn mạnh quan điểm đấu tranh vì một đất nước Trung Hoa tự do dân chủ của ông Lưu Hiểu Ba:

“Trong mở đầu của Hiến Chương 08 của ông thì ông nói là ‘Đến ngày hôm nay, tiến trình cải cách chính trị vẫn còn nằm trên giấy: có luật pháp nhưng không có pháp quyền, có một bản hiến pháp nhưng không có chính thể lập hiến. Đây vẫn là một thực tế chính trị mà ai cũng thấy’. Cho nên ông cho rằng kẻ thù lớn nhất của phong trào dân chủ không phải là nhà cầm quyền mà là sự thờ ơ của quần chúng. Vì vậy tương lai của một Trung Quốc phải đến từ nỗ lực tranh đấu của người dân, chứ không phải sự thoái lui của đảng cầm quyền.”

Liên đới đến Việt Nam, trong bài diễn văn tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, Giao sư Tương Lai cũng đề cập đến những tên tuổi mà họ đã noi gương của Khôi nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba như Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh-Blogger Mẹ Nấm và còn rất nhiều thanh niên Việt Nam đã và đang dấn thân vì khát vọng dân chủ và tự do, vì quyền con người của người dân trong nước.

TuongNiemLHB.gif
Quang cảnh buổi tưởng niệm Khôi nguyên Hòa bình Lưu Hiểu Ba ngày 16/07/2017. Courtesy: GS. Tương Lai cung cấp

Giáo sư Tương Lai gửi đến các tù nhân lương tâm và những nhà đấu tranh vì đất nước Việt Nam tự do-dân chủ-nhân quyền, như chính Giáo sư Lưu Hiểu Ba đã làm cho tổ quốc Trung Hoa của ông khi ông còn tại thế, niềm kính phục sâu sắc cũng như sẽ cùng tiếp sức cho họ trong những thử thách cam go trên con đường dấn thân họ đã chọn. Giáo sư Tương Lai nói với RFA ông tin rằng tâm huyết của ông Lưu Hiểu Ba là ngọn lửa bất diệt đối với những người dấn thân vì dân chủ và tự do ở Việt Nam, Trung Quốc và ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.

“Giới trẻ Việt Nam rất thông minh và họ có đủ bản lĩnh để đấu tranh cho dân chủ, cho tự do và cho quyền con người. Những người trẻ tuổi chính là niềm hy vọng của chúng tôi, lớp người cũng đã gần đất xa trời mất rồi. Chúng tôi tin vào tuổi trẻ đầy đủ bản lĩnh để đấu tranh.”

Tham dự tưởng niệm bị hành hung

Buổi tưởng niệm Khôi nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba với sự tham dự của nhóm nhân sĩ trí thứ ở Sài Gòn và các thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, khoảng hơn 10 người, trong đó có các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Kha Lương Ngãi, Đinh Kim Phúc…

Tôi thấy họ rút kiếm, gậy gộc ra rất kinh khủng. Có người la lên ‘Nhầm rồi. Đây là an ninh. Chúng tôi đánh phản động’. Nhưng có người khác la lên ‘An ninh, công an gì mà đi đánh phụ nữ?’ Họ đánh nhau tiếp. 3-4 người tự xưng là an ninh cứ la lên là đừng đánh nữa và cản những người dân để cho đám côn đồ nhảy lên xe chạy mất
-Nhà báo Sương Quỳnh

Nhà báo tự do Sương Quỳnh cho Đài Á Châu Tự Do biết buổi tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba diễn ra trong khi có rất nhiều an ninh canh giữ xung quanh khu vực chung cư, nơi cư ngụ của Giáo sư Tương Lai. Nữ nhà báo tự do Sương Quỳnh còn bị an ninh mặc thường phục bám theo trên đường về nhà từ quận 7 qua quận 2 và bà đã bị hành hung ngay đoạn đường vắng lúc khoảng  sau 7 giờ tối:

“Đến chỗ đường Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống thì họ xông vào đạp xe cho mình té và họ chặn đánh mình. Lúc đầu khoảng 4 người. Mới đầu cũng thoáng nghĩ là cướp thì tôi mới la lên là ‘Cướp, cướp xe’. Lúc đấy thì khoảng hơn chục người trên 5-6 xe ào đến, xông vào đánh tới tấp. Khi đó, người dân bắt đầu chạy đến và rất đông người đánh nhau luôn với bọn người này nên họ không đánh tôi được nữa. Tôi mới chạy vào đứng trong góc của một nhà hàng đóng cửa trong lúc họ đánh nhau loạn xạ. Tôi thấy họ rút kiếm, gậy gộc ra rất kinh khủng. Có người la lên ‘Nhầm rồi. Đây là an ninh. Chúng tôi đánh phản động’. Nhưng có người khác la lên ‘An ninh, công an gì mà đi đánh phụ nữ?’ Họ đánh nhau tiếp. 3-4 người tự xưng là an ninh cứ la lên là đừng đánh nữa và cản những người dân để cho đám côn đồ nhảy lên xe chạy mất.”

Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo tự do Sương Quỳnh cũng chia sẻ đã đi gặp bác sĩ để kiểm tra các vết trầy xước do bị hành hung vào tối hôm 16 tháng Bảy và bác sĩ bảo rằng bà rất may mắn vì những đòn ra tay vô cùng nguy hiểm, có thể gây chết người hay nhẹ nhất thì cũng bị liệt.

Bà Sương Quỳnh vào tối ngày 17 tháng Bảy khẳng khái nói với RFA các bản án tù hay những “đòn thù” mà nhà cầm quyền Việt Nam giáng xuống cho những người dấn thân tranh đấu vì đất nước Việt Nam tự do, dân chủ và nhân quyền sẽ không bao giờ khuất phục họ, bởi vì giống như cố Giáo sư Lưu Hiểu Ba đã nói “Tôi không có kẻ thù” nên họ vẫn vững bước đi với niềm tin tương lai tươi sáng cho Việt Nam đang đến rất gần.