Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Trần Thị Nga

Phóng viên Không Biên giới, ngày 23/7/2017

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi các cơ quan tư pháp Việt Nam phóng thích Trần Thị Nga, một người bảo vệ nhân quyền và blogger được quốc tế công nhận, người sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày mai tại Phủ Lý, thủ phủ của tỉnh Hà Nam.

Bị bắt giam vào ngày 21/01 tại nhà riêng của cô ở thành phố Phủ Lý, người mẹ có hai con nhỏ này đang phải đối mặt với án tù 12 năm với cáo buộc vi phạm Điều 88 của Bộ luật Hình sự bằng cách “sử dụng Internet để truyền bá các đoạn băng ghi hình và các bài viết tuyên truyền.”

Viết blog dưới tên Thúy Nga, cô bảo vệ công nhân xuất khẩu lao động và những người bị nhà nước bắt giữ. Cô cũng là thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam với mục tiêu truyền bá quyền con người, hỗ trợ và giúp đỡ các nhà bảo vệ nhân quyền.

Tháng 9 năm 2013, cô Nga đi vào phòng khiếu nại tại Phủ Lý và cáo buộc nhiều cảnh sát mặc thường phục đã bức hại cô và nhiều công dân khác. Cô đã có nhiều video được đưa lên YouTube với nhiều bút danh khác nhau.

Mặc dù bị bắt giữ từ tháng 1, Nga chỉ được gặp luật sư của cô lần đầu tiên vào tháng 5. Luật sư cho biết rằng sức khoẻ của cô đã trở nên tồi tệ hơn trong tù. Cô bị các biến chứng từ thương tích trong tháng 5 năm 2014, khi năm người đàn ông tấn công cô bằng thanh thép lúc cô vừa đi thăm Nguyễn Tường Thuý, một người từng nói về quyền con người khi thăm viếng nhà của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

“Chúng tôi rất bất bình với vụ bắt giữ nhà hoạt động này, người đã luôn luôn chiến đấu để đấu tranh chống lại chính sách khủng bố của chính phủ Việt Nam,” RSF nói. “Các nhà chức trách phải trả tự do cho Trần Thị Nga, một người vô tội và sức khỏe đang ở tình trạng đáng lo ngại. Cô ấy không được chăm sóc y tế đầy đủ và ăn rất ít ”

Nhà nước độc đảng ở Việt Nam ngày càng đàn áp dữ dội giới blogger và các nhà hoạt động chính trị, những người duy nhất cung cấp nguồn tin tức và thông tin độc lập cho công chúng. Việt Nam hiện là nhà tù lớn thứ hai thế giới của các nhà báo công dân, sau Trung Quốc.

Tháng trước, Phạm Minh Hoàng bị trục xuất sang Pháp sau khi bị tước quyền công dân Việt Nam, và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án 10 năm tù giam. Các phương tiện truyền thông hoàn toàn do chính phủ kiểm soát và chỉ là phương tiện tuyên truyền của nhà nước.

Việt Nam bị xếp hạng 175 trên tổng số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2017 của RSF.