Việt Nam: Bốn nhà hoạt động ôn hòa bị bắt trong vụ án liên quan đến luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Ân xá Quốc tế – thông cáo báo chí

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Ngày 30/7/2017, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ bốn nhà hoạt động tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hoá. Họ là Nguyễn Trung Tôn, 45 tuổi, một mục sư Tin lành từ tỉnh Thanh Hoá; Phạm Văn Trội, 45 tuổi, từ Hà Nội; Trương Minh Đức, 57 tuổi, từ thành phố Hồ Chí Minh; và Nguyễn Bắc Truyển, 49 tuổi, từ thành phố Hồ Chí Minh. Cả bốn người đã từng bị bắt giam vì các hoạt động ôn hòa của mình. Bốn người này là những tù nhân lương tâm, bị tước quyền tự do chỉ vì họ đã thực hiện một cách ôn hòa quyền con người  về tự do ngôn luận và lập hội. Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi nhà chức trách Việt Nam phóng thích tất cả bốn người này ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm khác và chấm dứt chính sách đe doạ, bắt giữ và trừng phạt các nhà hoạt động ôn hòa.

Bốn nhà hoạt động này đã bị cáo buộc là “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cáo buộc thuộc phần “an ninh quốc gia” mơ hồ của luật này, với hình phạt tối đa là án tù chung thân hoặc tử hình.

Các vụ bắt giữ là một phần của chiến dịch đàn áp tàn khốc nhằm vào những người thực hiện hòa bình các quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội ở Việt Nam. Trong năm tuần gần đây, Việt Nam đã khép tội hai nhà hoạt động nhân quyền với án tù lâu năm. Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, ít nhất bảy nhà hoạt động khác đã bị bắt trong sáu tháng qua.

Bốn nhà hoạt động bị bắt vào ngày Chủ Nhật bị buộc tội liên quan đến luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người bị bắt tại Hà Nội vào ngày 16/12/2015 cùng với trợ lý Lê Thu Hà, và họ đã bị giam giữ trong hơn 18 tháng. Cả hai Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà đều bị buộc tội “tuyên truyền” chống lại nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, theo cơ quan cảnh sát và truyền thông nhà nước, Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà bị cáo buộc theo Điều 79 cùng với những người bị bắt gần đây.

Nguyễn Văn Đài là một luật sư nhân quyền nổi tiếng. Năm 2006, ông thành lập Ủy ban Nhân quyền Việt Nam – nay được gọi là Trung tâm Nhân quyền Việt Nam – và là một trong những người đầu tiên ký vào bản kêu gọi tự do và dân chủ ở Việt Nam, một lời kêu gọi đã nhận được sự ủng hộ của hàng ngàn người. Từ năm 2007 đến năm 2011, Nguyễn Văn Đài đã phải ngồi tù bốn năm sau khi bị tuyên án về “tuyên truyền” chống lại nhà nước. Tháng 4 năm 2013, ông thành lập Hội Anh em Dân chủ, như là môt phong trào phối hợp và tập thể nhằm đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn đã viết về tự do tôn giáo và chống tham nhũng tại Việt Nam. Ông bị bắt vào tháng 1 năm 2011 và bị kết tội “tuyên truyền” chống lại nhà nước, bị phạt tù hai năm.

Phạm Văn Trội đã bị bắt vào tháng 9 năm 2008 vì treo banner, phân phát tờ thông tin, đăng thông tin lên Internet chỉ trích chính sách của chính phủ, kêu gọi dân chủ ở Việt Nam. Tháng 10 năm 2010, ông bị kết tội “tuyên truyền” chống lại nhà nước và bị phạt tù bốn năm.

Nhà báo và nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Trương Minh Đức đã viết về nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực ở Việt Nam. Ông bị bắt vào tháng 5 năm 2007 và tháng 3 năm 2008 bị kết án về “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự, với hình phạt tù năm năm.

Nguyễn Bắc Truyên là một luật sư nhân quyền, trong năm 2007 bị kết án “tuyên truyền” chống lại nhà nước và bị kết án 3 năm tù giam. Kể từ khi được trả tự do hồi tháng 5 năm 2010, anh đã từng là thành viên của một hiệp hội cựu tù nhân lương tâm.

Một cuộc đàn áp khốc liệt nhằm vào người hoạt động nhân quyền

Chính quyền Việt Nam đang thực hiện chiến dịch trấn áp người hoạt động nhân quyền. Trong 5 tuần gần đây, hai nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng đã bị kết án “tuyên truyền” chống lại nhà nước với án tù dài.

Ngày 29/6/2017, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cũng được biết đến dưới cái tên Mẹ Nấm, đã bị kết án 10 năm tù về các hoạt động trên Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác, bao gồm viết, tải lên và chia sẻ các bài viết và video có nội dung phê bình Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước. Vào ngày 25/7/2017, Trần Thị Nga đã bị kết án 9 năm tù vì “phát tán video và tài liệu có nội dung tuyên truyền chống nhà nước trên Internet”. Các video liên quan đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường và tham nhũng. Cả hai bản án đều bị quốc tế phản đối và chính quyền Việt Nam bị lên án bởi các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ, và các đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Cả Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đều nêu sự quan ngại về phản ứng của chính quyền đối với thảm họa môi trường gây ra Formosa trong năm 2016, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi cá ở một số tỉnh của Việt Nam. Vụ việc đã ảnh hưởng đến sinh kế của 270.000 người và đã dẫn tới hoạt động và phản kháng liên tục trên khắp đất nước với quy mô hiếm khi nhìn thấy.

Những người khác gần đây đã bị bắt giữ gồm Trần Hoàng Phúc, một nhà hoạt động 23 tuổi bị bắt vào ngày 3/7 theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự với cáo buộc công khai chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội và Lê Đình Lượng, một nhà bất đồng chính kiến bị bắt vào ngày 24/77 theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Ít nhất năm nhà hoạt động khác bị bắt giữ từ tháng 11 năm 2016 hiện đang bị giam giữ trước khi xét xử. Việc giam giữ trong trại giam có thể tạo điều kiện cho việc tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ nhục khác và khi kéo dài, chính bản thân việc giam giữ có thể bị coi là như thế. Ngoài ra, quyền liên lạc kịp thời với luật sư và chuẩn bị biện hộ là một phần thiết yếu của quyền được xét xử công bằng. Cả cấm tra tấn, ngược đãi và quyền được xét xử công bằng đều được quy định trong các hiệp ước mà Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên, có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, bao gồm Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước Liên Hợp quốc về Tra tấn và Trừng phạt khác, Đối xử tàn nhẫn, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục.

ICCPR cũng bảo vệ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt (Điều 19), tụ tập ôn hòa (Điều 21), và lập hội (Điều 22). Nó cũng bảo vệ quyền tự do và an ninh của một người, bao gồm cả quyền không bị bắt một cách độc đoán và giam cầm bất hợp pháp (Điều 9).

Ân xá Quốc tế kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền của Việt Nam và xóa bỏ tất cả các cáo buộc đối với những người đã hoạt động ôn hòa để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và / hoặc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tụ tập, và/hoặc lập hội. Cộng đồng quốc tế phải lên án, trong những điều kiện mạnh mẽ nhất, cuộc đàn áp hiện tại về nhân quyền ở Việt Nam, và ủng hộ cho việc phóng thích ngay lập tức tất cả các tù nhân lương tâm.

Thông tin bổ sung

Ân xá Quốc tế đã ghi lại thông tin về ít nhất 90 người hiện đang bị tước đoạt tự do mà tổ chức này coi là tù nhân lương tâm, bao gồm nhiều blogger, người hoạt động về quyền lao động, quyền đất đai, nhà hoạt động chính trị, nhiều nhà hoạt động về quyền của các dân tộc thiểu số và tôn giáo, và những người ủng hộ nhân quyền và công lý xã hội. Những người này bị kết án chỉ vì thực hiện quyền con người một cách ôn hoà. Trong nhiều trường hợp này, đã có những lo ngại về các vụ xét xử không công bằng, biệt giam, tra tấn và ngược đãi những người bị giam giữ. Điều kiện nhà tù ở Việt Nam là khắc nghiệt, thiếu lương thực và chăm sóc sức khoẻ theo các yêu cầu tối thiểu được quy định trong các Quy tắc về Tiêu chuẩn Tối thiểu của Liên Hợp Quốc về đối xử với tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Việc đối xử tàn bạo với tù nhân lương tâm ở Việt Nam đã được Ân xá Quốc tế ghi lại trong một báo cáo mang tựa đề “Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và ngược đãi các tù nhân lương tâm ở Việt Nam” công bố vào tháng 7 năm 2016 (Quý vị có thể xem tại đây https://www.amnesty.org/en/documents / Asa41 / 4187/2016 / en /)

Viet Nam: Four peaceful activists arbitrarily arrested in connection with long-detained human rights lawyer