Giới hoạt động gửi thỉnh nguyện thư đòi thả tù nhân lương tâm

VOA

Những người “quan tâm tới nhân quyền ở Việt Nam” mới gửi thỉnh nguyện thư tới các nhà lãnh đạo cao nhất của nước, yêu cầu chính quyền trả tự do cho các tù nhân bị kết án vì bất đồng chính kiến.

Bức thư ký ngày 3/2, trùng với ngày thành lập Đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam, và được đăng hôm 7/2 lên trang change.org dành riêng cho các cuộc vận động dư luận quốc tế.

Thư nói hiện có hơn 170 tù nhân bị giam giữ và kết án theo các điều 79, 88, 258, và 241 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2009, chỉ vì họ bày tỏ quan điểm, ý kiến, hoặc chất vấn về các chính sách của chính phủ và đảng Cộng sản.

Những người thỉnh nguyện viết thêm trong thư rằng có những người bị bắt và kết tội với các tội danh như “gây rối trật tự công cộng” hoặc “trốn thuế”, thậm chí “mua bán dâm”, nhưng thực chất họ bị bỏ tù do bất đồng chính kiến với đảng cầm quyền.

Con số tù nhân lương tâm do giới hoạt động đưa ra, VOA không thể kiểm chứng độc lập mức độ chính xác của số thống kê đó. Chính phủ Việt Nam không thừa nhận nước này có tù nhân lương tâm và một mực khẳng định rằng họ chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.

Từ góc nhìn của những người ký thỉnh nguyện thư, họ cho rằng lâu nay tồn tại một điều trớ trêu, đó là hiến pháp Việt Nam công nhận và bảo vệ các quyền tự do căn bản, và Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về nhân quyền, tuy nhiên khi công dân Việt Nam thực thi các quyền đó một cách ôn hoà, họ vẫn bị đàn áp, bị bắt giữ và giam cầm.

Bức thư yêu cầu giới thẩm quyền hãy trả tự do cho tất cả các tù nhân bất đồng chính kiến, xem xét lại bản án dành cho nhà hoạt động chính trị ôn hoà Trần Huỳnh Duy Thức, xét xử những người bất đồng chính kiến là Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc, theo đúng trình tự pháp lý.

Thư nhấn mạnh chính quyền cần trả tự do ngay cho hai nữ tù nhân là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm) và Trần Thị Nga, bởi vì họ vô tội và là những người mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ.

Những người viết thỉnh nguyện thư nhấn mạnh giới lãnh đạo Việt Nam phải thực hiện những yêu cầu kể trên mới đảm bảo được những cam kết mà Việt Nam đã ký, và chứng tỏ Việt Nam biết tôn trọng các giá trị tự do và dân chủ.

Hơn một ngày kể từ khi được đăng lên mạng, bức thư nhận được hơn 500 chữ ký và số người ký đang tiếp tục tăng.

Đây không phải lần đầu tiên có một thỉnh nguyện thư như thế này. Nhưng theo quan sát của người tích cực đấu tranh về quyền lợi đất đai, anh Trịnh Bá Phương ở Hà Nội, chính quyền vẫn bỏ ngoài tai lời yêu cầu đó, đồng thời bất chấp các sức ép quốc tế, ngày càng tăng đàn áp giới đấu tranh, bất đồng. Biểu hiện mới nhất là một loạt phiên xét xử gần đây, gần đây nhất là bản án 14 năm tù áp cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình.

Bản thân có mẹ là bà Cấn Thị Thêu, hai lần bị bỏ tù vì đấu tranh chống bất công về đất đai, anh Phương nói với VOA rằng các động thái cứng rắn của chính quyền không làm giới hoạt động nao núng:

“Giới đấu tranh trong nước tôi thấy rất là kiên cường, mặc dù bắt bớ như thế nhưng cũng không ai dao động. Và càng gắn kết hơn khi đứng trước những sự khốc liệt, sự tàn bạo của phía nhà nước cộng sản. Giới đấu tranh có tinh thần rất là cao. Bất cứ ai cũng sẵn sàng có thể vào tù”.

Anh Phương cho biết mẹ anh, bà Thêu, dự kiến được trả tự do và trở về với gia đình vào tối 8/2. Theo anh khi nhà nước gia tăng bắt giam người bất đồng, điều đó lại là dấu hiệu xấu cho chính quyền:

“Cái chế độ khi mà họ phải sử dụng bạo lực và nhà tù gia tăng thì đấy cũng là dấu hiệu của sự thay đổi, của sự sụp đổ cả một thể chế. Bởi vì trong lịch sử cac quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam, bất cứ chế độ nào sử dụng bạo lực và nhà tù để cai trị dân, chế độ đó sớm muộn sẽ phải sụp đổ”.

Dù tiên liệu rằng thỉnh nguyện thư lần này cũng sẽ không được chính quyền hồi đáp bằng lời nói hay hành động, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nói việc lên tiếng thông qua hình thức như vậy vẫn cần thiết.

Anh khẳng định cuộc đấu tranh vì các quyền tự do căn bản cũng như các lợi ích khác của người dân cần kiên trì, cũng như cần tận dụng mạng xã hội và các hình thức truyền thông trong và ngoài nước để nêu lên thực trạng ở Việt Nam và thu hút sự chú ý cũng như sức ép của quốc tế.

Cho đến khi bản tin nay được đăng, VOA chưa thấy có phản ứng nào của nhà chức trách Việt Nam về thỉnh nguyện thư mới nhất.