Bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Tổ hợp bauxite Tân Rai tại Tây Nguyên

RFA, 02-03-2018

Hai dự án khai thác và chế biến quặng bô-xit lớn của Việt Nam là dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều chậm tiến độ, thường xuyên xảy ra sự cố, và thiết bị xuống cấp, nên vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường gửi Bộ Công thương về việc đánh giá hiệu quả thí điểm hai dự án bô-xit nêu trên và được mạng báo Tuổi Trẻ loan đi ngày 2 tháng 3.

Hai dự án vừa nêu do tập đoàn than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư và Trung Quốc là nhà thầu.

Bộ Tài Nguyên- Môi Trường nêu rõ trong báo cáo rằng sau một thời gian triển khai, nhiều thiết bị của hai nhà máy đã xuống cấp, bao gồm cả thiết bị xử lý môi trường. Vì vậy bộ này cho rằng hai dự án vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường phức tạp.

Ngoài ra, Bộ TN-MT còn cảnh báo nhà đầu tư, tức Tập Đoàn Than- Khoáng Sản VN phải lưu ý chất lượng thiết bị do nhà thầu cung cấp, tức là phía Trung Quốc.

Báo cáo cũng cho biết trong suốt thời gian hoạt động, dự án Tân Rai đã xảy ra ba lần sự cố và Nhân Cơ là bốn lần, lý do được nói là vì lỗi kỹ thuật do chất lượng công trình.

Một vấn đề khác cũng được nêu lên là cả hai dự án đều chậm tiến độ 2 năm, làm cho công trình bảo vệ môi trường cũng bị chậm theo.

Hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng, là hai dự án khai thác bô-xit trọng điểm của Việt Nam.

Ngay khi thông tin về việc triển khai các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên được đưa ra, nhiều vị nhân sĩ- trí thức, giới khoa học và môi trường lên tiếng mạnh mẽ không được triển khai vì nguy cơ ô nhiễm, phá hủy môi trường, nền văn hóa bản địa, không hiệu quả về kinh tế và cả vấn đề an ninh quốc gia.