Đàn áp không dập tắt được các tiếng nói đòi dân chủ

RFA, 05-0

Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch hôm 5/4 lên tiếng phản đối những bản án tù đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và 5 nhà hoạt động dân chủ. Trả lời Đài Á Châu Tự do ngay sau khi những bản án được tuyên, ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức này cho biết:

Brad Adams: Dường như bất cứ ai ở Việt Nam nói đến từ dân chủ ở Việt Nam đều bị coi là tội phạm, theo như Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những người này chỉ bày tỏ quan điểm của mình, mong ước của mình về những thay đổi, về những người được dân bầu lên thay vì do Bộ Chính trị chọn ra. Việt Nam đã hứa rất nhiều với người dân của mình và với cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ có đổi mới và sẽ có một xã hội cởi mở hơn nhưng trên thực tế chúng ta lại thấy điều ngược lại. Lúc này đây, đảng Cộng sản Việt Nam đang đàn áp mạnh đối với những tiếng nói chỉ trích mà chúng tôi chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Con số các trường hợp tù chính trị đã tăng lên đáng kể. Nhưng điều đáng chú ý là ngày càng nhiều người muốn thách thức chính quyền. Điều này cho thấy là cái cách mà nhà cầm quyền đang thực hiện không thể ngăn cản được mọi người lên tiếng đòi dân chủ.

RFAViệt Nam gần đây đã gia tăng các vụ đàn áp bắt bớ người bất đồng chính kiến, giới bloggers. Các bản án gần đây cũng nặng nề hơn trước. Ông nhận định thế nào về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Brad Adams: Có một số những nguyên nhân theo tôi bao gồm cả nguyên nhân từ bên ngoài lẫn bên trong. Bên ngoài theo tôi là việc chấm dứt của Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính quyền Việt Nam đã cố gắng cho thế giới thấy họ hành xử tốt trong quá trình đàm phán TPP vì họ chịu sức ép lớn từ phía Mỹ đòi thay đổi. Chúng tôi có thấy là trong giai đoạn đó có nhiều người bất đồng bị hành hung hơn trước nhưng số người bị bắt hoặc bị kết án lại giảm đi. Tuy nhiên bây giờ Tổng thống Trump đã rút khỏi TPP, dường như Việt Nam có ít hơn những lý do để họ tránh kết án những người bất đồng. Về nguyên nhân bên trong, chúng tôi nhận thấy lãnh đạo mới của chính phủ và của đảng đã cho thấy cách họ làm khác so với các lãnh đạo trước. Tất nhiên cũng đã có nhiều chỉ trích đối với ông Thủ tướng cũ, bao gồm cả các cáo buộc về tham nhũng, nhưng dường như ông ta có vẻ cởi mở hơn, và ít mạnh tay hơn so với lãnh đạo bây giờ. Tuy nhiên vì Việt Nam là một xã hội đóng cho nên chúng tôi chỉ có thể đoán nguyên nhân thôi. Mặt khác thì bây giờ người từng đứng đầu Bộ Công An là một lãnh đạo của đất nước nên điều này cũng có thể có ảnh hưởng.

RFA: Ông đánh giá gì về ảnh hưởng của những đàn áp này lên phong trào đòi dân chủ ở Việt Nam?

Brad Adams: Rất khó để biết được những hành động đàn áp này sẽ có ảnh hưởng thế nào. Ở nước nào cũng vậy, sau khi có những thay đổi về chính trị thì người ta cũng có thể nói ồ có những nhà hoạt động xã hội dũng cảm có thể tạo ra những thay đổi. Nhưng lúc nào cũng là một sự kết hợp bao gồm cả sức ép từ bên ngoài và các nhà hoạt động, của cộng đồng kêu goi đổi mới cộng với những thay đổi bên trong của chính quyền. Nhưng vì chúng ta không thể biết được những gì đang diễn ra bên trong chính quyền nên rất khó để biết liệu những sức ép này có ảnh hưởng thế nào. Tuy nhiên bây giờ chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại với mạng xã hội, với các thông tin đến được với những người dân thường ở Việt Nam. Người dân Việt Nam biết cuộc sống mà họ đang có không phải là cái mà họ muốn. Cho nên theo tôi, hệ thống một đảng chính trị như hiện tại không thể ổn định.

RFA: Xin cảm ơn ông

Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng cô Lê Thu Hà và 4 cựu tù chính trị khác bị các hình phạt tù từ 7 đến 15 năm tù giam với cáo buộc ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự.