‘Tuyệt nhiên không chống lại chế độ’

 
Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 11/4/2018

Facebook luật sư Ngô Anh Tuấn đăng tải bài viết đề cập về những lời nói sau cùng của 5 người thuộc Hội Anh em Dân chủ (gồm ông Nguyễn Văn Đài, ông Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Trương Minh Đức, ông Nguyễn Bắc Truyển).

Nhiều trong số đó khẳng định họ không vi phạm pháp luật; họ không ‘hận thù chế độ’ (ông Nguyễn Bắc Truyển); không có mục đích lật đổ chính quyền (ông Nguyễn Văn Đài); họ nhấn mạnh ‘sự khách quan, côn bằng của HĐXX’ cũng như ‘sự khoan dung của chính quyền đối với những người bất đồng chính kiến’ (ông Nguyễn Văn Đài).

Chia sẻ này nhận được nhiều quan điểm trái chiều, cả xót thương lẫn lên án, nhưng nhìn chung nó cho thấy quan điểm xuyên suốt của đa phần người đấu tranh trong hội anh em dân chủ là: không có mục đích lật đổ chính quyền.

Hội trường Quốc Hội CHXHCN Việt nam.

‘Không mục đích lật đổ chính quyền’ cũng là nền tảng của nhiều hội dân sự độc lập khác, bởi họ chỉ muốn mình là một phần của cơ chế làm giảm đi những tác hại không mong muốn từ chính sách và sự chỉ đạo của Nhà nước. Ngay như trang thông tin Việt nam Thời báo, cũng đề ra hẳn quy chế phản hồi, trong đó nhấn mạnh độc giả cần tránh phản hồi: Cổ vũ thành lập đảng phái. Điều này xuất phát từ việc, các nhóm/hội tổ chức dân sự độc lập không muốn biến mình trở thành một chất xúc tác hay là công cụ/ phương tiện để đấu đá chính trị; cổ vũ xung đột chính trị, mà chỉ đơn thuần là một tổ chức thực hiện và thúc đẩy quyền con người tại Việt nam.

Tuy nhiên, vì Nhà nước là nơi sản sinh và nắm giữ quyền lực nhà nước (về mặt thực tế), nên nếu một nhà nước vốn tập trung quyền lực tuyệt đối, nay bị giám sát hoặc phản biện sẽ có lúc cảm thấy ‘bỡ ngỡ’; hoặc sự lớn mạnh của khối xã hội dân sự nói chung sẽ khiến nhà nước nhận thấy bị ‘giành lấy quyền lực’, thành ra, bản thân nhà nước hình thành một nỗi sợ vô hình (về việc mất quyền lực).

Mới đây, anh Trịnh Bá Phương trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân đã cho biết, An ninh quận Hà Đông đã đến gặp anh và muốn vận động anh cũng em trai anh dừng đấu tranh. Trong câu chuyện đề cập đến Hội anh em dân chủ, một an ninh viên cho biết: họ (Hội anh em dân chủ) lập hội là vi phạm.

Quan điểm trên cũng chính là phần quan điểm mà nhà nước dành cho các tổ chức xã hội dân sự, cái nhìn có sự gay gắt và gạt bỏ (kể cả gạt bỏ tính chất Hiến định về quyền lập hội của người dân). Thành ra, khi đã thiếu cái nhìn thiện cảm, sẽ dễ dàng quy chụp các hành vi liên quan đến ‘hội’ là vi phạm pháp luật.

Nhưng thực tế là có mất đâu? Ngay như cách mà Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc theo đuổi Nhà nước kiến tạo thì bản thân nó đã chứa đựng tính thị trường, xã hội dân sự bên trong đó rồi. Bởi muốn kiến tạo, thì trước hết phải chấp nhận tính đa nguyên.

Biểu ngữ ‘Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’ trong hội trường Quốc Hội.

Việt nam sở dĩ còn bảo tồn được thắng cảnh, nguồn tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, trước sức ép lợi ích nhóm và phát triển kinh tế với tầm nhìn ngắn, thì bản thân nó đã có sự góp sức rất lớn từ phía dư luận, và không ít tron đó là từ trong nhóm hoạt động, khối xã hội dân sự.

Phong trào cây xanh; BOT; nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển ở tỉnh Bình Thuận; hang Sơn Đoòng,… chẳn phải là từ một chiến dịch và sự đốt nóng ở mạng xã hội đó sao?

Ngay như cuộc chiến chống tham nhũng của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, bản thân các cá nhân hay tổ chức xã hội dân sự có nhiều nhận định liên quan, nhưng nó không hàm nghĩa phủ định sạch trơn hay không thừa nhận hiệu quả. Đó là tính lý trí của xã hội dân sự – đúng – sai hoàn toàn minh bạch.

Xã hội dân sự không thể là nhóm tổ chức múa phụ họa với nhà nước, vì điều này đồng nghĩa với việc, đánh mất đặc tính của mình. Xã hội dân sự nói những điều khó nghe, trái chiều với Nhà nước vì mong muốn giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống cộng đồng từ những chính sách, chủ trương ‘chưa phù hợp’. Tất nhiên, mọi quan điểm, góp ý, thực thi đều dựa trên các nguyên tắc xác định của những công ước nhân quyền mà Việt nam ký kết. Hay đúng hơn, là trên cơ sở dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong tiến trình nhà nước và xã hội dân sự đồng hành, niềm tin là điều cần có. Bởi thiếu niềm tin, là sự áp đặt duy ý chí các quan điểm đi ngược quy luật của thời đại, trong đó biến các tổ chức xã hội dân sự thành một cụm tổ chức đảng phái nhằm tranh giành quyền lực, xóa bỏ chế độ. Dù bản thân các tổ chức xã hội dân sự độc lập tuyệt nhiên không hướng tới những điều bị áp đặt đó. Do đó, nhà nước cần một cái nhìn cởi mở và thiện cảm hơn để tiệm cận tính pháp quyền và một nhà nước kiến tạo thực sự trên cơ sở ‘đừng tạo con ma xó’ cho chính mình nữa. Còn với xã hội dân sự, bằng sự minh bạch và nhiệt tâm, vẫn ‘vì nhân dân quên mình’.