Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 22 từ ngày 28/5 đến 03/6/2018: Nhà hoạt động Nguyễn Trung Lĩnh bị bắt sau lời kêu gọi biểu tình

DTD logo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 03/6/2018

 

An ninh thành phố Hà Nội đã bắt giữ nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh sau khi ông có lời kêu gọi trên mạng xã hội Facebook biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Biển Đông và phản ứng yếu ớt của nhà cầm quyền Việt Nam.

Hàng xóm của ông Lĩnh nói ông bị bắt và khám nhà. Tuy nhiên, công an thành phố chưa công bố vụ bắt giữ cũng như cáo buộc mà ông có thể phải đối mặt.

Ngày 25/5, ông Lĩnh được cho là đã đưa ra lời kêu gọi biểu tình toàn quốc vào sáng chủ nhật 27/5. Ông có thể là người hoạt động thứ 4 bị bắt trong năm nay, sau các ông Vũ Văn Hùng, Đỗ Công Đương và Nguyễn Duy Sơn.

Sáng ngày 02/5, một nhóm bất đồng chính kiến đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ tại đường Kim Liên Mới (Hà Nội) với biểu ngữ mang dòng chữ “Đòi hỏi dân chủ không phải là tội” và hình ảnh sáu thành viên của Hội Anh em Dân chủ đang bị giam cầm. Một lúc sau, công an phường Ô Chợ Dừa ra bắt giữ ba trong số họ, bao gồm Trương Văn Dũng, Phùng Thế Dũng và Trịnh Bá Phương. Họ bị giam trong đồn công an phường tới tận chiều tối, và anh Phương cho biết anh bị một công an mặc thường phục đánh vào thái dương.

Đêm 01/6, nhà bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang tới Hà Nội sau nhiều tuần ở Sài Gòn. Cô bị an ninh thành phố buộc cô phải trở về căn hộ của mẹ cô, nơi cô bị theo dõi sát sao. Sáng hôm sau, an ninh đến buộc cô đi làm việc về những hoạt động của cô, và đưa cô về nhà lúc chiều muộn. An ninh vẫn canh gác căn hộ, và cô sẽ buộc phải đến làm việc với công an vào sáng thứ Hai.

Đây là vụ bắt giữ, câu lưu thứ 3 đối với nhà báo Đoan Trang kể từ đầu năm đến nay.

Công an ở nhiều nơi tiếp tục sách nhiễu người hoạt động và gia đình của họ. Ngày 01/6, công an Bắc Ninh gửi giấy triệu tập tới hai con gái Đỗ Lan Anh (17 tuổi) và Đỗ Hồng Anh (14 tuổi) của nhà báo công dân Đỗ Văn Đương, người đang bị giam giữ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015, để làm việc về những hoạt động của ông. Tất nhiên, mẹ và hai cô gái đã từ chối, nói rằng họ không biết gì về hoạt động của ông.

Trong khi đó, công an Hà Nội yêu cầu nhà hoạt động Ngô Duy Quyền phải đến làm việc về những bài viết trên Facebook của ông, một tuần sau khi ông có bài viết kêu gọi Việt Nam bắt giữ Trung tướng an ninh Đường Minh Hưng theo truy nã của Chính phủ Đức vì những liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin vào tháng 7 năm ngoái.

Nhiều tù nhân lương tâm và gia đình của họ nghi ngờ rằng thức ăn mà họ nhận được từ nhà tù là không an toàn và chứa hoá chất độc hại. Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói cô bị đau đầu và bụng khi ăn thức ăn của Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá) và do vậy giờ đây cô chỉ ăn thức ăn khô và hoa quả mà gia đình tiếp tế. Cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu cũng cho biết bà nhiều lần thấy rát cổ họng sau khi ăn cơm ở nhà tù trên.

Chính quyền ở nhiều nơi thắt chặt an ninh trong thời gian cuối tuần, và đưa công an và dân phòng tới gần nhà riêng của người hoạt động nhằm ngăn cản họ tụ tập biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm biển đảo ở Biển Đông, và các chính sách của chính phủ Việt Nam, kể cả kế hoạch định cho Trung cộng thuê đất dài hạn ở Vân Đồn, Phú Quốc và Vân Phong.

===== 28/5 =====

Luật An ninh Mạng Việt Nam: Có sự trá hình về tên gọi

Theo luật gia Trần Đình Thu, Quốc hội Việt Nam đang bàn thảo về Luật An ninh mạng, một dự luật có sự trá hình về tên gọi.

Theo ông, hiện nay có nhiều nước ban hành luật an ninh mạng (Law on Cyber Security), nhưng về bản chất luật của họ khác 180 độ với luật Việt Nam! Luật của Nhật, Mỹ chẳng hạn, đối tượng chế tài của luật là các hacker, và luật đặt ra để bảo vệ hạ tầng mạng quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân trước sự phá hoại của các hacker. Luật của họ hoàn toàn không có hoặc có rất ít các quy định liên quan đến vấn đề phát ngôn của công chúng. Chẳng hạn như luật của Nhật, có 39 điều nhưng không có điều nào quy định vấn đề phát ngôn của công chúng!

Còn luật Việt Nam thì sao? Đối tượng chế tài chính trong luật Việt Nam không phải là hacker mà là người dân nói chung. Và luật không đặt trọng tâm vào bảo vệ mạng máy tính mà đặt trọng tâm vào việc ngăn chặn các nội dung trên mạng xã hội. Hay nói cách khác, luật các nước bảo vệ góc độ kỹ thuật của mạng máy tính như xâm nhập phá hoại, đánh cắp dữ liệu… còn luật Việt Nam thì chế tài vấn đề nội dung lan truyền trên mạng.

Chẳng hạn như Điều 8 của luật Việt Nam, có quy định 10 vấn đề bị cấm thì chỉ có 3 vấn đề thuộc mạng máy tính, còn 7 điều thuộc phạm trù nội dung trên mạng.

Luật của Mỹ, Nhật không có điều luật nào cho phép tấn công vào người dùng mà chỉ bảo vệ người dùng, ngược lại luật Việt Nam có nhiều điều cho phép tấn công người dùng, ngắt mạng cục bộ, vô hiệu hóa mạng của người dùng…vv.

Như vậy, một cách tổng quát thì có vẻ tên luật không phù hợp với nội dung văn bản luật. Hay nói cách khác tên gọi Luật an ninh mạng là 1 tên gọi trá hình. Đây là điều hoàn toàn không nên làm, vì Việt Nam đã hòa nhập với thế giới, nếu làm như vậy thì vô hình chung Việt Nam có vẻ đang đánh lừa thế giới. Theo tôi nếu muốn thông qua luật này thì cần phải đổi tên luật.

Về mặt nội dung, nếu thực hiện theo luật này, có thể có một số nội dung mang tính tích cực; như ngăn chặn xúc phạm danh dự cá nhân, lừa đảo… nhưng đồng thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền tự do ngôn luận của người dân. Bởi vì luật đã đưa vào đây nhiều khái niệm của Bộ luật hình sự có khả năng chụp mũ những phát ngôn của người dân như Điều 15 luật này quy định.

Việc thông qua luật này sẽ là một bước lùi lớn về quyền tự do ngôn luận, và xét theo lợi ích thì chỉ có hại cho quốc gia vì nó bóp nghẹt kênh phản biện của nhân dân đối với các chính sách của nhà nước Việt Nam.

===== 29/5 =====

Công an tiếp tay côn đồ đốt rừng thông của Đan Viện Thiên An

Các tu sĩ dòng Benedictine thuộc Đan viện Thiên An ở Huế chỉ trích nhà cầm quyền địa phương không điều tra những vụ cháy rừng có dấu vết phóng hỏa. Trong khi đó, các chi tiết về những vụ cháy rừng mới nhất cho thấy hiện tượng công an tiếp tay cho côn đồ ngăn cản các đan sĩ chữa cháy.

Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng kể lại hai vụ cháy mới nhất trong rừng thông xung quanh Đan viện Thiên An vào hai ngày 22 và 23 tháng 5. Sư huynh Vọng, 81 tuổi, cho biết khoảng 50 đan sĩ đã dùng ống nước, cuốc xẻng, dao và những dụng cụ khác để dập tắt ngọn lửa thứ nhất chỉ cách đan viện khoảng 300 mét.

Trong lúc đó, một nhóm côn đồ xuất hiện, la hét và tìm cách ngăn cản các đan sĩ dập tắt ngọn lửa lan dần về phía đan viện. Bọn côn đồ còn nói với các đan sĩ rằng, khu rừng này không thuộc về đan viện. Hai công an viên xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, có mặt tại đó nhưng hoàn toàn không giúp dập lửa. Thậm chí, theo lời kể của Sư huynh Vọng, hai công an viên này còn giật máy quay phim từ tay một số đan sĩ tìm cách thu thập bằng chứng về vụ hỏa hoạn.

Vụ cháy thứ hai được các đan sĩ dập tắt với sự giúp sức của một nhóm binh sĩ đóng gần đó. Linh mục Louis Gonzaga Đặng Hùng Tân, người đứng đầu Đan viện Thiên An, cho biết từ đầu năm đến nay đã xảy ra bốn vụ cháy, phá hủy 5 héc ta rừng thông do các đan sĩ trồng từ nhiều thập niên trước.

Theo Linh mục Tân, sau khi xem xét chứng cứ tại chỗ, các đan sĩ đoan chắc rằng các vụ hỏa hoạn này là do con người gây ra. Khu vực này hiện đang trong mùa khô kéo dài từ tháng 5 tới tháng 9. Năm bồn chứa nước mưa tại đan viện đã cạn, và các đan sĩ phải mang nước từ cách xa 10km về sử dụng hàng ngày. Họ không được sử dụng nước hồ thủy tiên ngay bên cạnh đan viện, vì hồ này đã bị nhà cầm quyền cộng sản tịch thu.

===== 30/5 =====

Báo cáo tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Hà Nội tiếp tục đàn áp tôn giáo

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Thế giới 2017 vào ngày 29/05. Báo cáo thường niên này được đệ trình lên Quốc Hội theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Phần đề cập đến Việt Nam của báo cáo nói rằng, Hà Nội tiếp tục kiểm soát, đàn áp những tổ chức tôn giáo không chịu sự kiểm soát của nhà nước. Báo cáo nhấn mạnh rằng, mặc dù Hiến pháp Việt Nam quy định tự do tín ngưỡng và tự do thờ phượng theo đức tin là quyền mà người dân được hưởng, luật lệ hiện hành với những điều khoản mơ hồ lại cho nhà cầm quyền đàn áp bất cứ tổ chức tôn giáo nào dưới danh nghĩa “bảo vệ an ninh quốc gia” và “duy trì đoàn kết dân tộc”.

Báo cáo cũng đề cập đến hai trường hợp tín đồ tôn giáo thiệt mạng khi bị công an giam giữ, là ông Ma Seo Sung ở thành phố Buôn Mê Thuột và ông Nguyễn Hữu Tấn ở tỉnh Vĩnh Long. Cả hai vụ đều xảy ra trong tháng 5 năm 2017. Mặc dù nhà cầm quyền nói họ chết vì tự tử, nhưng các gia đình các nạn nhân tin rằng cái chết của họ liên quan đến việc sử dụng vũ lực của công an.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định, thành viên của các tổ chức tôn giáo chưa được nhà cầm quyền cấp phép hoạt động tiếp tục bị công an địa phương quấy rối, tấn công, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại, thu giữ tài sản hoặc ép buộc bỏ đạo và chấm dứt hoạt động tôn giáo.

USCIRF Releases 2018 Annual Report, Recommends 16 Countries be Designated “Countries of Particular Concern”

===== 31/5 =====

Mẹ Nấm tuyệt thực để phản đối việc đối xử vô nhân đạo trong tù

Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) đã tuyệt thực trong tù trong các ngày 05-11/5 để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo trong tù, theo mẹ của cô, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan.

Hôm 31/5, bà Lan đã dẫn hai con nhỏ của Quỳnh đến trại giam để gặp cô, lần đầu tiên ba mẹ con được gặp nhau kể từ khi cô bị bắt vào ngày 06/10/2016.

Quỳnh cho biết do cô không chịu thừa nhận là có tội như bản án đã tuyên, nên cô không được trại giam cho phép trao đổi thư từ với bên ngoài. Tất cả thư cô gửi về, cũng như thư gửi đến cho cô, đều bị Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá) giữ lại.

Cô cũng cho biết nhiều lần ăn cơm trại giam, cô bị đau bụng và đi ngoài, nên cô nghi ngờ cơm đã bị trộn chất gì đó. Do vậy, cô quyết định không ăn cơm do nhà tù cung cấp, mà chỉ ăn thức ăn khô và trái cây mà gia đình gửi tới.

Ngay như trong buổi gặp với mẹ và hai con, Quỳnh cũng không được phép ăn trưa cùng họ. Giám thị trại giam nói chỉ có tù “ngoan” mới được hưởng “đặc ân” này.

Quỳnh, với hai con 6 và 11 tuổi, đang thi hành án 10 năm tù tại Trại giam số 5 ở Thanh Hoá, cách nơi gia đình cô sinh sống ở Nha Trang gần 1.000 km.

===== 01/6 =====

Nhà hoạt động Ngô Duy Quyền bị triệu tập vì bài viết trên Facebook

Ngày 01/6, công an thành phố Hà Nội đã gửi giấy triệu tập yêu cầu nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Ngô Duy Quyền đến cơ quan công an vào ngày 02/6 để làm việc về những bài viết của ông trên Facebook.

Việc triệu tập này được cho là có liên quan đến một bài viết ở tài khoản của Ngô Duy Quyền, với yêu cầu Việt Nam bắt giữ Trung tướng Đường Minh Hưng, phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an) vì ông này bị chính phủ Đức truy nã do có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin vào tháng 7 năm ngoái.

Cùng với việc gửi giấy triệu tập, công an thành phố Hà Nội cũng cử nhiều mật vụ và dân phòng đến canh gác nhà riêng của ông trong nhiều ngày gần đây.

Ông Quyền từ chối thực hiện yêu cầu của công an thành phố Hà Nội.

Năm 2016, ông Quyền bị bắt cóc khi đang đi giao hàng, và bị khám nhà vì ông đã thay mặt một số nhà hoạt động gửi thư ngỏ về vấn đề tra tấn người trong đồn công an. Công an Hà Nội vẫn chưa trả nhiều vật dụng, bao gồm máy tính, sách vở và tiền mặt mà họ thu giữ từ thời đó.

——————–

Công an Bắc Ninh triệu tập hai con nhỏ của nhà báo công dân Đỗ Văn Đương

Ngày 01/6, công an tỉnh Bắc Ninh đã gửi giấy triệu tập đến hai con gái của nhà báo công dân Đỗ Văn Đương, người đang bị giam và điều tra về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015 vì những hoạt động chống tham nhũng và cưỡng chế đất đai của ông.

Theo giấy triệu tập, hai cô con gái Đỗ Lan Anh (17 tuổi) và Đỗ Hồng Anh (14 tuổi) phải có mặt tại cơ quan công an vào sáng 02/6 để làm việc về các hoạt động của ông bố.

Tất nhiên, mẹ và hai cô gái không nhận giấy triệu tập, nói rằng họ không biết gì về hoạt động của ông Đương.

Ông Đương bị bắt ngày 26/1 với cáo buộc ban đầu là “gây rối trật tự công cộng” khi ông quay phim vụ cưỡng chế đất đai trong cùng ngày ở một địa phương gần đó của thị xã Từ Sơn. Cuối tháng Tư, công an Bắc Ninh đổi tội danh sang “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Ông Đương là một chiến sỹ chống tham nhũng và cướp đất đai, và chính vì thế mà ông bị bắt.

===== 02/6 =====

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị giam lỏng, bắt làm việc

Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang bị công an Hà Nội giam lỏng và bắt làm việc khi cô trở về Hà Nội sau nhiều tuần ở Sài Gòn.

Đêm 01/6, khi cô vừa đến Hà Nội và ở chân cầu thang của nhà một người bạn, an ninh Hà Nội đã xông đến, buộc cô phải trở về căn hộ của mẹ cô ở chung cư Lê Đức Thọ. Tại đây, công an bao vây khu vực và giám sát cô chặt chẽ.

Sáng ngày 02, an ninh đến buộc cô lên một chiếc xe và đi làm việc mà không có bất kỳ thông báo gì cho mẹ cô. Đến chiều muộn, cô được đưa trả về nhà, và công an nói cô phải tiếp tục làm việc về các hoạt động của cô trong ngày thứ Hai.

Công an vẫn giám sát nhà cô chặt chẽ.

Vụ việc giam lỏng và tra vấn Đoan Trang có thể nhằm ngăn cản cô thể hiện sự ủng hộ đối với sáu nhà hoạt động của Hội Anh em Dân chủ trong phiên toà phúc thẩm ngày 04/6.

Đây là vụ bắt giữ và thẩm vấn lần thứ 3 đối với Đoan Trang trong năm nay. Hai lần trước diễn ra vào cuối tháng Hai và đầu tháng 3.

——————–

Công an Hà Nội câu lưu 3 nhà hoạt động, Trịnh Bá Phương bị đánh trong đồn

Sáng ngày 02/5, một nhóm bất đồng chính kiến đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ tại đường Kim Liên Mới (Hà Nội) với biểu ngữ mang dòng chữ “Đòi hỏi dân chủ không phải là tội” và hình ảnh sáu thành viên của Hội Anh em Dân chủ đang bị giam cầm.

Một lúc sau, công an phường Ô Chợ Dừa ra bắt giữ ba trong số họ, bao gồm Trương Văn Dũng, Phùng Thế Dũng và Trịnh Bá Phương.

Họ bị giam trong đồn công an phường tới tận chiều tối, khi có nhiều người đến yêu cầu trả tự do cho họ.

Anh Phương, một thủ lĩnh trẻ của phong trào dân oan Dương Nội, cho biết anh bị một công an mặc thường phục đánh vào thái dương.

Trong ngày 03/6, chính quyền nhiều địa phương đưa công an và dân phòng đến canh gác gần nhà riêng của người hoạt động tại địa phương để ngăn cản họ tụ tập biểu tình ủng hộ dân chủ và phản đối nhiều chính sách kinh tế-xã hội của đảng cầm quyền cũng như việc Trung Quốc xâm lấn biển đảo ở Biển Đông.

===== 03/6 =====

Chính quyền Việt Nam đầu độc tù nhân lương tâm?

Nhiều tù nhân lương tâm nghi ngờ rằng họ bị chính quyền Việt Nam đầu độc bằng thức ăn và nước uống có nhiễm hoá chất trong thời gian họ thi hành án tù.

Trong lần thăm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngày 31/5, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho biết gần đây Quỳnh không nhận thức ăn của trại nữa mà chỉ ăn thức ăn do gia đình gởi vào vì nhiều lần sau khi ăn thức ăn của trại giam thì sức khỏe của chị có nhiều triệu chứng bất thường, hay mệt mỏi.

Bà Lan lo lắng về việc con gái bà có thể bị đầu độc bởi Trại giam số 5 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

Bà Cấn Thị Thêu, một cựu tù nhân lương tâm, người đã thụ án tù 20 tháng tại Trại giam số 5 trước khi được trả tự do vào tháng Hai năm nay, nói “Kể cả ở trại 5 hay trại giam Gia Trung, tôi cũng nhiều lần bị như thế. Có khi ăn thức ăn ở trại xong thì thấy người mệt mỏi, khô rát cổ họng nhưng không khát nước. Tôi cũng nghi ngờ không biết họ có cho hóa chất hay thuốc gì đó vào để hại mình không?.”

“Với chế độ tàn ác này thì họ có thể nghĩ mọi cách để giết dần, giết mòn những người đấu tranh, những tù nhân chính trị,” bà Thêu cho biết thêm.

Nghi ngờ đầu độc cũng được bà Lê Thị Minh Hà đặt ra với trường hợp chồng mình là nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (tức Anh Ba Sàm) sau khi bà có chuyến thăm đến trại 5 hôm 21/5. Trên trang facebook cá nhân của mình, bà Hà cho biết ông Vinh “bị đau bụng và tiêu chảy” sau khi “uống cốc nước” từ “2 thanh niên trẻ không đồng phục, không phù hiệu xuất hiện ở khu giam riêng mời”.

Trước đó cũng có những nghi ngờ chính quyền Việt Nam đầu độc tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định khiến ông bị ung thư, và mất chỉ vài tháng sau khi được ân xá.

Trước đó, tù nhân chính trị Huỳnh Anh Trí bị giam chung với tù nhân nhiễm HIV, và anh đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Sau khi thụ án tù 14 năm, anh Trí đã mất khoảng 6 tháng sau đó.

Ân xá Quốc tế đã nhiều lần tố cáo Việt Nam đối xử vô nhân đạo với tù nhân, đặc biệt tù chính trị. Tổ chức này kêu gọi Việt Nam cải thiện đời sống tù nhân theo Tiêu chuẩn tối thiểu về Đối xử với tù nhân (Quy tắc Mandela) của LHQ.

==========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây.