Ông Vũ Trọng Lương đáng tội… bất lương!

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 22/7/2018

 

Ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang thật… bất lương.

Ông Lương bất lương

Chính ông là người tự ý sửa điểm thi của con gái Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh, một người liêm khiết và có tự trọng; người mới đây đã phải bày tỏ sự buồn bực vì sự tự ý này. Còn ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng đầy minh bạch mà tuyên bố rằng: Không lãnh đạo Hà Giang nào nói phải đưa con tôi vào đại học.

Chính ông Vũ Trọng Lương là người vạch ra kế hoạch đưa lãnh đạo tỉnh vào tròng, khi ông nâng đỡ điểm cho hàng loạt con/cháu của các vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh.

Cũng chính ông Vũ Trọng Lương là người đã hủy hoại hàng chục gia đình, mạo nhận tin nhắn đến và đi trong thông báo số báo danh xin sửa điểm.

Vũ Trọng Lương lủi thủi đi ra khỏi cơ quan

Và cũng chính ông Vũ Trọng Lương là người đi ngược lại với truyền thống hiếu học gia đình ông, khi bản thân người nhà ông cho biết, ông đã ‘hại’ con cháu, vì không ai nhờ vả anh ta sửa điểm, và việc giờ bị phát giác đã khiến gia đình, họ hàng bị tổn thất uy tín, danh dự, nhân phẩm.

Bất lương lớn nhất là ông tự ý sửa điểm, nâng điểm mà không hỏi ý kiến đối tượng; bất lương thứ hai là ông làm một mình với tốc độ thần tốc 6 giây/ 1 bài; bất lương thứ ba là ông hủy hoại truyền thống hiếu học của tỉnh Hà Giang.

Ông Vũ Trọng Lương thật bất lương. Đấy là những gì mà những người trong cuộc đang chĩa mũi giáo luận điểm về ông. Nói như Facebooker Loc Nguyen, thì ông Vũ Trọng Lương đã quá nhiệt tình đến ngu dốt khi đã chui vào nhà Bí thư tỉnh ủy, cưỡng ép con gái Bí thư đưa số báo danh để ông… nâng điểm. Và tình trạng cưỡng ép này áp dụng cho hàng tá người con lại.

Không có đường dây, chỉ có ông Lương?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Tất Thắng cho rằng qua vụ điểm thi ở Hà Giang, nghi ngờ về đường dây chạy điểm hoàn toàn có cơ sở. Nhưng thực tiễn đã cho thấy, những phát ngôn từ những đối tượng có liên quan tại tỉnh ‘Hà Gian’ thì trăm người như một đều hướng tới đổ đầu trách nhiệm ông Lương như cái chức vụ ‘Phó’ mà ông phải đảm nhiệm.

Riêng với lãnh đạo đầu tỉnh Hà Giang lên tiếng tự minh oan mình trong vụ tiêu cực này như một quy trình thống nhất và khép kín. Nó làm gợi nhớ về một sự kiện xảy ra 9 năm về trước, đó là khi Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh (Vị Xuyên) một mực kêu oan, cho rằng, ông bị ép buộc… mua dâm.

Câu chuyện tiêu cực ‘Hà Gian’ và cách tự bầu chữa của những lãnh đạo tỉnh Hà Giang khiến ai cũng cho đây là một câu chuyện hài có phần ngô, nhưng thực chất họ rất tỉnh, đầy nghiêm túc trong việc hỗ trợ dư luận xã hội vạch trần sự bất lương của người em, người con, nhân viên… Vũ Trọng Lương. Và khi câu chuyện theo chiều hướng anh Lương gánh chịu tội, thì quan điểm hứa hẹn xử lý sâu mọt triệt để của ngài Bí thư tỉnh ủy Hà Giang như tiếng trống báo hiệu mở cờ.

Đấy là sự lãnh đạo và xử lý khủng hoảng rất tài tình đến mức những ai lỡ bị anh Lương ‘tự ý sửa điểm, nâng điểm’ cnếu không  muốn rung đùi, cũng phải rung chân (kể cả rung chân trong đầu) vì khoái chí … cũng như tự tưởng thưởng mình được phép vỗ đùi một cái thật kêu mà thốt lên rằng: tài gì mà tài đến thế lỵ!!!

‘Tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh’

Ông Vũ Trọng Lương là kẻ bất lương duy nhất trong vụ tiêu cực lần này cũng không có gì là lạ, bởi hiện tượng ‘Hà Gian’ được phát sinh từ bản chất xã hội mà nguyên tắc tranh công – chối tội – đổ lỗi – thanh minh luôn được xem là bí kiếp sống-còn. Khi một nhóm thực hiện các hành vi tiêu cực, thì để dẹp yên dư luận, một đối tượng liên quan trực tiếp nhất hoặc yếu nhất sẽ trở thành dê tế thần. Thực tế của đời sống chính trị – xã hội Việt nam hiện nay hoàn toàn không thiếu các trường hợp nêu trên, ngay trong địa vực giáo dục cũng có thể nhận ra: từ ‘lỗi do đánh máy’ như cách mà Trường ĐH Lâm Nghiệp Hà Nội chữa thẹn về văn bản thông báo cho Công an Hà Nội đề nghị kỷ luật các cá nhân vi phạm quy chế phát ngôn liên quan đề án cây xanh (6700 cây xanh đầy tai tiếng) đến ‘lỗi kỹ thuật’ mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải đăng đàn Quốc Hội để bày tỏ khi thu hồi đề án đổi mới thi cử với kinh phí 749 tỷ đồng (gây shock và bị dư luận lên án).

Ông Lương giờ đây vừa là nạn nhân vừa là một thủ phạm đáng lên án, bởi ông đóng vai trò trung gian để tạo ra tiêu cực, hay nói cách khác, ông Lương không khác gì ‘anh thiên lôi chỉ cần cấp trên chỉ tay là việc gì cũng làm không cần biết đến đạo lý, pháp luật, đúng sai, danh dự, nhân phẩm gì cả.’. Nhưng cuối cùng ông bị bộ máy tiêu cực đó nghiền nát cả thanh danh lẫn trách nhiệm.

Cái dáng lủi thủi ông đi xe máy ra khỏi cơ quan khi sự việc bắt đầu bị phát giác vừa đáng thương, lại vừa đáng trách!.