Vì sao Đảng và Nhà nước vẫn ngại Luật An ninh mạng?

Mặc dù ông chủ tịch Nước đã ký ban hành Luật An ninh mạng, song cho đến nay xem ra “Đảng và Nhà nước” vẫn e ngại luật này, và họ sẳn sàng dùng mọi cách để buộc các tòa soạn báo không được đăng các ý kiến phản đối, dù là dịch từ… Reuters chẳng hạn.

Trúc Giang, Việt Nam Thời báo, ngày 22/7/2018

“Nam kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị”, đây là bình luận được cho là nguyên cớ để xử phạt báo Tuổi Trẻ phiên bản điện tử. Thế nhưng nếu mang câu đó để lý giải câu chuyện vì sao ở tờ Vietnam Net cũng dẫn lời ông chủ tịch Trần Đại Quang về cần kíp luật biểu tình, thì tờ báo này chỉ bị phạt 50 triệu đồng, không bị đình bản. Phải chăng đó là vì Vietnam Net thuộc… Bắc kỳ? [http://bit.ly/2zUFWu2]

Cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhà báo Đặng Tâm Chánh nói rằng việc đình bản 3 tháng báo Tuổi Trẻ điện tử cũng chỉ là cuộc đấu đá nhau chốn hậu trường chính trị tại Hà Nội.

Tờ Sài Gòn Tiếp Thị, nơi ông Đặng Tâm Chánh từng làm tổng biên tập đã bị ép phải ‘chuyển chủ quản’, sát nhập vào tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Ông nhớ lại trong chua chát: “Dẹp tiệm báo Sài Gòn Tiếp Thị. Đình bản Tuổi Trẻ online 3 tháng. Đó là những tờ báo duy trì mạng sống bằng tiền của người đọc, không phải bằng tiền của ngân sách, càng không phải bằng tiền của đảng.

Ảnh minh họa.

Đình bản hay đóng cửa thì cùng lắm đảng chỉ bố trí được công việc cho lãnh đạo báo là cán bộ thuộc cấp ủy quản lý. Hàng trăm người lao động khác cùng gia đình họ mất việc, mất ăn, mất học không có trong lo lắng của các vị. Các vị được nuôi bằng tiền của dân mà dân có đuổi được các vị ra đường đâu?.

Các vị không nuôi chúng tôi ngày nào, người nuôi chúng tôi cũng đang nuôi chúng tôi tử tế, các vị không cho họ nuôi nữa bằng cách tước của họ quyền tiếp cận sản phẩm. Các vị nói tự do báo chí không mắc cỡ miệng, khi quyền tự do ấy chỉ là quyền tự do đình bản, dẹp tiệm báo chí.

Các vị có quyền, nhưng dữ lắm là tới cán bộ của các vị. Có xử lý ngang ngược kiểu nào thì cũng là chuyện trong tổ chức của các vị. Tờ báo là của người đọc. Cũng như đất nước này là của nhân dân. Chúng tôi nhận thức đất nước mình khổ quá, nghèo quá, dân tộc mình đau thương quá, xã hội mình lạc hậu mà tao tác quá, cần một thời gian và không gian yên ổn để làm ăn, phát triển.

Thí dụ thế này cho dễ hiểu về quyền của các vị. Nếu ai đó, kể cả bộ chính trị, cho mình cái quyền kỷ luật bằng hình thức giải tán ban tuyên giáo hay bộ 4T, thì hẳn các vị sẽ buồn cười cái sự nghiêm khắc và vô lối của cái quyền ấy.

Cũng như với doanh nghiệp, các vị cho mình quyền giải thể, đình chỉ hoạt động khi nó vi phạm hành chính, hay lãnh đạo của doanh nghiệp vi phạm kỷ luật của hiệp hội doanh nhân, chắc rằng cả thế giới họ cười. Các vị đang quản lý báo chí bằng lối quan niệm quyền lực ấy đấy.

Kỷ luật mà các vị định đọat, phần hợp lý thì chỉ làm người ta sợ chứ không phải là chuẩn mực khiến người ta tuân thủ hay có tính định hướng. Còn lại thì thấy buồn cười. Sẵn dịp xin hỏi ai đã chỉ đạo không nhắc lại quá khứ đáng tiếc trong trong quan hệ giữa đảng cộng sản Trung Quốc với đảng cộng sản Việt Nam thành chủ trương tuyên truyền không được “đụng” tới “bạn”?, ai biến chủ trương ấy thành kiểu thực hiện xoá bỏ các ghi nhớ về chiến tranh biên giới 1979 với Trung Quốc hay các trận chiến Gạc Ma, Hoàng Sa?

Hãy xử lý trước khi xử lý các tờ báo và các đảng viên trong các tờ báo ấy. Làm đi rồi hãy nói chúng tôi về cái gọi là sai phạm kéo dài, các vị ạ!”.

Góp cùng tiếng nói với nhà báo Đặng Tâm Chánh, luật sư Trần Thành nói rằng mai này khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, thì đình bản sẽ là chuyện nhỏ. Các tờ báo còn có thể bị buộc phải phản bội bạn đọc bằng việc cung cấp cả danh tánh thật của bạn đọc đã bình luận/ còm – men; và những hành vi lâu nay vẫn gọi là ‘bí mật nguồn tin’ của phóng viên, của tòa soạn sẽ phải ‘mở toang’ hồ sơ cho công an đường hoàng bước vào theo dõi.

“Có một ông bạn vốn là nhà báo và cũng là dân ngành luật, kể với tôi rằng ông đã được một phó chánh thanh tra cấp sở mời lên làm việc. Vị phó chánh này đưa một đống bản in về các bài viết liên quan dự luật đặc khu, luật an ninh mạng mà ông nhà báo có nghề luật đó đã viết và đăng trên trang web của chính ông lập ra. Vị phó nói phía Hà Nội yêu cầu xử phạt 70 triệu đồng… Xem ra chẳng mấy ai tin xứ mình có tự do ngôn luận, dù là thứ ngôn luận theo đúng lằn ranh của luật pháp!”. Luật sư Trần Thành nói.