Cần khởi tố vụ án “Sài Gòn kỷ niệm”

Xô xát đã diễn ra và có ít nhất 4 người bị đánh đập đến mức độ gây thương tích, trong đêm Liveshow nhạc vàng chủ đề “Sài Gòn kỷ niệm” của ca sĩ Nguyễn Tín vào tối ngày 15 tháng 8 tại quán café Casanova,61C đường Tú Xương, phường 7, quận 3, TP.HCM.

Hình ảnh đêm liveshow của ca sĩ Nguyễn Tín tại quán cafe Casanova đêm 15 tháng 08

Thảo Vy, Việt Nam Thời báo, ngày 20/8/2018

 

Ca sĩ Nguyễn Tín được cộng đồng mạng biết đến với những ca khúc nhạc vàng livestream trên mạng xã hội. Anh cũng thường tham gia các hoạt động thiện nguyện, cũng như giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm. Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, ca sĩ Nguyễn Tín tham gia biểu tình, phản đối 2 dự luật đặc khu và an ninh mạng tại Sài Gòn. Sau đó, vào đêm 15 tháng 6, anh bị công an ập vào phòng trọ cưỡng chế bắt đi. Sau 3 ngày bị giam giữ, anh được trả tự do.

Quyền tự do dân chủ đã bị xâm phạm

Trong một chia sẻ trên trang cá nhân, ca sĩ Nguyễn Tín viết: “Đến hôm nay ngày 17/8/2018 sau 36 tiếng bị hành hung đánh đập như một tên tội phạm khủng bố, bị cướp hết tài sản và giấy tờ tuỳ thân bỗng nhiên trở thành một cú sốc tâm lý đối với Tín nên bản thân vẫn chưa hết bàng hoàng.

Tín không phải là một nhà hoạt động cho tổ chức hay một hội nhóm nào cả, những việc Tín làm chỉ xuất phát từ lương tri của một con người bình thường đang sống trong một xã hội thối nát của Việt Nam thời quá độ.

Vâng! Các anh chị có quyền im lặng và sống như những gì mình đang sống nhưng Tín không làm được khi chứng kiến cảnh chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt đưa đi trước mặt những đứa con thơ và Mẹ già khi chị lên tiếng trước những thảm hoạ tàn phá môi trường của Formosa, xuống đường chống lại các lần trung quốc mang dàn khoang độc chiếm biển Đông hay điều tra về các nạn nhân chết trong đồn công an….

Những gì Tín đang làm rất nhỏ bé so với chị, nhưng Tín không cho phép bản thân mình sống hèn nhát trong nồi nước sôi đang đun những con ếch vô cảm. Tín cần phải làm gì đó để sau này có thể vỗ ngực tự hào với con mình rằng ba của con ngày xưa không hèn nhát và con thấy đó ba sống tự hào và không vô cảm!”.

Nhà báo Nguyễn Nam Dương, người đã có mặt trong đêm nhạc “Sài Gòn kỷ niệm”, kể rằng đêm hôm đó không ai trong khán phòng Casanova gây rối trật tự công cộng, không biểu tình, những bài hát cũng không có gì đặc biệt. Liveshow siêu nhỏ vẫn diễn ra bình thường, cho đến khi Nguyễn Tín hát bài “Cho một người nằm xuống” của Trịnh Công Sơn.

Từ ngoài cửa, xuất hiện một người đàn ông mập, trạc ngoài 50, tóc sương, bụng phệ, trên ve áo có gắn huy hiệu cho thấy đây là người của ngành chức năng bước vào quán. Cùng đi với người này, một người mặc áo ca rô nhuyễn, bỏ áo trong quần, dáng đậm người xộc vào với vẻ lạnh lùng. “Bài này đâu được phép hát”, người đàn ông của cơ quan chức năng vừa chỉ tay về phía ca sĩ vừa nói. Nhưng ông ta đi kiểm tra…. phòng cháy chữa cháy.

Khán giả xung quanh bắt đầu chĩa smartphone đến hai người đàn ông đó.

Khi Nguyễn Tín hát xong hai nhạc phẩm: “Đắp mộ cuộc tình”, “Căn nhà ngoại ô”, anh tuyên bố dừng liveshow, nhưng khán giả biết câu chuyện đêm nay chỉ mới bắt đầu. Phạm Đoan Trang bước ra đầu tiên khi cánh cửa khán phòng bị đóng chặt. Cô cùng vài người bên trong tông mạnh cánh cửa. Vừa mở cửa, an ninh đã đá cô ngã xấp và còng tay quăng lên xe chở đi.

Giọng một người nói lớn: “Chúng tôi kiểm tra giấy tờ”. Cuộc xô xát đã khiến chị Diễm bị đánh. Chị Huyền dù đã lớn tuổi nhưng an ninh cũng đã không nương tay. Một số xô xát sau đó giữa các khán giả và an ninh xảy ra, an ninh đã đánh nhiều người trong khi việc đi xem ca nhạc là một hoạt động không vi phạm pháp luật…

Vì sao phải khởi tố vụ án xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân?

Trong các giáo trình luật hình sự và một số sách nghiên cứu, bình luận chuyên sâu hiện nay có rất nhiều khái niệm khác nhau về các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, có thể điểm qua như sau:

PGS. TS. Trần Văn Luyện quan niệm: “Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự gây ra, có lỗi, làm nguy hại đến những quyền tự do dân chủ của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 1992”[ Xem: Trần Văn Luyện, Chương XIII – Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, trong sách: Bình luận khoa học Bộ Luật hình sự (phần các tội phạm), tập thể tác giả, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.144.].

ThS. Đinh Văn Quế viết: “Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ Luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của công dân”[ Xem: Đinh Văn Quế, Bình luận chuyên sâu Bộ Luật hình sự, Tập III – Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân; xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.14.].

TS. Trịnh Tiến Việt và tập thể tác giả quan niệm: “Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ Luật hình sự, do những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của công dân được Hiến pháp ghi nhận và pháp luật hình sự bảo vệ”[ Xem: Trịnh Tiến Việt (chủ biên), Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân theo luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010,tr.71-72.].

Như vậy, tình tiết được mô tả từ những người trong cuộc ở đêm Liveshow nhạc vàng chủ đề “Sài Gòn kỷ niệm” của ca sĩ Nguyễn Tín vào tối ngày 15 tháng 8 tại quán café Casanova, cho thấy đã phù hợp quy định Bộ Luật hình sự, tại Điều 157.1: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 [*] của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Cần phải khởi tố vụ án về xâm phạm quyền tự do dân chủ để giữ gìn kỹ cương của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.

[*] Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Điều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật.