Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 42, từ ngày 15 đến 21/10/2018: Mẹ Nấm được phóng thích, bác sỹ Nguyễn Đình Thành bị kết án 7 năm, nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị y án 20 năm tù giam

DTD logo

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 21/10/2018

 

Chế độ cộng sản Việt Nam đã phóng thích nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sau hai năm giam giữ và trước thời hạn tù 8 năm, và kết án bác sỹ Nguyễn Đình Thành với bản án 7 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” cũng như giữ nguyên bản án sơ thẩm 20 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với nhà hoạt động Lê Đình Lượng.

Ngày 17/10, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được biết dưới bút danh Mẹ Nấm, đã được trả tự do từ Trại tù số 5 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, nhưng sau đó bị đưa luôn ra sân bay Nội Bài và từ đó cô được đưa lên máy bay để sống lưu vong ở Hoa Kỳ, giống như một số nhà hoạt động trước đó như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Tạ Phong Tần, những người bị chính quyền Hà Nội coi như một món hàng để trao đổi với Washington và một số chính phủ dân chủ khác.

Cùng trong ngày, Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương kết án bác sỹ Nguyễn Đình Thành về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999. Bác sỹ Thành, người tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội danh tiếng, bị bắt ngày 08/6 khi đang photo 3.300 tờ rơi kêu gọi biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

Một ngày sau đó, tại Vinh, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã y án tù 20 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Lê Đình Lượng, một bản án hà khắc nhất trong 5 năm gần đây dành cho một nhà bất đồng chính kiến, được tuyên bởi Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 16/8.

Ông Lượng là một trong số 17 nhà hoạt động bị kết án với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của BLHS 1999 trong năm 2018. Những người khác bị kết án với mức án từ 7 đến 16 năm tù giam và thêm án quản chế từ 1 đến 5 năm.

Cơ quan công an tỉnh Đak Lak đã đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy với cáo buộc “Xúc phạm cờ Tổ quốc” theo Điều 286 của BLHS 1999. Vy, cựu chủ tịch Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam và hiện là đồng chủ tịch Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập Việt Nam, có thể phải đối mặt với mức án tù từ sáu tháng đến 3 năm nếu bị truy tố và kết tội. Cô hiện nay bị cấm đi khỏi địa phương, và có thể bị bắt sau 1 năm nữa khi con gái của mình tròn ba tuổi.

Chính quyền độc tài Việt Nam tiếp tục bỏ tù nhiều người từng tham gia biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng trong giữa tháng 6. Ngày 19/10, một toà án ở thành phố HCM đã kết án 3 công nhân vì đã tham gia biểu tình về tội danh “gây rối trật tự công cộng” với mức án từ 27 đến 39 tháng tù giam.

Cho tới nay, khoảng 70 người tham gia biểu tình đã bị truy tố, trong đó 59 người bị kết án với mức án từ 8 đến 54 tháng tù giam. Số còn lại bị án treo với mức án từ năm tháng đến 2 năm.

===== 17/10 =====

Mẹ Nấm được phóng thích, buộc sống lưu vong ở Hoa Kỳ

Ngày 17/10, hai năm sau ngày bị bắt và tám năm trước khi bản án kết thúc, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm, đã được trả tự do từ Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá).

Tuy nhiên, cô bị đưa thẳng ra sân bay Nội Bài và tống lên một chuyến bay sang Đài Loan, nơi cô sẽ đi tiếp đến Hoa Kỳ để sống lưu vong.

Cùng đi với cô có bà mẹ Nguyễn Thị Tuyết Lan và hai con.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt tháng 10/2016 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của BLHS 1999 vì những hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền, bảo vệ môi trường, và bảo vệ an toàn lãnh thổ, lãnh hải.

Tháng 6/2017, cô bị kết án 10 năm tù giam.

——————–

Bác sỹ y khoa bị kết án 7 năm tù giam vì cáo buộc chống chế độ

Ngày 17/10. Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương kết án bác sỹ Nguyễn Đình Thành về cáo buộc “”Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999.

Bác sỹ Thành, người tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội danh tiếng, bị bắt ngày 08/6 khi đang photo 3.300 tờ rơi kêu gọi biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

Theo báo chí lề đảng, bác sỹ Thành bị bắt quả tang khi đang in ấn, phát tán tài liệu kêu gọi công nhân bỏ việc đi phản đối nhà nước

===== 18/10 =====

Toà án Cấp cao tại Hà Nội bác bỏ kháng cáo của nhà hoạt động Lê Đình Lượng

Ngày 18/10, trong phiên phúc thẩm xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của BLHS 1999, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã bác bỏ kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trước đó, trong phiên sơ thẩm ngày 16/8, Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã kết án ông Lượng với mức án nặng nề 20 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Theo hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Hà Huy Sơn thì phiên tòa chỉ diễn ra trong khoảng 3 tiếng với lý do là Viện Kiểm sát (VKS) không mặn mà tranh luận và cũng không triệu tập 2 nhân chứng đã phản cung ở phiên sơ thẩm.

Ông Lượng khẳng định mình vô tội.

Trước phiên tòa một ngày, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án hà khắc 20 năm đối với nhà hoạt động dân chủ và môi trường Lê Đình Lượng.

Human Rights Watch cho rằng đây là cơ hội để tòa án sửa chữa sai lầm bằng cách phân biệt giữa việc chỉ trích chính phủ với những đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia, và bảo vệ quyền tự do biểu đạt của con người.

Ông Lê Đình Lượng, năm nay 53 tuổi, từng là cựu chiến binh quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc.

Ông bị bắt vào tháng 7 năm 2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” vì những hoạt động hỗ trợ nạn nhân Formosa cũng như xuống đường phản đối việc công ty Đài Loan này xả thải gây ô nhiễm môi trường.

===== 19/10 =====

Ân xá Quốc tế yêu cầu điều tra vụ 11 người Tày bị đánh

Ngày 19/10, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã ra thông cáo hối thúc chính quyền Việt Nam mở ngay cuộc điều tra rốt ráo về vụ việc 11 người Tày trong đó có cả phụ nữ và trẻ em ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái bị bảo vệ của Công ty Khai thác đá RK Việt Nam đánh bị thương khi phản đối các hoạt động mà người dân cho gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, tổ chức này đề nghị chính quyền Việt Nam cần có các biện pháp cụ thể để đảm bảo rằng những tác động về môi trường và quyền con người trong việc khai thác mỏ đá phải được đánh giá, giải quyết đúng cách; đồng thời bồi thường công bằng cho bất kỳ đất đai và di sản văn hóa nào bị lấy đi hoặc bị làm hư hại mà không có sự tự nguyện và tán thành của người Tày bản địa.

Vụ vệc xảy ra ngày 27/9/2018, khi đó hàng trăm người ở xã Lâm Thượng, đã tập trung phản đối công ty đá cẩm thạch RK Việt Nam, bị người dân cho là nghi phạm gây ô nhiễm nguồn nước duy nhất dành cho sinh hoạt và chăn nuôi, và khiến một số lượng lớn cá và gia cầm bị chết.

Đáp lại, những nhân viên bảo vệ Đông Á làm việc cho công ty RK Việt Nam – vốn thuộc sở hữu của Ấn Độ đã tấn công những người biểu tình ôn hòa với súng, dùi cui và roi điện.

Theo Ân xá Quốc tế, có ít nhất 11 người bị thương. Một đoạn phim cho thấy vụ tấn công diễn ra trước sự chứng kiến của cảnh sát phản ứng nhanh, làm dấy lên câu hỏi tại sao họ không can thiệp để ngăn chặn những cuộc tấn công.

Thông tin bổ sung: Ân xá Quốc tế yêu cầu điều tra vụ 11 người Tày bị đánh ở núi Nà Kèn

———————

Thêm 3 người bị kết án vì tham gia biểu tình chống hai dự luật trong tháng 6

Ngày 17/10, Toà án Nhân dân quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, đã kết án 3 công nhân của Công ty Pouyen Việt Nam với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của BLHS 2015 vì đã tham gia biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng trong ngày 11/6.

Cụ thể, họ bị cáo buộc gây rối trật tự vì biểu tình và ném đá vào lực lượng cảnh sát được cử đến để giải tán.

Cụ thể mức án như sau: anh Lê Trọng Nghĩa, 31 tuổi, bị mức án 2 năm 3 tháng, chị Phạm Thị Thu Thủy, 44 tuổi- 2 năm 6 tháng tù giam. Anh Võ Văn Trụ, 36 tuổi, người bị cho là ném viên đã 33 kg vào lực lượng cảnh sát, bị mức án 39 tháng tù.

Từ sau ngày 10/6 tới nay, đã có tổng cộng 69 người tham gia biểu tình chống hai dự Luật Đặc khu và An ninh mạng tại các tỉnh thành Việt Nam bị kết án tù với các mức án khác nhau.

Cho dù bị phản đối mạnh mẽ, Quốc hội bù nhìn của Việt Nam vẫn thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6. Quốc hội huỷ bỏ kế hoạch bàn thảo về dự Luật Đặc khu trong năm nay.

Chi tiết tại đây:

3 Công nhân Pouyuen lãnh án sau cuộc biểu tình chống Luật đặc khu

================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây