Yên Bái: dân kiên quyết giữ rừng Nà Kèn

Minh Hải, Việt Nam Thời báo, ngày 23/10/2018 

Mặc dù UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định tạm dừng hoạt động thăm dò khoáng sản đá hoa trắng tại khu vực mỏ Nà Kèn (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên) nhưng người dân không tin tưởng, quyết định tập trung canh chừng cả ngày lẫn đêm. Vụ việc căng thẳng cả tháng nay vẫn chưa chấm dứt…

Từ rừng Nà Kèn nơi có mỏ đá hoa trắng Nà Kèn thuộc xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái người dân ở đây đã liên lạc với Việt Nam Thời Báo (VNTB) để chia sẻ thông tin tình hình của hàng ngàn hộ dân ở đây cả tháng qua căng thẳng với chính quyền rằng, mặc dù vào ngày 29/9/2018 người dân đã nhận được thông tin là UBND tỉnh đã ra quyết định tạm dừng hoạt động thăm dò khoáng sản tại khu vực Nà Kèn để đối thoại với người dân, xoa dịu phần nào căng thẳng. Tuy nhiên, người dân bày tỏ bức xúc, không tin tưởng ở quyết định của chính quyền nên vẫn tiếp tục tập trung đông người cả ngày lẫn đêm để canh giữ rừng, nhằm ngăn chặn không người của Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K Việt Nam (gọi tắt làcông ty R.K Việt Nam) lên rừng Nà Khèn tiến hành việc khoan thăm dò, đo đạc

Một người dân giấu tên chia sẻ:

“Hiện tại vẫn canh rừng, dân vẫn canh rừng. Dân không cho khai phá rừng đâu, giờ dân vẫn canh rừng, nằm trên rừng ấy. Nhiều người, cả làng, cả xã trên đấy.”

Người dân này lý giải, chính quyền Yên Bái và công ty R.K Việt Nam quyết định tạm dừng chứ không phải là dừng hẳn việc thăm dò, đo đạc.

“Sao không canh? Họ chỉ nói tạm dừng thế thôi, họ vẫn cho người lên ở xã trên, họ vẫn tiếp tục chuẩn bị lên rừng. Họ chỉ nói tạm dừng thế thôi. Dân ở đây không tin tưởng ai đâu, không tin tưởng chính quyền, không tin tưởng cái gì đâu”

Căng thẳng, đụng độ giữ lực lượng khai thác của Công ty R.K Việt Nam (đội mũ nhựa vàng) với người dân xã Lâm Thượng. Ảnh: Facebook HD

Mạng xã hội và báo đài cho biết vào ngày 27/9 vừa qua, Công ty R.K Việt Nam có sự hậu thuẫn đông đảo của lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an và nhiều lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái nói chung có mặt tại mỏ Nà Kèn để tiến hành việc khoan thăm dò, đo đạc. Ngay lập tức, hàng trăm người dân xã Lâm Thượng đã trực sẵn từ nhiều ngày trước đó tay không quyết liệt ngăn cản lực lượng chức năng. Căng thẳng xảy ra khi lực lượng chức năng tố cáo người dân có hành vi ném đá vào đoàn thăm dò, trong khi người dân tố cáo lực lượng chức năng đã dùng roi điện, súng, gậy gộc để trấn áp người dân. Chung cuộc, phía người dân có trẻ em bị chích roi điện, phụ nữ bị đánh ngất và nhiều người bị thương tích, còn phía lực lượng chức năng có một nữ cán bộ tuyên giáo huyện Lục Yên bị người dân bắt giữ nhưng sau đó được thả tự do vào ngày 28/9.

“Tôi không rõ, hôm ấy tôi bệnh nên không đi. Tôi nghe bảo đánh nhau, đánh hai trẻ em bị dí điện và hai phụ nữ bị đánh ngã. Dân ở đây tay không lên rừng, không cầm cái gì còn ở bên kia họ toàn dùi cui, roi điện, súng, nạt dân, bắt dân. Người dân chẳng làm gì cho ai đâu”- Lời chia sẻ của người dân.

Người dân xã Lâm Thượng cho biết, Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K Việt Nam đã tiến hành thăm dò, đo đạc nhằm mục đích khai thác khoáng sản đá hoa trắng tại khu vực mỏ Nà Kèn này là vào năm 2014. Nhưng đến tháng 9/2016, Công ty này mới được Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp Giấy phép thăm dò số 248, thời hạn đến ngày 29/1/2020, với diện tích thăm dò trên 101 ha.

Người dân xã Lâm Thượng bị đánh dẫn đến thương tích. Ảnh: Facebook HD

Các hoạt động thăm dò, do đạc của Công ty R.K Việt Nam đã gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn và đây cũng là nguồn nước sinh hoạt chính yếu của hàng ngàn hộ dân ở xã Lâm Thượng. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân như làm cá chết, làm hư hỏng tài sản của người dân, ngoài ra còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người dân, cho nên người dân đã nhiều lần phản ánh vụ việc lên chính quyền nhưng không thấy chính quyền vào cuộc giải quyết ổn định tình hình.

“Thăm dò từ năm 2014, thăm dò xong giờ vẫn bảo thăm dò. Dân họ bảo không cho thăm dò nữa. Thăm dò chết hết cá của người dân, hủy cả đồ của dân hết nên dân không cho lên nữa.”- Người dân nói.

Vì vậy, người dân nhiều lần ngăn cản việc thăm dò, đo đạc của Công ty R.K Việt Nam và lần này được cho là căng thẳng nhất khi phải đụng độ với lực lượng chức năng.

Cũng liên quan đến vụ căng thẳng này, Đài RFA ở Hoa Kỳ cho biết, tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International vào hôm 18 tháng 10 năm 2018 đã ra thông cáo hối thúc chính quyền Việt Nam mở ngay cuộc điều tra rốt ráo về vụ việc 11 người Tày bản xứ bao gồm cả phụ nữ và trẻ em bị bảo vệ Công ty R.K Việt Nam đánh bị thương. Đồng thời yêu cầu chính quyền Việt Nam cần có các biện pháp cụ thể để đảm bảo rằng, những tác động về môi trường và quyền con người trong việc khai thác mỏ đá phải được đánh giá, giải quyết đúng cách; bồi thường công bằng cho bất kỳ đất đai và di sản văn hóa nào bị lấy đi hoặc bị làm hư hại mà không có sự tự nguyện và tán thành của người Tày bản địa./.