Quyền tự do lập hội và quyền tự do tôn giáo

Minh Châu, Việt Nam Thời báo, ngày 10/02/2019


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 121/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ Công thương soạn trình. Theo đó, Công ước 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng Tờ trình phê chuẩn công ước quốc tế này vào năm 2023. Trước đó, trong Quyết định số 145/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký từ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về “Phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, thì “Đến năm 2020, phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại và một số công ước khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)”.Như vậy, độ trễ là 3 năm trong vấn đề Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 của ILO, giữa nội dung ở đề xuất của Bộ Công thương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên về mặt giá trị hiệu lực thì đến nay chưa có văn bản pháp quy nào thay thế Quyết định số 145/QĐ-TTg, do đó có thể xem đề nghị của Bộ Công thương mang ý nghĩa của ‘khung thời gian tối đa’, và trong năm 2020, Việt Nam đã có thể phê chuẩn Công ước 87 của ILO.Vì sao chỉ cần đến năm 2020?“Tăng cường chức năng đại diện của công đoàn và người sử dụng lao động trong khung khổ quan hệ lao động mới” là tên gọi của Dự án NIRF/ Nhật Bản, gồm đối tác phát triển là Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, với các đối tác Việt Nam là: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động và công đoàn cơ sở tại các địa phương thí điểm, Mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp, và Mạng lưới chuyên gia tư vấn pháp luật công đoàn; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại các khu vực và hiệp hội ngành nghề được lựa chọn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại các địa phương thí điểm; các Ủy ban liên quan của Quốc hội.Dự án mang mã số VNM/16/06M/JPN thời gian thực hiện từ ngày 01-10-2016 đến ngày 31-12-2019. Đối tượng hưởng lợi của dự án bao gồm: Tổ chức của các đối tác xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam); Cán bộ tổ chức và cán bộ tham gia thương lượng tại các công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở; Người sử dụng lao động và đại diện doanh nghiệp trong các phân khúc khác nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu; Các cán bộ quản lý lao động (Bộ và các Sở Lao động – Thương binh và xã hội) cấp trung ương và cấp tỉnh; Các chuyên gia pháp luật.Dự án tập trung vào các tỉnh thành có mật độ công nghiệp hóa cao tại Việt Nam, bao gồm: Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Quảng Nam, Đà Nẵng.Kết quả dự án này đủ để là cơ sở cho nội dung Tờ trình phê chuẩn Công ước 87 của ILO mà Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội trình chính phủ trong năm 2020.Tự do lập hội, tự do tôn giáoTrong một diễn biến khác, dự thảo luật về hội do Bộ Nội vụ soạn thảo, ở điều 4 ghi: “Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân Việt Nam, cùng chung mục đích, hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu hội”.Dòng quy định “góp phần thực hiện chủ trương của Đảng” cho thấy không phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp về quyền công dân về chính trị, cũng như Công ước 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội, không có điều khoản nào về áp đặt hay giới hạn quyền tự do về chính trị. Điều đó có nghĩa các hội đoàn dân sự được thành lập tùy vào mục đích mà có nghĩa vụ, hoặc không có trách nhiệm gì liên quan tới yêu cầu góp phần thực hiện chủ trương của Đảng.Đặt trong bối cảnh về quyền tự do lập hội theo Công ước 87 của ILO, cho thấy quyền tự do tôn giáo cũng cần được sự điều chỉnh thích hợp, chấm dứt việc các tôn giáo được đặt để trong giới hạn của một tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.Ở Điều 4 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, cho biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các trách nhiệm như sau: (1). Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (2). Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (3). Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.(4). Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. (5). Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”.Người đứng đầu tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các chức danh theo thứ tự như sau: Bí thư Trung ương đảng cộng sản, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Như vậy, cả 5 nhiệm vụ được quy định ở Điều 4, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, trước tiên là nhằm để buộc phải theo khuôn phép của đảng cộng sản, đồng nghĩa yêu cầu tối thượng là góp phần thực hiện chủ trương của Đảng.Phật giáo Việt Nam không thể đóng khung như hiện nayNếu như bước đầu đã có các căn cứ pháp lý để hình thành các nghiệp đoàn độc lập, các hội đoàn xã hội dân sự ‘không quốc doanh’ như phân tích ở trên, thì trong lãnh vực tôn giáo, cũng cần chấm dứt việc đóng khung kiểu Phật giáo ‘quốc doanh’ như hiện nay.Xin được nhắc lại. Trong hai ngày 12 và 13-2-1980, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại Sài Gòn. Hiện diện trong cuộc gặp lịch sử này có các vị cao tăng như: Hòa thượng (HT.) Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; HT.Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống  nhất; HT.Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; HT.Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; HT.Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; HT.Thích Giác Tánh, HT.Thích Trí Nghiêm, Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; HT.Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; HT.Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; HT.Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; HT.Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam; TT.Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; TT.Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; TT.Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; TT.Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam; NS.Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, cư sĩ Võ Đình Cường và cư sĩ Tống Hồ Cầm.Cuộc gặp gỡ nói trên còn có sự hiện diện của các ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo Chính phủ.Gần 2 năm sau đó, 9 hệ phái gồm: Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán tông; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ, được nhà nước thông báo là cùng thống nhất trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.Phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội.Tuy nhiên theo xác nhận của nhiều chức sắc tôn giáo của chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì việc hợp nhất này trên thực tế không có sự đồng thuận. Bởi vườn hoa tôn giáo là muôn màu sắc, không thể bị gò ép trong khuôn khổ hành chính là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.Ở Miền Nam Việt Nam, ngày 31 tháng 12 năm 1963, đại diện 11 tông phái và hội Phật giáo Bắc tông và Nam tông đã cùng nhau họp tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, để soạn thảo Hiến chương thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngày 4-1-1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời và trở thành cơ quan lãnh đạo sinh hoạt Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp; không hề có việc buộc phải phụ thuộc vào thể chế chính trị đương thời.Đến nay mặc dù không có văn kiện chính thức nào của nhà nước Việt Nam quyết định giải thể Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng trên thực tế, giáo hội này vẫn bị cấm đoán các hoạt động tôn giáo, cũng như các lãnh vực khác như văn hóa, giáo dục, xã hội, từ thiện.Những độc quyền tôn giáo nói trên cần chấm dứt khi mà Việt Nam đã tham gia các FTA, cũng như tiếp tục các thỏa thuận khác liên quan với quốc tế.