EU khẳng định nhân quyền là chủ đề trọng tâm trong Đối thoại với Việt Nam

Người Bảo vệ Nhân quyền, ngày 13/02/2019: Theo Tiến sỹ Riina Kionka, cố vấn trưởng về chính sách ngoại giao của EU, ủng hộ nhân quyền là ưu tiên hàng đầu trong giao tiếp của ông Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk với lãnh đạo của các nước thuộc thế giới thứ 3, trong đó có Việt Nam.

Bà Riina Kionka khẳng định điều đó trong bức thư đề ngày 12/02/2019 phản hồi về bức thư chung của 18 tổ chức phi chính phủ (NGO) và xã hội dân sự trong nước và quốc tế gửi Hội đồng và Nghị viện Châu Âu  để kêu gọi khối này tạm hoãn việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA).

Cảm ơn về bức thư chung soạn thảo bởi tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch vào tháng trước, bà Riina Kionka cho biết vấn đề nhân quyền luôn được EU nêu lên trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai bên và Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam sắp tới là một cơ hội nữa để kêu gọi Việt Nam tônn trọng quyền bày tỏ chính kiến, lập hội, tụ họp và tự do tôn giáo cũng như những trường hợp của người bảo vệ nhân quyền.

Nhắc lại rằng việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam không phải là điều bắt buộc và Hội đồng Châu Âu có đủ thời gian để cân nhắc, bà cho biết hiệp định này là một công cụ để nêu lên với phía Việt Nam, như quyền của người lao động. Bà nói rằng bằng việc ký kết hiệp định này, hai bên cam kết thực hiện luật của mình và các công ước về lao động.

Xin nhắc lại, vào ngày 18/01/2019, 18 tổ chức quốc tế và quốc nội đã ký một bản thỉnh nguyện thư đề nghị Liên minh Châu Âu tạm hoãn việc phê chuẩn EVFTA cho tới khi chính quyền Việt Nam thể hiện những tiến bộ rõ ràng trong hồ sơ nhân quyền.

Bức thư nói rằng mặc dù đã tham gia Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Việt Nam vẫn đang duy trì một trong những bộ luật hình sự khắc nghiệt nhất trong khu vực với nhiều điều khoản mơ hồ, lỏng lẻo, thường xuyên được chế độ sử dụng để giam cầm những người phê bình chính quyền, bloggers, lãnh đạo tôn giáo, những người hoạt động về quyền lao động, môi trường và nhân quyền. Chính quyền sở hữu hoặc kiểm soát tất cả phương tiện thông tin đại chúng, kiểm duyệt Internet và trừng phạt những tiếng nói bất đồng trên mạng; công đoàn độc lập và xã hội dân sự không được phép vận hành, tư pháp thiếu độc lập, và dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đất nước chưa từng biết đến bầu cử tự do và công bằng là như thế nào.

Tạm hoãn tiến trình phê chuẩn đến khi chính quyền Việt Nam ngưng đàn áp nhân quyền sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng Liên minh Châu Âu nghiêm túc thực thi cam kết dùng thương mại để thúc đẩy nhân quyền, và rằng Liên minh Châu Âu kỳ vọng những dấu hiệu cụ thể, rõ ràng rằng Việt Nam sẽ dừng đàn áp để Hiệp định có thể tiến triển.