Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 9 từ ngày 25/02 đến 03/3/2019: Nhiều nhà hoạt động bị bắt giữ, sách nhiễu trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 03/3/2019

Nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ, câu lưu và sách nhiễu nhiều nhà hoạt động xã hội, nhà báo công dân và người bất đồng chính kiến trong dịp hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong-un của Bắc Triều tiên ở Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua.

Khoảng 1 chục người bị bắt giữ và câu lưu nhiều giờ trong đồn công an và bị tra khảo trong nhiều giờ trước khi được trả tự do. Hàng chục người khác ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác bị quản thúc tại gia.

Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ Facebooker Nguyễn Văn Công Em với cáo buộc dùng 4 tài khoản trên Facebook để tuyên truyền sai về nội dung của cuộc gặp Trump-Kim. Ông Em có khả năng bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 với mức án tù từ 8 đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.

Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ công dân Việt Nam Cao Lâm, người cùng gia đình sống nhiều năm ở Thái Lan, vì bị cho là có liên quan đến sự mất tích của cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá đang tuyệt thực sang ngày thứ sáu tại Trại giam An Điềm vì bị đối xử khắc nghiệt và không được viết đơn tố cáo việc anh bị tra tấn.

===== 25/02 =====

Vụ xử phúc thẩm nhóm Liên minh Dân tộc Việt lại bị hoãn

Toà án Cấp cao tại Hồ Chí Minh lại quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm nhóm Liên minh Dân tộc Việt mà không đưa ra lý do thoả đáng nào.

Trước đó, toà án này dự kiến tiến hành vụ xử phúc thẩm này vào ngày 21/01/2019 nhưng hoãn lại do thiếu luật sư của một trong 5 người kháng cáo.

An ninh Việt Nam đã bắt các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 vào đầu tháng 11 năm 2016 vì có kế hoạch thành lập Liên minh Dân tộc Việt nhằm đấu tranh đòi quyền chính trị và dân sự cho người dân.

Sau nhiều tháng giam giữ biệt giam, năm nhà hoạt động bị đem ra xét xử ngày 05/10/2018 và bị kết án với mức án từ 8 đến 15 năm tù và 3 năm quản chế. Sau phiên toà, cả 5 ông đã kháng cáo.

===== 26/02 =====

Thêm một facebooker Việt Nam bị bắt giữ, câu lưu trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim

Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ facebooker Khải Nguyễn, người có tên thật là Nguyễn Quang Khải, khi lực lượng an ninh thắt chặt kiểm soát giới bất đồng chính kiến trong dịp diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội.

Theo tin từ gia đình, chiều ngày 26/02, công an khu vực Hố Nai đã ập vào nhà anh với một giấy mời lên đồn làm việc. Dù giấy mời chưa đến ngày buộc phải đi nhưng công an đã ép buộc anh phải đến đồn công an ngay. Khi anh Khải phản ứng thì bị cả một đám công an ép đi, và trưởng công an khu vực nói lên làm việc rồi về. Cũng theo gia đình, anh Khải vẫn bị giữ ở đồn công an trong nhiều giờ và chỉ được trả tự do vào giờ muộn trong đêm cùng ngày.

Anh Khải có viết và chia sẻ một số bài về dân chủ và nhân quyền trên trang Facebook cá nhân. Gần đây, anh có đăng một bức hình của mình và chân dung ông Donald Trump với lời chào  nhân dịp ông này đến Hà Nội để gặp nhà độc tài Kim Jong-un.

Trong dịp hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim, an ninh được siết chặt và hàng chục nhà hoạt động ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hà Nội và Sài Gòn, đã bị quản thúc khi chính quyền địa phương đưa mật vụ và dân phòng đến canh nhà. Những người bị quản thúc này không được rời khỏi nhà, còn một số người khác bị mật vụ bám chặt khi họ đi công việc.

===== 27/02 =====

An ninh thắt chặt- nhiều nhà hoạt động bị bắt ở Hà Nội và Sài Gòn

Ngày 27 tháng 2, nhiều nhà hoạt động và blogger bị bắt khi lực lượng an ninh thắt chặt kiểm soát ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội và Sài Gòn trong dịp diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Bắc Triều Tiên ở Việt Nam.

Tại Hà Nội, lực lượng an ninh bắt giữ hai blogger Lê Văn Dũng (Facebooker Lê Dũng Vova) và Cát Linh (Facebooker Cát Linh) khi đang quay phim đoạn phố Tràng Tiền trong lúc đoàn xe của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đi qua. Hai người bị đưa về công an phường Tràng Tiền và giam giữ trong nhiều giờ trước khi được trả tự do.

Tại Sài Gòn, tối 26 tháng 2, lực lượng an ninh đã bắt giữ 5 người là Võ Hà, Nguyễn Thị Trang, Hiền Gabriel, Hải Nguyễn và một người chưa biết tên khi họ đang uống cafe tại một quán nước.  Nhà hoạt động Võ Hà đã được trả tự do vào lúc 16 giờ ngày 27/2 sau gần một ngày đêm bị còng tay và bị hành hạ tinh thần như phạm nhân. Riêng Hien Gabriel và Nguyễn Thị Trang do kịch liệt phản đối sự bắt bớ vô cớ của lực lượng an ninh nên bị hành hung tại quán cafe và cả trong đồn công an. Họ bị giam giữ và chỉ được trả tự do vào chiều ngày hôm sau.

Theo Facebooker Nguyễn Uyên Thuỳ thì hai Facebooker Daniel Modan và Trần Duy Chiến cùng một người khác chưa biết tên cũng bị an ninh thành Hồ bắt giữ.

Trong khi đó, nhà hoạt động Nguyễn Quang Khải (Facebooker Khải Nguyễn) cho biết ông được trả tự do trong đêm 26/2 sau nhiều giờ bị giữ ở đồn công an ở Hố Nai, tỉnh Đồng Nai.

Kể từ đầu tuần này, lực lượng an ninh Việt Nam thắt chặt an ninh công cộng tại Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi khác nhằm bảo đảm an ninh cho hội nghị thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào ngày 27-28/02. Ngoài việc đưa cảnh sát và quân đội đóng tại những điểm quan trọng, chính quyền CSVN còn gửi nhiều mật vụ và dân phòng đến gần nhà riêng của hàng chục người bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội để ngăn cản họ ra khỏi nhà.

——————–

Vấn đề nhân quyền không được đặt ra trong cuộc hội đàm giữa Trump với Nguyễn Phú Trọng

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm thứ Tư (27 tháng 2) đã mang lại các hợp đồng dịch vụ và đơn đặt hàng trị giá 21 tỉ Mỹ kim ký kết giữa các hãng hàng không Việt Nam và các công ty Hoa Kỳ, nhưng đã làm thất vọng một số nhà vận động ở Việt Nam bị đàn áp vì không đề cập đến vấn đề nhân quyền.

Các hãng hàng không Việt Nam và các công ty Hoa Kỳ đã ký kết nhiều thoả ước liên quan đến lĩnh vực hàng không, đúng với mong muốn của Tổng thống Trump. Ông Trump đã đưa ra nhận xét lạc quan về sự trỗi dậy của nền kinh tế CSVN, và biên bản được công bố sau các cuộc họp cho thấy không hề có cuộc thảo luận nào liên quan đến nhân quyền tại Hà Nội. Theo Đài Á châu Tự do thì có thể Tổng thống Trump chỉ nói riêng vấn đề này.

Thực tế cho thấy các nhà vận động nhân quyền đang bị bao vây và hạn chế hoạt động, và tỉ lệ người bị bắt giam thời gian gần đây tăng vọt cho thấy nhà cầm quyền CSVN áp dụng chính sách kiểm soát tình hình và mọi hoạt động chính trị một cách chặt chẽ.

Các nhà vận động cho rằng Tổng thống Trump không nêu vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ và CSVN bên lề hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của ông Trump với lãnh tụ Bắc Hàn.

Theo ông Nguyễn Quang A, nhà hoạt động kỳ cựu thì Việt Nam hết sức thông minh khi tìm cách làm Tổng thống Trump hài lòng bằng những vấn đề thương mại song phương. Ông A nói với ký giả của đài Á châu Tự Do rằng, ông Trump chỉ quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, và những điều làm chính ông thoả mãn chứ không quan tâm đến giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ là dân chủ và nhân quyền.

Trong khi đó, nhà vận động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến, cựu tù nhân chính trị Bùi Thị Minh Hằng cho biết đã bị công an bao vây, khoá trái cửa từ bên ngoài để ngăn không cho họ ra ngoài trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, và khẳng định rằng chớ mong đợi gì ở Tổng thống Trump vì ông ấy không chịu trách nhiệm về nhân quyền ở Việt Nam.

===== 28/02 =====

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá đang tuyệt thực tại Trại giam An Điềm

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá đang tuyệt thực sang ngày thứ sáu tại Trại giam An Điềm.

Tin về tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá được cung cấp bởi chị của anh, người vừa đến thăm anh tại trại giam này. Tuy nhiên, không rõ anh tuyệt thực về vấn đề gì. Người chị nói Hoá đang muốn được gặp linh mục để rửa tội.

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Hoá là một phóng viên video, người đầu tiên sử dụng máy quay trên không để đưa tin về biểu tình chống Formosa của ngư dân tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2016.  Anh bị bắt và bị kết án với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999, với mức án 7 năm tù giam. Hiện anh đang thụ án tù tại Trại giam An Điềm nằm ở tỉnh Quảng Nam.

Anh Hoá bị tra tấn và đối xử khắc nghiệt trong thời gian tạm giam, và sau khi bị kết án. Hiện nay, tổ chức Freedom Now đang vận động đề cử anh cho giải thưởng Tự do báo chí 2019 Guillermo Cano World Press Freedom Prize của UNESCO.

===== 01/3 =====

Thái Lan bắt giữ công dân Việt vì nghi ngờ liên quan đến vụ Trương Duy Nhất mất tích

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã bắt giữ công dân Việt Nam tên Cao Lâm vì nghi ngờ ông này có liên quan đến việc mất tích của cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất ở Bangkok tháng trước.

Ông Lâm và vợ bị bắt ngày 01/3, nhưng vợ ông đã được trả tự do, còn ông hiện vẫn bị giam giữ bởi cảnh sát Thái Lan.

Theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng thì một số người Việt đang sống ở Thái Lan cũng bị nằm trong tầm ngắm của cảnh sát Thái trong cùng một vụ việc.

Gia đình ông Lâm đã sống ở Thái Lan nhiều năm, và theo một số nguồn tin thì ông thường trợ giúp nhiều người Việt Nam đang tỵ nạn tại đây.

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất đã đến Thái Lan ngày 19/01/2019 và ông đến Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp quốc về Người tỵ nạn (UNHCR) ở Bangkok ngày 25/01 để ghi danh xin quy chế tỵ nạn. Một ngày sau đó, ông bị cho là mất tích khi người nhà và nhiều người khác không liên lạc được với ông.

Cảnh sát Thái Lan nói họ không có dữ liệu ông Nhất nhập cảnh vào Thái Lan và họ cũng không giam giữ một ai có tên như thế.

Một số nguồn tin, như từ Người Buôn gió (Bùi Thanh Hiếu- người đang cư trú ở Đức) thì ông Nhất đã bị mật vụ của Tổng cục Tình báo quân đội (Tổng cục 2) bắt cóc ở một trung tâm thương mại ở ngoại ô Bangkok. Theo Người Buôn gió thì một số người Việt ở Thái Lan như Cao Lâm và Kami trợ giúp nhóm mật vụ trong vụ bắt cóc. Cũng theo những nguồn tin này thì ông Nhất đã bị đưa về Việt Nam và hiện đang bị giam ở Trại tạm giam B14 của Bộ Công an ở Hà Nội.

Sau khi tin tức về sự mất tích của ông Nhất được phổ biến rộng rãi, nhiều tổ chức nhân quyền như Quan sát Nhân quyền (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) kêu gọi chính phủ Thái Lan điều tra.

——————–

RSF: Việt Nam khủng bố tiếng nói của giới bất đồng chính kiến trong dịp Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho rằng chế độ độc tài cộng sản
ở Việt Nam đang khủng bố tiếng nói của giới bất đồng chính kiến, đặc biệt trong dịp Hà Nội tổ chức cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong-un của Bắc Triều tiên.

Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 01/02, Văn phòng châu Á- Thái Bình Dương của RSF nói rằng Việt Nam tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim và tự cho rằng Hà Nội là “thủ đô của hoà bình,” nhưng cái để thế giới biết đến chính là sự lạm quyền quá đáng của chế độ trong nỗ lực khủng bố tiếng nói của người bất đồng chính kiến.

Trong thời gian kể từ ngày 24/02 cho tới cuối ngày 28/02 là ngày kết thúc cuộc gặp gỡ song phương Trump-Kim, lực lượng an ninh của Việt Nam đã bắt giữ và câu lưu nhiều nhà hoạt động và nhà báo độc lập song hành cùng với việc đưa mật vụ và dân phòng đến canh giữ gần nhà riêng của hàng chục người khác với mục đích ngăn cản họ đi ra ngoài.

RSF cho biết trong thời gian này, hai nhà báo độc lập Lê Văn Dũng và Cát Linh của kênh truyền hình Chấn hưng Nước Việt TV bị bắt khi họ đang quay phim chụp hình phái đoàn Hoa Kỳ và bị giữ ở đồn công an nhiều giờ; trong khi đó Phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Nguyễn Tường Thụy thì bị ba an ninh đến nhà chất vấn hôm 24/2. Không chỉ giới hoạt động ở Hà Nội bị đàn áp trong dịp này, hàng chục người bất đồng chính kiến và xã hội ở Sài Gòn và nhiều nơi khác cũng bị sách nhiễu cho dù Trump hoặc Kim không có kế hoạch đến những nơi đó.

RSF cho rằng “Không có biện minh nào cho việc chính phủ bắt bớ hay giám sát blogger để kiểm soát hoàn toàn thông tin. ..”

Theo RSF, blogger và nhà báo công dân ở Việt Nam là đối tượng sách nhiễu, đàn áp của chế độ toàn trị. Hiện có ít nhất 20 nhà báo độc tự do bị cầm tù.

Trong bảng xếp hạng tự do báo chí toàn cầu của RSF trong năm 2018, Việt Nam đứng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia.

===== 03/3 ======

Bến Tre bắt giữ Facebooker Nguyễn Văn Công Em với cáo buộc “xuyên tạc nội dung cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim

Chính quyền tỉnh Bến Tre đã bắt giữ một công dân ở địa phương tên là Nguyễn Văn Công Em với cáo buộc “xuyên tạc những nội dung Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội cuối tháng trước.

Theo truyền thông nhà nước, ngày 28/02, cơ quan Công an tỉnh Bến Tre đã bắt giữ và khám xét nhà riêng của ông Em và thu giữ được nhiều tài liệu tuyên truyền chống nhà nước. Ông có thể phải đối mặt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, và đối mặt với mức án tù từ 7 đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.

Truyền thông lề đảng dẫn nguồn của bên Công an nói ông Em sử dụng 4 tài khoản Facebook khác nhau để đăng, chia sẻ bài viết và phát trực tiếp một số video bị cho có nội dung xuyên tạc Thượng đỉnh Mỹ- Trung, đồng thời có kêu gọi biểu tình trong thời điểm sự kiện này diễn ra ở Hà Nội.

Ông Em sinh năm 1971 và cư trú tại ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, là nơi mà chính quyền địa phương đang đàn áp mạnh giới blogger.

Sau khi bắt giữ anh Nguyễn Ngọc Ánh vì những bài viết về dân chủ và nhân quyền, Công an Bến Tre tiếp tục sách nhiễu nhiều Facbooker khác như ông Đặng Trí Thức, 54 tuổi, ông Phan Chí Toàn, 35 tuổi, và sinh viên đại học  Trần Ngọc Phúc, sinh năm 1988 vì những bài viết cổ suý dân chủ và phê phán chế độ cộng sản hiện nay.

==============