Vận động nhân quyền cho Việt Nam: 2 nỗ lực song song ở Geneva và Đài Bắc

Mạch Sống, ngày 9 tháng 3, 2019

Tuần tới, BPSOS sẽ thực hiện 2 cuộc vận động quốc tế diễn ra cùng lúc ở Geneva và ở Đài Bắc.

Phái đoàn đi Geneva do BPSOS phối hợp gồm trên 30 người đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Hoà Lan, Na Uy, Thuỵ Sĩ và Thái Lan để tham gia nhiều sinh hoạt kéo dài từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 3. Tham gia  trong phái đoàn có một số tu sĩ thuộc các tôn giáo khác nhau, như Hoà Thượng Thích Như Điển đến từ Đức, Đại Đức Thích Viên Giác đến từ Na Uy, Mục Sư Tin Lành Vàng Chí Mình đến từ Hoa Kỳ, và một linh mục Công Giáo đến từ Việt Nam. 

Cùng lúc, một phái đoàn 4 người từ Hoa Kỳ và Thái Lan đã lên đường đến Đài Bắc để dự Diễn Đàn Tự Do Tôn Giáo Vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong phái đoàn, Hoà Thượng Thích Viên Lý đại diện cho Tăng Đoàn Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và một người trẻ sẽ lên tiếng cho cộng đồng Tây Nguyên theo đại Tin Lành.

Cuộc vận động ở Geneva 

Trong 2 ngày 11 và 12 tháng 3, Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ (UBNQLHQ) sẽ thực hiện cuộc kiểm điểm lần 3 đối với Việt Nam về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Cuộc kiểm điểm sẽ gồm 2 buổi. Chiều ngày 11 tháng 3, UBNQLHQ sẽ đặt câu hỏi cho đoàn đại diện chính phủ Việt Nam. Sáng ngày hôm sau, đoàn Việt Nam sẽ trả lời các câu hỏi.

Trước cuộc kiểm điểm, UBNQLHQ sẽ họp với các tổ chức xã hội dân sự mà đã đóng góp các bản báo cáo cho cuộc kiểm điểm.  BPSOS đã sắp xếp cho khoảng chục người trong phái đoàn phát biểu tại buổi họp này về các đề tài: tra tấn, đàn áp tôn giáo, cưỡng chế đất đai, tù nhân lương tâm, tình trạng “vô quốc gia” của các người Tây Nguyên và người Hmong theo đạo Tin Lành, các vi phạm quyền của phụ nữ…

Ngay sau cuộc kiểm điểm, BPSOS sẽ tổ chức họp báo ở Câu Lạc Bộ Báo Chí Thuỵ Sĩ để tường thuật và đưa ra các nhận xét về cuộc kiểm điểm. Cũng tại buổi họp báo này, BPSOS sẽ công bố hồ sơ về tình trạng vô quốc gia của những người Hmong và người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Đặc biệt, một người đại diện cho cộng đồng Vườn Rau Lộc Hưng sẽ phát biểu tại buổi họp báo.

Ngày 13 tháng 3, BPSOS sẽ cử người tham gia chương trình đối thoại với Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ để tiếp tục nêu vấn đề “vô quốc gia” của người Hmong và người Tây Nguyên. Ngay sau đó sẽ là diễn đàn do tổ chức Jubilee Campaign tại trụ sở LHQ cũng để trình bày đề tài này.

Trong suốt 5 ngày từ 11 đến 15 tháng 3, phái đoàn do BPSOS phối hợp sẽ chia nhau để tham gia khoảng 20 cuộc họp với các bộ phận nhân quyền của LHQ, các phái bộ quốc gia và một số tổ chức nhân quyền quốc tế có văn phòng tại Geneva.

Diễn đàn về tự do tôn giáo ở Đài Bắc

Sự kiện ở Đài Bắc, diễn ra trong 2 ngày 11 và 12 tháng 3, được xem là nối tiếp hội nghị cấp ngoại trưởng do Ngoại Trưởng Hoa Kỳ triệu tập vào tháng 7 năm ngoái ở thủ đô Hoa Kỳ. Sự kiện này được sự yểm trợ của Bộ Ngoại Giao Đài Loan và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với sự tham gia của Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, Sam Brownback, và nhiều giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Diễn đàn sẽ tập trung vào tình trạng đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc và ở một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mục đích chính của diễn đàn là đề ra các biện pháp chung để phát huy tự do tôn giáo ở toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. BPSOS sẽ giới thiệu mô hình “bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam” và Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á do BPSOS chủ xướng từ năm 2015 đến nay. Khoảng trên một chục thành viên thuộc ban tổ chức của hội nghị này, đến từ nhiều quốc gia, cũng sẽ có mặt tại diễn đàn ở Đài Bắc.

Đặc biệt, Đại Sứ Brownback sẽ vinh danh một số nạn nhân trở thành người đấu tranh cho tự do tôn giáo. Một người trẻ là tín đồ Tin Lành Tây Nguyên ở trong số sẽ được nêu danh.

Các tài liệu dùng cho cả 2 cuộc vận động

BPSOS đã cùng với một số tổ chức soạn nhiều tài liệu để trao cho các bộ phận nhân quyền LHQ, các phái bộ quốc gia, và các tổ chức nhân quyền quốc tế và sẽ được phân phối tại buổi họp báo ở Câu Lạc Bộ Báo Chí và tại diễn đàn ở LHQ. Phái đoàn đi Đài Bắc cũng sẽ dùng một số tài liệu này để trình bày về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.

Để cung ứng cho các tổ chức hoặc cá nhân khác cùng sử dụng, BPSOS tạm thời lưu trữ các tài liệu này tại: http://dvov.org/iccpr/.

Theo dõi cả 2 cuộc vận động

Toán truyền thông của BPSOS sẽ thường xuyên tường thuật cả 2 cuộc vận động này tại 2 trang Facebook:

https://www.facebook.com/VNAdvocacyDay/
https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights/

Dưới đây là thời khoá biểu tóm tắt của các sinh hoạt chính ở Geneva:

Ngày 11 tháng 3:

– Trưa – 2:45pm: Buổi họp góp ý với Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm.

– 3pm – 5pm: Buổi kiểm điểm ngày đầu – UB Nhân Quyền LHQ sẽ đặt câu hỏi. Theo dõi trực tuyến tại: http://webtv.un.org/

Ngày 12 tháng 3:

– 10am – trưa: Buổi kiểm điểm ngày 2 – đoàn Việt Nam sẽ trả lời các câu hỏi. Theo dõi trực tuyến tại: http://webtv.un.org/

– 2pm – 4pm: Họp báo do BPSOS tổ chức. Theo dõi trực tuyến tại: http://pressclub.ch

Ngày 13 tháng 3:

– 12 giờ trưa: Buổi đối thoại với Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về các vấn đề người thiểu số

– 2pm – 3pm: Diễn đàn về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam