Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 14, từ ngày 01/4 đến 07/4, 2019: Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 251 tù nhân lương tâm

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 07/4/2019

Trong báo cáo quý 1 năm 2019, NOW! Campaign, một liên minh 15 tổ chức dân sự Việt Nam và quốc tế, đã cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 251 tù nhân lương tâm, bao gồm 221 nhà hoạt động đã bị kết án và 30 người khác đang bị giam giữ trong thời gian điều tra. Đa số họ bị cáo buộc theo những tội danh mơ hồ trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự.

NOW! Campaign cũng nêu lên mối lo ngại về việc lực lượng an ninh bắt cóc nhiều người hoạt động nhân quyền và dân chủ rồi mới công bố cáo buộc. Nhiều trường hợp lực lượng an ninh bắt giữ mà không thông báo cho gia đình của họ, mà trường hợp điển hình là cô Huỳnh Thị Tố Nga, người bị mật vụ bắt cóc trong khi đang làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 2. Cho tới nay, gia đình không nhận được bất cứ văn bản nào của phía công an về việc bắt giữ cô và cáo buộc cô đang phải đối mặt cũng như nơi mà cô đang bị giam giữ.

Nhà chức trách của Hà Nội đã đưa nhà báo Lê Anh Hùng vào trại tâm thần ở huyện Thường Tín sau 9 tháng giam giữ để điều tra về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015.

Nhà báo công dân, chiến sỹ chống tham nhũng Đỗ Công Đương đã bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) để thi hành án tù 8 năm. Gia đình ông sẽ phải vượt khoảng 500 km để thăm ông hàng tháng.

Liên minh Tự do Báo chí (One Free Press Coalition), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở New York, đã đưa nhà báo công dân- tù nhân lương tâm Trần Thị Nga vào danh sách 10 trường hợp cần được quan tâm khẩn cấp của tổ chức này.

Liên minh Tự do Báo chí là một nhóm các biên tập viên và nhà xuất bản nổi tiếng sử dụng phạm vi toàn cầu và nền tảng xã hội của họ để kêu gọi sự quan tâm đến các nhà báo đang gặp nguy hiểm vì bị đàn áp hoặc đang tìm kiếm công lý.

Công an Đồng Tháp tiếp tục sách nhiễu gia đình tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca. Trong tuần, công an tra hỏi con gái ông về việc gia đình đã nhận được một số khoản hỗ trợ tài chính từ Quỹ 50K, một quỹ từ thiện chuyên hỗ trợ tù nhân lương tâm và gia đình của họ cũng như những người hoạt động đang gặp hiểm nguy hoặc khó khăn.

====== 01/4 =====

NOW! Campaign: Việt Nam đang giam giữ ít nhất 251 tù nhân lương tâm

Theo NOW! Campaign, nhà cầm quyền Việt Nam đang giam giữ ít nhất 251 tù nhân lương tâm. Với con số này, Việt Nam vẫn là quốc gia giam giữ nhiều tù nhân lương tâm thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar.

Có 221 tù nhân lương tâm đã bị kết án và 30 nhà hoạt động đang bị giam giữ trong giai đoạn điều tra. 32 người là nữ, 176 người dân tộc Kinh, 58 người Thượng, 16 người Hmong và 2 người Khmer Krom. Riêng từ đầu năm đến nay, Việt Nam bắt giữ 10 nhà hoạt động với những cáo buộc nguỵ tạo.

Nhiều blogger, luật sư, nhà hoạt động về quyền đất đai, nhà bất đồng chính trị và tín đồ của các tôn giáo thiểu số chưa đăng ký đã bị bắt giữ và giam giữ chỉ vì họ thực hành một cách ôn hoà các quyền dân sự và chính trị được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các luật nhân quyền quốc tế, như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tôn giáo hoặc niềm tin. Danh sách này không bao gồm các cá nhân đã tham gia hoặc ủng hộ bạo lực.

Hầu hết các tù nhân lương tâm đã bị buộc tội hoặc kết án về các cáo buộc theo các điều 109, 116.117, 318 và 331 trong Bộ luật Hình sự 2015 (lần lượt là các điều 79, 87, 88, 245 và 258 của Bộ luật Hình sự 1999):

– 47 nhà hoạt động bị kết án hoặc đang bị điều tra về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”

– 31 nhà hoạt động bị kết án hoặc đang bị điều tra về tộidanh“tuyên truyền chống nhà nước”

– 57 người thuộc nhiều dân tộc thiểu số bị kết án hoặc đang bị điều tra về cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” 

– 12 nhà hoạt động bị kết án hoặc bị buộc tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ” 

– 66 cá nhân bị kết án hoặc bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng.”Năm mươi hai người trong số họ đã bị cầm tù vì tham gia biểu tình ôn hòa hoặc bị nghi ngờ có kế hoạch tham gia vào các cuộc biểu tình vào giữa tháng 6 năm 2018.

Chi tiết thông cáo của NOW! Campaign

Tiếng Anh: https://www.vietnampocs.com/blog/latest-count-vietnam-holds-251-prisoners-of-conscience

Tiếng Việt: https://www.vietnampocs.com/blog/vi%E1%BB%87t-nam-hi%E1%BB%87n-giam-gi%E1%BB%AF-251-t%C3%B9-nh%C3%A2n-l%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2m-now-campaign

===== 02/4 =====

Công an Đồng Tháp tra hỏi con gái tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca về hỗ trợ từ Quỹ 50K

Nhà cầm quyền Đồng Tháp muốn tra hỏi con gái tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca về việc gia đình nhận hỗ trợ từ Quỹ 50K, một quỹ thiện nguyện chuyên giúp đỡ tù nhân lương tâm hoặc gia đình của họ.

Theo giấy mời của công an huyện Hồng Ngự, cô Huỳnh Thị Thái Ngân phải đến trụ sở của công an huyện vào chiều ngày 03/4 để “trao đổi một số nội dung liên quan đến Quỹ 50k của Nguyễn Thuý Hạnh.”

Ông Huỳnh Trương Ca, một thành viên của nhóm Hiến Pháp, đã bị bắt vào đầu tháng 9 năm 2018 vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015. Cuối năm ngoái, ông bị toà án cộng sản ở Đồng Tháp kết án 5.5 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông được một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền để thuê luật sư và thăm nuôi trong tù.

Quỹ 50K, điều hành bởi nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, là một quỹ thiện nguyện đóng góp bởi nhiều người Việt trong và ngoài nước. Đối tượng phục vụ của quỹ này là những người đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, môi trường và chủ quyền đất nước gặp khó khăn, hoạn nạn.

Đây không phải là trường hợp duy nhất mà nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu người nhận hỗ trợ từ Quỹ 50K. Công an một số nơi còn cướp tiền hỗ trợ ít ỏi mà quỹ này gửi cho gia đình người hoạt động hoặc đe doạ họ.

——————– 

Liên minh tự do báo chí kêu gọi quan tâm đến tù nhân lương tâm Trần Thị Nga

Liên minh Tự do Báo chí (One Free Press Coalition), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở New York, đã đưa nhà báo công dân- tù nhân lương tâm Trần Thị Nga vào danh sách 10 trường hợp cần được quan tâm khẩn cấp của tổ chức này.

Trong danh sách đưa lần thứ hai của tổ chức này, nhà báo công dân Trần Thị Nga được đứng chung với 9 nhà báo khác từ Mexico, Philippines, Ấn Độ, Kyrgyzstan,Nicaragua, Nam Phi, Nam Sudan, Mozambique,  Sudan và Colombia.

Theo lời giới thiệu của tổ chức này thì Trần Thị Nga bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước. Sau phiên tòa kéo dài một ngày, cô đã bị kết án 9 năm tù vì đã làm một số video chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam vì đã để xảy ra thảm hoạ môi trường (Formosa) và tham nhũng tràn lan.

Liên minh Tự do Báo chí là một nhóm các biên tập viên và nhà xuất bản nổi tiếng sử dụng phạm vi toàn cầu và nền tảng xã hội của họ để kêu gọi sự quan tâm đến các nhà báo đang gặp nguy hiểm vì bị đàn áp hoặc đang tìm kiếm công lý.

Gần đây, liên minh có thêm một số thành viên từ Boston Globe, Fortune từ Hoa Kỳ, CNN Money Switzerland, Corriere Della Sera (Italy), Deutsche Welle (Germany) and Republik (Switzerland). Các thành viên hiện nay bao gồm The Associated Press, Financial Times, Forbes, HuffPost, Reuters, Time, Yahoo News và nhiều tổ chức truyền thông khác trên thế giới.

Trần Thị Nga, mẹ của hai con nhỏ, là một trong 251 tù nhân lương tâm hiện nay ở Việt Nam, theo NOW! Campaign, liên minh của 15 tổ chức dân sự quốc tế và quốc nội đấu tranh đòi tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

===== 03/4 =====

Nhân sỹ, trí thức hối thúc Hà Nội kiện Bắc Kinh xâm lược ở Biển Đông 

Gần 10 tổ chức xã hội dân sự và hàng trăm nhân sỹ, trí thức và người dân đã cùng ký tên vào một bức thư ngỏ hối thúc nhà cầm quyền Việt Nam khẩn cấp tiến hành các thủ tục khởi kiện Trung Cộng lên cơ quan tài phán quốc tế về vấn đề liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Thư ngỏ được một số nhân sỹ và trí thức khởi xướng sau khi Trung Cộng ra thông báo xây dựng “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược quan trọng quốc gia” tại ba đảo Phú Lâm (Woody Island), Duy Mộng (Drummond) và Cây (Tree) thuộc Hoàng Sa, cũng như đã xây dựng nhiều công trình trái phép khác tại hai quần đảo này.

Việt Nam, quấy nhiễu, phá hoại, giết hại đối với ngư dân Việt Nam hành nghề trên ngư trường truyền thống từ bao đời nay, gây thiệt hại nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải cũng như về tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân Việt Nam mà chưa từng bị chế tài.

Thư ngỏ nêu rõ rằng các thỏa thuận song phương giữa hai nhà cầm quyền Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông chưa bao giờ được phía Bắc Kinh tôn trọng; và khẳng định rằng việc khởi kiện Trung Cộng thông qua tài phán quốc tế để yêu cầu công lý cho Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là giải pháp căn cơ, văn minh và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hà Nội chưa đưa ra phản ứng về sự kiện trên. 

===== 04/4 =====

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng bị đưa vào trại tâm thần sau 9 tháng giam giữ

Nhà cầm quyền Hà Nội đã đưa nhà hoạt động Lê Anh Hùng vào trại tâm thần sau khi giam giữ anh 9 tháng để điều tra về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Theo thông tin của mẹ anh thì anh đã bị chuyển về Bệnh viện tâm thần ở huyện Thường Tín. Bà sẽ xuống bệnh viện này để tìm hiểu về tình trạng của con mình trong tuần.

Lê Anh Hùng, nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, một cây viết chính trị trong nhiều năm của đài Á Châu Tự do (RFA), đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Việt Nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, bị bắt ngày 05/7/2018 với cáo buộc theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015. 

Anh bị giam giữ ở Trại tạm giam số 2 của Công an Hà Nội để điều tra về hàng trăm đơn tố cáo của anh với nội dung tố cáo một số lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản cầm quyền như Hoàng Trung Hải và Nguyễn Phú Trọng trong tham nhũng, buôn bán ma tuý và cấu kết với Trung cộng để bán chủ quyền quốc gia.

Trong thời gian bị giam giữ, anh bất hợp tác với cơ quan điều tra và không chịu mặc áo có in chữ Phạm Nhân cũng như không chịu bị cùm vì anh nói mình vô tội. Chính vì thế mà anh thường xuyên bị kỷ luật không được gọi điện về cho gia đình.

Đây là lần thứ 3 anh bị công an Việt Nam đưa vào trại tâm thần vì những tố cáo của anh.

Việc đưa một người hoạt động vào trại tâm thần mà không qua kiểm tra y tế độc lập là một trong những biện pháp bẩn thỉu mà công an Việt Nam áp dụng khá thường xuyên để vô hiệu hoá họ. Một trường hợp điển hình là nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh, người bị công an Hà Nội tống vào trại tâm thần trong gần 20 năm trước đây, và thường xuyên đe doạ sẽ đưa ông trở lại đó mỗi khi chúng không muốn ông lên tiếng về thảm cảnh của đất nước.

===== 05/4 =====

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh được gặp gia đình sau 7 tháng biệt giam

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh được gặp gia đình lần đầu tiên sau 7 tháng bị biệt giam trong trại tạm giam của công an tỉnh Bến Tre.

Ngày 04/4, chị Châu cùng con trai đã được gặp chồng tại trại giam, người bị bắt ngày 30/8/2018 với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

Kể từ khi bị bắt, anh Ánh, một chủ đầm tôm ở Bến Tre, bị biệt giam trong quá trình điều tra. Anh vẫn chưa được gặp luật sư của mình cho dù luật Tố tụng hình sự quy định bị can được quyền trợ giúp của luật sư ngay sau khi bị bắt.

Nguyễn Ngọc Ánh, sinh năm 1980, từng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp. Anh có nhiều bài viết và live streams trên Facebook nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ. Nhà cầm quyền tỉnh Bến Tre cho rằng những hoạt động trực tuyến của anh gây hại cho chế độ toàn trị và quyết định bịt miệng anh bằng việc bắt giữ vào cuối tháng 8 năm ngoái.

Sau khi bắt giữ anh, công an Bến Tre liên tục sách nhiễu vợ anh, người đang nuôi con nhỏ. Chúng ép ngân hàng đòi nợ trước kỳ đáo hạn, buộc vợ anh phải bán rẻ đầm nuôi tôm. Chúng còn theo dõi và tra khảo chị về việc nhận tiền giúp đỡ từ những người hảo tâm.

Việc anh được gặp gia đình đồng nghĩa với việc kết thúc điều tra và anh có thể bị đưa ra toà trong thời gian tới. Nếu bị kết tội, anh có thể phải đối mặt với mức án tù từ 7 đến 12 năm.

Anh Ánh được NOW! Campaign coi là một trong 251 tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

===== 06/4 =====

Tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương bị chuyển đi Nghệ An

Tù nhân lương tâm, nhà báo công dân Đỗ Công Đương bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Theo luật sư Hà Huy Sơn, thân chủ của ông bị đày đi xa gia đình sau phiên toà phúc thẩm vào tháng 2 vừa qua.

Ông Đương, sinh năm 1964, bị bắt ngày 24/1/2018 trong khi đang quay phim một vụ cướp đất ở thị xã Từ Sơn. Ông bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015, và bị kết án tổng cộng 9 năm tù giam nhưng sau được giảm án xuống còn 8 năm.

Trong các phiên toà xét xử ông về hai tội danh trên, toà án cộng sản không tuân thủ quy định của quốc tế về xét xử công bằng, không đếm xỉa gì đến bào chữa chuẩn bị bởi luật sư Hà Huy Sơn, người luôn khẳng định thân chủ của ông vô tội.

Với việc bắt giữ và kết án ông, nhà cầm quyền tỉnh Bắc Ninh muốn bịt miệng ông, vì ông có nhiều bài viết về sự lộng hành của quan chức tỉnh Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn, và giúp nhiều người khiếu kiện đòi đất đai bị nhà cầm quyền cấu kết với doanh nghiệp cướp với giá đền bù rẻ mạt.

Bắc Ninh là nơi mà bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Nhân Chiến lộng hành và đưa hàng chục người thân vào nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy cầm quyền. Để đối phó lại với phản ứng của người dân, Chiến sử dụng lực lượng công an và nhà tù để trấn áp và tống giam nhiều người hoạt động tại địa phương.

================= 

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây