Việt Nam: Quốc gia không chịu phát triển và trách nhiệm của những người có lòng và hiểu biết

Ts. Nguyễn Đình Thắng, Mạch sống Media, ngày 13/4/2019

Cách đây chừng hơn 3 năm, chuyên gia kinh tế Bà Phạm Chi Lan thuật lại nhận xét của một giới chức Ngân Hàng Thế Giới rằng, Việt Nam là quốc gia không chịu phát triển. Quả là một nhận xét đầy tính mỉa mai về thân phận của một dân tộc. Dĩ nhiên, thành phần lãnh đạo quốc gia phải chịu trách nhiệm và đã có không ít những nhận xét nghiêm khắc về họ. Ở đây tôi muốn nói với những thành phần ngoài chính quyền đang thao thức thay đổi đất nước: Liệu chúng ta có cũng đang ở trong cái bẫy “không chịu phát triển”?

Nhu cầu định chế hoá

Một quốc gia phát triển đòi hỏi nhiều yếu tố cần và đủ. Nhưng nếu phải chọn một yếu tố mang tính quyết định thì tôi chọn khả năng định chế hoá trên toàn xã hội.

Định chế hoá, tiếng anh là institutionalize, thể hiện tính tổ chức ở cấp cao, như cỗ máy có khả năng tự vận hành, ít lệ thuộc vào cá nhân. Một tổ chức được định chế hoá khi nó có đủ các bộ phận với chức năng chuyên biệt nhưng bổ trợ cho nhau, các bộ phận này tương tác theo những công thức rập khuôn “cứ thế mà làm”, và quy trình vận hành của tổ chức bao hàm khả năng tự điều chỉnh.

Cỗ máy như vậy dứt khoát cần con người để vận hành, nhưng không phụ thuộc bất kỳ cá nhân nào. Người ta thường ví một tổ chức như vậy với chiếc đồng hồ, ai cũng có thể sử dụng từ đời này sang đời khác mà chẳng cần biết ai đã chế tạo ra nó.

Đặc tính của định chế hoá

Khi bé, đọc truyện thần thoại chúng ta thích thú với phép biến hoá phân thân của Tôn Ngộ Không và phép trường sinh bất tử của các vị tu tiên. Định chế hoá là cách để những con người bình thường không chỉ đạt mà còn vượt qua cả 2 phép này.

Tôn Ngộ Không dứt mớ lông trên người, thổi “phù” một cái là hoá ra nhiều chục phiên bản của chính mình. Với khả năng định chế hoá, con người còn thần thông hơn thế. Chúng ta chỉ cần nhìn vào các chuỗi nhà hàng McDonald’s, Starbucks… hoặc các chuỗi khách sạn Marriott, Hilton… Nhờ định chế hoá cao, các tổ chức doanh nghiệp này đã dùng phép “rập khuôn” để phủ toàn cầu với phiên bản của mình, khác hẳn mô hình hoạt động thiếu định chế hoá của các cửa hàng xén, các quán cơm vỉa hè.

Định chế hoá còn cho phép những con người với đời sống hữu hạn đạt giấc mơ bất tử. Khi tạo được cỗ máy tự vận hành, con người có thể truyền thừa lý tưởng và sứ mệnh của mình qua nhiều thế hệ. Có những định chế của con người đã trường tồn cả trăm năm hoặc cả nghìn năm. Tổ chức nhân quyền Freedom House ở Hoa Kỳ, thành lập năm 1941, đã trải qua gần 80 năm với hoạt động ngày một thêm mạnh mẽ. Hội Hồng Thập Tự, thành lập năm 1863, vẫn tiếp tục hoạt động và đã lan toả ra khắp thế giới. Một số giáo hội đã trường tồn hàng nghìn năm.

Định chế hoá trong xã hội

Khái niệm định chế hoá áp dụng cho một tổ chức cũng có thể áp dụng cho một quốc gia, một dân tộc, một xã hội.

Sự phát triển của một đất nước phụ thuộc nhiều vào khả năng định chế hoá ở tầm quốc gia. Quốc gia công nghiệp luôn luôn đạt mức định chế hoá cao hơn các quốc gia nông nghiệp. Nền kinh tế phát triển luôn luôn đòi hỏi khả năng định chế hoá cao hơn nền kinh tế thô sơ. Chúng ta có thể cảm nhận được điều này khi đặt chân đến một quốc gia nơi mà đời sống được tổ chức ngăn nắp, phố xá được bảo trì, luật lệ đâu ra đó, so với một quốc gia kém phát triển, nơi mọi thứ đều luộm thuộm, tuỳ tiện, hổ lốn.

Sức mạnh của một nền văn hoá cũng đến từ sự định chế hoá, thường thể hiện qua các quy tắc và quy ước thành văn hoặc bất thành văn – đó chính là những công thức giúp nền văn hoá trường tồn từ đời này sang đời khác và lan toả trong toàn xã hội, nhiều khi còn vượt khỏi biên cương của một quốc gia. Bài học lịch sử của người Mông Cổ bị Hán hoá sau khi chiếm được Trung Hoa cho thấy hậu quả của nền văn hoá yếu khi cọ sát với nền văn hoá mạnh hơn bội phần.

Xã hội dân chủ là nơi mà người dân định chế hoá các hoạt động của mình ở mức vượt xa chính quyền. Khả năng định chế hoá của người dân được diễn đạt qua khái niệm xã hội dân sự, được hiểu là tổng thể của những tổ chức nằm ngoài chính quyền (và không là doanh nghiệp hoặc đơn vị gia đình). Xã hội dân sự phát triển đòi hỏi người dân phải tập hợp thành tổ chức và các tổ chức phải đạt trình độ định chế hoá cao trong hoạt động nội bộ và trong sự liên kết ở ngoài xã hội.

Bẫy không chịu phát triển

Tôi thấy trong số những người đấu tranh dân chủ hoặc nhân quyền ở trong nước, nhất là thành phần có học thức, bàng bạc chủ trương “tôi chỉ hoạt động độc lập”, hiểu theo nghĩa đứng ngoài mọi tổ chức. Nghĩ thế là ngộ nhận đơn độc với độc lập.

Muốn độc lập thì phải mạnh về lực và vững về thế. Muốn tăng lực thì phải định chế hoá các hoạt động trong nội bộ của tổ chức. Muốn tăng thế thì phải định chế hoá các mối liên kết ngoài tổ chức. Một người đơn độc thì chẳng có gì để định chế hoá. Và ngay cả khi có một nhóm người nhưng thiếu định chế thì vẫn chỉ là một đám đông ô hợp.

Hãnh diện rằng “tôi chỉ hoạt động độc lập” chính là hãnh diện về sự yếu kém của mình về khả năng định chế hoá. Niềm hãnh diện đặt không đúng chỗ dễ làm cho người ta không thấy nhu cầu học hỏi, mở mang kiến thức, phát triển năng lực. Đó chính là cái bẫy không chịu phát triển nơi những người đang mong muốn thay đổi xã hội và phát triển đất nước.

Đóng góp trên hết và trước nhất của những ai có lòng và hiểu biết ngay lúc này là học và hành về định chế hoá. Việt Nam đang cần rất nhiều những người chế tạo đồng hồ giỏi.