Bao giờ Việt Nam mới có tự do báo chí?

 

Hôm 3-5 ở Việt Nam sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại lễ quốc tang ông Lê Đức Anh, đã củng cố về đồn đoán sức khỏe của ông tổng bí thư. Báo chí quốc doanh không có dòng nào về việc vắng mặt đó. Quyền tự do thông tin của báo chí Việt Nam trong lãnh vực này là một cấm kỵ.

 

Thảo Vy, Việt Nam Thời bảo, ngày 05/5/2019

Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã dành riêng ngày 3 tháng 5 hàng năm để cổ cũ cho quyền tự do báo chí. Người ta gọi đó là “Ngày Tự do Báo chí thế giới”, viết tắt WPFD (World Press Freedom Day).

“Bao giờ Việt Nam mới có tự do báo chí theo đúng như tôn vinh của WPFD?”. Câu hỏi được đặt ra với các ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ông Đặng Đình Mạnh, luật sư (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông Cao Minh Tâm, nguyên trưởng Ban Chính trị của báo Tiếp thị Việt Nam.

* Ông Phạm Chí Dũng: Ngày 3 tháng 5 là một ngày thiêng liêng đối với giới báo chí tự do, với những nhà báo độc lập trên thế giới và ở Việt Nam. Thế nhưng rất tiếc là ở Việt Nam, tôi chưa thấy bất kỳ cải thiện nhân quyền nào đối với tự do báo chí ở Việt Nam. Vẫn còn rất nhiều nhà báo đang bị giam cầm, với những điều luật cực kỳ mơ hồ như điều 88, sau đó là những điều gọi là chống nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo ộc lập Việt Nam

Tôi nghĩ rằng nếu như chính quyền Việt Nam không chịu cải thiện bất kỳ một nội dung nào liên quan tới các hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA. Đó sẽ là cơ sở để cho Hoa Kỳ cùng các nước khác và liên minh châu âu sẽ không cho phép Việt Nam tham gia vào các hiệp định như thế này.

Và tôi tin rằng năm nay là một năm phải thay đổi của chính thể độc trị ở Việt Nam. Tình hình kinh tế của chính thể độc trị này đã quá yếu rồi. Đặc biệt là khan hiếm ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, buộc họ phải cải thiện nhân quyền và yêu cầu cải thiện đó dứt khoát phải mang tính thực chất.

Với tư cách là chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, tôi xin kêu gọi là các chính phủ tiến bộ trên thế giới, các tổ chức nhân quyền, dân chủ trên thế giới hỗ trợ cho phong trào dân chủ, nhân quyền và tự do báo chí ở Việt Nam, hãy đòi hỏi chính thể độc đảng, độc trị ở Việt Nam phải cải cách càng sớm càng tốt. Cải thiện nhân quyền một cách có thể chứng minh được đối với tự do báo chí ngày hôm nay.

* Ông Đặng Đình Mạnh: Hiến pháp Việt Nam quy định rằng báo chí là một quyền tự do của công dân. Nhưng mà khoảng cách từ một cái quyền do Hiến pháp quy định cho đến thực tế cuộc sống thì khoảng cách đó còn xa lắm. Cụ thể nhất là ngay cả trong Luật Báo chí, hầu như đã loại bỏ hoàn toàn sự tồn tại của một nền báo chí tư nhân. Do không có sự tồn tại của nền báo chí tư nhân, thì chúng ta có thể khẳng định rằng ở Việt Nam không hề có tự do về báo chí.

Luật sư Đặng Đình Mạnh

Sự tồn tại hiện nay của báo chí Việt Nam chỉ xoay quanh là họ thông tin, và họ đưa ra những cái quan điểm của các cơ quan; ví dụ như là đoàn thể, của đảng cộng sản chẳng hạn. Hoặc là những cơ quan chính quyền khác và chỉ trong phạm vi như vậy mà thôi. Lẽ đó nên thông tin họ đưa ra thường mang ý nghĩa là thông tin một chiều, phiến diện; rất nhiều trường hợp chúng ta thấy rằng nó mang tính thiên vị.

Với tư cách là một luật sư, tôi đã từng chứng kiến về những hạn chế của nền báo chí Việt Nam. Đơn cử ở sự việc gần đây xảy ra tại phường 6, quận Tân Bình với tên gọi quen thuộc là vườn rau Lộc Hưng. Có khoảng 500 căn nhà đã bị ủy ban nhân dân phường 6, quận Tân Bình phá dỡ. Họ đã đẩy hàng ngàn người đi ra khỏi căn nhà của họ ngay trong những ngày giáp tết nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua.

Sự kiện nói trên gây xao động nhân tâm rất là lớn, dư luận rất là quan tâm. Thế nhưng vào thời điểm đó báo chí không một dòng nào họ đề cập cả. Chúng tôi biết là có khá nhiều phóng viên báo chí mà chúng tôi quen, họ có đến lấy tin nhưng mà đưa tin thì không. Và đến khi họ đưa tin, thì thực chất họ đưa tin dùm cho chính quyền.

Cụ thể là có buổi họp báo, chính quyền ủy ban nhân dân quận Tân Bình họ thông tin theo quan điểm của họ, và báo chí thì chỉ đưa thông tin ở mức độ như vậy thôi. Đương nhiên ủy ban nhân dân quận Tân Bình chỉ là một bên trong cái vấn đề tranh chấp đất đai ở vườn rau Lộc Hưng. Họ đưa những cái tin mà họ cho rằng có lợi cho họ. Cho nên thông tin mà tờ báo đến với công chúng, nó hết sức phiến diện và thiên vị.

Do không có một nền báo chí tư nhân, báo chí tự do thì chúng ta đành phải chịu đựng như vậy về một nền báo chí. Bởi vậy nên chúng ta cũng không ngạc nhiên khi mà vào thời điểm cuối tháng 4-2019, tổ chức Phóng viên không biên giới xếp hạng Việt Nam vào hạng 175 trong số 180 quốc gia có nền báo chí. Chúng ta gần như là đứng đội sổ. Rõ ràng nền báo chí Việt Nam hiện nay không có nhiều yếu tố để mà có thể tự hào về nghề nghiệp của mình được. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải có một sự thay đổi…

* Ông Cao Minh Tâm: Nếu coi các sản phẩm liên kết xuất bản như các ấn phẩm Tiếp thị gia đình, Tiếp thị Việt Nam, Thế giới tiếp thị, Thế giới Điện ảnh, Một thế giới, Thế giới hội nhập, Người đô thị, Người tiêu dùng… thì Việt Nam đã bắt đầu cho phép tư nhân tham gia vào việc sản xuất báo chí. Lãnh vực truyền hình như các kênh do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn sản xuất để phục vụ khách hàng hệ thống cáp SCTV của họ, là một dẫn chứng khác cho báo chí tư nhân hợp tác với báo chí nhà nước. Kênh truyền hình An Viên trước đây của anh em nhà Phạm Nhật Vượng cũng là một ví dụ.

Tuy nhiên các ấn phẩm liên kết nếu đi chệch quá xa lằn ranh mà Tuyên giáo Đảng đã kẻ vạch, chắc chắn sẽ bị đình bản hoặc đóng cửa vĩnh viễn. Báo Sài Gòn Tiếp thị, Tiếp thị Việt Nam, Thế giới tiếp thị đã bị ‘xóa sổ’ là đơn cử.

Còn bao giờ Việt Nam mới có tự do báo chí? Tôi nghĩ rằng đó là khi Việt Nam chấp nhận sự cạnh tranh công bằng và sòng phẳng của các đảng phái chính trị trong điều hành đất nước.