Bộ luật Lao động sửa đổi và tương lai đầy lấp liếm

 Vẫn chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào của chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam…

Thường Sơn, Việt Nam Thời báo, ngày 05/5/2019

Hoàng Bình – một trong những thành viên chủ chốt của Phong trào Lao động Việt tranh đấu cho quyền lợi công nhân – đã bị chính quyền Việt Nam bắt và xử tù nhiều năm.  

Sau khi Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) bị Hội đồng châu Âu thẳng tay thông báo đình hoãn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền trầm trọng không hề dịu bớt của chính thể độc đảng ở Việt Nam, rốt cuộc chuyến trở về nhà của Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc sau khi đi châu Âu vận động EVFTA đã phải ló ra chỉ đạo sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó lần đầu tiên chính thể độc đảng chịu công nhận vai trò công đoàn độc lập và quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động.

Nhưng cái cách mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã phác ra một tương lai đầy lấp liếm của bộ luật này nhằm át đi và thao túng công đoàn độc lập của công nhân.

Cách thức dùng từ ngữ và việc mô tả nội dung điều chỉnh trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho thấy bản dự thảo này còn rất thiếu thiện chí trong việc đáp ứng các yêu cầu của EVFTA. Trong khi cả CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho TPP mà không có vai trò của Mỹ) và EVFTA đều dùng cách gọi ‘công đoàn tự do’ dành cho quyền được tự thành lập công đoàn của người lao động, thì dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chỉ dùng cụm từ “tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở” một cách lập lờ và giấu đi thực chất của loại hình công đoàn độc lập. Với cách dùng từ như thế, sẽ có nhiều công nhân tưởng rằng công đoàn tự do (hay công đoàn độc lập) về thực chất vẫn là loại hình công đoàn cơ sở thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, do vậy họ sẽ không quan tâm đến việc tự thành lập công đoàn tự do nữa.

Dự thảo trên cũng cũng không mô tả, hoặc mô tả không rõ những quyền của người lao động mà đã được Hiệp định CPTPP quy định như:

– Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động /Công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động VN hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.

– Các tổ chức công đoàn – người lao động này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở; thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động VN.

– Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại VN.

– Lộ trình: Chậm nhất từ 5 đến 7 năm; kể từ khi CTTPP có hiệu lực; các tổ chức người lao động – Công đoàn có thể gia nhập/ hoặc thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như: cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.

Ngoài ra còn có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam như vấn đề đình công: hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp; đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; trong khi đó CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công “phản đối chính sách kinh tế – xã hội”…

Dự thảo trên cũng không làm rõ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký” là cơ quan nào. Với quy định quá chung chung và mập mờ như thế, công nhân sẽ không thể biết đâu là cơ quan ‘có trách nhiệm’ để đăng ký thành lập công đoàn độc lập, khiến họ vẫn phải phụ thuộc vào Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bất chấp việc tổ chức này từ lâu đã tự đặt ra một quy định trong Luật Công đoàn để ‘ăn’ đến 3% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp như một hình thức ăn cướp trên xương máu người lao động.

Với bản dự thảo quá sơ sài trên, cũng có thể thấy rõ về ý đồ của chính thể độc đảng ở Việt Nam là chỉ đưa ra bản dự thảo này cho có và thông qua để Việt Nam được tham gia vào EVFTA, nhưng trong quá trình thực hiện thì sẽ dựng lên một bức thành thủ tục hành chính cao ngất, theo đúng tinh thần ‘hành là chính’, để người lao động không thể đáp ứng được và do đó hồ sơ đăng ký thành lập công đoàn tự do của họ sẽ tất yếu bị gạt ra.

Sau khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn cùng tương lai cực kỳ bế tắc, Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta đã phải tìm ra lối thoát, để một lần nữa trong rất nhiều lần, Hà Nội lại hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’, dù đã chẳng có bất kỳ lần nào trước đó lời cam kết này được biến thành hành động, thậm chí giới công an trị Việt Nam còn hành động ngược lại khi gia tăng bắt bớ giới bất đồng chính kiến trong giai đoạn gần nhất từ giữa năm 2016 đến nay.

Ngay vào lúc này – khoảng thời gian đang tiếp tục diễn ra những cuộc đàm phán khẩn trương giữa Hà Nội và Brusseles – thủ đô Bỉ, nơi đặt trụ sở của EU – về EVFTA, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.