Quyền tự do lập hội, vậy tự do lập hội trong tôn giáo thì sao?

Đây là câu hỏi của một vị Hòa thượng tuổi gần 80, thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cử hành Đại lễ Phật đản Phật Lịch 2563 – DL.2019 tại Tổ Đình Quốc Ân, Huế.

Nguyễn Hồng Phúc, Việt Nam Thời báo, ngày 20/5/2019

 

Trong buổi dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2563 tại Sài Gòn hôm 19-5-2019, vị Hòa thượng cao niên Thích Quảng Tôn có đặt câu hỏi với người viết: “Nghe nói sắp tới sẽ có luật về quyền tự do lập hội. Như vậy, những người tu hành có được quyền chọn những hội, đoàn riêng, mà không phải lệ thuộc vào Mặt trận Tổ quốc?”.

Câu hỏi không dễ trả lời. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hiện là đơn vị thành viên của tổ chức có tên là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thì không có điều khoản nào về việc các tôn giáo được tự do lựa chọn, hoặc tự thỏa thuận thành lập các hội, đoàn độc lập.

Không chỉ riêng Phật Giáo, mà bất kỳ tôn giáo nào để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, đều bị buộc phải là thành viên của tổ chức Mặt trận Tổ quốc (Điều 4, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo).

“Cái căn bản của đạo Phật là sinh hoạt từng chùa, chứ chúng tôi không dựa theo giáo hội nhiều. Giáo hội chỉ là cơ quan hành chánh, lâu lâu tổ chức việc này, việc khác thôi, chứ giáo hội không nhằm đặt ra để mà kiểm soát tất cả các chùa và không có huy động trực tiếp, chỉ huy các thầy làm gì. Các thầy chủ động đặt ra chương trình để làm công việc Phật sự.

Chúng tôi cũng tu hành bình thường thôi, nhưng cơ quan hành chánh của chúng tôi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lại không được tôn trọng. Đúng là nhà nước hiện tại chưa có văn bản nào phủ nhận; nhưng đồng thời họ cũng chưa bao giờ công nhận có một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở tại Việt Nam. Cá nhân tôi nghĩ rằng ngay cả Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay cũng chỉ là một hội đoàn, chúng tôi cũng là một hội đoàn. Cái khác nhau là ở vế có hay không việc là thành viên của Mặt trận Tổ quốc.

Nếu sắp tới đây có luật về quyền lập hội, tại sao không chấp nhận cho những nhà tu hành của chúng tôi được có những hội đoàn riêng của mình, như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chẳng hạn”. Một vị Hòa thượng cao niên khác, không muốn nêu tên, thắc mắc.

Một vị Hòa thượng khác cũng là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, kể rằng ông quan tâm đến bài phát biểu vừa rồi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về kinh tế nhà nước, và kinh tế tư nhân. Vậy thì, nếu hiểu những tổ chức tôn giáo chấp nhận là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, là tôn giáo có dáng dấp ‘nhà nước’; thì cũng nên sòng phẳng thừa nhận, tôn trọng các tôn giáo không là thành viên Mặt trận Tổ quốc. Căn cứ pháp lý cho đề xuất ấy có thể là ở thì tương lai của luật về quyền lập hội.

“Tôi hy vọng chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Tổng Bí thư sẽ mở ra nhiều vận hội cho quyền tự do lựa chọn các tổ chức đại diện cho mình của chùa chiền, tự viện, thay vì buộc tất cả đều phải thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”. Vị Hòa thượng, nói.

Nôm na, người viết bài này cho rằng, nếu như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đưa ra tôn chỉ ‘Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa’, thì cũng cần phải thừa nhận tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với tiêu chí ‘Dân tộc – Đạo pháp’. Sự tự do lựa chọn tổ chức đại diện cho mình của các chùa, tự viện ở đây, thiết nghĩ cũng tương tự như quyền tự do công đoàn đang bàn luận trong sửa đổi Bộ Luật lao động.

Tương tự, ngay cả việc kỷ niệm Phật Đản ở Việt Nam vừa qua cũng có 2 dạng thức và tổ chức cũng khác ngày: Một, Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc tổ chức tại một chùa nào đó được chọn lựa, với sự tham gia của đại diện các chùa trên toàn quốc, cùng đại diện đại biểu quốc tế. Đại lễ mang dáng dấp của quan hệ chính trị đối ngoại.

Hai, Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2563 tiến hành theo nghi thức truyền thống ở tại các chùa trên cả nước.

Quyền tự do tôn giáo và quyền lựa chọn các tổ chức hội, đoàn của những chùa chiền, tự viện: đây là những vấn đề đặt ra trên cơ sở quyền tự do lập hội, tự do công đoàn.