Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 21 từ ngày 20 đến 26/5/2019: Nhiều tù nhân lương tâm ở Trại giam An Điềm tuyệt thực để phản đối việc đánh đập và biệt giam phóng viên Nguyễn Văn Hoá

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 26/5/2019

 

Nhiều tù nhân lương tâm ở Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam), trong đó có anh Hoàng Đức Bình và ông Nguyễn Bắc Truyển, đang tuyệt thực từ ngày 12/5 để phản đối việc quản giáo trại giam đánh đập phóng viên Nguyễn Văn Hoá và đưa anh đi giam riêng mà không thông báo hình thức kỷ luật anh cho các bạn tù khác.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên tiếng về vụ việc này, kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho anh cũng như điều tra để đưa những kẻ đánh đập anh chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhà hoạt động xã hội chống BOT bẩn Đặng Thị Huệ đối diện với nguy cơ xảy thai sau khi bị công an Sóc Sơn đánh đập ngày 20/5. Hiện chị đang nằm viện để bác sỹ theo dõi.

Tù nhân lương tâm Phan Văn Thu, người đang thụ án tù chung thân tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai) đang bị nhiều bệnh nguy hiểm nhưng không được chữa trị. Thay vì đưa ông đi bệnh viện, trại giam lại đưa ông giam chung buồng với tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn để ông này chăm sóc. Ông Tôn hiện còn một chân bị đau sau khi bị bắt cóc và đánh đập bởi mật vụ vào tháng Tư năm 2017, ba tháng trước khi ông bị bắt giữ.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 20/5 =====

Sáu người bị bắt, một phụ nữ bị đánh bởi Công an Sóc Sơn khi phản đối BOT bẩn

Công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, đã bắt giữ 6 nhà hoạt động chống BOT bẩn, đánh đập dã man một phụ nữ trong quá trình bắt giữ vào sáng ngày 20/5/2019.

Nhàhoạt động Trần Thị Thu Thuỷ, người có mặt ở hiện trường Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài cho biết ngườibị công an Sóc Sơn đánh là chị Đặng Thị Huệ, nhữngngười bị bắt tên là Phạm Nam Hải, Phan Đức Thắng, Phạm Thị Tiếp, Mạnh Hùngvà một lái xe chưa rõ tên.

Sáng ngày thứ Hai, nhiều lái xe đến trạm thu phí trên để chất vấn tại sao trạm vẫn thu tiền của lái xe khi đã bị uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải kết luận rằng trạm đã bị đặt sai vị trí và thu tiền bất hợp pháp nhiều xe qua lại trong hơn 10 năm qua. Thay vì trả lời và đối thoại, trạm đã gọi công an đến đàn áp.

Chị Thuỷ, một nhà hoạt động chống BOT bẩn, cho biết chính chị cũng bị công an Sóc Sơn bắt nhưng phải trả tự do cho chị vì không có chứng cứ. Tuy nhiên, công an vẫn còn đang giam giữ 6 nhà hoạt động nói trên.

Đầu giờ chiều, nghe tin chị Thuỷ bị bắt giữ, chồng và em chị tên Nguyễn Thơ đến trạm thu phí để hỏi thông tin và công an cũng bắt luôn họ.

Đây là vụ đàn áp mạnh tay thứ 2 của công an Sóc Sơn chỉ trong vòng 10 ngày. Sáng ngày 11/5, công an huyện này đã đánh đập và bắt giữ khoảng 20 tài xế khi họ đến phản đối việc thu phí bất hợp pháp. Công an chỉ trả tự do cho họ sau nhiều giờ giam cầm, và có tới 7 người bị giữ lại gần 24 giờ. Xe của họ bị phía công an cẩu ra khỏi khu vực trạm thu tiền và đưa vào bãi đỗ xe bị phạt. 7 trong số họ bị buộc phải nộp phạt mỗi người 2.5 triệu đồng vì “Cản trở hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức.”

Trạm thu tiền Bắc Thăng Long- Nội Bài là một trong hàng chục trạm thu tiền được đặt không đúng vị trí, hay còn gọi BOT bẩn ở nhiều địa phương trong đó có Hà Nội, Sài Gòn, Nam Định và Thái Bình. Những trạm này được nhà đầu tư đặt sai vị trí nhằm thu được nhiều tiền hơn, thu cả những người không sử dụng dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp. Tất cả các trạm thu tiền này đều được bảo kê của quan chức cao cấp của chế độ.

Hà Văn Nam và một số nhà hoạt động chống BOT bẩn đã bị bắt, bị bắt cóc và đánh đập bởi mật vụ hay côn đồ. Nam bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm tù giam.

===== 21/5 =====

Nhà hoạt động xã hội Hà Văn Nam từ chối luật sư: Luật sư Trần Thu Nam

Nhà hoạt động chống BOT bẩn Hà Văn Nam, người đang bị tạm giam bởi công an Bắc Ninh, đã từ chối sự trợ giúp pháp lý của luật sư.

Thông tin trên được gia đình của anh Nam cung cấp cho luật sư Trần Thu Nam, một trong 6 luật sư sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho anh trong phiên toà sắp tới đây xử anh về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật hình sự 2015.

Anh Nam, sinh năm 1980, là một trong những nhà hoạt động tích cực phản đối BOT bẩn như Bắc Thăng Long-Nội Bài, Tân Đệ (Nam Định), … Do những hoạt động của mình, anh từng bị bắt cóc và đánh đập với nhiều thương tích trên người vào cuối tháng 1 năm nay.

Đầu tháng 3, anh bị công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đến bắt anh tại nhà riêng ở Hà Nội với cáo buộc trên. Anh sẽ phải đối mặt với mức án tù cao nhất là 7 năm nếu bị kết tội.

Đây là một vụ án nguỵ tạo bởi công an Bắc Ninh nhằm loại anh ra khỏi phong trào chống BOT bẩn và đe doạ các đồng đội của anh.

Sau khi anh bị bắt, có 6 luật sư tự nguyện nhận bào chữa cho anh. Do vậy, việc anh từ chối luật sư rất có thể là do sức ép của công an lên anh và gia đình. Được biết, vợ anh là cán bộ quân đội và từ chối mọi sự trợ giúp của nhiều người hoạt động khác.

Trong hai ngày 11/5 và 20/5, khi nhiều người hoạt động chống BOT bẩn tập trung ở trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài để phản đối việc thu phí trái phép ở đây, công an huyện Sóc Sơn đã thẳng tay đàn áp, đánh đập và bắt giữ hàng chục người, tra hỏi họ trong nhiều giờ trước khi trả tự do cho họ. Ít nhất 10 người đã bị phạt hành chính mỗi người 2,5 triệu đồng vì “Cản trở hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức.”

Việt Nam có khoảng 90 dự án giao thông dạng BOT (xây dựng- điều hành-chuyển giao), và hàng chục trạm thu phí được nhà đầu tư cố tình đặt sai chỗ nhằm thu phí cả từ những phương tiện không sử dụng dịch vụ mà nhà đầu tư tạo ra. Tất các trạm thu phí này đều là sân sau của một số quan chức cao cấp của chế độ.

===== 22/5 =====

Bảy phụ nữ bị kết án tù treo vì phản đối dự án ô nhiễm môi trường

Nhà cầm quyền tỉnh Tây Ninh đã kết tội 7 phụ nữ với tội danh “gây rối trật tự công cộng” và kết án tù từ 24 đến 30 tháng tù treo chỉ vì họ có những hành động bảo vệ môi trường.

Phiên toà diễn ra vào tuần trước và 7 phụ nữ bị kết tội vì tham gia chặn xe chở cát mà họ cho là gây ô nhiễm tại ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu.Toà kết tội hai bà Vũ Thị CươngvàTrần Thị Nhẫnmỗi người bị 30 tháng tù treo. Những người còn lại Ngô Thị Trúc Mai, Trần Thị Thoại, Hà Thị Mơ, Đào Thị Tiến và Phạm Thị Băngđều bị án 24 tháng tù treo.

Theo đó, sự việc xảy ra vào tháng 9 năm 2017 khi đó một số người dân sống dọc tuyến đường DH805 tại xã Tân Phú chặn xe chở cát của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt- Úc, chi nhánh 2,lưu thông từ bãi cát ra tuyến đường 785.

Nhữngngườiphản đối cho rằng xe chở cát gây ô nhiễm khói bụi cũng như là mối nguy hiểm giao thông cho dân chúng địa phương. Những người phản đối yêu cầu công ty phải xây dựng đường tránh để vận chuyển cát nhằm tránh tình trạng gây ô nhiễm và nguy hiểm.

Mộtbị cáo nói bức xúc vì các xe này chạy ẩu, cả ngày lẫn đêm gây bụi bặm, ô nhiễm, nứt nhà cửa người dân ven đường. Các xe nhiều lần ép người dân té xuống mương, hàng rào ven đường gây thương tích.

Việc chặn xe chở cát của dân địa phương vẫnxảy ra và lần chặn vào ngày 11/12/2017 khiến giao thông bị ách tắc 2 tiếng rưỡi đồng hồ.

Mộtngày sau, công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can bà bắt tạm giam hai trong nhóm 7 người phản đối. Sau đómột thời gian ngắn, chúngtiếp tục bắt năm phụ nữ khác.

Luậtsư Nguyễn Thạch Thảo, người tham gia bào chữa cho nhiều người trong vụ án này, cho rằng 7 phụ nữ trên bị hoặc có người thân bị xe tải chở cát chèn ép gây thương tíchvà họ là bị hại chứ không phải bị cáo và ông đòi toà trả tự do cho cả 7 phụ nữ. Tuy nhiên, toà đã phớt lờ bản bào chữa của ông.

Như vậy, công an Tây Ninh đã giam giữ họ hơn 18 tháng trước khi xét xử cho một tranh chấp dân sự chỉ vì công ty Việt-Úc có quan chức cộng sản chống lưng.

===== 23/5 =====

Nhiều tù nhân chính trị tuyệt thực ở Trại giam An Điềm để phản đối việc đàn áp Nguyễn Văn Hoá

Nhiều tù nhân lương tâm trong đó có anh Hoàng Đức Bình và ông Nguyễn Bắc Truyển đang tuyệt thực trong Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam) để phản đối ban giám thị trại giam này đưa tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá đi khỏi phòng giam mà không thông báo cho các bạn tù cùng phòng.

Đây là thông tin từ gia đình của tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình ngay sau chuyến đi vào trại giam. Em trai của Bình nói rằng Bình có yếu đi nhiều nhưng vẫn minh mẫn trong ngày tuyệt thực thứ 11.

Anh Bình, phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt, kể với gia đình rằng đầu tháng 5, ban giám thị trại giam có gọi Hoá lên làm việc về một vấn đề gì đó. Sau buổi làm việc, phía trại giam có yêu cầu Hoá ký vào một biên bản làm việc mà trên tờ giấy ghi biên bản có rất nhiều khoảng trống. Hoá không đồng ý và hai bên xảy ra cãi cọ rồi quản giáo có ghì đầu Hoá và đánh anh.

Sau khi đánh Hoá, công an đưa Hoá đi giam một chỗ khác mà không thông báo với những bạn tù khác cùng phòng, như quy định về trại giam. Do vậy, Bình và ông Truyển cùng một số tù nhân lương tâm khác trong trại đã tuyệt thực để phản đối việc ban giám thị vi phạm nội quy của trại giam.

Ngày 14/5, sau khi được gia đình của anh Bình thông báo về tình hình của Hoá, chị gái của Hoá tên Huệ đã vào trại giam đòi được gặp anh nhưng phía trại giam nói Hoá đang bị kỷ luật 10 ngày nên không được gặp người thân. Phía trại giam không nói rõ lý do kỷ luật.

Anh Hoá là nhà báo tự do- phóng viên ảnh cho Đài Á châu Tự do và một số hãng tin khác. Anh bị bắt đầu năm 2017 và bị kết án 7 năm về tội danh nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước.”

Hoàng Đức Bình là một người tích cực hỗ trợ giáo dân Nghệ An trong việc phản đối Formosa và đòi công ty này bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do công ty này gây ra. Anh bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với mức án tổng cộng là 14 năm tù giam.

Ông  Truyển, một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, bị bắt giữ ngày 30/7/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” chỉ vì vận động thành lập Hội Anh em Dân chủ. Ông bị kết án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế trong một phiên toà không tuân thủ quy trình quốc tế về phiên toà công bằng.

===== 24/5 =====

Tù nhân lương tâm Phan Văn Thu ốm nặng nhưng không được chữa trị

Tù nhân lương tâm Phan Văn Thu, người đang thụ án tù chung thân tại Trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai, hiện đang bị bệnh nặng như tiểu đường typ 3, suy tim, huyết áp cao, viêm khớp, và không còn tự phục vụ được nữa.

Trại giam đã chuyển ông Thu sang cùng phòng giam với mục sư Nguyễn Trung Tôn để ông mục sư này chăm sóc cho ông Thu. Mục sư Tôn, người đang thụ án tù 11 năm, hiện cũng đang bị nhiều bệnh tật mà không được chữa trị kịp thời.

Tuy nhiên, dù bản thân mình gặp nhiều khó khăn và đau đớn, nhưng ông Tôn cho biết vẫn sẵn sàng trợ giúp người bạn cùng phòng mới.

Ông Thu là người sáng lập nhóm tôn giáo tên là Ân đàn Đại đạo và cùng các tín đồ và thân hữu xây dựng lên khu du lịch sinh thái Bia Sơn ở xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Nhận thấy đây là một nơi có thể mang lợi nhuận cao nên nhà cầm quyền tỉnh Phú Yên vu cho ban lãnh đạo của nhóm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Phía công an cộng sản bịa ra cái tên Hội đồng Công án Luật Bia Sơn để gán ghép cho nhóm đạo này, biến họ từ một nhóm thuần tôn giáo thành một tổ chức có hoạt động chính trị. Sau đó, công an Phú Yên lần lượt bắt ông Thu cùng 21 người khác trong năm 2012.

Năm 2013, nhà cầm quyền Phú Yên đem họ ra xử sau khi đã cướp hết tài sản và đất đai của khu du lịch Bia Sơn. Ông Thu bị kết án chung thân còn 21 người kia bị mức án từ 10 đến 17 năm tù.

Nhiều tù nhân lương tâm của nhóm này bị đày đoạ ở trong trại giam. Ông Thu và ông Đặng Đình Nam (bị giam ở Xuyên Mộc- Vũng Tàu) bị nhiều bệnh nặng nhưng không được chữa trị mà chỉ được cung cấp vài viên thuốc cho có lệ.

Mục sư Tôn là cựu chủ tịch Hội Anh em Dân chủ. Ông bị bắt cóc và đánh đập gãy hai chân và nhiều vết thương khác vào tháng Tư năm 2017 trước khi bị bắt vào ngày 30/7/2017 với cáo buộc nguỵ tạo theo Điều 79. Ông bị kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Hiện một chân của ông vẫn chưa được chữa trị triệt để.

——————–

Hoà thượng Thích Đồng Long của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị bắt

Hoà thượng Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) đã bị lực lượng an ninh cộng sản ở thành phố Sài Gòn bắt giữ chiều ngày 22/5 và chưa được trả tự do sau hơn 1 ngày.

Đầu giờ chiều ngày thứ Tư, vị hoà thượng này ra trước Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở đường Lê Duẩn để biểu tình phản đối nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của ông. Ông bị cảnh sát đến bắt giữ lúc 2.30 và đưa đi đâu không ai rõ.

Ông chia sẻ trên mạng xã hội rằng ông mang theo quần áo để có thể sẵn sàng vào nhà tù cộng sản.

Theo blogger Đàm Ngọc Tuyên thì hoà thượng Thích Đồng Long tu tập tại chùa Liên Trì ở quận 2, do hòa thượng Thích Không Tánh trụ trì. Chùa này trực thuộc GHPGVNTN, một giáo hội không trực thuộc Phật giáo quốc doanh, nên nhà cầm quyền liên tục đàn áp nhiều năm qua. Sau khi chùa bị nhà cầm quyền Sài Gòn đập phá để cướp đất vào năm 2016, hoà thượng Long đã trở về quê nhà ở Củ Chi và tự xây chùa Liên Trì 2 trên đất của gia đình ở xã Trung Lập Hạ.

Nhà cầm quyền địa phương liên tục sách nhiễu, đàn áp ông và mẹ già bằng nhiều hình thức khác nhau, như: ném pháo sáng vào chùa, ngăn cản Phật tử vào chùa. Sáng ngày 22/5, nhân lúc ông đi vắng, nhà chức trách ở xã đã sai người tháo biển hiệu của chùa và đó là nguyên nhân ông đến trung tâm Sài Gòn để biểu tình.

Chế độ cộng sản Việt Nam luôn muốn kiểm soát các tôn giáo và đàn áp các nhóm tôn giáo không chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản cầm quyền. Những nhóm tôn giáo độc lập đang bị đàn áp là GHPGVNTN, Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, nhiều nhà thờ Công giáo, Phật giáo Cao Đài, và nhiều nhà thờ Tin Lành.

===== 25/5 =====

Nhà hoạt động Huệ Như bị động thai sau khi bị Công an Sóc Sơn đánh đập

Nhà hoạt động chống BOT bẩn Đặng Thị Huệ (Facebooker Huệ Như) đang bị động thai, 5 ngày sau khi bị công an Sóc Sơn đánh đập ở Trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài.

Theo nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Facebooker Nguyễn Trần Công), sáng nay chị Huệ cảm thấy đau dữ dội ở vùng bụng và chị được đưa vào Bệnh viện phụ sản Thái Bình để chữa trị khẩn cấp.

Xét nghiệm chỉ ra rằng chị bị động thai và đối mặt với nguy cơ xảy thai. Theo bác sỹ, chị có thể bị nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời.

Chị Thuỷ cho biết việc động thai này rất có thể gây ra bởi việc đánh đập chị Huệ của công an Sóc Sơn ngày 20/5 khi bắt giữ và tra khảo sau đó. Theo đó, sau khi bắt giữ chị Huệ, công an Sóc Sơn đưa chị vào phòng điều hành của Trạm thu phí và đánh chị. Chị Thuỷ khẳng định chị chứng kiến hai tên công an lên gối vào bụng bị Huệ cho dù chị Huệ đã nói với chúng rằng chị đang mang thai ở tuần thứ 5. Sau khi được trả tự do trong chiều tối ngày 20/5, chị Huệ có kêu đau nhưng chủ quan không đi làm xét nghiệm ngay.

Như tin đã đưa, ngày thứ Bảy tuần trước, chị Huệ cùng nhiều nhà hoạt động chống BOT bẩn đã đến Trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài để phản đối việc thu phí của trạm này vì trạm này được đặt sai vị trí, cách con đường BOT đến 11 km. Thay vì trả lời và đối thoại, ban quản lý trạm đã gọi cảnh sát Sóc Sơn để đàn áp. Năm nhà hoạt động đã bị bắt và giam giữ nhiều giờ rồi bị phạt 2,5 triệu đồng mỗi người vì “Cản trở hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức.” Riêng chị Huệ, nhân tố tích cực của phong trào chống BOT bẩn, đã bị công an Sóc Sơn “ưu ái” đánh đập thẳng tay.

Nhiều nhà hoạt động chống BOT đã bị côn đồ hoặc công an bắt cóc, đánh đập từ đầu năm đến nay. Ngày 11/5, cũng tại Trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài, công an Sóc Sơn đã đánh đập và bắt giữ khoảng 20 người hoạt động. Hà Văn Nam, người đang bị giam giữ để điều tra về cáo buộc nguỵ tạo “gây rối trật tự công cộng,” đã bị bắt cóc và bị đánh dẫn tới gãy xương sườn và nhiều vết thương khác trên người trước khi bị bắt vào đầu tháng 3.

——————–

Thực hiện theo luật an ninh mạng CSVN, Facebook tăng 500% chặn số lượng bài viết

Báo Trithuc.vn ngày 25 tháng 5 năm 2019 dẫn tin của Reuters, theo báo cáo minh bạch của Facebook, từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 12 năm 2018, Facebook đã chặn, không cho hiển thị 1,553 nội dung và 3 hồ sơ người dùng.

Theo đó, lượng nội dung bị giới hạn tiếp cận đã tăng hơn 500% từ nửa cuối năm 2018. Người phát ngôn của Facebook giải thích rằng, mặc dù nhiều bài viết không vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, tuy nhiên các bài viết này được cho là vi phạm luật pháp Việt Nam, chính là luật An ninh mạng. Vì vậy, phía Facebook đã hạn chế quyền truy cập của người dùng Facebook.

Đại diện Facebook cho biết, những bài viết bị hạn chế nội dung đăng tải là nằm trong danh sách báo cáo của bộ Thông tin- Truyền thông, và bộ công an CSVN gửi cho Facebook.

Còn theo báo cáo của trang mạng chính phủ CSVN, ngày 7 tháng 5, Facebook gỡ bỏ hơn 200 nội dung đăng tải theo yêu cầu của chính phủ, vì những bài viết này được cho là có nội dung chống nhà nước.

Hà Nội còn thành lập nhóm gồm: bộ công an, bộ Thông tin- Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cơ quan Thuế, để cùng với Facebook giải quyết các vấn đề vi phạm nội dung, phát triển kinh tế, và thuế.

Tin liên quan: Facebook đang hợp tác với chính quyền Việt Nam như thế nào?

===== 26/5 =====

Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời điều tra và đưa những kẻ đánh đập anh ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài Á châu Tự do (RFA), ông Nguyễn Trường Sơn từ Ân xá Quốc tế cho hay tổ chức này coi việc anh Hoá bị công an quản giáo trại giam An Điềm đánh đập gây thương tích hôm 12/5 và sau đó bị biệt giam là “vô cùng nghiêm trọng.”

Ông nói việc đánh đập và biệt giam anh Hoá là vi phạm luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế. Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định rằng “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không bị tra tấn” trong khi Việt Nam cũng là thành viên của Công ước Chống Tra tấn của Liên Hiệp quốc và phải có trách nhiệm thực thi.

Ông khẳng định phóng viên tự do Hoá là tù nhân lương tâm, và anh bị bắt giữ và kết án một cách độc đoán bởi chế độ toàn trị.

Anh Hoá là phóng viên video của RFA và một số hãng tin khác. Anh từng dùng flycam quay phim nhiều cuộc biểu tình của người dân ở miền Trung phản đối công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung năm 2016. Chính vì thế mà anh bị bắt vào năm 2017 và sau đó bị kết án 7 năm với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Anh nhiều lần bị đánh đập bởi công an cộng sản từ khi bị bắt giữ.

Ngày 12/5, anh bị gọi lên làm việc và sau đó bị đánh đập bởi quản giáo vì không chịu ký vào biên bản. Ngay trong ngày, quản giáo đưa anh đi giam một chỗ khác mà không thông báo với các bạn tù khác. Để phản đối, nhiều tù nhân chính trị trong trại, trong đó có anh Hoàng Đức Bình và ông Nguyễn Bắc Truyển đã ngay lập tức tuyệt thực. Theo nhiều nguồn tin thì các tù nhân nói trên vẫn đang tuyệt thực còn Hoá vẫn bị biệt giam.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây