“Xấu hổ và đau đớn”: Việt Nam bắt đầu vật lộn với tình trạng xâm hại tình dục trẻ em

Khi còn là học sinh, Thảo đã bị lạm dụng tình dục bởi giáo viên dạy toán trong hai năm

The Guardians, ngày 19/6/2019

(Vũ Quốc Ngữ dịch)

Sau nhiều vụ dính đến quan chức cao cấp, chính phủ đã đưa ra một chiến dịch để đưa vấn đề ra trước công chúng

Đó là buổi sáng tại một trường học ở Hà Nội khi một học sinh tuổi teen vào lớp. Khi em ngồi vào bàn học, máu bắt đầu chảy dưới ghế; bởi vì sáng hôm đó em đã bị lạm dụng tình dục. Khi giáo viên của em nói em nên ngồi lên khăn giấy để cầm máu, cô bé bắt đầu khóc.

Vụ việc, được kể lại bởi Huỳnh Mai, một nhà tâm lý học, đã gây chú ý tại Việt Nam vào tháng trước. Tuy nhiên, nó đã phản ánh một nền văn hóa thờ ơ và kỳ thị về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em ở nước này trong nhiều thế hệ, theo nhiều giáo viên, nạn nhân và tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, sau nhiều vụ lạm dụng tình dục bởi một số quan chức hoặc cựu quan chức cao cấp, nhiều vụ liên quan đến việc lạm dụng học sinh của giáo viên, chính phủ đã đưa ra một số sáng kiến để đưa vấn đề ra trước công chúng.

Những hành động này bao gồm sáng kiến “Chấm dứt bạo hành thân thể đối với trẻ em ở nhà và trường học” của Bộ Giáo dục & Đào tạo và giới thiệu những khoá học phòng chống xâm hại tình dục bắt buộc cho những học sinh lớp một, cũng như sách giáo khoa dạy trẻ cách đối phó khi bị tấn công tình dục và những phần nhạy cảm của cơ thể.

Đối với các nạn nhân như Thảo, trường học là nơi khởi đầu quan trọng cho chiến dịch. Khi em được 13 tuổi, giáo viên dạy toán bắt đầu lạm dụng tình dục em và việc xâm hại này kéo dài trong hai năm. Do sự kỳ thị và một nền văn hóa bí mật gây tổn hại, kẻ xâm hại em chưa bao giờ bị nêu tên hoặc bị đưa ra tòa. “Ông ta từng đánh tôi…tôi rất sợ nhưng tôi không dám nói với bố mẹ vì ông ấy đe dọa tôi rằng ông ta sẽ giết tôi,” Thảo nói. “Ông ấy thao túng tôi, làm tôi cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân mình.”

Sự xâm hại, đầu tiên là bạo lực, trở thành xâm hại tình dục khi Thảo mới 14 tuổi. Em có kể với mẹ mình nhưng họ quyết định không báo cáo. “Chúng tôi biết cảnh sát sẽ không giải quyết và mẹ tôi đã không muốn mọi người làm tổn thương tôi bằng cách phán xét tôi bằng cách buôn chuyện,” Thảo nói.

Thảo phải mất nhiều năm để phục hồi. “Tôi đã trải qua rất nhiều lần đổ vỡ mà tôi không thể đếm được, tôi đã làm tổn thương chính mình và làm tan nát trái tim của cha mẹ. Tôi đã chịu đựng nó trong 735 ngày, và cảm giác như là 10 năm.”

Việc Thảo bị lạm dụng tình dục ở trường không phải là trường hợp hiếm. Hầu hết các vụ lạm dụng trẻ em ở Việt Nam năm nay đều có sự tham gia của giáo viên, với một giáo viên đạo đức gần đây đã bị bỏ tù vì cưỡng hiếp nhiều cô gái trẻ và một giáo viên khác bị bắt vì tội làm học sinh mang thai.

Ở Việt Nam, luật về bạo lực tình dục trẻ em còn mơ hồ, khiến việc kết án trở nên khó khăn. Một số hình thức bạo lực tình dục thậm chí còn không bị coi là phạm tội hình sự, thay vào đó, tấn công tình dục vẫn là vi phạm hành chính và mức phạt tối đa chỉ là 13 đô la.

Vào tháng 3, một người đàn ông chỉ bị phạt  200.000 đồng vì tấn công tình dục một phụ nữ trong thang máy chung cư ở Hà Nội. Tháng sau, một cựu quan chức chính phủ bị bắt gặp trong một vụ việc tương tự ở Sài Gòn, lần này là quấy rối một đứa trẻ. Vụ việc gây náo động trên toàn quốc và cư dân của khu chung cư bắt đầu một đơn thỉnh cầu kêu gọi sửa đổi luật pháp, và trong khi đợi Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời, họ vẫn đang tranh luận về việc liệu có coi đụng chạm vào cổ và bụng là quấy rối tình dục hay không.

Không chỉ giáo viên bị nhắm mục tiêu bởi chiến dịch của chính phủ. Lực lượng cảnh sát cũng đang được giáo dục để nhận ra các dấu hiệu tấn công tình dục ở cả phụ nữ và trẻ em nếu bị cưỡng bức, bị trói buộc, đánh đập và quần áo rách nát để chứng minh cho các vụ cưỡng hiếp hoặc tấn công.

Cảnh sát Việt Nam ghi nhận 1.547 vụ lạm dụng tình dục trẻ em năm 2018 nhưng do văn hóa giữ bí mật xung quanh lạm dụng, con số thực dường như cao hơn nhiều.

Rana Flowers, đại diện của UNICEFtại Việt Nam, cho biết các số liệu được công bố có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Cô hoan nghênh sáng kiến của chính phủ, nhưng cho biết cần phải hành động nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong lạm dụng trực tuyến.

“Sự phát triển nhanh chóng của Internet ở Việt Nam là nguy cơ mới đối với trẻ em với các trường hợp lạm dụng và khai thác trên Internet và mạng xã hội cũng gia tăng,” bà nói.

“Việt Nam vẫn thiếu khung pháp lý nghiêm khắc để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, đặc biệt là lạm dụng tình dục. Điều này cũng mở rộng đến việc thiếu các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho nạn nhân.”

Chiến dịch nâng cao nhận thức đang dần thấm vào xã hội, khi mọi người bắt đầu lên tiếng về việc lạm dụng trẻ em, kêu gọi luật pháp và thực thi hiệu quả hơn, truyền bá nhận thức trên phương tiện truyền thông xã hội và thậm chí thiết kế một trò chơi để dạy trẻ em cách tự bảo vệ mình. Trẻ em từ sáu tuổi đã đăng ký các lớp học tự vệ miễn phí tại Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trọng tâm vẫn chủ yếu là làm thế nào trẻ em có thể ngăn mình khỏi bị tấn công, thay vì ngăn chặn sự lạm dụng bắt đầu.

Queenie * là một trong số những người chọn giữ kín cuộc tấn công của mình vì sợ bị hiểu nhầm. Khi còn nhỏ, cô đã bị tấn công hai lần, lần đầu là một người bạn của gia đình và lần thứ hai là bạn trai của người cô. Nhưng điều cô lo lắng là mọi người sẽ nói với cô rằng không có gì xấu xảy ra nên chỉ cần tránh xa anh ta là đủ.

“Xã hội thiếu sự hỗ trợ cho vấn đề này. Mọi người giữ im lặng – một cách xấu hổ và đau đớn.