Việt Nam 4 năm tiếp theo: không tự do lập hội, không biểu tình, không báo chí tư nhân?

Những người bị kết án tù vì thực hiện những quyền cơ bản 

Từ chối khuyến nghị ILO 87 cũng sẽ tiếp tục đặt các tổ chức nhóm hội không có tư cách pháp nhân trở thành những đối tượng có thể bị truy tố trong trường hợp cần thiết.

An Viên, Việt Nam Thời báo, ngày 29/6/2019

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát còn được gọi là Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR), là quá trình 4 năm một lần dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tất cả 192 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc, đều phải lần lượt thực hiện việc rà soát tình hình nhân quyền của nước mình.

Mới đây, theo chia sẻ từ cô Nghiêm Hoa trên trang Facebook cá nhân, về sơ bộ UPR lần 3, phản hồi chính thức của VN đã được công bố trên trang VN của OHCHR, theo đó, Hà Nội chấp nhận 220/291 khuyến nghị. Từ chối 50 khuyến nghị, với lý do chủ yếu là không phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam.

Trong 50 khuyến nghị từ chối bao gồm: công ước nhân quyền về mất tích cưỡng bức; công ước tự do lập hội (ILO 87); thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia; cho phép báo chí tư nhân; sửa luật Hình sự và an ninh mạng liên quan đến tự do biểu đạt; công nhận người bảo vệ nhân quyền và điều tra các hành vi bạo lực với người bảo vệ nhân quyền; trả tự do cho các tù nhân lương tâm; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh doanh và nhân quyền.

Đánh giá về điều này, cô Nghiêm Hoa bày tỏ trên Facebook cá nhân của mình, sau 4 năm, đã không có gì mới về chuẩn mực trong cam kết nhân quyền của Việt Nam, và “Nhà nước ngày càng tự tin hơn với chính sách nhân quyền của mình”.

Như vậy, căn cứ phản hồi chính thức của nhà nước Việt Nam vể vấn đề nhân quyền, thì trong 4 năm tiếp theo, dự luật về Hội, biểu tình sẽ tiếp tục treo, dù cho về mặt thực tế, nhu cầu thực tiễn xã hội đang ngày càng khẩn thiết. Sẽ không có một cơ quan nhân quyền quốc gia, mặc dù theo đánh giá của những người ủng hộ, thì cơ quan này sẽ giải tỏa bớt gánh nặng cho hệ thống tòa án và tạo điều kiện cho công dân hay cư dân tiếp cận công lý; hỗ trợ chính phủ, thành viên quốc hội, chủ thể xã hội dân sự về thực hiện các tiêu chuẩn nhân quyền phù hợp.

Cần nhắc lại, đã hơn 1 thập niên, kể từ khi thực tiễn xã hội đặt ra vai trò của dự luật về hội lẫn biểu tình.

Cũng cần nhắc lại thêm, đã hơn 2 thập niên, kể từ khi Bộ ngoại giao Việt Nam đặt yêu cầu với Viện Nhân quyền Đức trình Quốc hội về “lập mô hình cơ quan nhân quyền quốc gia với nghiên cứu tổng thể các mô hình cơ quan nhân quyền các nước trên thế giới, đã trình Quốc hội xem xét xây dựng mô hình cơ quan nhân quyền quốc gia cho Việt Nam.”

Việc từ chối công nhận người bảo vệ nhân quyền và điều tra các hành vi bạo lực với người bảo vệ nhân quyền tiếp tục đưa những ai tham gia hoạt động nhân quyền và bảo vệ nhân quyền trở thành một người “vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật”, thay vì là những người “tù nhân lương tâm” hay “những người bất đồng chính kiến”.

Việc từ chối điều tra hành vi bạo lực với người bảo vệ nhân quyền tiếp tục sẽ là một thách thức về mặt pháp lý, khi các trường hợp tấn công vật lý và tinh thần người hoạt động nhân quyền của một số đối tượng có yếu tố nhà nước tiếp tục bị lờ đi, và dẫn đến khả năng bao che hoặc bênh vực các đối tượng đã – đang và sẽ xâm phạm quyền con người đối với những đối tượng mà nhà nước không có thiện cảm này.

Quyền tự do biểu đạt tiếp tục bị từ chối, những điều luật mơ hồ và ngăn cản bày tỏ chính kiến sẽ tiếp tục tạo nguy cơ bị tấn công hoặc ngồi tù, nhất là đối với các Facebooker hiện nay. Cùng với không cho phép báo chí tư nhân sẽ làm gia tăng sự kiểm soát tiếng nói người dân đối với các chủ trương, chính sách nhà nước, và đi đến thực hiện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội, áp đặt những công lý theo công thức có sẵn, thay vì nhìn nhận đây là một diễn đàn đa chiều.

Từ chối khuyến nghị ILO 87 cũng sẽ tiếp tục đặt các tổ chức nhóm hội không có tư cách pháp nhân trở thành những đối tượng có thể bị truy tố trong trường hợp cần thiết.

Và đây liệu rằng, khi đánh giá Việt Nam chưa có vị thế tương xứng về nhân quyền, thì có bị báo Nhân Dân phê phán là “những luận điệu cũ rích và đòi hỏi phi lý”? Và liệu làm thế nào để Hà Nội chứng minh rằng, nhà nước Việt Nam “nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền của mọi người dân”, khi mà các quyền cơ bản về dân sự và chính trị đã không tồn tại, ngay về mặt chấp thuận khuyến nghị UPR lần này? Đó cũng là lý do vì sao Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các hình phạt đối với các tội “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin” hay Luật Xuất bản năm 2012, Luật Báo chí 2016 khẳng định nguyên tắc Nhà nước không kiểm duyệt trước khi in, đăng, phát sóng trở nên hình thức trong đời sống thực tế chính trị – dân sự hằng ngày.

Hiệu quả của UPR, trong mắt bà Mandeep Tiwana, trưởng phòng chính sách và nghiên cứu của tổ chức CIVICUS, một liên minh toàn cầu của các tổ chức xã hội dân sự, là “nó có thể được tăng cường nhanh chóng bằng cách khuyến khích cộng đồng quốc tế, các tổ chức đấu tranh, và các quốc gia thực hiện các biện pháp chủ động”. Nhưng thông qua trường hợp Việt Nam, nếu không có một tình huống chính trị hoặc kinh tế thúc đẩy, thì rất khó để Hà Nội thực hiện các biện pháp chủ động, đặc biệt là chủ động trong cải thiện nhân quyền cốt lõi, liên quan đến quyền dân sự – chính trị (quyền lập hội, quyền báo chí tư, quyền biểu tình).