Vatican sẽ có đại diện thường trú tại Việt Nam?

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới không duy trì quan hệ chính thức với Tòa Thánh. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, Vatican đã được phép gửi Đại diện Tòa Thánh không thường trú đến Việt Nam, đất nước có 7% dân số theo đạo Công giáo. 

Thảo Vy, Việt Nam Thời báo, ngày 27/8/2019

Việc bổ nhiệm các giám mục tại Việt Nam, theo quy định của Giáo hội Công giáo La Mã là do Vatican chỉ định. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này vẫn phải thông qua Nhà nước Việt Nam, và chỉ được bổ nhiệm với điều kiện Chính phủ Việt Nam đồng ý.

Kể từ tháng 5 năm 2018, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa thánh tại Singapore là đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam. Các chuyến thăm của Sứ thần phải được chính phủ Việt Nam chuẩn y và không được ở lâu quá một tháng.

Tin tức cho hay trong hai ngày 21 và 22/08/2019, nhóm làm việc chung giữa Giáo hội La Mã và Việt Nam đã có phiên họp thượng đỉnh lần thứ tám tại Vatican, với kết quả sẽ thiết lập đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, bước đi được đánh giá là nhằm hướng tới đặt quan hệ ngoại giao chính thức là đại sứ Tòa Thánh – tức Tòa Khâm sứ tại Việt Nam.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện?

Từ Cần Thơ, linh mục Lê Ngọc Thanh (Giáo xứ Sáu Bọng), nhìn nhận phiên đàm phán lần thứ 8 này là ‘không ảnh hưởng, không liên quan trực tiếp đến vấn đề niềm tin, và thực hành niềm tin công giáo của người Công giáo tại Việt Nam’.

Linh mục Lê Ngọc Thanh diễn giải: “Tôi nghĩ rằng kết quả của phiên họp thuần túy là đạt được mục tiêu ngoại giao của hai quốc gia. Thứ nhứt là quốc gia thành Vatican, và thứ hai là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một bước tiến về ngoại giao; nghĩa là xích gần lại nhau hơn về mặt ngoại giao. Chứ không phải là đạt được cái mục tiêu về hỗ trợ niềm tin, hoặc là thực hành tôn giáo một cách cụ thể hơn, hiệu quả hơn ở tại Việt Nam.

Điểm thứ hai tôi muốn đề cập là câu chuyện về nhiệm kỳ của Hội đồng Giám mục Việt Nam khóa trước, có một vị trong ban thường vụ của Hội đồng Giám mục khi được Tổng Giám mục Marek Zalewski hỏi Tòa Thánh có cần thúc đẩy nhanh về bang giao với Việt Nam?, thì vị ấy đã trả lời rằng không nên đánh đổi tất cả để được về ngoại giao.

Phát biểu đó dựa trên thực tế, là tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn mang tính hình thức của kiểu ‘treo đầu dê – bán thịt chó’. Cứ mỗi lần chính quyền Việt Nam bảo chính sách tôn giáo nhất quán, trước sau như một, tức là họ bảo rằng sẽ tiếp tục bức hại tôn giáo. Đó là vì trước đây họ đã cướp Nhà Thờ, phá Tu Viện, và bây giờ vẫn ‘nhất quán’, thì có nghĩa là sẽ tiếp tục làm như vậy. Khác chăng là về cách thức thực hiện.

Nhìn lại kết quả cuộc họp, chúng ta chúc mừng Tòa Thánh và Việt Nam thêm cơ hội bang giao, nhưng cái đó không hề là cái chỉ báo cho thấy rằng đời sống giáo hội, cho tự do tôn giáo ở Việt Nam được cải thiện”.

Truyền thông bẩn của phe nhóm lợi ích trong đảng cầm quyền

Nếu như cứ mỗi dịp chuẩn bị bổ nhiệm các nhân sự cấp cao trong bộ máy đảng, chính phủ thì trên truyền thông mạng xã hội có vô số đồn đoán. Thật và giả đan xen nhau trong bối cảnh tất cả đều là việc tranh giành quyền lực trong thể chế độc đảng toàn trị.

Phe nhóm lợi ích trong đảng cầm quyền này, theo lập luận của linh mục Lê Ngọc Thanh, họ còn nhúng bàn tay vào chuyện nhân sự của Giáo hội Công giáo Việt Nam, khi theo Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, thủ tục hành chính cho bổ nhiệm nhân sự tôn giáo buộc phải được sự đồng ý phê chuẩn của Nhà nước Việt Nam.

Đề cập về những thông tin đồn đoán bổ nhiệm nhân sự ở Giáo hội Công giáo Việt Nam đang được đăng tải trên mạng xã hội, linh mục Lê Ngọc Thanh nói rằng, “khi mà Tòa Thánh chưa công bố, thì tất cả mọi thông tin, kể cả Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có loan báo, hoặc là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam có loan báo, thì vẫn chỉ là dự kiến. Tòa Thánh có thể xóa đi, lập lại từ đầu”.

Linh mục Lê Ngọc Thanh giải thích: “Tôi nghĩ các tin tức về nhân sự đồn đoán hiện nay là suy đoán chứ không phải rò rĩ thông tin. Mà những người suy đoán kiểu đó là thường có nhiều động cơ khác nhau, nhưng có lẽ hai động cơ sau đây mà chúng ta dễ thấy, thứ nhứt là tài lanh, nghĩ rằng mình có thông tin mật để khoe với người khác. Số này ít thôi. Người không kín miệng như vậy thì có ai dám cung cấp tin tức để mà họ thêm cơ hội nữa để ‘tài lanh’.

Loại thứ hai là cố tình phá bỉnh Giáo Hội. Có thể họ là phe nhóm trong đảng cầm quyền, đối đầu nhau trong việc chấp nhận hay không chấp nhận những ứng cử viên của Tòa Thánh đề nghị với Việt Nam. Và có thể là xuất phát cả quyền lợi của địa phương, tức là của cấp tỉnh thành nơi có đặt Giáo phận, và cấp trung ương có thể bị cạnh tranh quyền lực với nhau, nên họ cố tình tung cái tin đó ra để cho Tòa Thánh thấy là với cái tin này, nó đã làm mất đi cái quyền độc lập bổ nhiệm Giám mục của Tòa Thánh, khiến Tòa Thánh phải xóa đi làm lại.

Và như vậy đó là cái việc dùng thủ đoạn truyền thông sai trái, nghĩa là anh suy đoán thì phải nói là suy đoán… Việc chủ đích để tấn công vào cơ cấu tổ chức Giáo Hội từ các phe nhóm, cho thấy quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn là những mỹ từ phục vụ làm đẹp cho chính sách đối ngoại”.

Đến nay, mặc dù mối quan hệ giữa Vatican và Việt Nam được cho là ngày càng được cải thiện qua các vòng đàm phán, tuy nhiên cộng đồng Công giáo tại Việt Nam vẫn còn những căng thẳng với chính quyền liên quan tranh chấp đất đai, hay giải quyết hậu quả cho các nạn nhân giáo dân trong thảm họa môi trường biển Formosa xảy ra hồi năm 2016.