Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 35 từ ngày 26/8 đến ngày 01/9/2019: Blogger Dương Thị Lanh bị kết án 8 năm tù giam vì chỉ trích chế độ trên Facebook

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 01/9/2019

 

Chế độ cộng sản Việt Nam tiếp tục đàn áp hoạt động trực tuyến, kết án Facebooker Dương Thị Lanh với bản án tù dài hạn chỉ hai ngày sau khi tống giam nhà hoạt động Huỳnh Đắc Tuý với cùng một tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

Trong phiên toà sơ thẩm ngày 23/8, Toà án Nhân dân tỉnh Dak Nong đã kết án chị Lành 8 năm tù giam và 2 năm quản chế sau khi cáo buộc chị sử dụng 13 tài khoản Facebook để đăng tải và phát tán 380 bài viết chỉ trích chế độ về tham nhũng, ô nhiễm môi trường và việc Trung Cộng xâm phạm chủ quyền đất nước ở Biển Đông cũng như việc chính phủ không có phản ứng thích đáng đối với hành động xâm lược của Bắc Kinh. Gia đình chị không được thông báo về phiên toà và do vậy không được tham dự.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết việc điều tra công dân Australia Châu Văn Khảm đã kết thúc và ông sẽ bị truy tố về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự. Ông Khảm bị bắt ngày 13/1 cùng với ông Nguyễn Văn Viên, thành viên Hội Anh em Dân chủ.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Australia Scott Morrison đến Hà Nội ngày 22-24/8 và nhân dịp Đối thoại Nhân quyền hàng năm lần thứ 16 giữa Australia và Việt Nam, Human Rights Watch Australia đã ra thông cáo kêu gọi Chính phủ Australia gây sức ép buộc Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền và phóng thích 133 tù nhân chính trị.

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất sẽ bị truy tố về cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2 Điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Nhất, người bị bắt cóc ở Bangkok và đưa về Việt Nam cuối tháng 1, sẽ đối mặt với án tù từ 5 đến 10 năm nếu bị kết tội.

Blogger, nhà hoạt động được nhiều người biết tiếng Phạm Đoan Trang được đề cử Giải Tự do Báo chí của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) năm nay. Cô nằm trong danh sách chung khảo gồm các cá nhân và tổ chức từ 12 nước trên thế giới cho 3 giải thưởng quốc tế vinh danh sự can đảm, tính hoạt động độc lập, và ảnh hưởng của họ.

Trước việc Trung Cộng tăng cường gây hấn ở Biển Đông nhằm chiếm Bãi Tư Chính, thay vì đưa ra những biện pháp để bảo vệ chủ quyền đất nước, thì chế độ cộng sản ở Ba Đình lại cho lực lượng an ninh thực hiện nhiều cuộc diễn tập để đối phó với biểu tình của dân chúng. Đây là chỉ dấu chế độ toàn trị ưu tiên bảo vệ chế độ, sẵn sàng đàn áp nhân dân.

Và nhiều tin quan trọng khác

===== 26/8 =====

Facebooker Dương Thị Lanh bị kết án 8 năm tù vì hoạt động trực tuyến

Ngày 23/8, blogger Dương Thị Lanh (Facebooker Ngọc Lan SG) bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông kết án 8 năm tù giam và 2 năm quản chế với tội danh “Phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước.”

Theo cáo trạng, cô Dương Thị Lanh đã sử dụng 13 tài khoản trên Facebook để phát tán tổng cộng 350 tài liệu bị cho là “mang nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vấn đề biên giới và lãnh thổ; vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo; đường lối ngoại giao” trong thời gian từ tháng 6 năm 2017 cho đến khi bị bắt ngày 28/1/2019.

Báo địa phương Đắk Nông còn cho rằng cô lợi dụng một số vụ việc, vấn đề xã hội xảy ra trong nước để xuyên tạc, bịa đặt nhằm gieo rắc sự nghi ngờ của cư dân trên mạng xã hội.

Facebooker Dương Thị Lanh, sinh năm 1983, từng tham gia biểu tình ngày 10/6/2018 ở thành phố Hồ Chí Minh để phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Cô là một trong hàng chục người hoạt động bị bắt và kết án với án tù dài hạn trong năm nay.

——————–

Lễ hội Vu Lan ở Cát Bà bị chỉ trích vì xả rác độc hại ra môi trường

Huyện đảo Cát Bà, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hải Phòng, bị chỉ trích vì gây ô nhiễm môi trường trong lễ hội Vu Lan trung tuần tháng 7 (âm lịch) vừa qua.

Trong đại lễ Vu Lan Cát Bà 2019 vừa qua, ban tổ chức đã thả 3 vạn hoa đăng trên vịnh Lan Hạ. Theo thượng tọa Thích Tục Khang, người đứng đầu Phật Giáo ở huyện đảo này và là trưởng ban tổ chức đại lễ thì lễ năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất trong 5 năm trở lại đây, trước đó có thả hoa đăng nhưng số lượng chỉ là 1 vạn.

Cónhiều ý kiến cho rằng việcthả hoa đăng xuống sông, biểnlà một dạng biến tướng của đạo Phậtvà gây ô nhiễm môi trường. Họ tính mỗi một hoa đăng sử dụng 2 viên pin 2A, với mỗi viên nặng 15 gram thì đã có 900 kg chì được xả ra môi trường, đó là chưa kể nhựa và xốp đi kèm. Việc thu gom và xử lý số rác này là một vấn đề, chưa kể đến chuyện nhiều đèn hoa đăng có thể bị trôi ra biển và không thể thu gom.

Giám đốc Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát BàNguyễn Công Hòakhẳng định đã thu gom hết số hoa đăng chỉ một ngày sau đại lễ. Ông bổ sung rằng lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân, du khách trên huyện đảo tham gia.

Trong khi nhiều quốc gia coi trọng việc bảo vệ môi trường và cần trọng trong mọi hành động và sự kiện thì Việt Nam cho thực hiện rất nhiều hoạt động mang tính bề nổi, hình thức, phô trương mà không tính đến hậu quả gây ô nhiễm môi trường và việc thả 3 vạn hoa đăng ở Cát Bà trong đại lễ Vu Lan vừa qua là một thí dụ.

Cũng mang tính hình thức như thế là việc làm những chiếc bánh trung thu nặng 150 kg hay bánh chưng nặng 700 kg trong vài năm gần đây.

——————–

Việt Nam lại bàn giao tội phạm cho Trung Quốc mà không xét xử

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại bàn giao một nhóm tội phạm cho Trung Cộng mà không tiến hành xét xử về tội phạm mà chúng thực hiện ở tỉnh Quảng Ninh.

Theo truyền thông lề đảng, vào tối ngày 26/8, công an tỉnh Quảng Ninh bàn giao 28 người Trung Hoa cho Cục Công an thànhphố Đông Hưng (Trung Cộng) xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam.

Nhữngkẻ này đã bị công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ ngày 25/8 vì hành vi “chơi” chứng khoán trái phép trên mạng Internet tại một nhà nghỉ ở thành phố Móng Cái. Công an thu giữ 516 chiếc điện thoại di động các loại,21 bộ máy tính còn hoạt động chứa dữ liệu chữ Trung Quốc,1 thiết bị quẹt thẻ để thanh toán qua mạng…

Đây là một trong nhiều vụ nhà cầm quyền Việt Nam bàn giao tội phạm đến từ Trung Cộng cho Bắc Kinh mà không tiến hành xét xử về những hoạt động trái pháp luật Việt Nam trong lúc hoạt động tội phạm của người Trung Hoa có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Sài Gòn.

Trong tháng 7, công an Hải Phòng đã bắt giữ gần 400 tên tội phạm đánh bạc người Trung Hoa tại khu đô thị Our City và chuyển giao ngay cho phía Trung Cộng, và nhà cầm quyền Đồng Nai cũng trục xuất 6 tên hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực y tế.

Việc trục xuất tội phạm người Trung Hoa không qua xét xử về những hành vi trái pháp luật của Việt nam làm cho nhiều người tự hỏi liệu Việt Nam còn có chủ quyền quốc gia hay không. Trong khi đó, chế độ cộng sản ở Hà Nội tiếp tục áp dụng nhiều chính sách có lợi cho người Trung Quốc như miễn visa và cho phép họ lái xe cá nhân vào Quảng Ninh, và không kiểm soát chặt chẽ họ như kiểm soát chính người dân Việt Nam.

===== 27/8 =====

Người đưa đón học sinh trường Gateway bị bắt khẩn cấp sau khi cầu cứu luật sư

Ngày 27/8, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón học sinh của trường tiểu học Gateway trong vụ một cháu bé lớp 1 bị chết vào ngày 06/8, chỉ vài ngày sau khi bà cầu cứu luật sư vì bị công an quận Cầu Giấy ép cung.

Báo chí lề đảng đưa tin công an Cầu Giấy khởi tố bị can vào trưa ngày thứ Ba, và tiến hành bắt giữ bà vào lúc 18 giờ với cáo buộc “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 của Bộ luật hình sự. Bà sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là 5 năm nếu bị kết tội.

Công an Hà Nội cũng công bố kết quả giám định tử thi của cháu L., theo đó, cháu tử vong là do chết ngạt vì suy hô hấp, tuần hoàn sốc nhiệt trong xe Ford Transit 16 chỗ, thời điểm chết là đầu giờ chiều ngày 06/8.

Theo luật sư Lê Trọng Minh, rất nhiều công an được điều động đến khu vực nhà riêng của bà Quy. Ông cũng cho biết trường hợp của bà Quy không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam.

Việc khởi tố và bắt giữ bà Quy được tiến hành vài ngày sau khi bà Quy cầu cứu hai luật sư Minh và Nguyễn Thanh Sơn thuộc Văn phòng Luật sư Dragon (Hà Nội). Trong hai ngày 24-25/8, công an và viện kiểm sát đã liên tiếp đưa giấy triệu tập bà lên làm việc, và bà cũng đã đến hai cơ quan trên ngày 26-27/8 để khai báo.

Viết trên Facebook page của mình, luật sư Minh lo ngại rằng bà Quy có thể không đủ năng lực và tỉnh táo để khai báo nếu như không có luật sư của mình bên cạnh.

Ngoài bà Quy, những người khác có liên quan đến cái chết của cháu L. như lái xe Phiến, giáo viên hay viên chức của Gateway không ai bị tra hỏi, khởi tố hay bị bắt giam. Đặc biệt lái xe Phiến, người có vai trò quan trọng hơn trong vụ án, lại biệt tăm, có dư luận cho rằng ông này không còn sống.

Vụ án có thể liên quan đến việc đấu đá trong nội bộ đảng cộng sản cầm quyền. Thủ tướng Phúc, ứng cử viên cho chức tổng bí thư, có con gái là sáng lập viên và cổ đông chiến lược của Gateway.

——————–

Hà Nội liên tục diễn tập chống bạo động, sẵn sàng đàn áp biểu tình chống Trung Cộng

Theo một số nguồn tin trên mạng xã hội, nhà cầm quyền Việt Nam liên tục tổ chức diễn tập chống bạo động với mục tiêu tăng cường khả năng đối phó với việc biểu tình của dân chúng chống lại Trung Cộng xâm phạm chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.

Theo Facebooker Lâm Nguyễn Tùng từ Hà Nội, chế độ cộng sản độc tài huy động rất đông cảnh sát cơ động để diễn tập chống bạo động trong 10 ngày liên tiếp ngay cạnh sân vận động Mỹ Đình ở thủ đô Hà Nội bắt đầu từ trung tuần tháng 8.

Facebooker này cho biết nhiều đường gần khu vực đó bị chặn không cho phương tiện qua lại, tuy nhiên, do không có cảnh báo từ xa, nên dòng xe đổ vào và bị tắc nghẽn hàng giờ đồng hồ. Anh bổ sung rằng do bực tức vì bị kẹt, nhiều người đi đường văng tục.

Khi Trung Cộng càng gia tăng vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, chế độ cộng sản ở Hà Nội càng sợ người dân đứng dậy biểu tình phản đối ở mức không thể kiểm soát.

Trong khi đó, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng, với sự hộ tống củanhiều tàu hải cảnh bán vũ trang, đang ngày càng hướng vào sát đất liền của Việt Nam. Hiện nay, nhóm tàu nàychỉ cách bờbiển Phan Thiết 185 kilomet… Giàn lãnh đạo cao cấp của chế độ, kể cả chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn im lặng trước hành động xâm lăng của Bắc Kinh.

===== 28/8 =====

Công an đề nghị truy tố Blogger Trương Duy Nhất

Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã kết thúc quá trình điều tra đối với cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao với đề nghị truy tố ông với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2 Điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kết luận ông Nhất lợi dụng giấy tờ của báo Đại Đoàn Kết để bán nhà đất không qua đấu giá cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, gây thất thoát lãng phí.

Ngày 28/8, ông được gặp luật sư Ngô Anh Tuấn trong trại giam T16 của Bộ Công an lần đầu tiên kể từ khi bị đưa vào đây cuối tháng 1. Ông bị cảnh sát Thái Lan bắt cóc ngày 26/1,  chỉ một ngày sau khi đăng ký xin tỵ nạn tại Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp quốc về Người tỵ ạn ở thủ đô Bangkok. Phía Thái Lan đã chuyển giao ông cho mật vụ Việt Nam, theo một số chuyên gia của LHQ.

Theo luật sư Tuấn, ông Nhất có sức khoẻ ổn định, không bị tra tấn vật lý trong quá trình tạm giam.

Sau khi ông bị bắt, gia đình có mời luật sư Trần Vũ Hải làm đại diện pháp lý. Tuy nhiên, sau đó ông Hải không đủ điều kiện để bào chữa cho ông Nhất sau khi chính ông bị khởi tố với cáo buộc “trốn thuế.”

===== 29/8 =====

Hai tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Trung Tôn bị ngược đãi và sức khỏe yếu trong tù

RFA: Người nhà của hai tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Trung Tôn đồng loạt lên tiếng về tình trạng sức khỏe người thân trong chuyến đi thăm gần nhất.

Chiều 29/8, bà Bùi Thị Rề, vợ ông Nguyễn Văn Túc, người đang thụ án 13 năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” tại trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An kể lại cuộc thăm gặp chồng mình một ngày trước đó:

“Anh ấy nói to lên để cho chị em tôi nghe để chị em tôi về nói với mọi người. Anh nói nếu trại không chuyển người tù hình sự ở với anh đi và nếu xảy ra chuyện gì thì trại giam phải chịu trách nhiệm. Vì người tù hình sự đó láo toét lắm, nó đánh anh ấy, nó chửi anh ấy, nó đối xử với anh ấy khốn nạn lắm… Cái người công an đó thì ngăn, nói là ‘anh nói khẽ thôi’ nhưng mà ảnh vẫn cứ nói to để chúng tôi nghe thấy mà nói với mọi.”

Cũng theo bà Rề, bệnh tim của ông Túc chuyển biến nặng, trước đó ông lên cơn đau tim và ngất xỉu vài tiếng đồng hồ trong buồng giam nhưng không được điều trị đến nơi đến chốn.

Bà Bùi thị Rề cho biết thêm cuộc thăm gặp lần này bị rút ngắn với lý do ông Nguyễn Văn Túc không chịu nhận tội và trại giam đánh giá hạnh kiểm xấu.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi cho các số điện thoại của trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An được công khai trên Internet để hỏi về vụ việc nhưng không kết nối được.

Cũng tin có liên quan, bà Nguyễn Thị Lành, vợ mục sư Nguyễn Trung Tôn thuộc Hội Anh em dân chủ kêu cứu về tình trạng sức khỏe của chồng mình đang ngày một yếu đi do những lần bị đánh trước khi bị bắt giam. Bà Lành nói qua điện thoại tối 29/8 với RFA.

“Gặp thì vẫn được gặp, nhưng tình trạng yếu đi vì những trận đánh của an ninh trước khi bị bắt, anh vẫn chưa được mổ thì bắt đi tù. Bây giờ anh bị tiểu đêm rất là nhiều, tiểu 10 lần một đêm và tình trạng xấu đi.

Ý muốn của anh ấy là không muốn ở trong tù nữa. Trường hợp của anh là có gửi đơn nhưng mà không được đi khám,”

Chúng tôi cũng chưa liên lạc được với cán bộ trại giam Gia Trung, Gia Lai để xác minh về vụ việc.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị tuyên án 12 năm tù giam hồi năm 2018 trong vụ án mà chính quyền gọi là “Nguyễn Văn Đài và đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Vào năm 2011, Mục sư Nguyễn Trung Tôn từng bị Tòa tại Nghệ An kết án 2 năm tù và 2 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88.

Ông đang phải thụ án tại trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai cùng với hai tù nhân lương tâm khác là anh Nguyễn Văn Oai và bà Trần Thị Nga.

——————–

Trung Cộng phê chuẩn Hiệp định dẫn độ với Việt Nam

Theo hãng thông tấn Xinhua, ngày 26/8, Quốc vụ viện Trung Cộng đã phê chuẩn Hiệp định dẫn độ tội phạm với Việt Nam.

Theo đó, hiệp định này gồm 22 điều khoản bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, những lý do có thể và nên được sử dụng để từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp.

Xinhua cho biết nhóm làm việc của chính phủ Trung Cộng được thành lập từ nhiều bộ ngành đã tiến hành đàm phán với phía Việt Nam về hiệp định này từ tháng 10 năm 2013, và hai chính phủ cộng sản đã ký hiệp định vào ngày 07/4/2015.

Không có thông tin về việc Việt Nam phê chuẩn hiệp định này. Truyền thông lề đảng, bị kiểm duyệt bởi Ban tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản và Bộ thông tin và truyền thông, dường như không đưa tin về việc hai quốc gia đã ký hiệp định dẫn độ trên.

Thông tin trên mạng xã hội đã nhiều lần đưa tin Hà Nội trục xuất nhiều người Ngô Duy Nhĩ khi họ vượt biên giới Trung-Việt trên biên giới phía Bắc của Việt nam và trao trả cho phía Trung Cộng. Đã có một vụ đấu súng giữa người Ngô Duy Nhĩ và lính biên phòng Việt Nam làm nhiều người từ cả hai bên bị chết.

Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ của tội phạm đến từ Trung Cộng. Trong tháng 7, Việt Nam giao cho phía Trung Cộng hơn 400 người Trung Hoa vi phạm pháp luật Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đánh bạc trực tuyến, mà không bị xét xử bởi toà án của Việt Nam. Ngày 23/8, nhà chức trách tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao 26 công dân Trung Hoa cho Trung Cộng ngay sau khi bắt giữ chúng về tội gian lận trong hoạt động chứng khoán.

===== 30/8 =====

Phạm Đoan Trang được đề cử Giải Tự do Báo chí 2019 của RSF

Blogger, nhà hoạt động được nhiều người biết tiếng Phạm Đoan Trang được đề cử Giải Tự do Báo chí của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) năm nay.

Theo thông cáo của RSF ra ngày 29/8, Phạm Đoan Trang nằm trong danh sách chung khảo gồm các cá nhân và tổ chức từ 12 nước trên thế giới cho 3 giải thưởng quốc tế vinh danh sự can đảm, tính hoạt động độc lập, và ảnh hưởng của họ.

Tổng Thư ký tổ chức quốc tế RSF, Christophe Deloire, cho biết nhiều ứng viên luôn đối diện với đe dọa và bị cầm tù nhiều lần nhưng họ vẫn tiếp tục lên tiếng chống lại sự lạm dụng quyền lực, tham nhũng và các tội ác khác và rằng công việc của họ là nguồn động viên cho tất cả những ai muốn giải quyết những khó khăn quan trọng nhất của nhân loại.

Phạm Đoan Trang được đề cử giải vinh danh tầm ảnh hưởng.

Sáng lập viên của tạp chí online ‘Luật Khoa’, RSF nói, sống tại một trong những nước đàn áp nhất trên thế giới. Với những bài viết của mình, cô giúp người dân hiểu rõ quyền và tự bảo vệ các quyền dân sự của họ. Cô cũng là một nhà cổ súy mạnh mẽ cho quyền của cộng đồng LGBT. Nữ ký giả độc lập này, vẫn theo RSF, bị đánh đập, sách nhiễu, và giam cầm nhiều lần tại Việt Nam vì các hoạt động cổ súy nhân quyền một cách ôn hòa.

Tại lễ trao Giải Tự do Báo chí lần thứ 27 vào ngày 12/9 tới đây ở Berlin (Đức), RSF sẽ loan báo ba người được nhận ba giải thưởng chung cuộc.

Kể từ khi ra đời năm 1992, Giải Tự do Báo chí thường niên của RSF dành trao tặng cho các nhà báo độc lập, dấn thân tranh đấu cho quyền tự do báo chí và hoạt động của họ gây ảnh hưởng lớn trong cộng đồng.

RSF nói các giải thưởng này là tín hiệu cho các thể chế đàn áp thấy rằng công việc của những nhà báo can đảm được thế giới biết đến và họ không cô đơn, không bị thế giới lãng quên.

——————–

Công dân Australia Châu Văn Khảm sẽ bị truy tố với cáo buộc “lật đổ chính quyền”

Theo ABC News, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ truy tố ông Châu Văn Khảm, công dân Australia, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật hình sự, với mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.

ABC News nhận được thông tin từ thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 30/8, một ngày sau Đối thoại Nhân quyền Australia-Việt Nam lần thứ 16 tại Canberra.

Ông Khảm, 70 tuổi và là thành viên của tổ chức Việt Tân, bị bắt ngày 13/1/2019 khi đang gặp gỡ với ông Nguyễn Văn Viên, thành viên Hội Anh em Dân chủ, trong một quán cafe ở Sài Gòn. Ngoài cáo buộc lật đổ, ông còn bị cho là đã sử dụng giấy tờ giả mạo để nhập cảnh từ Campuchia.

Quyết định truy tố ông Khảm được công bố chỉ ít ngày sau chuyến viếng thăm Hà Nội của Thủ tướng Australia Scott Morrison khi hai nước muốn tăng cường đối tác chiến lược và trọng tâm là đầu tư, thương mại và an ninh. Quyết định này cho thấy lực lượng an ninh diều hâu thắng thế phe ngoại giao trong bộ máy độc tài toàn trị ở Việt Nam.

Trong dịp Thủ tướng Scott Morrison thăm Việt Nam, và Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa hai quốc gia, Human Rights Watch ra thông cáo báo chí kêu gọi Australia thúc ép Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền tồi tệ của mình. Tổ chức nhân quyền này cho biết Việt Nam đang giam giữ 133 tù nhân chính trị và tước đoạt nhiều quyền phổ quát của người dân như tự do tôn giáo, tự do biểu đạt và tự do lập hội.

======================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây